Phạm Xuân Đài

Có những lúc nhìn lại lịch sử một cách bao quát, bỏ bớt các chi tiết rườm rà của các sự việc, chúng ta mới thấy rõ hơn những nét lớn, và từ đó nhận ra những ý nghĩa đích thực hơn. Ví dụ đọc những trang sử giữa Việt Nam với Chiêm Thành, nếu không bận tâm lắm về từng biến cố của sự bang giao, như các trận giao tranh Việt – Chiêm hoặc giao hảo gã công chúa cho vua Chiêm để lấy đất v.v. thì với cái nhìn tổng hợp, chúng ta sẽ thấy được tư tưởng xuyên thời đại của người Việt Nam trong quá khứ là luôn luôn bành trướng về phía Nam. Từ khi mở ra thời đại tự chủ, hình như triều vua nào cũng biết cái nhiệm vụ âm thầm ấy và khi có cơ hội thì thực hiện ngay, bằng mọi cách. Cuộc Nam Tiến hoàn tất, đối với dân Việt Nam gần như là sự kết thúc một trách nhiệm mà lịch sử đã đặt vào tâm trí mọi người về việc mở mang bờ cõi.

Nhưng còn một sự hoàn tất nữa, cũng mang ý nghĩa lịch sử hệ trọng, là nước ta chính thức có chữ viết của ngôn ngữ Việt Nam mà chúng ta gọi là chữ Quốc Ngữ, vào giữa thế kỷ thứ 19. Gọi là “hoàn tất” vì việc sáng chế ra chữ quốc ngữ đã xảy ra từ hai thế kỷ trước và sống âm thầm trong một bộ phận dân chúng nhỏ, chờ một điểm hẹn của lịch sử để chính thức vai trò của nó trong đời sống dân tộc cho đến ngày nay và mãi mãi cho mai sau.

Học giả Trương Vĩnh Ký – do họa sĩ Trịnh Cung vẽ  

Công cuộc sáng chế ra chữ quốc ngữ, các giáo sĩ, thoạt tiên là người Ý, tiếp theo là Bồ Ðào Nha, và sau cùng Cố Alexandre de Rhodes đã làm công việc hoàn chỉnh, và đã viết ra các bài giảng bằng tiếng Việt la-tinh và nhất là đã soạn một quyển từ điển dịch tiếng Việt ra tiếng Bồ Ðào Nha và La Tinh. (*)

Cho mãi đến một điểm hẹn của lịch sử vào giữa thế kỷ 19. Một thứ chữ âm thầm hiện diện trên đất nước từ hai thế kỷ trước, khi dân tộc sắp hoàn tất cuộc Nam Tiến, và kiên nhẫn chờ đợi thời điểm chính mình xuất hiện để đóng vai trò hệ trọng trong đời sống văn hóa của dân tộc này. Một cái Duyên lớn lao mang tầm vóc lịch sử. Và nhân vật đứng ra để thực hiện công tác văn hóa lớn lao này đã xuất hiện đúng điểm hẹn của lịch sử : ông Trương Vĩnh Ký.

Trương Vĩnh Ký (1837-1898) vào thời của ông là một trí thức Việt Nam duy nhất nắm vững hai nền văn hóa: một, của nước Việt Nam truyền thống thấm nhuần Nho, Phật, Lão; và hai, nền văn minh Tây phương với Thiên Chúa Giáo, nền triết học và văn học mới mẻ, và đặc biệt nền khoa học tiến bộ về mọi mặt của Tây phương.

Xem thêm:   Allen PAC

Với khả năng hiếm có riêng về ngôn ngữ, ông đã đi tiên phong đảm trách việc “truyền bá quốc ngữ” với các công tác cụ thể như sau :

– Làm Báo: Ông đã có thời gian làm chủ bút tờ Gia Ðịnh Báo, là tờ báo Việt ngữ đầu tiên của Việt Nam. Ðây là một tờ công báo do chính quyền thực dân Pháp thành lập năm 1865 và sống đến năm 1910. Năm 1869, Trương Vĩnh Ký được cử làm Chánh Tổng Tài (Chủ nhiệm kiêm Chủ bút), và đảm nhiệm chức vụ này cho đến năm 1871. Trương Vĩnh Ký, như vậy, được coi như người Việt Nam đầu tiên điều khiển một tờ báo Việt ngữ.

