Gần đây đọc bài thơ Phố Có Cây Đã Chết của Huy Tưởng, lòng bồi hồi xúc động, nghĩ đến những hàng cây xanh bị đốn ngã trốc gốc trên phố xưa. Đâu còn tiếng chim buổi sáng, đâu còn  tiếng ve buổi chiều, và đôi mắt em…

Ôi. Những hàng cây xanh của Sài Gòn ngày xưa. Làm sao có thể quên được, phải không các bạn? Bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đã ca tụng. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát / Buổi chiều công viên mây trời xanh ngát / Uống ly chanh đường… Mà không cứ gì nhà văn, nhà thơ, mỗi chúng ta đều thấy những hàng cây ấy là đẹp và mỗi người đều có kỷ niệm riêng ở một góc nào đó trên các đường phố của Sài Gòn năm xưa.

Hãy nhớ lại xem… Ðường Tự Do, Duy Tân, Nguyễn Du, Tú Xương, Huyền Trân Công Chúa, Hồng Thập Tự, Phan Ðình Phùng, Pasteur, Công Lý, Bùi Thị Xuân, Chu Mạnh Trinh… đã bao lần in bóng anh và em. Có phải chúng ta từng nắm tay nhau đi trên những con đường ấy. Hay cùng đạp xe song song. Hay anh chở em bằng vélo solex… Anh bạn của Nguyễn -nhà thơ V.K., nay không còn nữa- kể lại rằng những đêm khuya, từ phòng trà Ðêm Màu Hồng ra, anh và Tiểu Cầm thường đi bộ dọc theo đường Tự Do về phía Nhà Thờ Ðức Bà, vừa đi vừa hôn nhau. Ôi, mê ly! Mà đâu có phải chỉ riêng V.K. và Tiểu Cầm làm cái chuyện cực kỳ sướng khoái lãng mạn ấy. Thành thật khai báo đi. Nếu có bạn nào từng ở Sài Gòn mà không qua cảnh vừa nói thì cứ đè đầu kẻ này xuống mà cạo trọc lóc! Riêng Nguyễn, xin thú thiệt cũng đã có đôi lần trên con đường Duy Tân hay ở góc công viên nào đó. Bởi vậy cho nên ngồi gõ máy những dòng này mà nhớ những hàng cây của Sài Gòn ơi là nhớ.

Mà hẳn bạn cũng biết những cái cây cho bóng mát lâu năm nhất trên những con đường của Sài Gòn là những cây gì. Ðó là cây dầu, cây sao, cây me… Lác đác có cây cao su ở đường Tú Xương hay xế góc Hồ Con Rùa. Ngoài ra còn cây giả tị, lá lớn và xanh ngời, ở đâu đó trên đường Công Lý… Nghe nói còn có cây dái ngựa nữa mà Nguyễn tôi không biết hình thù nó ra sao và ở đâu. Chắc phải tìm đọc lại cụ Vương Hồng Sển hoặc hỏi vị nữ nhân rành thổ ngơi và thảo mộc của Sài Gòn may ra mới hình dung ra cây dái ngựa. May thay, mới đây nói chuyện với Bảo Huân của Báo Trẻ, mới được sáng mắt: Gọi là cây dái ngựa vì trái của nó to và dài, rất giống với… Riêng Nguyễn chỉ biết một điều là cây dầu, cây sao, cây me là loại cây chậm lớn, phải cỡ vài chục năm mới cho bóng mát. Quả thật như vậy, nhìn lại những tấm ảnh cũ chụp đường phố Sài Gòn cách đây hơn trăm năm, bạn sẽ thấy những cây dầu, sao, me ở trung tâm thành phố còn thấp lè tè. Thế đấy. Ðể trồng cây mất cỡ chục năm. Mà trồng me trồng dầu và sao có khi phải tới năm bảy chục năm. Vậy mà các chức sắc CS ở Sài Gòn lại cho đốn đi, không thương tiếc. Em ơi, mai này anh và em có dịp trở lại thành phố ấy và đi trên con đường Duy Tân ngày xưa tìm đâu thấy những cánh dầu màu nâu bay bay xoay tròn trong gió để rồi rớt trên vai áo em. Những bông dầu khô ngày ấy đã chết tuyệt tích tự bao giờ.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Những ngày vừa qua, trên các trang mạng xã hội Việt Nam cũng như trên báo chí bùng lên dư luận khóc thương tiếc nuối hàng chục cây trăm tuổi sừng sững qua bao thế kỷ nay bị chặt đốn nhường chỗ cho việc xây dựng nhà ga đường xe điện ngầm giữa lòng thành phố.

