Ôi, Ðà Lạt. Sẽ không bao giờ còn nhìn thấy những ảnh bóng ngày xưa.

Ðúng như vậy. Với Nguyễn, Ðà Lạt là một phần đời đáng nhớ nhất. Ở đó còn hiện lên khuôn mặt thân yêu của vợ con, bạn bè -người chết kẻ sống vẫn thường về họp mặt bất chợt nói cười như trong giấc mộng. Bây giờ ngồi đây ở bên này biển sóng mà Nguyễn còn như thấy lại cảnh khu phố Hòa Bình của những năm 60 và đầu 70. Ở đó còn in dấu bao kỷ niệm thân thương.

Nhà Nguyễn hồi đó ở số 3 Nguyễn Trường Tộ nhìn qua nhà hàng Au Sans Souci. Từ nhà có thể đi bộ lên khu Hòa Bình. Ðài phát thanh, chỗ Nguyễn làm việc suốt tám năm cũng vậy. Chỉ cần đi ngang Nhà thờ Con Gà, đổ xuống đường Tự Ðức là đã gần tới nơi. Nói tới khu Hòa Bình là nói tới các kiosques, rạp chiếu bóng, tiệm ăn, quán cà phê, cửa tiệm, góc phố, những con đường với dấu chân tình nhân… Ở đây, đã hơn một lần mình và Dung dẫn hai con nhỏ đi dạo chơi quanh khu Hòa Bình. Ghé vào hàng bánh kẹo mua chocolat Menier cho hai bé. Ðứng trước cửa tiệm đồ lưu niệm, hai bé say sưa ngắm chú gấu bông màu vàng mắt đen bày trong tủ kính. Rồi đi theo những quả bóng màu của xe kem, ôi thơm ngon những cây kem cornet hình sừng bò.

Ăn kem xong là vào rạp ciné xem phim. Ở Ðà Lạt trên khu Hòa Bình hồi đó có hai rạp chiếu bóng: Ngọc Lan và Hòa Bình. Còn nhớ một lần cả gia đình xem phim ở rạp Ngọc Lan, không nhớ tên phim gì, nhưng trong phim có nhiều muông thú: cọp, beo, khỉ, gấu, voi, bò rừng, chim chóc… Có cảnh voi và cọp ác chiến, khi cọp nhảy được lên lưng voi cắn xé, hai bé của Nguyễn khóc ré lên thương xót. Hòa Bình là rạp chiếu phim lớn nhất, thường chiếu những kiệt tác điện ảnh nổi tiếng. Nguyễn và Dung đã xem Doctor Zhivago ở rạp này. Còn nhớ bánh mì baguette ở Vĩnh Chấn, cũng trên khu Hòa Bình ngon tuyệt trần. Nguyễn và vợ cùng các con thường mua lên xe ngồi ăn.

Nói tới khu Hòa Bình của Ðà Lạt không thể nào quên Thanh Sâm. Chính ở cầu thang từ trên phố đi xuống chợ một hôm mình đã gặp lại Thanh Sâm sau thời gian xa cách gần mười năm. Gặp là nhận ra nhau ngay. Ôi, mình còn nhớ như in khuôn mặt Thanh Sâm với đôi mắt to đen và mái tóc dài. Mình hỏi thăm Thanh Sâm và gia đình lúc ấy cũng ở Ðà Lạt và Sâm cho địa chỉ trên đường Trần Bình Trọng gần khu nhà thương để tới thăm. Hồi đó anh Tốn chồng Sâm làm phó quận trưởng ở Dục Ðức. Ðó là vào năm 1965 mình vừa mới từ Pleiku lên làm ban phát thanh Quân Khu II ở đài Ðà Lạt.  Gặp nhau gần như mỗi ngày. Khi thì ăn cơm ở nhà Thanh Sâm với các cháu. Khi thì đi ăn mì, ăn phở trên khu Hòa Bình rồi đi dạo chơi loanh quanh. Khuya dừng chân mua bắp nướng mỡ hành của một cô bé trên góc phố. Ôi, làm sao quên được mùi thơm và vị ngọt của bắp từ Trạm Hành chở lên.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Ðà Lạt của tôi. Nơi đó còn có bóng Ðinh Cường, Trịnh Công Sơn, Trịnh Xuân Tịnh, Bửu Ý, Lê Uyên Phương, Nguyễn Minh Diễm, Nguyễn Quang Tuyến, Hoàng Khởi Phong… Nói đến các bạn là phải nói tới cà phê Tùng, nhà hàng Mékong, Chic Shanghai…  Ông chủ Cà phê Tùng rất nghệ sĩ. Chính ông đã đích thân tới triển lãm tranh Ðinh Cường ở Alliance Francaise để mua bức Thiếu Nữ về treo ở quán. Bức tranh ở đó mỗi ngày nhìn chúng tôi ngồi uống cà phê. Ðây hãy nghe Lê Uyên Phương viết về cà phê Tùng trong Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles:

