roi-thi-toi-ve-lam-cu-dan-pho-co6

Khu xóm mới nơi tôi ở, một bên là dãy nhà lầu, một bên là những “chiếc chuồng chim” được cơi nới. Cái khoảng sân để xe khá an toàn, chẳng cần người trông. Những hàng quán được mở ra, chịu một phần chi phí vào sinh hoạt chung của khu phố. Trong cái không gian cô đặc này, mọi người dường như đều biết khá tường tận về lối xóm của mình ngoại trừ mấy anh chị Tây nhớn nhác quẹt thẻ trú tạm ở cái homestay màu xanh dương lợt. Khác hẳn với sự biệt lập của khu chung cư mà tôi vừa dời đi khi mọi người chỉ gật đầu chào nhau trong thang máy. Một lý do khác là việc cúp nước thường xuyên sau khi chủ đầu tư rũ bỏ trách nhiệm bảo trì khi đã bỏ túi một mớ bộn từ người mua nhà.

Đời sống ở những  khu Phố Cổ giờ này cũng chẳng còn những vương nhớ mái ngói nâu, tường cũ… Tiếng tụng đều đều của một tay hàng xóm có tiền sử “hổ báo”, giờ đây sám hối bằng kinh kệ mỗi ngày. Hai cây cổ thụ, tán lá chẳng còn xum xuê sau những nhát cưa triệt để của mấy cậu công nhân môi trường đô thị phòng mùa mưa bão.

roi-thi-toi-ve-lam-cu-dan-pho-co5

Đêm đầu trong khu phố Cổ. Tôi nằm nghe mưa cuồng nộ trên mái ngói.

Khu phố cổ tụ hội nhiều thứ. Ồn ã và sống động. Từ cái ban công nhỏ xinh, tôi có thể nghe rõ tiếng chích chòe, chào mào, cu gáy cả ngày. Cứ đều đặn mỗi 5 giờ rưỡi sáng là tiếng chổi tre rào rào của bà bún thang đầu ngõ đã đánh thức tôi dậy.  Mười mấy con ngan vỗ béo xếp hàng chờ lên cái thớt gỗ, rất đều đặn từng nhát chặt, cộng hưởng thanh âm ngày mới của bà bán bún ngan. Có lẽ vậy, tôi chợt yêu cái tiện lợi của việc chỉ “xà mông” là có ngay một tô bún thang, bún mộc, phở gà, bún chả… chẳng phải loanh quanh cho đời mỏi mệt!

Hàng xóm cạnh tôi là một cặp vợ chồng, anh chồng là dân chơi audio thứ thiệt chịu chi tới hàng trăm triệu đồng cho dàn đồ “tiêu âm, tán âm” , và sàn nhà lúc nào cũng trải thảm để tính thẩm âm được tốt hơn. Vợ có bố Việt, mẹ là người Hoa dân ở Hàng Bồ chuyển về làm ở tiệm giặt ủi. Gu thưởng nhạc thì tây, ta rất ư hài hòa. Cái playlist thường nhật của gã láng giềng luôn mở đầu bằng ca khúc tỷ đô Power of Love của diva Céline Dion.

Một hàng xóm khác, cạnh tranh công suất âm thanh chẳng kém anh hàng xóm cạnh nhà, chuyên phát nhạc vàng, cứ vào đầu giờ chiều là toàn xóm lại được thưởng thức  “Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng…”. Rồi “Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời…”.  Dường như, những giai điệu mang âm hưởng cổ vũ hào hùng đã chẳng còn mê đắm những tâm hồn của người Hà Nội mãi. Có lẽ vậy, mà Vàng không như Đỏ, dù Vàng có màu sắc thê lương, não nề… nó vẫn hiệu quả hơn hẳn cái loa phường treo nóc cột điện cáu bẩn đã mấy năm chẳng hề hoạt động.

roi-thi-toi-ve-lam-cu-dan-pho-co4

Chỉ trong khu xóm Cổ này tôi cũng thấy chừng năm, sáu người chơi chim, như cậu Tr. sáng phụ vợ dọn sạp chợ đầu mối Đồng Xuân, chiều lại dọn vào. Tr. dành thời gian còn lại thì chơi chim và chơi túc cầu. Một cậu trung niên khác, sáng đến trưa phụ vợ bán bún ở đầu Hàng Bún, chiều lại xách lồng chim đi “giao lưu” với hội chơi chim. Hay như cái tên Tâm “bệu”, vợ bán bánh mì đầu ngõ thì gã lại càng có thời gian rảnh rỗi đi câu, lâu lâu cùng bạn bè “giao lưu” rượu Tây, cigar như một thú vui thời thượng.

