1

Ánh nắng vừa tắt khi tôi đến phi trường Stapleton. Nhà ga vắng hoe, quầy vé lơ thơ vài người. Mùa lễ New Year đã qua, có lẽ thiên hạ còn đang lo trả nợ tiền ăn xài nên ít du lịch. Tôi đến quầy để sắp hàng lấy vé và chọn ghế, thay vì phải “nói chuyện” với màn ảnh vi tính; tôi thấy máy móc thiếu nhân tính quá. Phải, tôi thuộc vào thế hệ “lạc lõng” giữa trào lưu “thông tin bùng nổ” này.

Cậu hành khách đứng trước tôi có bộ vó của một kẻ bụi đời. Cậu ta đội nón nỉ, mặc chiếc áo da màu đen đã sờn vai, sau lưng có thêu hàng chữ “Hard Rock Café – Denver” cùng với huy hiệu của nhà hàng ấy, và một chiếc quần jean bạc màu có vài ba lỗ rách. Hành lý của cậu là một túi xách cũng xơ xác không kém cái quần jean. Tại sao cậu ta không dùng màn ảnh vi tính? Còn trẻ mà cũng “lạc lõng” như tôi à? Nhưng sự suy nghĩ hấp tấp của tôi quả không đúng. Sau khi cậu ta đến quầy vé, tôi nghe lóm cuộc đối thoại của cậu với cô nhân viên. Tôi biết được cậu mua vé “chờ” [standby] cùng chuyến bay với tôi. Tiếng nói, cười từ quầy vé làm tôi thêm chú ý:

“Anh muốn ngồi ghế bìa à? Anh muốn ghế cửa sổ cũng có. Chuyến bay này hành khách nào cũng ngồi ghế bìa hay bên cửa sổ!”

Lại một lữ khách mới cho chuyến bay buổi tối từ Denver đến Pierre, South Dakota, nơi tôi làm mục sư phó cho một xứ đạo. Tôi thường bay về trụ sở chánh của giáo hội ở Denver nên rành tuyến đường này. Tuy Pierre là thủ phủ của South Dakota song dân cư rất ít, chỉ khoảng 15 ngàn người. Vì thế các chuyến bay về thành phố này không nhiều. Ban ngày thì công ty hàng không dùng phi cơ phản lực. Còn buổi tối ít hành khách hơn nên họ dùng máy bay nhỏ, hai cánh quạt; chỉ có hai dãy ghế nên ghế nào cũng hoặc là bìa hay là bên cửa sổ.

dem-giao-thua-cua-lan

Thắm Nguyễn

2

Hôm ấy máy bay khởi hành trễ hơn hai tiếng đồng hồ vì thời tiết xấu. Khi phi cơ lăn bánh ở mức cao tốc để cất cánh thì trời đã tối hẳn, nên tôi không nhìn ra cửa sổ như thói quen để thấy những hình ảnh bay vụt qua và – trăm lần như một, suy tư về cuộc đời ngắn ngủi. Nhưng nhờ vậy tôi tình cờ bắt gặp nụ cười nửa miệng, có vẻ vừa châm biếm vừa khinh bỉ của người khách ngồi hàng ghế kế bên – cậu “bụi đời” khi nãy tôi gặp ở quầy vé.

Thời ấy trước biến cố 9/11, phi cơ chưa lắp cửa ngăn phòng lái, chỉ có một tấm màn treo lơ lửng. Hành khách có thể thấy sinh hoạt của các phi công. Theo dõi ánh mắt của cậu “bụi đời” tôi mới hiểu tại sao cậu ta cười. Có hai bàn tay đang kéo cần lái phi cơ để cất cánh, một là bàn tay của viên phi công chánh, bàn tay kia của viên phi công phụ chụp lên. Thật là “bé cái lầm.” Với tính mau mắn sẵn lòng tôi bèn lên tiếng, vừa pha trò, vừa giải thích:

“Mình nhìn tưởng họ ‘thích’ nhau nhưng thật sự đó chỉ là luật hàng không để bảo đảm an toàn mà thôi.”

Nụ cười vụt tắt. Ðôi mày cau lại. Gương mặt trông rất “chì” của một người từng trải. Sau đó một câu trả lời ngắn, “Tôi biết!” rồi im lặng.