“… Không thể nào quên được những đêm thật tuyệt vời của Ðà Lạt vào những năm của thập niên 60. Chúng tôi, như phần đông những người trẻ lúc đó, thường hay la cà khắp các quán cà phê ở Ðà Lạt, nhất là cà phê Tùng gần chợ Hòa Bình. Cái phòng vuông vức với những hàng ghế liền bọc plastic đỏ, những chiếc bàn thật thấp, trên tường có một bức tranh lớn vẽ một người chơi guitar theo lối nửa lập thể, nửa ấn tượng, và cái không gian đầy khói thuốc trộn lẫn với âm nhạc nhẹ phát ra từ chiếc loa không lớn lắm đặt trên cao, tất cả đã trở thành một thứ ma túy đối với chúng tôi…”

Ngoài cà phê Tùng anh em còn ngồi uống bia vào mỗi chiều ở Chic Shanghai. Ðây là chỗ yên tĩnh để trò chuyện. Cửa kính lớn nhìn ngay ra khu Hoà Bình. Còn một nơi nữa là nhà hàng Mékong. Ở đây ngồi uống bia cũng thú. Có món bò kho rất ngon. Mình từng ngồi đây với Ngô Kha, lần khác với Huy Tưởng. Một nơi nữa không thể nào quên là Kiosque của Dì Ba trên đường vào chợ, không biết bây giờ còn không. Dì Ba là một người đẹp trang trọng trong màu áo nhung tím đậm huyền ảo dưới ánh đèn. Ðinh Cường và mình ngưỡng mộ Dì Ba, nhiều đêm cùng với Trịnh Công Sơn ngồi uống rượu tới khuya. Ðinh Cường có vẽ Dì Ba trong một bức chân dung lớn trưng bày trong buổi triển lãm ở Alliance Francaise Noel 1965. Dì Ba có đến xem tranh. Không biết bức portrait đó giờ về đâu.

Xem thêm:   Cái chuông gió

Về đâu những ảnh bóng của một thời. Những tưởng tất cả đã mất đi. Nhưng không, cho tới giờ phút này vẫn còn đâu đó, trong trái tim đau này, trong tranh và trong thơ. Năm 1980 ở trại tù Thanh Chương Nghệ Tĩnh, khi đi trong mưa qua hồ sen Nguyễn đã thấy lại:

qua mưa

ta thấy lại một hè phố quen

buổi chiều. tiếng reo của âm thanh. và vầng

hương sáng

một cửa tiệm bán đồ trẻ con

cạnh gian hàng thủy tinh. và đồ sứ

đời tiếp trôi. rất dịu dàng

từ chiếc võng mơ. tới cành ảo tưởng

một quán cà phê. mở cửa dưới mưa phùn

rộn rã áo mưa. và nón dạ

một góc tường bán thuốc lá, và diêm

nơi dừng lại rồi đi bao nụ cười. tỏa ấm

nhớ không. cô hàng bán sách cài nơ xanh. một

sớm đã bỏ đi

cửa hàng thành chỗ trú mưa của bầy chim én

ở một vỉa hè. cô độc. người thợ vá giầy. ngồi kể

cuộc phiếm du. và những con đường

lũ trẻ vây quanh quầy bán kem

ta mê. cây kem cornet. hình sừng bò

trên đường về. lũ trẻ theo chân những quả

bóng màu hồng

người bán bóng vừa đi. vừa thổi kèn. lảnh lót

gọi đêm về

cơn gió đêm. nồng mùi đậu phụng rang. và phở nóng

đâu cô bé bán ngô. trong khuya. bán cho ta những 

bắp ngô. vàng ngon. trên ngọn lửa

chớp mắt

lửa pha lê vạch sáng chân trời…

Hình ảnh Đà Lạt xưa

Ôi, khu Hòa Bình Ðà Lạt đẹp như thế, quý như thế mà rồi sẽ bị phá sập không còn dấu tích sao! Sơ đồ Quy Hoạch lại khu Hòa Bình Ðà Lạt cho thấy điều đó. Tài liệu ghi nhận: Ðồ án “khu thương mại phức hợp” cao tầng thay cho một khu Hòa Bình đầy dấu ấn lịch sử, ký ức đô thị, không những tạo ra sự bất an nơi những cư dân trong khu vực bị chi phối, hằng quan tâm đến lịch sử văn hóa Ðà Lạt mà còn gây tranh cãi trong giới chuyên môn nghiên cứu, quy hoạch, kiến trúc đô thị.

Một số  kiến trúc sư nhận định: Khu trung tâm Hòa Bình là nơi lưu dấu nhiều vẻ đẹp kiến trúc, lịch sử Ðà Lạt, trong đó có rạp hát Hòa Bình và Dinh Tỉnh trưởng cũ. Việc phá bỏ rạp hát Hòa Bình và di dời Dinh Tỉnh trưởng cũ sẽ làm mất đi “hồn cũ, dấu xưa” của Ðà Lạt.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

KTS Trần Công Hòa (Hội KTS tỉnh Lâm Ðồng) cũng cho biết: Rạp Hòa Bình từ xưa đến nay là “điểm mốc” đô thị Ðà Lạt, có thể xem là biểu tượng gắn bó với đời sống sinh hoạt, tinh thần, chính trị, văn hóa của người Ðà Lạt. Từ mọi ngả đường khi nhìn về tháp cao của rạp Hòa Bình dễ dàng định được hướng đi. Ðồ án vừa công bố chưa tạo được điểm nhấn, chưa thay thế được rạp Hòa Bình; kiến trúc 2 tổ hợp thương mại dịch vụ thiết kế bằng kính quá xa lạ với Ðà Lạt, không phù hợp với hiện trạng của thành phố này. Chạm đến khu Hòa Bình là chạm đến ký ức của người Ðà Lạt và yêu Ðà Lạt ở khắp nơi”.

Với Dinh Tỉnh trưởng cũ, nhiều người yêu mến Ðà Lạt đều cho rằng đó là một công trình có giá trị lịch sử, có giá trị về kiến trúc, văn hóa cần được gìn giữ như trung tâm lưu giữ ký ức của người Ðà Lạt. Khu vực quanh Dinh là một mảng rừng xanh lâu đời cần bảo tồn cho Ðà Lạt. Theo đồ án quy hoạch thì Dinh tỉnh trưởng sẽ di dời nguyên khối đến “góc” nào đó, để thay bằng khối khách sạn cao 10 tầng với kiến trúc mang dáng dấp của Hồi giáo, Ấn Ðộ rất xa lạ với Ðà Lạt.

“Tôi đã từng đi rất nhiều nước nhưng có thấy ở đâu người ta đập bỏ những di sản. Chúng ta phải biết gìn giữ để tận dụng và khai thác nó. Từ bên châu Âu xa xôi mà Thụy Sĩ còn qua đây để mua lại những đầu máy xe lửa rỉ sắt để về phục dựng lại và giờ đây đưa vào hoạt động du lịch. Ðừng để nó trở thành một việc làm sai lầm để rồi sau này phải tiếc nuối”, ông Q chia sẻ thêm.

Còn anh Phạm Quốc H (44 tuổi) thì gay gắt hơn: “Người ta lên Ðà Lạt vì những nét riêng về khí hậu, về thiên nhiên và về những căn biệt thự cổ, những kiến trúc cổ chứ không phải họ đến đây vì các tòa nhà hiện đại, các trung tâm mua sắm sầm uất. Vì vậy, đừng biến Ðà Lạt thành gạch đá, thành bê tông, sắt thép.”

Ôi sẽ chẳng còn gì là Ðà Lạt của tôi xưa.

Hình ảnh một khu Hòa Bình thanh bình sắp trở thành khu “thương mại dịch vụ phức hợp hiện đại” (theo tinh thần bản “Ðồ án quy hoạch”) là một mất mát thực sự đối với ký ức, di sản đô thị nói riêng, giá trị nhân văn đô thị Ðà Lạt nói chung.

Ôi. Hãy khóc cho Ðà Lạt của tôi.

TN

Tổng hợp