Ở đâu Mùa Xuân Ðầu Tiên

Câu hỏi được nêu lên như một niềm ray rứt khôn nguôi.

Mùa xuân nào thế nhỉ, có phải mùa xuân như trong Hòa Tấu Khúc Bốn Mùa của Vivaldi:

Mùa xuân được báo hiệu bởi bản hòa tấu réo rắt của những chú chim đang hân hoan cất tiếng hót. Trong thung lũng, những con suối mùa xuân róc rách chảy, dòng nước trong lành uốn lượn hiền hòa từ tuyết tan trên đỉnh núi, được làn gió xuân ve vuốt rồi cùng nhau hát lên một giai điệu thanh khiết vô ngần.

Bỗng chốc, mây đen kéo tới, một vài tiếng sấm đột ngột gầm gừ vang lên, và rồi những tia sét mạnh mẽ thắp sáng cả bầu trời tựa như ánh sáng hé lộ từ Thiên đường, báo hiệu những cơn mưa xuân đang tới. Nhưng rồi cơn mưa chóng tan, bầu trời chẳng mấy chốc lại bừng sáng, và tiếng hót lảnh lót của những chú chim lại một lần nữa thánh thót ngân nga trong bầu không khí trong lành và ẩm ướt.

Trên những đồng cỏ bạt ngàn hoa dại muôn màu khoe sắc là những chú dê đang nhàn nhã gặm cỏ. Phía trên đỉnh đồi cao cao, người chăn dê thong thả tận hưởng một giấc ngủ trưa ngắn ngủi với gió mát và hương hoa thoang thoảng. Bên cạnh anh, chú chó trung thành lẳng lặng nằm, tựa như một người vệ sĩ tận tụy đang canh gác cho chủ nhân của mình.

Trong không gian vang vọng tiếng kèn túi mộc mạc, từng hồi, từng hồi, ngân nga, báo hiệu lễ hội âm nhạc chính thức được mở màn. Những thôn xóm tràn ngập không khí hứng khởi và hân hoan của những cô gái xinh đẹp và những anh chàng chăn cừu vui tính, họ đang say sưa nhảy múa với nhau dưới ánh sáng huy hoàng của mùa xuân. (Nguồn trithucvn.org.)

Hay đó là mùa xuân trong nhạc Johann Strauss ở Thành Vienne?

Ngày ấy khi xuân ra đời / Một trời bình minh có lũ chim vui/ Có lứa đôi, yêu nhau rồi / Hẹn rằng còn mãi không nguôi (Khúc Hát Thanh Xuân. Lời Việt: Phạm Duy)

Rồi. Rồi… Có phải đó là Xuân và Tuổi Trẻ của La Hối và Thế Lữ ngày nào:

Ngày thắm tươi bên đời xuân mới,

Lòng đắm say bao nguồn vui sống.

Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,

Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng.

…Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời,

Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo

Ðừng để lòng thổn thức tình mê đắm

Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi

Hay Xuân Ca đầm ấm sum vầy của Phạm Duy:

Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui

Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về.

Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ

Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chang lòng mẹ

…Xuân tôi ra góp chung câu gào thiết tha

Là xinh, là tươi có Xuân thuở xưa ước mơ hiền hoà

Xuân xanh lơ, hắt hiu trong trời nắng mưa

Vườn Xuân là Xuân có hoa ngày mai hát Xuân thật dài

Không. Hoàn toàn không có những âm vang hòa điệu, những hình ảnh lượn bay trong bầu trời nắng xuân, những tâm tình nhân ái hiến dâng cho đời. Mùa xuân chúng ta sắp nói tới ở đây là Mùa Xuân Ðầu Tiên ca khúc của Văn Cao được cất lên sau ngày 30 tháng Tư khi dưới trời này “có một triệu người vui và cũng có một triệu người buồn”. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo trong bài viết được đăng lại trên Diễn Ðàn Thế Kỷ cho biết Tác phẩm “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao đã bị “giết”. Bị giết như thế nào, đây lời nhà thơ viết:

