Sách

Lúc đầu tiên được nhà xuất bản Làng Văn đề nghị in sách, sau khi cho tôi biết số tiền nhuận bút, nhà xuất bản hỏi tôi cần bao nhiêu cuốn để tặng bạn bè. Tôi trả lời mười cuốn. Chị chủ bút cười bảo ít như thế thì không đủ đâu. Tôi thì lại nghĩ bụng làm gì có đến… mười người đọc mình mà đòi nhiều sách để tặng. Tuy thế lúc tôi sang Canada, chị vẫn gói cho tôi hai mươi cuốn đem về.

Có sách thì gửi tặng. Tặng người này người kia. Rồi cũng có người đòi được tặng. Vui quá, tôi tặng tất tần tật. Trong số những người mà tôi gửi sách tặng, có một nhà văn, viết một bài rất ngọt ngào nói về cuốn sách của tôi.

Ðược nhuận bút, được khen, tôi hăng hái viết rồi sau đó được nhà xuất bản khác đề nghị in thêm cuốn nữa. Lại có sách, nên lại tặng bạn bè người quen nhiều hơn. Và cuối cùng bỗng “phát sinh” ra chuyện là có nhiều người nghĩ tôi phải có… bổn phận tặng sách cho họ.

Nhưng có người đọc mình là vui rồi, nên với  tôi, “bổn phận” cũng không sao. Tuy nhiên mới đây đọc một người kể chuyện nhà thơ Phạm Sỹ Sáu cho biết rằng nhà văn Sơn Nam không bao giờ tặng sách cho bất cứ ai cho dù quen thân đến đâu đi nữa, thì tôi hơi bối rối. Nhà văn Sơn Nam quan niệm hễ người nào quý trọng người viết thì phải mua sách của họ, tôi bèn vỡ lẽ ra.

Nhưng chẳng phải tại tôi nghĩ nhà văn Sơn Nam nổi tiếng như thế, có sách không tặng thì không ai dám phiền lòng, còn mình… cắc ké, người ta hỏi, không tặng sẽ bị mắng. Mà tôi bối rối là bởi có nhiều người trong số những người hỏi sách tôi, khi được tặng rồi thì họ chả thèm… đọc xem tôi viết cái gì.

Lại chuyện sách

Tôi có ông bạn già. Gọi là già vì cùng học trung học với nhau và giờ đứa nào cũng… già như nhau. Bạn tôi viết ngắn, nhưng viết rất có duyên. Nhiều ý tưởng hay, bài viết hài hước. Nhưng chỉ đăng tản mạn trên mạng, trên blog. Tôi tiếc quá, bèn gợi ý hỏi sao không in thành sách. Bạn tôi là kỹ sư đại học Bách Khoa – Phú Thọ cũ – lại là thầy giáo dạy Information Technology, nên nếu tự layout, thậm chí tự làm bìa cũng quá dễ đối với bạn, không in thì uổng quá. Bạn tôi trả lời là cũng có nhiều anh em khác khuyến khích và có nhà xuất bản sẵn sàng in sách cho bạn tôi, nhưng cái vấn đề khó khăn nhất là phải ngồi xuống gom bài và sửa lại cho vừa ý.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Tôi “à”. Gì chớ vụ này, tôi cũng có ít nhiều kinh nghiệm. Gom bài đã cực vì không biết chọn bài nào. Mà khi đọc lại, thì hình như bài nào cũng muốn sửa. Nhất là những bài có nhiều câu, nhiều đoạn không vừa ý. Bỏ thương vương tội là vậy. Con cái, dầu quặt quẹo, tật nguyền, hay xấu xí vẫn là con, bỏ không nỡ, không đành.

Nhưng mà ơ hay, viết như thế này là tôi lạc đề rồi. Lan man rồi. Vì ý chính của tôi muốn nói ra là để có một cuốn sách, tác giả phải cực khổ, mất thời gian và… can đảm lắm mới có thể thực hiện được. Ðó là chưa kể nhiều khi còn phải chiều lụy nhà xuất bản và… bán rẻ cho nhà phát hành mà vẫn không lấy đủ lại vốn đã bỏ ra.

He he. Cười theo ngôn ngữ bây giờ, là vậy đó mà có khi kẻ nhận sách tặng, chẳng thèm viết mấy chữ cám ơn, cho biết “đã nhận”, để tác giả yên lòng là đã… trả đúng tiền tem cho bưu điện!

