“Đạo-đứt” chứ không phải “đạo đức”. “Đạo” ở đây là đạo làm người, đạo đức của xã hội. Còn “đứt”, chính là… đứt, đứt bóng.

Mỗi khi cánh cổng Trung tâm Pháp y hé mở, hàng chục người cầm điện thoại và micro lập tức vây kín lối đi – Nguồn: zingnews.com   

  1. “Thời mạt pháp”?

Mấy hôm nay, thiên hạ bàn luận về việc hàng ngàn người chen lấn, vây quanh Trung tâm Pháp y TP HCM, khi nghe tin nghệ sĩ Chí Tài qua đời vì đột quỵ và được đưa đến đây, trước khi lo thủ tục tiếp theo. Một điểm giống nhau của đám đông kia là tay ai cũng đồng loạt giơ điện thoại kèm micro lên, chĩa thẳng vào mặt những nghệ sĩ đến đây nhìn mặt danh hài Chí Tài lần cuối. Nhiều kẻ tìm mọi cách ghi lại bằng được những hình ảnh cuối cùng của vị danh hài vắn số này, hòng đăng lên mạng “câu like”, “câu view”. Càng về khuya, «đội quân» Facebooker, YouTuber, streamer kéo đến càng đông, vừa xô đẩy, vừa la hét gây nên khung cảnh hỗn loạn trước cửa Trung tâm Pháp y. Và sự việc xảy ra liên tục 2 ngày như vậy!

Trong hàng ngàn gương mặt đang cầm điện thoại đó, rất nhiều nụ cười tươi như mới lượm được vàng. Nên không ai biết, liệu trong đám hỗn loạn đó, có ai thật sự tiếc thương người đã khuất? Ðặc biệt, đa số những kẻ này đều là người trưởng thành, có tuổi, có những đứa con thơ cần lấy họ làm gương ở nhà!

Nhiều người xót xa hỏi nhau: Còn đâu việc im lặng, tháo nón, cúi đầu khi gặp đám tang được dạy dỗ bao đời? Giờ thấy đám tang là giơ máy lên livestream, quay clip câu like…

Cũng có người lắc đầu thở dài, trả lời: Hổng chừng bây giờ mà “im lặng, tháo nón, cúi đầu khi gặp đám tang” sẽ bị thiên hạ quở là… khùng!

Mấy bà cô Phật tử thì thở dài, nói: Thời mạt pháp mà bây!

Tôi thì không biết “Thời mạt pháp” là gì, nhưng tôi biết, thời này không gì “mạt” hơn đạo đức nhân loài!

Cười trước, mếu sau – Nguồn: Facebook

  1. “Kẻ tổn thương lại muốn tổn thương người khác”

Bạn nghĩ sao nếu bạn được trở lại làm một cô/cậu bé tuổi teen xinh xắn. Vào một buổi chiều đẹp trời, sau khi “đóng bộ”, trang điểm. Bạn bước ra khỏi nhà, đi tới những khu vui chơi, “tụ tập” dành cho giới trẻ. Bạn gặp được những người bạn thân thuộc, cùng chuyện trò xôm tụ.

Ðang vui vẻ thì bạn gặp những người mặc đồ thú nhồi bông, đóng giả nhân vật hoạt hình như Pikachu, Hello Kitty, gấu, Tôn Ngộ Không… Họ mỉm cười thân thiện với bạn, chèo kéo bạn chụp ảnh cùng họ. Là tôi, thì tôi cũng chụp!

Sau những giây phút cười vô tư trước “ống kính” của điện thoại di động, với những tấm ảnh bên các nhân vật hoạt hình. Bạn sẽ bị chính những chú gấu bông đáng yêu kia đòi tiền công (chụp hình chung) một cách trắng trợn. Nếu không đòi được thì họ liền trở mặt, gây sự và đe dọa bạn…

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Ðây là chuyện đang xảy ra ở khắp các tỉnh có lượng khách du lịch đông ở Việt Nam: Sài Gòn, Vũng Tàu, Ðà Lạt, Nha Trang, Mũi Né, Hà Nội, Hải Phòng v.v. Ngay tại “phố đi bộ” ở quận 1 – Sài Gòn, nơi có lực lượng công an/bảo vệ/dân quân tự vệ khá đông, nhưng chuyện này vẫn xảy ra như cơm bữa, chắc cũng hai năm nay.

