Chuyện lạ kỳ gì cũng có thể xảy ra ở Nhật. Sau những hiện tượng xã hội như “người tình gối ôm”, Nhật giờ đang bùng nổ dịch vụ cho thuê “người thân”… Không chỉ cho thuê người thân, còn có cả cho thuê người tình, cho thuê người đi đám cưới và thậm chí cho thuê người khóc mướn! 

dich-vu-the-vai1 Cách đây hai năm (dẫn lại từ phóng sự New Yorker), Kazushige Nishida, cư dân Tokyo ở độ tuổi 60, bắt đầu thuê bán-thời-gian một cô vợ và một con gái. Người vợ thật của ông vừa mất. Sáu tháng trước đó, cô con gái 22 tuổi của họ đã bỏ nhà đi và không bao giờ trở về. Nishida lâm vào tình cảnh cô độc. Mỗi buổi tối đối với ông là cơn ác mộng. Ông cố tìm thú vui khuây khỏa bằng cách tán chuyện với các cô phục vụ quán bar nhưng khi trở về nhà thì nỗi buồn cô đơn lại ập đến. Thế rồi ông nhớ đến một chương trình truyền hình nói về một công ty có tên “Family Romance”, chuyên giúp cho thuê gia đình. Liên lạc “Family Romance”, Nishida “đặt hàng” một cô vợ và một cô con gái để cùng ăn tối. Chi phí là 40,000 yen (khoảng 370 USD).

Cuộc gặp đầu tiên được thực hiện tại một quán café. Cô “con gái” thuê ăn mặc thời trang hơn con gái thật của ông, trong khi người “vợ” thì trông như một phụ nữ trung niên bình thường. Người “vợ” hỏi Nishida các chi tiết về việc bà và cô “con gái” cần làm. Nishida diễn tả lại cách hất đầu vuốt tóc của vợ và cách cô con gái cù nhột vào hông ông. Thế là cô “vợ” và “con gái” diễn đúng như yêu cầu. Người ngoài trông vào cứ nghĩ họ là một gia đình thật. Tiếp đó, Nishida đặt cuộc hẹn thứ hai, lần này tại nhà riêng mình. Bà “vợ” làm món okonomiyaki (tương tự bánh xèo) trong khi Nishida tán phiếm với cô “con gái”. Rồi họ cùng ăn tối và xem tivi. Qua thời gian, quan hệ giữa Nishida và “vợ” cùng “con gái” ngày càng thân. Cô con gái giả thậm chí chỉ vẽ ông cách bày tỏ tình cảm với con gái thật để gọi cô ấy trở về…

dich-vu-the-vai

Ishii Yuichi, người sáng lập “Family Romance” The Atlantic

Ishii Yuichi, người sáng lập “Family Romance”, cho biết những “diễn viên” của ông luôn có “chiến lược” tích cực để mang lại cái kết có hậu như trường hợp Nishida. Mục tiêu “Family Romance” là “mang lại một xã hội mà không ai còn cần dịch vụ của chúng tôi nữa”. Ba mươi bảy tuổi, sinh ở Tokyo, Ishii Yuichi từng làm người mẫu, diễn viên phụ và cũng kiếm thêm bằng công việc chăm sóc người già. Cách đây 11 năm, một cô bạn của Ishii, vốn là phụ nữ đơn thân, kể với anh rằng cô gặp rắc rối trong việc xin cho con gái mình vào một trường mẫu giáo, nơi nhà trường yêu cầu gia đình học sinh phải có đầy đủ bố mẹ. Thế là Ishii tình nguyện làm bố giả để dự cuộc phỏng vấn ghi tên nhập học. Buổi phỏng vấn thất bại, vì đứa bé gái không biết “đóng kịch”. Tuy nhiên, sự việc khiến Ishii mong muốn “sửa lại bất công” cho những trường hợp tương tự. Anh tìm đến một công ty có tên Hagemashi-tai (có thể dịch là “Tôi muốn làm bạn vui”), được Ryuichi Ichinokawa thành lập năm 2006. Năm năm trước, Ichinokawa đã sốc khi đọc tin về một vụ đâm chết 8 học sinh tại một trường tiểu học ngoại ô Osaka. Ichinokawa lập một website chuyên cố vấn an toàn học đường bằng email rồi sau đó mở dịch vụ cho thuê người thân để giúp bảo vệ học sinh.