Tôi vẫn thỉnh thoảng tự mâu thuẫn như vậy, sáng nghe tiếng chim lảnh lót quanh nhà mà lòng vẫn mông lung. Bên mé phải là một căn nhà lầu cao tầng, với một lồng chim cảnh được treo khẽ khàng sưởi nắng, còn cậu bên mé trái lại “thừa kế” cái nghề chơi của bố, chiều chiều lại pha ấm trà tàu, treo sáu bảy cái lồng chim ngoài cửa sổ mà tư lự.

roi-thi-toi-ve-lam-cu-dan-pho-co3

Nhà ở trong khu Hoàn Kiếm, Ba Đình thì nhỏ hẹp, nên người Hà Nội hay cơi nới thêm diện tích nhà được chút nào hay chút nấy. Chỉ thử nhìn những “cái chuồng chim” mọc từ vách tường cũ, những thanh thép chữ I được đưa ra ngoài, đổ bê tông, gắn chuồng cọp và được đỡ bằng những “con sơn” sắt đỡ phía dưới và 2 dây thép xoắn vít ngược lại hai bên hông. Một cái phần diện tích nhô ra nho nhỏ chỉ vài mét vuông như vậy tốn từ 40-50 triệu đồng. Đôi khi họ dùng nó làm phòng giặt, phòng bếp con con hay đơn giản là chỗ phơi quần áo, và nó cũng xứng đáng với số tiền bỏ ra ở khu mật độ dân cư cao nhất Hà Nội chẳng kém xứ Hong Kong. Một tay bạn bán kính mát trên đường Lương Văn Can cũng đã phải chi tới 3 tỷ đồng cho 2.7 mét vuông, chỉ vừa đủ cho một kiosk để bán kính cho du khách, mà hầu như là kính dzỏm “made in China” hay là của làng Lịch Động Thái Bình.

roi-thi-toi-ve-lam-cu-dan-pho-co2

Những hành lang ẩm thấp, những ngóc ngách tối tăm, những chái nhà với trần thấp được nới ra để tận dụng như cách của những người thôn quê mang vào Hà Nội. Người ngoài thường nghĩ về phố Cổ qua những tấm ảnh đen trắng thời Pháp thuộc, thế nhưng thực tế, những khung hình đầy tính hiện thực về sinh hoạt của người dân trong khu xóm này thì dễ làm ta vỡ mộng. Những vỏ bưởi khô cong treo vắt vẻo, những bếp than tổ ong nồng nặc mùi carbon monoxide (CO) độc hại, những bể nước, thùng xốp, chậu hoa, ghế nhựa và chai lọ… chen chúc chật chội trong một sinh thể họa hình đủ cho những nhà văn hiện thực phê phán như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan tung bút lực. Chẳng mấy ai ngờ cái góc như ổ chuột trong hình lại là tấc đất tấc vàng như cái sự hỗn loạn hai thái cực của người dân phố Cổ, vừa nhọc nhằn, nhẫn nhịn, vừa “sô vanh” và “tinh vi”!

roi-thi-toi-ve-lam-cu-dan-pho-co1

Cái lạnh chỉ vừa chớm đầu mùa, những trai thanh, gái lịch ở Hà Nội bắt đầu ùa vào những “con phố ăn ảnh”. Chuyển về nơi chốn mới, tôi tìm kiếm một nét gì đó thật riêng mà không bị bào mòn bởi cửa chập và đèn flash. Một ngôi nhà nhỏ trong con phố vắng, vẫn giữ nguyên đôi cánh cửa sổ gỗ thời xưa với chấn song sắt mở ra ngay mặt phố, không như bao ngôi nhà khác, phá đi mà biến toàn bộ mặt tiền tầng trệt thành shop, thành tiệm. Nó có lẽ chẳng có gì quá ấn tượng, nếu nó không khác biệt đến vậy trong khu phố Cổ. Đất của kẻ chợ, phố thị dễ gì từng mét vuông mặt tiền không quy thành hiện kim?

roi-thi-toi-ve-lam-cu-dan-pho-co

Tác giả trong một khoảnh khắc tự tại ở một không gian xưa cũ, cái lúc mà cánh tay của phó nhòm này vẫn chưa bị chấn thương, đau đớn dai dẳng trong một lần tác nghiệp.