Có một câu tôi rất thích, nằm trong lời của một bài nhạc trẻ thời nay “thật buồn cười, kẻ tổn thương lại muốn tổn thương người khác”. Quả tình là như vậy. Người ta cứ trách con nít thời nay hỗn hào, con nít thời nay thiếu kiến thức, con nít thời nay lươn lẹo… mà họ không nghĩ đến những gì mà con nít thời nay đã trải qua. Khi cha mẹ chúng bận làm “Facebooker, YouTuber, streamer”, khi thầy cô chúng mắc chạy đua “doanh số” với các “show” học thêm bắt buộc và không đúng với quy định nghề Giáo. Khi chính chúng có thể bị bắt nạt ở mọi nơi, từ trường về nhà, từ gia đình đến xã hội. Khi không ai có đủ thời gian quan tâm, dạy dỗ, chia sẻ với chúng bằng mạng xã hội, và những người bạn xa lạ trên đó – Cũng chính là thứ dễ dàng “dạy hư”, giết chết chúng bất cứ lúc nào. Bởi vậy, Việt Nam ngày càng có nhiều tên tội phạm trẻ tuổi. Từ những việc nhỏ nhặt như phá làng phá xóm, chơi ngông, vô ý thức… đến những việc lớn như đi bán dâm, đi buôn ma túy, đi dàn cảnh giết người/cướp tài sản, hoặc đi làm… lãnh đạo!

Ăn quả (kiểu này) nhớ kẻ trồng… răng? – Nguồn: vietnamnet.vn

  1. Ăn quả nhớ kẻ trồng… răng?

Hồi nhỏ, tôi đã từng rất đau lòng vì câu nói “nét chữ nết người”. Bởi vì tôi viết chữ rất xấu, nhất là sau những năm tháng dài dùng bàn phím luôn luôn. Ðôi khi, tôi còn định làm người… xấu như nét chữ của mình cho «xứng lứa vừa đôi» – Tuy nhiên, do bản tánh hiền lành, tốt bụng, vị tha, bao dung, thương người… mà tôi không thành công làm người xấu. Chỉ đôi khi “lỡ tay” một chút. – Nhưng mà người ta nói, đời này có nhân có quả. Ai làm việc xấu thì nhứt định sẽ gặp chuyện xấu, không sớm thì muộn. Nên mỗi khi, tôi trót làm chuyện xấu với ai đó, tôi lại nghĩ rằng, người ấy nhứt định trước đây đã làm việc xấu, nên bây giờ mới chịu hậu quả mà thôi. Tôi chỉ là nguời “thế Thiên hành đạo”. Rồi tôi cảm thấy yên tâm lắm!

Ðược cái, càng sống, tôi càng biết được, câu nói «nét chữ nết người» không hề đúng với tất cả. Nết của của một con người không bày ra bằng nét chữ, mà phải nhìn cách sống của họ. Có nhiều người viết chữ đẹp nhưng sống chẳng ra gì. Tôi càng yên tâm hơn!

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Ví dụ như những bạn trẻ ở Hà Nội đã viết câu “Cây này bọn tớ liếm hết rồi, hihi” bằng những nét chữ ngay ngắn, cứng cáp. Sau khi họ bỏ mỗi người 15,000 tiền VN – chưa tới  1 USD – vào vườn táo (của một người nông dân) vui chơi, sống ảo, thăm thú và để lại dấu răng trên hầu hết những trái táo mà họ có thể đụng tới, cắn mỗi trái một nửa. Ðó không phải là trường hợp đầu tiên. Trước đây, tại Mộc Châu (Sơn La), khi chỉ với 20,000 đồng, du khách có thể vào những vườn mận chín đỏ để thưởng thức và chụp ảnh. Thì có một nhóm thanh niên vào vườn mận cắn mỗi trái (vẫn còn tươi nguyên trên cành) một nửa, ăn chán thì hái mận trong vườn chơi trò chọi nhau. Sau đó họ còn chụp ảnh/quay video lại cảnh đó, đăng lên mạng xã hội “khoe khoang” hành động mọi rợ của mình, với lời dẫn: “Ðây là cách tao ăn mận.”

Và tôi tin, đó cũng không phải là trường hợp cuối cùng. Vì dù dư luận luôn miệng cực lực phản đối, luôn tay đòi «giao hợp» với cả dòng họ những bạn trẻ không biết điều trên. Thì chúng ta vẫn gặp lại “họ”, với những gương mặt khác, cách thức khác. Ngày càng “sáng tạo” hơn. Bởi vậy, cứ lâu lâu thì lại có những bài báo kiểu như:

– Ðồi chè Ô Long “hot” nhất Sa Pa phải đóng cửa vì du khách xả rác, bẻ cành, rung cho hoa rụng…

– Ðóng cửa đồi “săn mây” mới nổi Yumonang ở Ðà Lạt vì du khách quên mang… ý thức.

– Cánh đồng hoa Ninh Thuận đóng cửa vì bị du khách giẫm nát.