Nhưng phải chờ đến năm 1888 ông Trương Vĩnh Ký mới sáng lập và làm chủ một tờ báo của riêng mình, đó là tờ Thông Loại Khóa Trình, còn có tên là Miscellanées. Ðây là tờ báo đầu tiên do người Việt làm chủ, xuất bản hàng tháng, tự định lấy nội dung và mục đích riêng biệt, mang dáng dấp của một tạp chí với các bài viết về văn hóa, văn học và lịch sử nước nhà.

– Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên in và xuất bản các truyện nôm văn vần của nước ta bằng chữ quốc ngữ. Với phương tiện chữ quốc ngữ vừa đơn giản vừa dễ học, Trương Vĩnh Ký đã nghĩ ra việc in lại các tác phẩm văn chương cổ điển của nước ta bằng thứ chữ mới này để phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Ông phải đọc lại các sách chữ Nôm xưa và viết lại từng câu bằng chữ quốc ngữ, chú thích các điển tích và những chữ khó hiểu rồi đem in và phổ biến. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam các tác phẩm sau đây đã mang một hình thức hoàn toàn mới mẻ với chữ Việt la-tinh: “Kim, Vân, Kiều Truyện”, “Phan Trần Truyện”, “Lục Vân Tiên”, “Lục Súc Tranh Công”, “Huấn Nữ Ca”, “Nữ Tắc”, “Thơ Dạy Làm Dâu”, “Cổ Gia Ðịnh Phong Cảnh Vịnh”, “Kim Gia Ðịnh Phong Cảnh Vịnh” v.v. Ngoài bìa mỗi cuốn đều có câu chú thích hoặc bằng tiếng Pháp: “Transcrits en Quốc Ngữ par P. J. B. Trương Vĩnh Ký”, hoặc bằng tiếng Việt: “P. J. B. Trương Vĩnh Ký Chép Ra Chữ Quốc Ngữ và Dẫn Giải”.

– Trước tác bằng chữ quốc ngữ:  Riêng phần ông, Trương Vĩnh Ký phải được coi là người đầu tiên sáng tác văn xuôi bằng chữ quốc ngữ.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/11/2024)

Ông đã trước thuật bằng quốc ngữ những tài liệu trong nền học vấn xưa của nước ta như Tam Tự Kinh, Sơ Học Vấn Tân, Ðại Học, Trung Dung, Minh Tâm Bửu Giám, Tam Thiên Tự Giảng Nghĩa, Sử Ký Nam Việt, Sử Ký Trung Hoa v.v. (**)

Phần sáng tác, đáng kể nhất là bài viết Chuyến Ði Bắc Kỳ năm Ất Hợi, hoàn toàn là một ký sự ghi chép về một chuyến đi. Những cuốn như Chuyện Khôi Hài, Chuyện Ðời Xưa… nhiều phần do ông viết thuật lại các câu chuyện kể từ lâu trong dân gian, nhưng cũng có thể coi gần như là sáng tác vì văn viết và cách sắp xếp ý tứ câu chuyện là hoàn toàn của ông.

Vậy Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên viết văn xuôi bằng chữ quốc ngữ, mở đường sáng tác cho các nhà văn Nam Kỳ thời đầu thế kỷ 20, rồi tiếp theo là sự nở rộ các cây bút miền Bắc vào những thập niên 1920, 30 trở đi, để đưa sự sử dụng chữ quốc ngữ tới chỗ trưởng thành.

o O o

Trương Vĩnh Ký, với tài năng và tấm lòng hiếm có của mình, xuất hiện đúng vào một thời điểm đặc biệt của lịch sử, đã tạo nên một khúc quanh rất lớn cho nền văn hóa Việt Nam. Ðó là thời điểm mà làn gió Tây phương đang thổi vào các quốc gia Ðông phương, mà dù trong hoàn cảnh nào, dù sớm hay muộn, các quốc gia phía Ðông cũng phải tiếp nhận để có thể vươn mình ra khỏi tình trạng giậm chân tại chỗ hàng ngàn năm của mình.