Khi ấy tôi mới nhận ra mình đã vô ý làm phật lòng một tha nhân, điều mà đa số giới mục sư chúng tôi không bao giờ muốn. Tôi chìa bàn tay, tươi cười, cố gắng cứu vớt tình thế:

“Chào cậu, tôi là Paul Burk. Tôi tin là cậu biết. Tôi chỉ muốn đùa chút cho vui trong chuyến bay trễ và khá vô vị này mà thôi.”

Một cái bắt tay xã giao. Một nụ cười mỉm. Một câu trả lời lấy có:

“Không sao! Ian Nguyễn.”

Nguyễn là một họ rất phổ thông của người Việt Nam. Xứ đạo của tôi có hai gia đình mang họ này. Tôi muốn nhân dịp làm quen, biết đâu tôi có thể cứu vớt một “con chiên lạc đàn.” Tuy nhiên, thấy không tiện nên tôi nhắm mắt, cố dỗ giấc ngủ sau một ngày bận rộn ở Denver.

3

Tôi giật mình tỉnh giấc vì chiếc phi cơ dao động khá mạnh trong khi tiếng “Boong! Boong!” vang lên liên hồi và đèn bật sáng lên yêu cầu hành khách cài dây thắt lưng. Tôi kiểm soát dây an toàn. Nhìn đồng hồ, tôi nhận ra phi cơ đã bay quá hơn một tiếng đồng hồ. Chắc nó đang xuyên qua các đám mây, chuẩn bị đáp xuống Pierre. Tiếng người phi công nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn chưa dứt thì máy bay bỗng lắc qua lắc lại như đưa võng, trồi lên hụp xuống liên hồi. Một vài hành khách hốt hoảng. Những tiếng “ô …”, “a …” ồn ào theo nhịp nhồi của phi cơ. Nhìn chung quanh, tôi nhận ra cậu khách ngồi hàng ghế kế bên không còn “chì” nữa. Gương mặt cậu ta lộ vẻ lo lắng, hai tay bám chặt vào ghế. Tôi chợt nghĩ người đời nói đúng, ta không thể “thấy mặt mà bắt hình dong.” Tôi cũng khá bàng hoàng khi thấy cậu khách run lên bần bật, bám chặt tay ghế, mồ hôi nhỏ giọt. Một hội chứng sợ hãi?

Thời gian phục vụ chiến trường Việt Nam tôi có vài bạn đồng ngũ mang hội chứng này. Thật tội nghiệp. Người thì ôm đầu, nằm co rút khi gặp những trận pháo; kẻ bỗng bỏ chiến hào, chạy điên loạn vào lằn đạn. Tôi không phải là một người hùng; tôi là một con người bình thường, cũng sợ chết. Tuy nhiên, qua những lần sanh tử đường tơ kẽ tóc tôi có một niềm tin mãnh liệt vào Ðấng Tối Cao. Người đã ban cho tôi cuộc sống này thì Người có thể cất nó đi bất cứ lúc nào. Tôi đã từng ôm các bạn đồng đội, trấn an họ trong những cơn sợ hãi, nên theo bản năng của một quân nhân tôi chụp lấy bàn tay ướt đẫm của cậu Ian:

“Ðừng sợ! Cậu đừng sợ. Thời tiết xấu, chỉ là những cơn lốc xoáy mà thôi.”

Phi cơ còn đong đưa nhưng cậu Ian đã bớt run. Tôi nói tiếp, tay vẫn bóp chặt tay Ian:

“Khi xưa ở chiến trường Việt Nam tôi đã trải qua những chuyến bay đổ quân khủng khiếp hơn nữa. Hỏa lực của địch rất ác liệt. Tôi chỉ biết cầu nguyện. Hay là cậu và tôi cầu nguyện đi, chúng ta hãy cầu Ơn Trên, xin được đến nơi bình an…”

Khi tất cả bình thường trở lại, cậu Ian rụt rè rút tay. Tôi ngó sang, gặp ánh mắt của cậu, một ánh mắt biết ơn lẫn vẻ ngượng ngùng. Nhìn qua khung cửa phi cơ, thấy một vùng ánh sáng từ xa, tôi mỉm cười trấn an người bạn đồng hành:

“Cậu xem kìa, mình sắp đến Pierre rồi đó. Chúng ta đang trở về vùng có ánh sáng, phải không cậu?”

