Huy là đứa học trò đặc biệt của lớp học đầu tiên khi tôi ra trường. Ðặc biệt vì nhà Huy đi kinh tế mới, lận đận mấy năm dài, rồi dắt díu nhau về, nên Huy trở lại đi học muộn màng. Vì thế Huy già hơn, cao hơn các bạn cùng lớp cả cái đầu (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), và chỉ kém cô giáo vài tuổi. Huy thông minh, nhanh nhẹn, từ chối làm lớp trưởng, nhưng là “thủ lĩnh ngầm” của cả lớp và cũng là “body guard” của tôi mỗi khi tan học, đi chung một đoạn đường về. Hễ tới giờ kiểm tra, Huy luôn làm xong bài rất sớm, rồi ngồi gõ gõ cây bút hoặc nhìn vu vơ ra ngoài cửa sổ, cho đến khi bị tôi nhìn “chiếu tướng” thì Huy đứng lên, chạy lên phòng Ban Giám Hiệu lấy ly nước trà cho tôi để chuộc tội. Có những lần trên bục giảng, tôi cao hứng nói chuyện ngoài lề, lạc giáo án, (để doạ và ra oai với lũ trò nhỏ), Huy ngồi dưới cười mỉm chi, gật gù, để sẵn sàng “giải cứu” tôi khi có những câu hỏi hóc búa, bằng cách pha trò, đánh lạc hướng qua đề tài khác. Tết năm đó, trong bữa liên hoan của lớp, tôi đề nghị mục ca hát, một em hát xong sẽ có quyền chỉ định người tiếp theo. Cậu lớp phó xung phong mở màn hát trước, bài hát vừa dứt, nó còn suy nghĩ chưa biết chọn ai thì Huy la lên: “Chọn người đẹp áo hồng! Áo hồng!” (là cái áo thun màu hồng điệu đà tôi mới mua, không “đụng hàng” với ai). Tôi đành phải đứng lên hát, có chút mắc cỡ, trong tiếng cổ vũ reo hò của đám học trò và Huy đánh nhịp bằng cây thước kẻ xuống mặt bàn:

Xem thêm:   Babysit không lương

Em ơi, con sông dòng suối, tuy chưa hề nói có chung cội nguồn… Em ơi, khi ta nhìn nhau, yêu thương tràn về thác đổ, con sông dạt dào sóng vỗ mênh mông…”

Ðến điệp khúc, Huy còn cao hứng phụ hoạ theo:

“Mùa Xuân đến, nhắc ta những điều, mà ta chưa nói ra… Mùa Xuân đến, nhắc ta những lần, trên con đường phố quen…”

Rồi ve kêu hè tới, Huy cùng cậu lớp trưởng, lớp phó đến nhà rủ tôi đi xem phim. Vừa đến rạp, chắc đã bàn tính trước, Huy chạy ngay vào mua vé, cậu lớp phó giữ chân tôi để cậu lớp trưởng đi mua đậu phộng, hạt dưa, cương quyết không cho cô giáo tốn đồng xu nào. Huy trao cho tôi tấm vé, nháy mắt: “Lần sau đi xem phim, sẽ đến lượt cô bao tụi em, vậy là huề!”. Nhưng đến mùa khai giảng năm học mới, Huy đã không tiếp tục đến trường vì hoàn cảnh gia đình. Hai mùa hoa phượng nở lại tàn, kỷ niệm cô trò còn phảng phất thì Huy phone cho tôi theo số điện thoại của trường:

“Cô ơi, Huy của cô đây!” Tôi mừng rỡ, nghĩ đến nụ cười tươi, đôi mắt sáng và làn da nâu của cậu học trò ngày nào:

“Huy bây giờ ra sao, em đang làm gì?”

“Em vừa nhập ngũ vào bộ đội”

Bảo Huân

“Sao lại thế?” Tôi xúc động, nhưng không dám khóc, và giọng Huy còn buồn hơn:

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

“Em chẳng còn chọn lựa nào khác, cuộc đời em chỉ như vậy thôi cô ạ”. Im lặng một lát, Huy lại nghẹn lời:

“Em không muốn báo cho cô và bạn bè biết nên ngày lên đường chỉ có mẹ em ra tiễn. Khi chiếc xe đưa đám tân binh đến quân trường, có chạy ngang qua khu nhà của cô, em đã dõi mắt tìm kiếm, biết đâu sẽ thấy cô ở đâu đó hay đứng trước cửa nhà…” Và lần này Huy khóc thật, sụt sùi:

“Em nhớ cô!… Giờ em đang ở văn phòng chỉ huy quân sự, chuẩn bị qua Campuchia trong công tác hỗ trợ quân đội Việt Nam rút quân về nước”. Tiếng trống trường vang lên, Huy vội vàng, tiếc nuối:

“Ðến giờ cô lên lớp rồi phải không? Uớc gì em đang ở đó, để được chạy vào lớp học và ngắm cô giảng bài! Thôi, em chào cô, em sẽ về thăm cô vào dịp nghỉ phép đầu tiên, cô phải đợi em đấy…”. Tôi nói nhanh:

“Ðương nhiên rồi, vì cô còn phải mua vé xem phim cho em nữa chứ”, nhưng chỉ nghe tiếng máy “tit tit” khô khan vọng lại. Có lẽ vì vậy mà chẳng có kỳ nghỉ phép nào cả, vì vài tuần sau, có tin Huy đã đào ngũ trong lúc đang thi hành nhiệm vụ bên Campuchia, bị tình nghi chạy qua biên giới vào trại tỵ nạn Thailand. Số phận đẩy đưa, tôi cũng vượt biên đến trại tỵ nạn Panatnikhom cuối mùa Ðông năm ấy. Tôi liền tìm hiểu, và được biết, đã từng có phong trào bộ đội đào ngũ từ Campuchia xin tỵ nạn, nhưng họ bị giam riêng biệt, rồi bị thẩm tra gắt gao (do sợ là tình báo), nên chỉ rất ít người được đi định cư, còn lại phải trở về qua biên giới, phiêu bạt đó đây, thậm chí còn có vài trường hợp tuyệt vọng, tự sát ngay trong trại. Tôi mơ hồ lo sợ và cầu xin cho Huy của tôi được bình an.

Xem thêm:   Sau Tết, còn lại gì ...

Thời gian qua thật nhanh. Thời đại công nghệ toàn cầu đã giúp biết bao nhiêu người nối lại liên lạc với nhau, nhưng riêng tôi vẫn chưa tìm được cậu học trò dễ thương nhất trong đời làm cô giáo ngắn ngủi của mình.

Huy ơi! Cô còn nợ em chiếc vé xem phim.

KL

Edmonton, Mùa khai trường 2019