Những cơn mưa đầu mùa đã rơi xuống thành phố, rừng cây, nội cỏ của xứ Texas. Ở đây, mưa thường đi liền với sấm sét và gió lớn. Chỉ tội những hàng hải đào (crepe myrtle) phải vật vã, để rụng đi những chùm bông đỏ ối.

Mưa tháng Chín. Những cơn mưa đầu thu dễ làm tâm hồn chùng xuống. Cũng như bầu trời nhiều mây xám xui lòng tôi tưởng tới bầu trời của tuổi mới lớn ở nơi kia. Ðó là một xóm ven sông ở Vỹ Dạ Huế, tôi gọi là Vương Phủ, có những cây bàng, vườn nhãn, bãi ngô và khoai sắn. Có nắng hạ, có mưa thu. Có những người bạn hiền lâu rồi chưa gặp lại. Tất cả đã về đâu…

Bây giờ là tháng Chín. Mùa tựu trường. Thuở ấy những chàng trai những cô gái mới lớn lòng rộn rã biết bao khi ngày đầu niên học đến. Quần áo thẳng nếp, sách vở mới, nón mới. Tâm hồn cũng mới tinh, rộng mở. Thuở ấy, chưa biết tới thất vọng hoặc nỗi buồn. Dù là đi dưới nắng hè hoặc mưa thu lòng cũng phơi phới. Rồi những mo cơm mẹ bới cho đem theo đến trường. Rồi những đêm học bài dưới ngọn đèn dầu trong khi mưa thu rơi lộp bộp trên tàu chuối, giàn dưa, giàn đậu. Trong giấc mơ, đôi khi đôi mắt “cô hàng xóm nhỏ chớm si mê”* hiện về. Và rồi người ta bắt đầu làm thơ.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Nhớ ơi là nhớ. Mưa thu tháng Chín gợi nhớ đã đành nhưng còn những thứ khác nữa cũng khiến dạ bồi hồi. Chẳng hạn vừa đọc lại bài thơ Vương Phủ của Dao Ca: Thời gian / Những ngọn đèn mở mắt / Tôi qua Vương Phủ / Mười năm / Hồn còn soi đầu ngọn liễu / Với gốc bàng / Gió trên cao lay đỏ / Lựu bên tường sẫm ngói âm dương /… Cô gái Vương Phủ / Da thịt ánh trăng / Nửa đêm tắm trần dưới cây mận… Với Dạ Khê… một hôm, qua điện thoại đường dài, Dạ Khê -trang tú nữ một thời ấy- hỏi có phải hồi xưa anh cũng thường xuống tắm ở bến nhà mình không. Ôi chao… Cái thuở còn mặc quần xà lỏn đầu cạo trọc ấy, những trưa ui ui những chiều nắng đỏ, cùng với mấy gã cousins đồng trang lứa, vẫn thường tắm ở những bến sông Vương Phủ và thỉnh thoảng còn lội qua bên kia Cồn Hến bẻ trộm bắp. Xa lắm rồi, đâu có ai được tắm lại lần thứ hai cùng trong dòng nước ở một bến sông. Phải không các bạn?

Đinh Cường 

o O o

Những giọt mưa rơi trên ngọn hải đào gợi nhớ đến nhiều bạn bè đã ra đi. Lê Uyên Phương. Anh đi như vậy là đã ngoài hai mươi năm. Còn nhớ, lúc bấy giờ hải đào nở đỏ khắp những con đường của thành phố Garland, Texas. Không hiểu sao nhìn những chùm bông hải đào rụng bay trong gió lại nghĩ tới tiếng đàn của anh, tiếng đàn từ cây guitar thùng quen thuộc. Người nghe nhạc trong suốt mấy chục năm, từ quê nhà ra tới hải ngoại, đã tìm thấy ở tiếng đàn thùng và giọng hát của anh cùng Lê Uyên những âm vang quen thuộc gắn liền với kỷ niệm và những con đường đã đi qua. Anh là một trong những người viết ca khúc hay nhất của Miền Nam mà chúng ta có được. Ca khúc của anh -tình ca của đôi lứa ở những quán cà phê, những sân ga, phi cảng, những thành phố của người, và mây… -mãi mãi còn được hát lên đâu đó khi những người trẻ tuổi (cả những người không còn trẻ nữa) có dịp ngồi lại với nhau bên một bếp lửa trên đồi gió hay trong một căn phòng có hoa hồng và rượu đỏ. Như đêm nào cùng hát Giờ này còn gần nhau / Gần thắm thiết trong mối sầu… Ngày mai ta không còn thấy nhau… Phải không các bạn,

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Ở đâu đó còn nghe tiếng đàn thùng trong những giọt mưa rơi trên ngọn hải đào.

Một nhà văn nữa, bạn của Nguyễn, cũng ra đi vào mùa hoa hải đào nở đỏ. Nguyễn Mộng Giác. Anh chia tay bạn bè vào một ngày của tháng 7 năm 2012. Riêng người giữ mục này, trong những ngày đầu tiên đến nước Mỹ cũng được Nguyễn Mộng Giác giới thiệu trên Văn Học. Bài thơ Thảo Nguyên được mọi người biết đến cũng là từ đó. Tiếp theo, vào đầu năm 1998, Văn học đã đứng tên xuất bản thi tập Tôi Cùng Gió Mùa của Nguyễn này. Và cũng chính Nguyễn Mộng Giác đã tổ chức giới thiệu tác phẩm với rất đông văn nghệ sĩ tại nhà riêng. Từ đó, Ðặng Tiến biết đến thơ Nguyễn Xuân Thiệp và đã viết một bài tiểu luận đặc sắc về Tôi Cùng Gió Mùa. Thời gian trôi qua, thỉnh thoảng Nguyễn vẫn gặp và chuyện trò thân ái với Giác và Diệu Chi. Thế rồi, sức khỏe Nguyễn Mộng Giác ngày một suy yếu. Giác lâm trọng bệnh và Nguyễn cùng Ðinh Cường tới thăm mấy lần. Nguyễn Mộng Giác ra đi vào đầu tháng 7 khi mùa crepe myrtle nở rộ ở Dallas này. Ðã mười năm trôi qua, mỗi lần nhìn màu hoa đỏ rực lại nhớ tới Giác và những năm tháng đẹp đẽ không còn nữa. Nhớ ngày nào Nguyễn đã có thơ:

 

nguyễn mộng giác

anh ra đi rồi sao

đây hoa hải đào nở đỏ

tiễn đưa anh

như tiễn đưa lê uyên phương ngày nào

mưa

như mưa trên biển

trong văn anh

và trong thơ tôi

 

ôi. những giọt mưa màu đỏ

còn trong trí nhớ mù sương

TN

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

*Thơ Vũ Hoàng Chương