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

Theo thói quen của một mục sư, tôi lồng vào một câu rút từ Thánh Kinh, hy vọng gợi chút chuyện tâm linh với cậu Ian nhưng tôi chỉ nhận được sự im lặng. Sự im lặng kéo dài cho đến khi tôi bước ra khỏi phi cơ, nghe tiếng ai kêu tên mình từ sau lưng:

“Ông Burk!”

“A … cậu Ian, chúc cậu những ngày đẹp tại thành phố Pierre này.”

“Tôi… tôi xin cám ơn ông đã giúp tôi trên máy bay.”

“Chuyện đó à, không có chi. Chuyện bình thường, cậu đừng bận tâm.”

“Tôi cũng xin cám ơn ông đã giúp chúng tôi ở Việt Nam. Cha tôi căn dặn khi gặp người Mỹ nào có phục vụ ở Việt Nam thì tôi nên nói lời cám ơn giùm cha tôi.”

Tôi dừng bước, ngỡ ngàng, xúc động. Ðây là lần đầu tiên tôi nghe câu nói cám ơn từ một người trẻ tuổi Việt Nam về một cuộc chiến mà người đời đã quên hay không bao giờ muốn nhắc đến, dù có biết bao hy sinh xương máu của anh em đồng đội chúng tôi. Tôi có cảm tình ngay với người trẻ tuổi này. Tôi bắt tay cậu Ian:

“Paul, cậu hãy gọi tôi là Paul. Tôi là mục sư phó, nhà thờ Thánh Lucas ở đường Main. Cậu là dân thành phố này hay là khách đến thăm?”

“A … Thánh Lucas! Hồi đó tôi học ở trường South-West, mỗi ngày tôi đi xe buýt ngang qua ngôi nhà thờ này.”

4

Cánh cửa nhà ga phi trường Pierre tự động mở. Một ngọn gió lạnh quyện với hơi tuyết cắt da tạt mạnh vào mặt làm tôi tỉnh táo hơn. Tâm tư của tôi đã trở về với những ngày chiến chinh ấy sau khi Ian cho tôi biết cha cậu là một cựu chiến binh Việt Nam. Ông ta đâu có khác gì tôi; năm 19 tuổi lạc lõng giữa những ngọn đồi, cánh rừng ở những địa danh xa lạ như Pleime, Dakto… Bắt tay chào từ giã cậu Ian, tôi bước đi, lòng buồn miên man, nhớ đến cái xứ xa xôi ấy, nơi tôi đánh mất tuổi trẻ của mình. Lấy xe, tôi chạy ra khỏi bãi đậu. Thấy Ian đứng một mình trên vỉa hè nhà ga trong khi tuyết đang giăng giăng rơi, tôi ngừng xe lại, bấm nút quay cửa kiếng xuống và nói:

“Tôi đi về hướng nhà thờ Thánh Lucas. Nếu muốn, cậu có thể quá giang. Trời lạnh quá!”

Không chút chần chờ, Ian nói, “Cám ơn ông,” rồi mở cửa bước vào xe. Túi hành lý nhỏ nhét gọn dưới chân.

Nhớ đến gốc gác của Ian tôi bắt chuyện với cậu ta:

“Tại sao gia đình cha mẹ cậu không định cư ở Nam California như đa số người Việt khác mà lên ở miền Dakota giá lạnh này?”

Ian cười nhẹ, nói:

“Chúng tôi ‘cuốn theo chiều gió’… Thật ra, cha tôi kể rằng khi mới đến Mỹ, ông muốn quên đi chiến tranh, tù đày, những ngày vượt biên gian khổ, ông muốn sống bình an trên một vùng đất hoàn toàn khác Việt Nam nên ông mang gia đình đến miền cực Bắc này. Khi sanh ra tôi, ông bà đặt tên tôi là Yên, Y-E-N, có nghĩa là bình yên trong tiếng Việt. Cái tên Ian phát âm gần giống như Yên nên tôi dùng cho dễ gọi mà thôi.”