Ôi,vậy đó. Và còn hơn thế nữa. Tin trên báo ghi nhận: Vừa qua, chỉ nội trong ba ngày, đã có đến 57 cây trăm tuổi trước Nhà hát thành phố Sài Gòn bị đốn chặt. Ðây là hàng cây cổ thụ mọc dài trên đường Lê Lợi của thành phố Sài Gòn, trong đó có 39 cây dầu, sao đen, bò cạp… Việc đốn hạ những hàng cây cổ thụ trăm tuổi đã làm biến mất mảng xanh của trung tâm Sài Gòn. Rất nhiều cư dân Sài Gòn nói “…Sài Gòn nay không còn xanh, và hàng liễu ở khu vực trung tâm cũng đã không còn rủ bóng…”. “người ta chỉ mất vài năm để xây một tòa nhà cao vài chục tầng, nhưng mất cả trăm năm để trồng những cây cổ thụ mang tính biểu tượng của một thành phố.”

Trong bài “Vẫn nhớ về cây xanh thành phố” nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu sau khi nhìn phố bỗng dưng trơ trọi; bất lực nghe tiếng kêu cứu trong mỗi nhánh cây gãy, đã đau xót nhận ra mấy công trình tráng lệ “chưa biết đẹp ở đâu (và có đẹp không?) nhưng một phần ký ức rất đẹp của Sài Gòn đã vĩnh viễn ra đi”. Nguyễn Thị Hậu viết: “Ðối với tôi và nhiều người, những hàng cây cổ thụ ở Hà Nội, Sài Gòn không chỉ là cây xanh, mà còn là kỷ niệm, ký ức, là nỗi nhớ là hồn vía của đô thị, nơi nhiều người từng sống, đang sống và đến đây kiếm sống! Sống lâu ở đô thị, mỗi hàng cây mỗi góc phố mỗi căn nhà đường phố trở nên thân quen, nó mang lại cảm giác bình yên của một đô thị “đáng sống”, dù cuộc sống vẫn còn quá nhiều bề bộn… Chiều nay đi qua đầu đường Lê Lợi trông thấy cảnh những cây cổ thụ bị cưa ngọn cưa thân một cách vội vã, lạnh lùng… Nhìn phố trơ trọi… bỗng ứa nước mắt.”

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Ðạo diễn Việt Linh hiện ở Paris cũng bày tỏ cảm xúc: “Ừ thì cuộc tàn hại thiên nhiên là để đổi ga metro hiện đại. Nhưng ga thì dù hiện đại vẫn là cái… bến xe, mà những đặc tính xô bồ – dù nhiều hay ít – của nó chắc chắn sẽ làm tổn thương nét thanh tao, nền nã lâu nay của trái tim thành phố. Cái giá tiêu hoại mỹ quan phải trả ở tương lai là rất lớn, khó cứu chữa. Có lẽ không ở đâu người dân phải liên tục kêu rên sự đập phá vô tâm như ở đây. Và có lẽ, do sự kêu rên đó mà những hàng cây kiêu hãnh bị đánh úp. Cây trách Sài Gòn nông bạc, nhưng cây biết người Sài Gòn cũng thảng thốt, bàng hoàng!” Và đạo diễn Việt Linh đưa ra nhận xét: “Người ta hứa sẽ tái hiện không gian xanh, nhưng, như kinh nghiệm nhãn tiền: công viên Chi Lăng – không phải xanh của cây mà của… kiểng trang hoàng – không phải cho dân. Người có trách nhiệm nói, những cây bị chặt không quý, nhưng sống trăm năm thì cây hết là gỗ. Thành phố nhân văn phải xanh. Xanh của cây chứ không phải của kiểng leo khoeo, dễ dãi, nhôm nhoam. Tôi muốn khóc khi đọc câu này của Nguyễn Thị Hậu: “Hay là thôi, Sài Gòn cứ là của những người lạnh lùng đến rồi đi, vô cảm lên rồi xuống, chẳng cần phải là Sài Gòn của bao người từng ở, đang ở, từng đến đây và đang yêu quý Sài Gòn mỗi ngày…”

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Tôi cũng suýt khóc khi đọc câu “Ít có ai chuẩn bị đủ tâm lý cho một cuộc chia ly như vậy” trong bài “Sài Gòn run rẩy trong tiếng máy cưa” của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Chia ly, anh đã dùng chữ thật hay để thấy hồn cây níu quấn hồn người – không phải những người đến – đi, lên – xuống, mà những người đang yêu tha thiết Sài Gòn. Quá muộn để cứu cây, nhưng hoàn toàn không muộn để khóc và khuyến cáo. Khi Sài Gòn cứ còn của những người lạnh lùng đến rồi đi, vô cảm lên rồi xuống, thì những người từng ở, đang ở, từng đến đây và đang yêu quý Sài Gòn sẽ còn khóc chia ly…

Ôi, những hàng cây xanh của Sài Gòn. Tôi muốn viết cả trăm bài thơ chia tay những hàng cây ấy. Và tôi mơ… Những bài thơ sẽ được viết trên những cánh diều thả bay khắp bầu trời thành phố Sài Gòn. Như một lần tiễn đưa những vẻ đẹp không bao giờ trở lại.

TN – Tổng Hợp