– “Cây trái tim” ở đồi dứa Tam Diệp – cách Hà Nội khoảng 100km – điểm “sống ảo” siêu “hot” một thời đã bị chặt bỏ. Vì nhiều người giẫm nát dứa, vứt rác bừa bãi, thậm chí là ăn trộm đồ…

– …

Không những những điểm du lịch, điểm thăm thú, di tích lịch sử… ở Việt Nam ảnh hưởng bởi du khách Việt Nam. Mà “Một ngôi sao, trái tim và một cái tên “A Hào” khắc trên phiến đá tại thành cổ Yonago – Nhật Bản nghi do một người Việt Nam tạo ra đã làm dư luận giận dữ.” Hay những biển báo, biển cấm bằng tiếng Việt ở Thái, ở Hàn, ở Ðài Loan, ở Nhật, ở Lào… từ lâu đã trở thành nỗi xấu hổ của những người Việt còn lòng tự trọng!

Tôi không biết các xứ xa xôi “xử lý” chuyện trên thế nào? Nhưng tôi biết ở xứ Tân Gia Ba (Singapore) thì xả rác là một tội nặng. Có thể bị phạt tiền từ 500 – 5.000 SGD. Nếu cố tình tái phạm đến lần thứ 3, ngoài việc nộp phạt du khách còn phải bị phạt tạp dịch trong vòng một tuần liền và lúc nào cũng phải đeo một tấm bảng có ghi “Tôi đã xả rác bừa bãi”. Ngoài ra còn có thể bị đánh roi nữa.

Xem thêm:   Chó...

Hoặc ở Thái Lan, hồi tháng 9, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-archa tuyên bố sẽ gửi trả lại rác bị xả bừa bãi trong vườn quốc gia Khao Yai cho du khách nào “để quên” bằng đường bưu điện.

Ðó là những cố gắng của các «nước bạn» vì một môi trường sạch sẽ hơn. Còn ở Việt Nam, ngay cả mấy ông «nghị gật» còn xả rác hàng loạt bằng những đề xuất ngớ ngẩn, những thông tư/nghị quyết/báo cáo muốn đưa ra hồi nào đưa, muốn rút hồi nào rút… thì chuyện giáo dục cho dân đen cách sống văn minh trở lại như ngày xưa – khi người ta «đem» đàn bò vào thành phố – là rất khó khăn. Tại có ai đó nói, đem đàn bò ra khỏi thành phố là rất dễ, nhưng làm sao mang thành phố bỏ trốn khỏi đàn bò? Bởi vậy, tác giả Ngô Trường An có liệt kê/so sánh về “Công và tội” như sau:

Nhân viên một quán cà phê ở Vũng Tàu cùng nhau đẩy rác xuống biển – Nguồn: Chụp từ video

  1. Công và tội – Tác giả Ngô Trường An

Cùng một sự việc như nhau, cùng một bản chất giống nhau. Nhưng kẻ thì có công, người thì có tội. Nó đây:

– Người có nhiều đất đai ngày xưa = Ðịa chủ (có tội)

-Người nhiều đất ngày nay = “Ðại gia” bất động sản (Có công)

– Người có công ty, nhà máy ngày xưa = Tư sản mại bản (có tội)

– Người có công ty, nhà máy ngày nay = Doanh Nhân (có công)

– Mỹ đem quân qua Miền Nam VN = xâm lược (Có tội)
Nga, Tàu đem quân qua Miền Bắc = Giúp đỡ khối XHCN trên tinh thần Quốc Tế vô sản (Có công)

– VN đem quân qua Campuchia = làm nhiệm vụ Quốc Tế (có công)

– Nã pháo vào hang ổ Việt cộng = khủng bố (có tội)

– Ðặt mìn nơi công sở, ném lựu đạn vô chợ, trường học = Biệt Ðộng Thành hoạt động cách mệnh (có công).
– Cầm súng Mỹ = chống lại Nhân Dân (Có tội)

-Cầm súng Nga, Tàu = “Giải phóng” Nhân Dân (Có công)

– Biểu tình chống Mỹ trước 1975 = yêu nước (Có công)
Biểu tình chống Tàu sau 1975 = “phản động” (Có tội)

– Nhảy đầm trước 75 = Ðồi trụy, lai căng (có tội)
Nhảy đầm sau 75 = “Bước nhảy hoàn vũ” – gameshow (có công)

– Vượt biên ra nước ngoài = Ðu càng, phản quốc (có tội)
Vượt biên gởi tiền về = khúc ruột ngàn dặm (có công)

– Quan chức ngày xưa = cường hào, ác bá (có tội)
Quan chức ngày nay = lãnh đạo đảng, nhà nước (có công)

Ta nói, vì những gì xảy ra giữa xã hội hiện giờ, vì những công-tội ở trên. Không hẹn mà gặp, chừ đi đâu cũng thấy nhân loài ở Việt Nam ưa “hoài cổ”! Họ không chỉ nhớ những thành phố ngày cũ, những lề lối ngày cũ, những con người (lẫn con nít) ngày cũ, mà họ còn nhắc hoài những… chính phủ ngày cũ nữa!

DU