“À … thì ra cha cậu là cựu tù cải tạo. Tôi không hiểu tại sao chính quyền mới ruồng bỏ những người của chế độ cũ, mà không tạo cho họ cơ hội tham gia vào việc xây dựng đất nước sau chiến tranh.”

Câu chuyện chuyển hướng về chính trị. Tôi hiểu rất rõ những trại tù cải tạo ở Việt Nam rập khuôn theo những trại tù tập trung ở Nga Sô, Trung Hoa và Bắc Hàn. Song tôi muốn tìm hiểu kiến thức chính trị của một người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai này. Ian ngồi im lặng trầm ngâm, vài phút sau cậu nói, giọng trầm buồn:

“Thật trớ trêu, ông à. Cha tôi vào tù năm ông 25 tuổi, còn tôi chưa đầy 19 tuổi đã xộ khám. Paul, tôi cũng là một cựu tù nhân!”

Tôi rất ngạc nhiên, tò mò định hỏi Ian lý do, nhưng cậu ta lên tiếng trước, kể cho tôi nghe câu chuyện lòng mà tôi có cảm tưởng bấy lâu nay cậu giữ kín, bây giờ mới có dịp tuôn ra như nước chảy từ một dòng suối. Thỉnh thoảng chuyện kể khựng lại một chút vì những câu hỏi hay lời an ủi của tôi.

5

“Cha tôi kể rằng, sau khi miền Nam thất thủ ông ở tù có ba năm vì ông chỉ là một thiếu úy Hải quân quèn. Khi ấy chị Hai tôi mới có hai tuổi, và mẹ tôi đang mang bầu anh Ba của tôi. Ra tù không bao lâu, nhờ biết chút đỉnh về hải hành nên cha tôi được người ta móc nối lái tàu vượt biên. Sau nhiều ngày đói khát, lênh đênh trên biển, cha mẹ và anh chị của tôi may mắn tới Mã-Lai, ở đảo Bi-đông cả năm mới được đi Mỹ định cư. Vài tháng sau tôi ra đời tại thành phố Pierre này. Như vậy, trong gia đình tôi là một người Mỹ chính cống, duy nhất. Tôi đã từng tự hào về điều này, nhưng bây giờ có chút suy nghĩ, xin lỗi ông, tôi thấy cuộc sống Mỹ hóa của tôi là … là … một bi kịch.”

Khi cậu Ian kể đến đó tôi thấy cậu có chút e ngại nên tôi nói đỡ lời:

“Cậu rất thành thật. Nếp sống xứ này, thật ra có ai dám nói là toàn hảo đâu!”

Dòng suối lại tiếp tục chảy:

“Nhưng … nhưng khi ấy tôi lại cho rằng cha tôi là người tạo ra cái bi kịch. Ông đúng là một người thủ cựu, độc đoán và khó tính. Ông sống khắc khổ, ăn xài tằn tiện, đi làm nuôi gia đình bên này chưa đủ, ông còn gởi tiền giúp đại gia đình bên kia. Lại thêm chuyện đi học nữa, hình như gần tám năm ông mới xong mảnh bằng cử nhân. Ðể làm gì? Mẹ tôi thì chỉ biết đi làm và đi làm, và tất nhiên là bà luôn luôn nghe lời ông. Ðó là chuyện của ông bà, nhưng đàng này ông lại muốn anh em chúng tôi sống cũng như ông, nghĩa là chỉ có học và phụ giúp việc nhà, ít khi được phép đi chơi. Sống bên Mỹ mà ông vẫn còn bám víu với quá khứ, phong tục xưa. Gia đình người ta tiệc tùng này nọ, còn với cha mẹ tôi tiệc tùng chỉ có trong mấy ngày Tết và mấy cái đám giỗ, bên ngoại lẫn bên nội. Paul, ông đâu có biết người Việt chúng tôi làm lễ kỷ niệm ngày chết bằng những đám giỗ trong năm chớ không mừng sinh nhật! Tôi không biết linh hồn ông bà đã khuất có về ăn giỗ hay không mà chỉ thấy bạn bè của cha tôi được mời đến ăn nhậu, kể chuyện chiến tranh, chuyện chính trị này nọ. Tôi nghe họ kể riết những chuyện đó thành nhàm lỗ tai, chán không muốn nghe nữa. Chúng tôi theo đạo Phật nên không ăn lễ Giáng Sinh thì đã đành rồi, nhưng cha mẹ chúng tôi cũng không coi trọng lễ Tạ Ơn và Tết Dương lịch nữa. Trái lại, ông bà ăn Tết Việt Nam thật lớn. Ði làm có bệnh cũng không dám nghỉ, thứ Bảy có giờ phụ trội thì đi làm luôn nhưng ngày Tết thì ông bà lấy phép nghỉ. Tết năm nào trời Dakota cũng lạnh dưới mấy chục độ âm, thế mà ông bà vẫn nấu bánh tét trong ga-ra …”