Ishii ghi danh làm “diễn viên đóng thế” cho công ty Ichinokawa. Năm 2009, Ishii mở công ty riêng (“Family Romance”). Cá nhân Ishii cũng từng và đang đóng vai người “chồng” cho 100 phụ nữ. Có lúc, Ishii làm “chồng” cho 10 gia đình cùng lúc. Hiện nay, “Family Romance” có khoảng 800 “diễn viên”. Họ sẵn sàng làm người đóng thế người thân tại các tiệc cưới, hội thảo doanh nghiệp hoặc thậm chí đám tang. Có trường hợp trong đó một cô đóng vai “vợ” cho một ông suốt 7 năm, đơn giản vì cô vợ thật của ông ta mập quá khổ nên “không thích hợp” để ông ấy cặp kè bát phố ngoài đường. Cô “diễn viên” này cũng từng được thuê thay thế nhiều bà mẹ mập quá khổ để dự các buổi họp phụ huynh, vì trẻ có bố mẹ mập thường bị bạn bè chế nhạo. Dịch vụ “Family Romance” có đủ dạng khách hàng. Có cô phục vụ quán bar nọ cũng đặt thuê người để anh ta vào quán… yêu cầu gặp cô; có một phụ nữ mù thuê người để giúp chọn… các anh đẹp trai tại buổi khiêu vũ dành cho người độc thân; có một cô mang bầu đã thuê một người “mẹ” để thuyết phục bạn trai chấp nhận đứa bé sắp sinh; có một cậu thanh niên trẻ mướn một người “cha” để “điều đình” với bố mẹ của cô gái đang trót mang thai bởi mình.

Ðó là chưa kể những cô gái thích sống độc thân nhưng bố mẹ cứ ép lấy chồng nên đành phải thuê “bồ” về nhà ra mắt (nếu bố mẹ đòi gặp lại “anh bồ” thì cô con gái trì hoãn nhiều lần rồi sau đó làm bộ rầu rĩ nói rằng cậu ấy xấu tính nên “con cho lên đường rồi”!)… Một trong những kiểu khách hàng đặc biệt của dịch vụ này là các bà các cô thuê người làm bồ để đến xin lỗi ông chồng sau khi chuyện bồ bịch lăng nhăng (với bồ thật) bị phát hiện. Trong những trường hợp này, Ishii sử dụng một “diễn viên” dán hình xăm giả và ăn mặc như dân chơi yakuza. Anh ấy đến nhà cặp vợ chồng kia. Khi ông chồng ra mở cửa, anh ấy quỳ mọp xuống rồi xin lỗi thống thiết. Ông chồng thấy một tên giang hồ xăm trổ thường ít khi làm dữ… Giá cả tùy vào “vai diễn” và thời gian. “Family Romance” tính khoảng 88 USD/giờ cho một “diễn viên” dự tiệc cưới. Họ có thể đóng vai khách giả, đồng nghiệp giả hoặc thậm chí người thân giả. Bố mẹ giả trong tiệc cưới được tính 132 USD/giờ…

Thật ra dịch vụ cho thuê người không phải là hiện tượng xã hội của một nước Nhật hiện đại ngày nay. Năm 1989, bà Satsuki Oiwa, chủ tịch một công ty Tokyo chuyên đào tạo nhân viên, đã bắt đầu mướn trẻ em để thăm các cụ già bị người thân bỏ rơi – một ý tưởng mà bà nghĩ đến, khi nghe nhiều nhân viên công ty nói về việc quá bận rộn không thể đến thăm bố mẹ. Dịch vụ Oiwa lúc ấy được báo chí nói đến nhiều vì nó khơi gợi tinh thần gia đình. Có một cặp vợ chồng thuê “con trai” để đến nghe ông bố kể chuyện. Con trai thật của họ vẫn sống với họ nhưng cậu ấy không bao giờ chịu ngồi nghe bố kể chuyện đời xưa. Cặp vợ chồng già này còn thèm vuốt ve da trẻ con trong khi cháu của họ đã lớn. Thế là họ mướn luôn “con trai”, “con dâu”, và “cháu nội”. Chi phí cho buổi gặp ba tiếng đồng hồ là (tương đương) 1,100 USD. Lại có một cặp trẻ mướn “ông bà” để đến chơi với con mình; hoặc một cậu độc thân mướn “vợ” và “con gái” chỉ để biết cảm giác gia đình có giống như cảnh mình từng xem trên tivi không…

Thật khó có thể nhận xét chính xác dịch vụ “cho mướn tình cảm” trong xã hội Nhật. Có người nói đó là hậu quả của một quốc gia dồn quá nhiều vào phát triển công nghiệp đến mức tình cảm con người khô cằn; có người lại nói điều này cho thấy tinh thần nhân ái của người Nhật luôn đầy tràn và người Nhật luôn trân quý tình người.

MK