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

“Không đợi khi Xuân đến, Tết về như dịp này, chúng tôi mới nghe lại bản nhạc bất hủ “Mùa xuân đầu tiên” Văn Cao khởi viết cuối Tháng Mười Hai 1975, hoàn thành trong dịp Tết Bính Thìn năm 1976. Ðây là bài hát có số phận đặc biệt nhất trong cuộc đời sáng tác của Văn Cao. Ðây cũng là bài hát mang nhiều tâm trạng đối lập, hòa trộn nước với lửa: vui ít, buồn nhiều, mừng ít, tủi nhiều, hoan ca ít, bi ca nhiều, tha thiết ít, nghẹn ngào nhiều, bâng khuâng ít, đau đáu nhiều, tự sự ít, ai oán nhiều, mê say ít, thở than nhiều, cứng cỏi ít, run run nhiều, da diết ít, nỉ non nhiều, cười ít, khóc nhiều, sum họp ít, cô đơn nhiều, yêu thương ít, đau thương nhiều, gặp gỡ ít, bơ vơ nhiều…

“Hầu như tất cả trạng thái tình cảm trái ngược nhau của con người đều có trong bản nhạc kỳ lạ này: ai vui hát lên thì nghe vui, ai buồn hát lên thấy buồn não ruột, ai đau khổ hát lên thấy một trời đau khổ, ai sầu thảm hát lên thấy cả một thế giới sầu thảm đang đồng cảm cùng mình… Nghe đi nghe lại bản nhạc này, ta thấy xuất hiện trong tâm trí mình rất nhiều tâm trạng không thể dùng ngôn ngữ diễn đạt. Nếu bạn đã hoặc đang đi qua bể khổ trần gian, nghe bản nhạc “Mùa xuân đầu tiên” bạn sẽ cảm thương, nhờ nước mắt diễn đạt nỗi lòng mình.

Riêng lời bài hát đã là một bài thơ hay:

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng cho bao tâm hồn

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người

Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường, mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông

Trần Mạnh Hảo ghi tiếp:

Rất nhiều chim én, nhiều nắng gió, có nước mắt vui gặp gỡ của đàn con nay đã về, có cuộc đời êm ấm… nhưng sao hình ảnh “khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông” lặp lại hai lần làm không gian của “Mùa xuân đầu tiên” xa xôi, bơ phờ thế, xao xác thế, hoang vắng thế, hiu quạnh thế, đơn độc có phần cô đơn thế? Chợt nhớ nỗi buồn thiếu quê hương của Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc lâu xưa, cũng một tiếng gà trưa Văn Cao nay, một khói sóng trên sông xa Văn Cao nay, u hoài khôn xiết: “Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông”:

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Nhật mộ hương quan hà xứ thị,

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

(Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?

Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người!)

Bài hát như một điệu valse bằng nước mắt; sự thướt tha, quý phái của một giai điệu bi thương; sự sang trọng của ngậm ngùi, day dứt; sự lãng mạn của một phiêu linh, xô dạt; sự mê đắm của một vu vơ; sự đoan trang của cái đẹp lỡ thì; sự liêu trai của ngơ ngác, đìu hiu; sự dịu dàng của nỗi thương đau, xót nhớ…

Chừng như đã mấy chục năm chiến tranh liên miên chưa từng có Xuân về? Chừng như gần hết cả đời người bận chuyện đấu tranh giai cấp giành giật miếng ăn chưa từng thấy chim én báo Xuân? Chừng như đã rất lâu rồi sự căm thù trùm lên xã hội không còn ai biết thương người? Chừng như đã lâu lắm rồi ta tha hương trên chính quê hương mình? Chừng như suốt mấy cuộc chém giết kinh hoàng mạo danh cách mạng, không còn ai biết yêu con người? Chừng như mấy mươi năm rồi con người đã quên mình còn nước mắt? Chừng như lâu rồi tâm hồn người không được sưởi nắng mùa Xuân?…”

Và chừng như toàn bộ vết thương cuộc đời Văn Cao, vết thương cuộc đời dân tộc, bỗng mượn ngón tay ông mà nhỏ xuống cây đàn piano những giọt nước mắt giai điệu, khiến những vết thương chợt mở miệng ca hát: “Mùa xuân đầu tiên”.