Xem thêm:   Sống sót

Chắc thấy vẻ mặt tò mò của tôi nên cậu Ian giải thích:

“Ðó là loại bánh truyền thống ngày Tết của người Việt, làm bằng gạo nếp và đậu đen, nhân đậu xanh, to bằng bắp tay, bắp chân, nấu mấy tiếng đồng hồ mới chín. Ông biết không, năm nào gần đến nửa đêm cha tôi cũng đốt đèn trong và ngoài nhà sáng trưng để mừng Giao Thừa. Anh chị em chúng tôi phải thức chờ cúng ông bà và mừng tuổi cha mẹ xong mới được đi ngủ. Ngày hôm sau là tiệc tùng, năm này cha mẹ tôi mời bạn bè đến nhà, năm kia chúng tôi đến nhà của họ. Hồi còn nhỏ tôi náo nức chờ Tết lắm vì được tiền lì-xì. Quà năm mới đó ông. Quà đây không phải vật dụng mà là tiền mặt người lớn để trong phong bì màu đỏ, màu của sự may mắn, tặng cho đám con nít chúng tôi sau khi chúng tôi nói những lời chúc đầu năm.”

Tôi ngắt lời cậu Ian:

“Hay! Hay quá! Mặc dù có phục vụ ở Việt Nam vài năm nhưng tôi đóng đồn ở rừng sâu, ít khi vào phố chợ, nên tôi đâu có biết những phong tục này. Ông bà cố của chúng tôi từ Ðức di dân sang Mỹ Châu, mang theo tất cả những phong tục, nhưng đến thế hệ chúng tôi thì đã mai một rồi. Chúng tôi chỉ còn có Oktoberfest, những ngày lễ hội đầu tháng Mười để uống bia, ăn xúc-xích và cải chua… Thật là vui. Cậu rất may mắn có bậc cha mẹ biết gìn giữ những phong tục này …”

Ðến phiên Ian ngắt lời tôi:

“Vậy mà lớn lên tôi ghét cay, ghét đắng những gì dính líu đến Việt Nam. Tôi chỉ muốn làm người Mỹ! Tôi muốn sống độc lập, theo sở thích của mình. Tôi bắt đầu chống đối, không nghe lời cha tôi trong những năm trung học. Tôi kiếm cớ vắng mặt trong những ngày giỗ Tết, họp mặt gia đình. Trong khi đó, chị và anh của tôi không bao giờ dám cãi lời cha tôi. Còn mẹ tôi, thật tội nghiệp cho bà. Mẹ tôi chỉ biết khóc vào những lần cha con xung đột, lớn tiếng với nhau về những điều cha tôi muốn tôi làm nhưng tôi cãi lại hay cố tình làm trái ý của ông. Ví dụ như ông cấm, không cho tôi chơi hockey, môn thể thao tôi rất ưa thích, để chú tâm lo học hành, tôi vẫn trốn nhà đi chơi. Nói không được ông dùng roi; tôi thưa cảnh sát đến cảnh cáo, nếu ông tái phạm họ sẽ bỏ tù. Cha tôi đành phải nhắm mắt cho tôi chơi hockey, nhưng ông buộc tôi phải học thêm nhu đạo. Tôi nghe lời ông để được chơi hockey, tôi nào có hiểu thâm ý của ông. Sau này tôi mới nghiệm ra rằng ông hy vọng nhờ luyện tập nhu đạo mà tôi sẽ bớt hung hăng. Cũng may là tôi chơi hockey rất xuất sắc, học hành không đến nỗi tệ, và tôi không hề vướng vào ma túy. Cuộc xung đột cuối cùng xảy ra sau khi tôi tốt nghiệp trung học. Cha tôi muốn tôi theo học trường đại học South Dakota cho gần nhà và sau đó thi vào trường Y Khoa như anh và chị của tôi. Nhưng tôi lại có ước mơ trở thành một thể tháo gia hockey chuyên nghiệp. Paul, ông biết không, tôi có học bổng của một trường đại học tư, tầm vóc nhỏ, tại Denver và được chọn vào đội hockey của trường này. Tôi khỏi nói ông cũng biết đây là một dịp may hiếm có và một vinh dự lớn lao, nhưng cha tôi coi chuyện này như cỏ rác. Thế là tôi bỏ nhà ra đi, để sống với ước mơ của mình. Từ đó tôi nghĩ cha tôi không còn coi tôi là con của ông nữa…”

