Phố Hầm. Cái tên gây ấn tượng và gợi cảm. Nó ở ngay Atlanta, vậy mà mình không biết. Cả những bạn văn trên vùng Georgia cũng không nói tới bao giờ. Gần đây, Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh hiện ở San Jose gởi cho cái truyện Người Nghệ Sĩ Ở Phố Hầm Atlanta, mình như chợt tìm thấy được một khu phố của mơ ước lãng du.

Phố Hầm ở Atlanta. Theo Cam Li thì khu Phố Hầm – Underground Atlanta rộng khoảng năm “block phố”, kiến trúc cũ kỹ, nằm dưới mặt đất. Khu phố này được xây dựng từ sau cuộc Nội Chiến, qua bao nhiêu tang thương biến đổi, ngày nay trở thành địa điểm du ngoạn của người tứ phương. Ðặc biệt tại đây, Cam Li gặp một nghệ sĩ đường phố chơi guitar đầy cảm xúc. Ðây, mời các bạn cùng Nguyễn lang thang theo bước chân của My –nhân vật truyện:

“My có thói quen đáp xe bus xuống phố mỗi cuối tuần. Xuống phố! Mỗi lần đi như thế My có cảm giác như đang nghe bài hát “Downtown” thuở còn đi học và hát theo giọng hát của Petula Clark trong radio…

“Buổi sáng hôm nay, My cũng lang thang trong Phố Hầm. My có ý tìm mua một vài món hàng làm quà cho gia đình. My thích ngắm những chiếc “booth”, tức là những gian hàng nhỏ, với hình dáng như những chiếc xe ngựa, trên đó trưng bày đủ loại từ quần áo, khăn, mũ cho đến nữ trang, đồ chơi, bánh kẹo…. Những chiếc xe xinh xắn ấy đứng tăm tắp bên nhau, trông như đang chờ để rời bến. Trong lúc còn đang thơ thẩn, My nghe xen lẫn trong tiếng cười nói của mọi người, có tiếng đàn guitar văng vẳng. Có cái gì thúc đẩy My lần theo tiếng đàn ấy. Tiếng đàn rõ dần. Và đây rồi! Không phải chỉ tiếng đàn, mà còn có lời hát nữa. Nơi khoảng trống trước một cửa tiệm bán giầy, người đàn ông đội chiếc “mũ phớt”(1), cầm cây đàn guitar, vừa đàn vừa hát. Chỉ một mình ông thôi. Không có ban nhạc. Không có micro. Nhưng giọng của ông lúc lên cao, lúc hạ thấp, rõ ràng và điêu luyện không kém những ca sĩ trên sân khấu. My tiến đến gần ông. Ôi! Ông đang hát bản nhạc mà My yêu thích từ lâu: “The House of the rising sun”. Một cảm giác vui vui khiến My mỉm cười. Ông càng hát, My càng bị lôi cuốn theo bản nhạc. Và khi nỗi niềm dâng lên thành một đợt sóng, rồi hạ thấp dần để thành một nỗi đau câm lặng, ông dứt tiếng hát. Ông còn đàn thêm một đỗi nữa với những âm giai mà My hồ như đã quen thuộc lắm, rồi ông để cho tiếng đàn tắt dần. Xung quanh ông bỗng nhiên chỉ còn lại sự im lặng. Cả đám đông im lặng. My chợt đưa tay lên má mình, thấy một giọt nước mắt rơi…”

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

A, người nghệ sĩ hát bản ballad The House of the Rising Sun, ca khúc mà Nguyễn đã nhiều lần được nghe và mê. Ở quán rượu Swan Court. Trên con tàu Carnival lênh đênh vùng Vịnh Mexico. Ở trước quán Café Du Monde khu French Quarter New Orleans.

Trở lại với người nghệ sĩ ở Phố Hầm Atlanta. Tên ông là Louis. Ông từ New Orleans theo dòng đời cơm áo trôi dạt tới đây. Xin nghe đoạn đối thoại ngắn này:

– Quê ông ở đâu?

– Nơi có ngôi nhà mặt trời mọc đó.

– New Orleans”

– Ðúng rồi.

Thật ra ông ngồi hát ở Phố Hầm mục đích chính là kiếm tiền gởi về cho người thân ở quê nhà. Một hôm người ta không còn thấy ông ngồi hát những bài hát rong trên con phố ấy nữa. Ông về New Orleans rồi xảy ra trận bão Katrina và không trở lại. Thay vào chỗ ông ngồi, bây giờ là một nghệ sĩ chơi kèn.

Ông Louis đã về quê nhà New Orleans. Nơi có Ngôi Nhà Mặt Trời Mọc

Vâng

Có một ngôi nhà như thế

ở New Orleans

tên gọi

The House of the Rising Sun 

nơi thanh xuân. của bao chàng trai. cô gái

bị hủy hoại

và bao nhiêu dòng lệ

đã rơi

Ông Louis ơi, bây giờ ông ra sao. Những người bạn của Phố Hầm đang mong ông đấy!

TN