Bảo Huân

Truyện cổ tích

Năm xưa lúc còn ở Ðức, cô bạn tôi lên nhà thờ kể, mỗi tối sau khi cầu nguyện thường đọc truyện cổ cho con nghe để thằng bé học tiếng Việt. Cô kể:

– Chị ạ, em đọc đến cái đoạn cô Tấm sau khi lên làm hoàng hậu trả thù cô Cám bằng cách bắt quân lính đào hố sâu, bảo Cám xuống rồi dội nước sôi cho Cám chết; thế là thằng bé khóc thét lên bảo cô Tấm còn ác hơn cả cô Cám. Nó làm em im luôn. May mà em chưa kể đến đoạn cô Tấm lấy xác cô Cám làm mắm cho mẹ ruột cô Cám ăn đấy chị ạ.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Tôi ừ:

– Chứ không khéo nó lên lớp kể lại cho cô giáo nghe, người ta sẽ gọi dân mình tàn nhẫn. Khủng bố tinh thần và giáo dục trẻ con làm chuyện ác.

Mười mấy năm sau, tôi có cháu ngoại, bố người Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng kể truyện cổ tích Việt Nam cho hai con bé nghe để biết về… nửa cái gốc của mình. Dĩ nhiên tôi trừ cái truyện Tấm Cám này ra. Vì Cinderella của phương Tây cũng tương tự như vậy nhưng… dễ chịu hơn nhiều. Lại không cần phải… dịch. Tôi chỉ kể những chuyện như khi ăn bánh chưng, hai con bé biết sự tích bánh dày bánh chưng. Ăn dưa hấu biết sự tích  An Tiêm… Nghĩ, chắc cũng đủ.

Một hôm tôi kể truyền thuyết con rồng cháu tiên. Hai thính giả của tôi ngồi nghe đến hết chuyện. Nhưng đến đoạn Lạc Long Quân đem năm mươi con xuống biển, Âu Cơ mang năm mươi con lên núi, con bé con bèn cau mày:

– Như vậy là ly dị sao? Sao lại phải ly dị?

Tôi nói là vì Lạc Long Quân giống rồng, Âu Cơ giống tiên sống lâu dài không hợp nên phải chia tay nhau. Con bé lớn nhăn mặt:

– Bà ngoại bảo hai người này tài giỏi, vậy sao đã biết là không hợp nhau mà vẫn còn cưới làm gì để phải ly dị?

Tôi ngẩn ngơ. Ừ nhỉ, ngay từ đầu hai người này đã biết tỏng tòng tong mình là ai rồi cơ mà!!!

Trại súc vật

“Phải công nhận là con nhỏ có biệt tài!”

Ðám bạn tôi nói như vậy về một đứa vắng mặt trong ngày họp bạn. Thường nói xấu sau lưng người nào đó thì bao giờ cũng dễ và cũng thật… hào hứng, trong khi khen ngợi thì có người gật, kẻ không chịu. Nhưng lời khen ngợi được cả bọn tán thành này làm tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi hỏi con nhỏ có biệt tài gì, sao hồi học chung với nhau khá lâu mà tôi không thấy. Không lẽ thiên tài lại phát tiết vào cái tuổi sắp gần đất xa trời như thế này? Hay nó là loại “quít ngọt lấp lá”?

Xem thêm:   Panatnikhom nhớ Bidong

Nên tôi thắc mắc hỏi thêm biệt tài của nó thuộc về nghệ thuật, văn hóa, khoa học hay thể thao? Một đứa trong bọn ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp:

– Không biết nên cho nó vào nhóm nào nữa. Vì cái biệt tài đó vừa có tính chất văn hóa vừa có tính khoa học.

Biệt tài gì mà dữ thần ôn vậy ta! Tôi bàng hoàng ngưỡng mộ. Nhưng chưa kịp hỏi, một đứa khác đã giải đáp thắc mắc cho tôi:

– Bả có biệt tài so sánh. Mà so sánh một cách chính xác như cân tiểu ly mới sợ chớ.

Wow! Tôi la lên và nói xin cho một ví dụ cụ thể để tôi có thể dễ hiểu hơn không. Bạn tôi ngó tôi một hồi rồi trả lời:

– Ví dụ như khi nói về Tuấn, bả sẽ bảo “thằng này khổ như trâu”, bà Hiền thì “ngu như bò”, ông Khải “nói như vẹt”, ông Ðiềm “làm như mèo mửa”, bà Ngân “xấu như cú”, bà Mẫn “cực như chó”, bà Hoa “hỗn như gấu”, bà Liên “lười như heo” …

Tôi nghe muốn bùng tai. Tôi trợn mắt. Ủa, vậy là đám bạn bè mình thành… súc vật hết hả? Một đứa gật đầu:

– Tới chồng bả, cũng không có ngoại trừ. Ổng là một con người “lòng lang dạ sói”, đôi khi là “đầu trâu mặt ngựa” mà cũng có khi là loài “nước mắt cá sấu”… Mà cho tới những kẻ xa quê nhớ mẹ hiền như bà cũng không thoát. Chỉ có có điều với bà thì hơi… văn chương chút xíu nhưng không biết có phải tại vì bà viết văn hay không. Bả gọi bà là “thân cò lặn lội”…

Tôi ngó bạn. Không biết nói gì.

Bạn tôi gọi con nhỏ là tổng giám đốc trại súc vật.

Bảo Huân

HN