6

Một chiếc vận tải chạy thật nhanh qua mặt xe chúng tôi, tạt một mảng tuyết khá lớn vào kiếng xe. Không thấy đường, tôi phải thắng giảm tốc độ nên chiếc xe bị trợt sang qua làn xe kế bên. Cũng may, khi ấy xa lộ vắng nên không xảy ra tai nạn. Sự việc làm gián đoạn câu chuyện của cậu Ian. Im lặng một hồi tôi mới lên tiếng trước:

“Tôi thông cảm với cậu về chuyện cậu đi theo tiếng gọi của ước mơ, vì nếu ở trong hoàn cảnh của cậu tôi cũng làm như vậy. Cậu an tâm, từ từ rồi cha cậu cũng sẽ bớt giận mà thôi. Thời gian là một liều thuốc nhiệm mầu! Nhưng rồi … làm sao cậu bị ở tù?”

Ian ngồi trầm ngâm, im lặng. Tôi bỗng cảm thấy áy náy vì đã hỏi chuyện riêng tư của một người vừa mới quen:

“Cậu Ian, tôi xin lỗi cậu. Nếu cậu ngại thì thôi. Nói thiệt với cậu tôi là một mục sư, tôi chỉ muốn tìm hiểu để … nếu cậu cho phép … tôi nghĩ rằng tôi có thể giúp cậu.”

“Paul, tôi cám ơn lòng tốt của ông. Không, tôi không có ngại gì hết. Tôi chỉ không biết phải bắt đầu như thế nào đây…”

Một lát sau, Ian kể tiếp:

“Như tôi đã nói, tôi có học bổng của nhà trường. Họ cũng cho tôi một việc làm bán thời gian trong trường nên tôi sống tạm đủ để đi học và chơi hockey. Tôi mướn một căn chung cư ở cùng với vài người bạn học. Hockey là một môn thể thao tôi ưa thích; nhiều lúc tôi nghĩ đời tôi không có hockey chắc vô vị lắm. Tôi sống với hockey, với những cú đánh banh ngoạn mục, với những tiếng vỗ tay tán thưởng vang dội của khán giả. Tuy nhiên, ông cũng biết hockey không phải là một môn thể thao tao nhã. Nó rất mạnh bạo, và vì tôi sống với nó nên tánh tình của tôi cũng khá nông nổi… Hôm ấy, sau một trận banh, năm bảy anh em cầu thủ đội chúng tôi kéo đến một quán nhậu để ăn mừng chiến thắng với vài cô gái hâm mộ. Oái oăm thay, một số cầu thủ đội banh thua trận cũng ghé quán này. Họ được sắp xếp ngồi xa bàn của chúng tôi. Nhưng khi rượu vào lời ra làm sao tránh khỏi tiếng bấc, tiếng chì khích bác nhau, đi đến chuyện xô xát, loạn đả. Tôi nhớ rất rõ, anh chàng cầu thủ ấy cao lớn hơn tôi nhiều. Anh ta đánh đấm một người bạn của tôi không lại, bỗng rút dao tấn công. Ỷ mình có võ nhu đạo nên tôi đâu có ngán; tôi xen vào, ra tay giải vây cho anh bạn. Ông biết không, khi bị tấn công tôi chỉ ra một tư thế, quật đối thủ của mình nhào đầu, nằm co queo trên sàn nhà. Song, điều tôi không ngờ là khi ngã xuống anh ta bị chính con dao của mình đâm thẳng vào ngực, máu ra lênh láng. Vì thế, tôi bị cảnh sát câu lưu …”