Ðiểm đặc biệt trong khuynh hướng tất yếu của lịch sử này, Việt Nam là nước duy nhất của Á Châu sớm có một chữ viết mới cho mình với dạng thức của Âu châu (***). Nước Tàu dĩ nhiên phải giữ lại Hán tự như bộ mặt của cả một nền văn minh cổ của họ. Nước Nhật, nước Triều Tiên vẫn giữ chữ viết đã có của họ, duy chỉ có nước Việt Nam là dứt khoát bỏ chữ Hán, dùng Quốc ngữ được sáng chế từ mẫu tự la-tinh.

Dù gặp khó khăn thời gian đầu do nhận thức của dân chúng trước một thứ chữ quá xa lạ, nhưng với công sức của Trương Vĩnh Ký, chữ quốc ngữ dần dần được dân chúng chấp nhận, đi học và sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Hóa ra đó là một thứ chữ quá dễ học so với Hán tự và chữ Nôm, như đoạn viết sau đây trên Gia Ðịnh Báo số 4, ngày 15 tháng 4, 1867 :

“Thầy Ký dạy học có làm sách mẹo dạy tiếng Lang Sa, có làm ra chữ quốc ngữ để người ta dễ học. Những người ký lục giỏi cùng siêng năng sẽ lo mà học chữ quốc ngữ vì có hai mươi bốn chữ mà viết đặng muôn ngàn chuyện, chữ chi mắc rẻ cũng viết đặng, không phải như chữ Tàu học già đời mà còn có chữ lạ viết không ra, ở đây có Phủ Tường đã học đặng chữ quốc ngữ, viết đặng đọc đặng. Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết.”

Từ cả ngàn năm tự chủ với chữ Hán là chữ chính thức của quốc gia, Việt Nam đã có biết bao nhiêu văn kiện chính trị, bao nhiêu trang sử sách, bao nhiêu văn thơ đã được viết bằng chữ Hán. Nay đột nhiên bỏ chữ Hán để học một thứ chữ hoàn toàn mới, người Việt Nam bỗng đột ngột bị cắt đứt với vốn liếng văn hóa, lịch sử của tổ tiên mình.

Xem thêm:   Vui buồn tháng Tư

Nhưng suy ngẫm lại, chữ Hán đâu phải là chữ viết của ngôn ngữ Việt Nam, đó chỉ là chữ vay mượn của nước ngoài. Nay có được thứ chữ chính cống diễn đạt tiếng nói của người Việt thì ta phải dùng nó. Còn cái kho lịch sử-văn hóa-văn học của tổ tiên, chúng ta phải cố gắng dịch thuật sang chữ quốc ngữ, đồng thời luôn luôn phải có môn học Hán-tự để các thế hệ mới của nước Việt Nam lúc nào cũng có một cái cầu nối với quá khứ ngàn năm của ông cha mình.

Bước sang thế kỷ 20, từ sau khi Nhật thắng Nga năm 1905, sĩ phu, trí thức Việt Nam nhận thức một cách rõ rệt phải theo gương Nhật để canh tân. Trong tinh thần đổi mới, các cụ hô hào học chữ quốc ngữ trong các phong trào như Ðông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh… Và cụ Nguyễn Văn Vĩnh với câu nói như một Tuyên ngôn: “Nước Nam ta sau này hay hay dở cũng là nhờ ở chữ quốc ngữ”. Và cụ Tản Ðà hào hứng viết Tam Tự Kinh mới: “Sách quốc ngữ/Chữ nước ta/ Con cái nhà/Ðều phải học.”

Xem ra tất cả đều nhờ cụ Trương Vĩnh Ký đã xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ tại điểm hẹn của cụ với Lịch sử đất nước.

PXĐ

(*) Nguồn gốc chữ quốc ngữ tóm tắt từ sách Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên cuốn 3 của Phạm Thế Ngũ.

(**) Theo Khổng Xuân Thu trong sách Trương Vĩnh Ký, NXB Tân Việt, Sài Gòn, 1958.

(***) Nước thứ nhì ở Á Châu có chữ viết được la-tinh hóa là Nam Dương (Indonesia). Từ năm 1901, trong thời gian bị Hòa Lan đô hộ (và sau VN khá nhiều năm), nước này bắt đầu áp dụng hệ thống chữ viết dùng mẫu tự La tinh.