Trong bài hát ấy, kỳ lạ thay, tôi nghe -vẫn lời Trần Mạnh Hảo- có một nửa nước vui thắng trận trào nước mắt và một nửa nước buồn thua trận cũng trào nước mắt, chợt ôm chầm lấy nhau mà quằn quại, mà dằn vặt giằng xé nhau, cười khóc mếu máo bầm giập nhau, nên vui ấy sao buồn hiu hắt thế, lênh đênh phiêu bạt thế, nức nở nghẹn ngào thế?

Vâng. Ðúng như lời Trần Mạnh Hảo, “Có lẽ, chính vì những điều trên mà kiệt tác “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao sau khi được báo Sài Gòn Giải Phóng in trước Tết Bính Thìn, ngày 1 Tháng Một 1976, được hát trên Ðài Tiếng nói Việt Nam mấy lần, liền bị cấm suốt 24 năm (1976-2000)! Sinh thời, Văn Cao không được nghe, được nhìn thấy đứa con tinh thần của mình được trình diễn. Sau khi ông mất (1995) 5 năm, “Mùa xuân đầu tiên” mới ra khỏi nhà tù kiểm duyệt của chế độ.”

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Sau đây là lời nhà thơ, họa sĩ Văn Thao, con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao kể về sự ra đời của bài hát này: “Sau khi bài “Tiến về Hà Nội” ra đời cuối năm 1949, bố bị đưa ra kiểm điểm và bị phê phán khắp nơi. Từ đó bố đã thề, sẽ không sáng tác ca khúc chính trị nữa…”

Văn Cao đã sáng tác xong ca khúc MÙA XUÂN ÐẦU TIÊN vào đúng dịp Tết Bính Thìn 1976.

Văn Thao tiết lộ tiếp rằng, bài hát bị cấm ở Việt Nam nhưng bên Liên Xô người ta lại dịch sang tiếng Nga, phát trên Ðài phát thanh Moscow: trong cái năm 1976 ấy, MÙA XUÂN ÐẦU TIÊN đã được in ở nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100 rúp. Văn Cao phải viết giấy ủy quyền qua sứ quán để con gái ông đang học bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con gái: ‘Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu”.

Chúng ta lại được nghe người con trai thứ của nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nghiêm Bằng kể sơ qua về sự ra đời của “Mùa Xuân Ðầu Tiên”: “Ðó là một đêm vào giữa Tháng Mười Hai 1975. Chúng tôi đang sống với cha mẹ trong ngôi nhà số 108 Yết Kiêu. Mùa Ðông, Hà Nội rét tê tái. Cha tôi đã từ lâu rồi không đàn. Vậy mà trong đêm ấy, tôi nghe có tiếng chân nhè nhẹ lần từng bước từ phòng trong ra gần chiếc đàn piano – đối diện với chiếc divan tôi đang ngủ. Một giai điệu khe khẽ vang lên, nó được đàn bởi một bàn tay phải. Cũng phải nói thêm là cha tôi đã đàn trên chiếc đàn vốn được Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho thuê lại với giá bảy đồng rưỡi một tháng (lương tôi hồi đó là 63 đồng, còn tiền thuê nhà là 15 đồng); từ ngày kỷ niệm 30 năm Tiến quân ca (1974), chiếc đàn mới được tặng hẳn cho cha tôi thì cha lại rất ít có dịp dùng đến.”

Mùa Xuân Ðầu Tiên

Vâng! Một điệu valse sang trọng, vui nhẹ nhàng như hơi thở mùa Xuân, nhưng khi lắng lại tâm hồn, ta cảm được những gì bên trong sự tươi vui ấy có chút gì như là cay đắng ngậm ngùi về một quá khứ của dân tộc oanh liệt và đau thương, bi hùng… Ðất nước qua bao nhiêu dâu bể, thăng trầm ly loạn. Những biến cố lịch sử ấy hiện diện trong từng ngôi nhà, trong vô vàn thân phận. Chúng ta chưa quên. Và như nhà thơ Thanh Thảo viết “Cả một dòng sông vui, nhưng không trào cuộn ào ào, mà như lắng lại, nghe kỹ thấy những lượn sóng đang run run, những lượn sóng như nhắn nhủ cái gì, như báo trước một điều gì”.

Báo hiệu điều gì, phải chăng một chế độ toàn trị mù quáng đưa đất nước tới điêu linh, thống khổ, ly tan như ngày hôm nay.

TN – Tổng Hợp