Xem thêm:   Khóc một chút rồi thôi

Nói đến đó, cậu Ian lại yên lặng. Tôi ngó sang, thấy một gương mặt đau khổ, đăm chiêu nên bàn vào:

“Thật là đáng tiếc! Nhưng rõ ràng là cậu chỉ tự vệ mà thôi…”

“Ðúng vậy, nhưng nói cho cùng đó cũng là do lỗi của tôi quật anh ta. Vì vết thương quá nặng, không biết nạn nhân sống chết thế nào, nên tòa án chỉ định số tiền tại ngoại là năm chục ngàn đồng trong lúc điều tra. Tôi đâu có tiền, và vì tự ái tôi không gọi điện thoại cầu cứu với gia đình nên đành phải ngồi tù đó ông! Nếu anh chàng cầu thủ ấy chết đi, tội lỗi của tôi sông biển nào rửa cho sạch…”

“Tạ ơn Chúa, tôi đoan chắc anh chàng cầu thủ ấy đã tai qua nạn khỏi và cậu được trắng án. Nếu không thì làm sao cậu và tôi tình cờ gặp gỡ ngày hôm nay và trò chuyện như thế này.”

“Dạ, ông đoán đúng. Người cầu thủ bị thương hôm ấy được chữa trị thoát chết. Tòa án chỉ định một luật sư miễn phí cho tôi. Tôi thật may mắn gặp một luật sư còn trẻ, rất tận tâm điều tra, tìm hồ sơ, nhân chứng xác nhận trước tòa rằng tôi chỉ tự vệ, không hề tấn công nạn nhân. Con dao gây vết thương không mang chút dấu tay nào của tôi, và đó chỉ là một tai nạn mà thôi. Vâng, gần ba tháng sau đó trong phiên tòa tôi được xử trắng án. Nhà trường cứu xét, chỉ cảnh cáo hành vi của tôi, cho tôi đi học trở lại và chơi hockey như cũ. Nhưng … nhưng … sự việc tôi ở tù không … không đơn giản như vậy…”

Kể đến đó, cậu Ian lại im lặng. Tôi bỗng nghe một tiếng nấc, đầy xúc cảm…

7

Chạy xe được một đổi tôi thấy hai vai của cậu Ian vẫn còn run run nên tôi quyết định ghé tiệm Burger King mời cậu uống một ly nước cho tỉnh táo. Cậu xin một ly trà nóng. Tôi gọi tách cà phê. Hớp một ngụm trà, cậu Ian bặm môi rồi giây lát sau cậu ngập ngừng kể tiếp:

“Paul, ông còn nhớ cảnh hai người phi công nắm tay nhau trên máy bay chứ? Ông nghĩ đúng, tôi lầm thật. Có lẽ lòng khinh khi, thù hận cái chuyện bỉ ổi ấy làm tâm trí tôi lú lẫn. Paul, khi ở trong tù tôi bị … bị chúng nó … chúng nó … hãm hiếp!”

Cặp mắt của Ian không nhìn tôi mà ngó mông lung đâu đó rồi từ từ ướt đẫm. Cậu nghẹn ngào nói:

“Tôi … tôi không thù ghét gì những người đồng tính nhưng … cái bọn trong tù chúng … chúng … là … là thú vật. Chúng trắng trợn xâm phạm, hành hạ, hăm dọa tôi. Tôi cô thế làm gì được hả ông? Tôi cam phận chịu đựng đớn đau, nhục nhã để sống mà gặp lại cha mẹ, anh chị của tôi. Paul, trên máy bay tôi đâu có sợ chết. Tôi bây giờ bất cần, có chết cũng cam. Tôi chỉ sợ sẽ không còn có cơ hội nào để nói câu sám hối với cha mẹ. Trời ơi! Cha tôi đánh tôi có mấy roi mà tôi thưa cảnh sát để họ phạt cha tôi, còn chúng nó … chúng nó…”

Ngồi phía bên kia bàn ăn tôi không biết nói gì hơn là câu an ủi:

“Ian, cậu đã làm đúng. Những thử thách của đời là do sự sắp đặt của Ðấng Tối Cao mà mình không sao tránh được. Cậu hãy quên đi những gì đã xảy ra trong tù, có nhớ chăng là nhớ đó là một bài học của mình. Tai nạn đã qua rồi, cậu nên nghĩ đến tương lai, điều tốt đẹp … Như lát nữa đây cậu sẽ gặp lại gia đình…”

Nghe tôi nhắc đến gia đình, mắt Ian lóe lên tia hạnh phúc làm tôi cũng vui lây:

“Ra tù được vài ngày, cuộc sống ổn định trở lại nhưng lòng tôi không yên. Tôi rất hối hận chuyện bỏ nhà ra đi. Bỗng nhiên tôi thiết tha thèm một chén cơm, một miếng canh, một chút cá kho của buổi cơm gia đình ngày nào. Tôi bèn ra khu chợ Việt Nam để ăn một bữa cơm cho đã thèm. Nhờ vậy mà tôi mới biết Tết đã kề bên và tôi biết tôi phải về, về nhà trước Giao Thừa hôm nay. Chuyến bay đã đầy chỗ, tôi phải mua vé chờ. Tôi lại gặp may mắn đáp chuyến bay ấy.”

“Cậu thấy không, cả một sự sắp xếp của Ðấng Tối Cao!”

Ian mỉm cười:

“Như vậy, ông tin rằng chúng ta chỉ là những diễn viên của Thượng Ðế trong cõi đời này à?”

“Cậu Ian, tôi cố gắng sống tử tế trong cuộc đời này, thực hiện những ước mơ của mình, chu toàn nhiệm vụ hàng ngày của mình, nhưng chuyện thành công hay thất bại tôi hoàn toàn phó vào thánh ý của Ðấng Tối Cao. Gia đình của cậu theo đạo Phật, chắc cậu biết chút ít về thuyết luân hồi của Nhà Phật. Là mục sư, tôi có dịp học hỏi các tôn giáo bạn nên tôi xin mạn phép dùng thuyết luân hồi để giải thích rằng chuyện vui, cái khổ, sự may mắn hay xui xẻo của cậu chỉ là nhân, là quả kiếp trước của cậu mà thôi. Hãy chấp nhận chúng và sống tử tế, sống trọn vẹn kiếp này…”

8

Tuyết đã ngừng rơi khi chúng tôi đến ngả rẽ vào đường Main. Tôi hỏi cậu Ian:

“Nhà cậu cách nhà thờ Thánh Lucas bao xa?”

“Không xa, trên đường số 15, Main quẹo trái. Paul, tôi cám ơn ông. Ông có thể bỏ tôi xuống nơi nào cũng được. Ðến gần nhà tôi rồi, để tôi lội bộ về. Tôi không dám làm phiền ông thêm nữa.”

Tôi ngước mắt nhìn đồng hồ bên tay lái:

“Tôi không có việc gì gấp gáp. Nếu cậu không ngại tôi có thể đưa cậu về tận nhà. Chỉ còn có vài phút nữa đến Giao Thừa. Cậu không sợ trễ giây phút thiêng liêng ấy à?”

“Dạ, cám ơn ông.”

Ðến đường số 15, tôi bật đèn quẹo:

“Nhà cậu số mấy?”

Ian đưa tay chỉ hướng trái. Ðêm ấy tuyết trắng phủ khắp nơi. Trời không trăng nhưng nhờ ánh đèn đường phản chiếu nên tôi thấy ánh mắt sáng của cậu Ian. Tuy nhiên, ánh mắt ấy có đượm chút ưu tư, lo lắng…

“Ðó, nhà tôi đó. Vùng có ánh sáng. Cũng như mọi năm, cha tôi đốt đèn đón Giao Thừa.”

Khi ấy tôi chạnh nhớ đến bài Phúc Âm “Ðứa con hoang đàng.” Nên khi tôi ngừng xe, bắt tay chúc may mắn và chào từ giã cậu Ian tôi nói thêm, “Cậu an tâm, người cha nào cũng dang tay đón con trở về…”. Rồi tôi bỗng thấy tay mình được siết thật chặt, chặt hơn cái bắt tay thường lệ rất nhiều.

Đad

Apple Valley, Minnesota

Cuối Thu 2012