Tháng Chín về, có bao điều để nói ….

Trước hết, Tim tôi xin được nói về Tháng Chín mùa tựu trường. Những từ này bỗng có vang âm kỳ lạ. Từ khoảng tối của ký ức, bỗng hiện lên những khuôn mặt trẻ thơ nơi thôn ổ, cùng mùi rơm rạ và khói bếp, những mái nhà những con đường trong sương sớm hay nắng chiều, bóng mẹ ngồi khâu cho ta tấm áo hay bóng cha đi làm về tiếng chuông xe đạp leng keng. Ấu thời, với sách vở bạn bè, vui buồn sướng khổ, đã về đây cùng ta. Khi nghĩ tới tựu trường, bạn có cảm nhận những điều vừa nói không, hỡi các bạn của tôi đang lưu lãng bên trời này. Cho đi lại từ đầu / Chưa đi vội về sau… (Phạm Duy)

Làm sao đi lại từ đầu, bạn nhỉ. Chuyến tàu khởi hành từ sân ga ngày ấy vẫn cứ nhả khói băng băng về phía trước… Một nhà văn gần đây đã viết trên lưới như thế này: Tháng Chín, mùa tựu trường của cả nước Mỹ, tôi không còn nhớ đến Thanh Tịnh với đoạn văn vượt không gian và thời gian, mà trong tôi là bùi ngùi những câu thơ của Trần Mộng Tú: Tôi đứng trong sương nhìn chuyến bus / Sáng nay vừa đậu ở bên đường / Những em áo đẹp tay cầm sách / Tóc tung trong gió cùng đến trường…

A, những chiếc buýt màu vàng. Tim tôi đã có dịp nói đến những chiếc xe buýt chở học sinh này trên những trang viết của mình, và mới cách đây mấy hôm đã nhìn thấy lại trên các đường phố của Garland cùng với những khuôn mặt trẻ thơ tươi cười rạng rỡ chen chúc trong xe. Ở những câu thơ trên, Trần Mộng Tú có nói đến những em học sinh “tay cầm sách” và “tóc tung trong gió”. Thật ra đó là lối tả ước lệ, mặc dù nghe rất gợi cảm, rất thơ. “Tóc tung trong gió” thì có thể tuy ai cũng biết trẻ em Mỹ thường đội nón đi học, còn “tay cặp sách” thì không vì các em đều có backpack. Ngay cả cậu bé của Anatole France cách đây dăm bảy chục năm cũng đã đi tới trường với cặp sách trên lưng. Trẻ em Việt Nam ở Sài Gòn bây giờ cũng vậy, không đứa nào còn cắp sách mà chúng “hiện đại” lắm rồi với những cái túi đựng sách vở đeo trên lưng hoặc những cái carrier nhỏ có bánh xe kéo đi trên vỉa hè hay hành lang trường. Còn cắp sách đi học thì chắc chỉ có ở thời cậu bé của Thanh Tịnh và thời nhỏ của Tim Nguyễn này.

nguồn Flickr

Thời đó, Tim đi học – đi bộ chớ không có xe – một tay ôm sách vở, một tay cầm lọ mực. Ngôi trường Tim học có tên là Thế Dạ nằm bên sông Hương. Bên kia sông là ánh mặt trời. Xanh xanh bãi mía nương ngô… Trước mặt trường là cánh đồng. Xế bên kia là biệt thự Mai Trang, nơi có người con gái mắt to khiến sau này bao chàng làm thơ (trong đó có cả Nguyễn này, hihi…). Thời ấy, chưa có chuông điện. Ðể báo giờ vào học, ra chơi hay tan lớp, bác cai trường dùng dùi đánh vào cái trống lớn. Tiếng trống vang tới dòng sông, vang qua cánh đồng và những con đường đất trong xóm. Những năm yên bình ấy, chưa có honda, xế nổ hay xe hơi ồn ào như bây giờ, cho nên tiếng trống trường vang đi rất xa. Mỗi sáng Tim tới trường, chẳng khác nào cậu học trò trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư: Xuân đi học coi người hớn hở / Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng / Hỏi rằng sao đã vội vàng / Trống chưa nghe đánh đến tràng làm chi…

Tiếng trống thời thơ dại ấy. Ôi, nhớ làm sao. Giờ đây đâu còn nữa. Diệu Uyển, trang tú nữ học cùng trường ngày xưa, cho biết không còn trường Thế Dạ nữa. Nó bị phá bỏ để xây khách sạn. Ô hô, khóc lên đi, anh Trúc Chi và bạn bè của Nguyễn ơi…

Xem thêm:   Cái chuông gió

TN