Mùa xuân Praha. Cụm từ này đã in sâu trong trí nhớ của nhiều người đồng hội đồng thuyền với Nguyễn từ bao nhiêu năm nay. Nó được gợi lên cùng với những hình ảnh vừa bạo liệt, vừa âm u của một đất nước nhỏ bé nhưng kiên cường là Tiệp Khắc. Mùa Xuân Pra-ha còn gợi nhớ tới âm nhạc The Beatles và hình ảnh John Lennon. Các bạn ơi, xin cùng nhau nhìn lại trong hy vọng

Ở đâu không là Mùa Xuân Praha.

Mùa Xuân Pra-ha khởi sự từ Tháng Giêng năm 1968. Lúc bấy giờ, Alexander Dubcek lên cầm đầu chính quyền Cộng Sản ở Tiệp Khắc, lập tức Dubcek đưa ra chương trình cải cách gọi là Mùa Xuân Praha, nhằm đem đến cho Cộng Sản bộ mặt của con người hơn. Nhờ đó, dân chúng Tiệp Khắc -gồm những người Czechs và Slovaks- được hưởng một giai đoạn tự do ngôn luận và tự do báo chí ngắn ngủi chưa bao giờ có trong khối Cộng Sản Liên Sô. Và cũng lần đầu tiên trong lịch sử âm u của nước Tiệp Cộng Sản, thanh niên được nghe nhạc Pop của Tây Phương. Nhạc của The Beatles còn được phát trên radio nữa kia! Rồi những ca khúc theo thể điệu Pop đầy sống động ngày một đi sâu vào những căn hầm ở Prague.

Lịch sử ghi: Tháng 2 năm 1968, John Lennon cùng với George Harrison đến Ấn Ðộ trầm tư bên dòng sông Hằng. Tại đây John Lennon sáng tác ca khúc Revolution. Và như thế nhạc rock đã mở đường cho Cách Mạng Tiệp Khắc…

Tháng Năm 1968, Mạc Tư Khoa không chịu nổi nữa trước không khí cởi mở của Mùa Xuân Prague nên đã tập trung quân ở biên thùy nước Tiệp. Cũng chính trong thời gian này một ban nhạc tiền phong có tên là “Plastic People of the Universe” được thành lập ở Prague.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Trong khi đó, từ 21 tháng 6 đến giữa tháng 7. 1968, nhóm Beatles hoàn thành các versions khác nhau của Revolution. Ðây cũng là thời gian Chủ tịch đảng CS Liên Sô gọi Dubcek tới vùng biên giới Sô Tiệp tham dự một buổi họp kéo dài 4 ngày, bàn thảo về những cải cách của Mùa Xuân Praha.

Từ 21 đến 23 tháng 8. 1968, phẫn nộ vì nội dung cải cách cởi mở của Mùa Xuân Praha, Mạc Tư Khoa ra lệnh cho khối Warsaw xâm chiếm nước Tiệp Khắc. Dubcek bị đưa tới Ukraine để rồi từ đó bị còng tay đưa về thủ đô Liên Sô. Có khoảng 83 người Tiệp bị giết khi chiến xa Sô Viết lăn bánh trên những con đường lịch sử của Prague.

Ban nhạc The Beatles với nhạc phẩm Hey Jude/Revolution – nguồn TVinsider.com

Ngày 29 tháng 8. 1968, hàng ngàn thanh niên Tiệp dũng cảm đứng chận đường chiến xa Liên Sô giữa thành phố. Ngày hôm sau, ban nhạc Beatles cho phóng đi đĩa nhạc Revolution. Giai điệu hào hùng của ca khúc khích lệ trái tim nóng rực của thanh niên Czechs và Slovaks.

Hãy cho anh khóc bằng mắt em

Những cuộc tình duyên Budapest

Anh một trái tim em một trái tim

Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác…

Thanh Tâm Tuyền

Ngày 7 tháng 11. 1968, những cuộc biểu tình chống Liên Sô bùng nổ khắp thành Prague. Mười ngày sau, sinh viên chiếm đại học Prague dùng làm cứ điểm chống lại cuộc chiếm đóng của hồng quân.

Ngày 22 tháng 11.1968, những album nhạc mang tên Revolution của nhóm Beatles được truyền tay nhau và quân chiếm đóng Liên Sô không thể nào ngăn cản nổi. Khí thế thanh niên Tiệp ngùn ngụt bốc cao. Những ca khúc cách mạng mang tên Revolution No. 1, Revolution No.9 trở thành những hạt nhân phát khởi cuộc cách mạng chống Cộng Sản trong phong trào Hiến Chương 77 chín năm sau.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Trong khoảng thời gian giữa năm 1969 và 1976, nhiều biến cố diễn ra trên đất Tiệp. Ngày 19 tháng 1 năm 1969, sinh viên Jan Palach và Jan Zajic đã tự thiêu tại Quảng trường … giữa lòng thủ đô Prague phản đối cuộc xâm lăng của Liên Sô. Nhiều nhà báo, nhà văn tham gia phong trào Mùa Xuân Prague bị khủng bố. Chính quyền chiếm đóng cấm các ban nhạc của thành Prague chơi nhạc Tây phương, chủ yếu là nhạc Beatles. Cửa ngõ biên thùy bị đóng chặt. Thế nhưng ca khúc Revolution No.9 trở thành tâm cảm của thời đại và những người trẻ của Prague tìm thấy ở đó nguồn cảm hứng đấu tranh. Âm nhạc của The Beatles tiếp tục được nghe trong vòng đai sắt thép của hồng quân.

Thời gian này (1974) ban nhạc của thanh niên Tiệp mang tên Plastic People of the Universe sáng tác nhạc cách mạng, những album nhạc của họ được đưa tới Luân Ðôn và được thế giới biết đến như ban nhạc rock tiên phong của thành Prague. Tiếp tục nỗ lực của mình, ban nhạc Plastic People trình tấu các ca khúc sôi động trong những bữa tiệc tổ chức âm thầm giữa bạn bè trong lòng thủ đô Prague.

Mùa Thu năm 1976, nhón Plastic People of the Universe bị bắt và kết án. Những thanh niên ủng hộ ban nhạc cũng bị bắt. Trong thời gian Plastic People bị đưa ra xét xử, thanh niên Tiệp soạn thảo một thỉnh nguyện thư mang tên Hiến Chương 77 để phản kháng tình trạng vô nhân đang ngự trị trên đất nước Tiệp. Trong số những người tham dự Hiến Chương 77 có kịch tác gia Vaclav Havel, người lãnh đạo cuộc cách mạng bất bạo động chống Cộng Sản Liên Sô và sẽ trở thành tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc thời kỳ hậu Cộng Sản vào năm 1989. Havel xem mình là người hâm mộ John Lennon, the Rolling Stones, Frank Zappa v.v…

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Tháng Giêng năm 1977, Hiến Chương 77 xuất hiện trên báo chí phương Tây. Chính quyền chiếm đóng lại mở những đợt khủng bố, ruồng bắt trên khắp nước Tiệp. Havel cũng bị bắt và ông ngồi tù hơn 5 năm.

Ðiều cần nhấn mạnh ở đây là ảnh hưởng của những ca khúc cách mạng của The Beatles -trong đó nổi bật vai trò của John Lennon- đã đi sâu vào tâm não thanh niên Tiệp suốt chiều dài của cuộc đối kháng chống chính quyền Sô Viết. Mặt khác cũng phải kể đến ảnh hưởng tích cực của nhóm Plastic People đã âm thầm và đam mê hoạt động trong phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ của nước Tiệp Khắc. Thật sự, đó là âm nhạc của những căn hầm dưới lòng thành phố-một thứ Ưu Ngôn Cốc- ở đó thấp thoáng khuôn mặt của những thanh niên làm nên nét đẹp đặc trưng của thời đại…

TN – Tổng hợp

ĐÍNH CHÍNH

Trong bài Mùa Đông Qua Phố đăng ở một kỳ trước, ở phần trích dẫn ca từ của bản nhạc Les Feuilles Mortes hai chỗ sai: Câu ‘Et nous vivions tous deux ensemble’, thiếu chữ les trước deux ensemble. Và câu Mais la vie s’épare ceux qui s’aiment, s’épare sai, phải viết sépare. Toàn văn 4 câu đã sửa như sau:

C’est une chanson qui nous ressemble.

Toi, tu m’aimais et je t’aimais

Et nous vivions tous les deux ensemble,

Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais.

Mais la vie sépare ceux qui s’aiment,

Tout doucement, sans faire de bruit

Xin cáo lỗi cùng độc giả. Và cám ơn nhà văn Trần Vũ đã chỉ ra. TN