Vừa qua, trong những ngày chờ đón Xuân về, được tin nhà thơ Maya Angelou của nước Mỹ được khắc hình tuyên dương trên đồng quarter, lòng cũng chợt rộn ràng. Từ lâu mình đã có lòng yêu quý Maya Angelou và cũng đã một hai lần viết về thơ của tác giả And Still I Rise – Và Tôi Vẫn Đứng Lên. Bà là phụ nữ đầu tiên và là phụ nữ da đen được vinh dự lưu lại hình ảnh cho đời sau.      

Nhớ Xuân năm nào, lần đầu tiên giở cuốn thơ Maya Angelou, chợt đọc thấy bài thơ có tựa đề Tears của nữ thi sĩ, lòng mình dậy lên bao cảm xúc: Những giọt lệ như những mảnh thủy tinh rách rưới của một tâm hồn khổ đau / Hay tiếng khóc than của khúc hát thiên nga giã từ giấc mộng hư…

Thơ bà đúng là những khổ đau kết tinh cùng với những hạt bụi của trần gian – như trong bài Những Giọt Lệ vừa trích dẫn. Và trong thi phẩm And Still I Rise.

Vâng. And Still I Rise được nhà Random House ở New York ấn hành năm 2001, gồm những câu thơ nổi tiếng của Maya Angelou trong bài thơ cùng tên – Tôi Vẫn Sẽ Ðứng Lên – kèm với những bức minh họa màu của Diego Rivera, họa sĩ xứ Mễ Tây Cơ.

Tôi vẫn sẽ đứng lên – là bài ngợi ca chiến thắng của con người trước nghịch cảnh. Nó là tiếng hát cất lên từ bóng tối, từ bụi đất, từ lầm than khổ cực và những bất hạnh, nó nói lên sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người chúng ta để nhờ đó chúng ta bước qua luyện ngục của cuộc đời và vươn mình đứng dậy “rũ sạch bùn trong trăng”. Từ bao năm nay, Still I’ll Rise là nguồn cảm hứng bất tận, là niềm tin nuôi dưỡng hồn người trong cơn tuyệt vọng.

Maya Angelou 

Chúng ta hãy nghe:

Các người có thể viết đời tôi trong truyện sử bằng những lời cay đắng và những dối trá điêu ngoa,

Các người có thể giẫm tôi xuống đất đen, nhưng tôi vẫn sẽ đứng lên từ bụi đất

Như mặt trăng mặt trời và thủy triều miên viễn,

Như hy vọng vút cao, tôi đứng lên …

Các người có thể giết tôi bằng sự thù ghét,

Nhưng tôi – như khí trời – vẫn sẽ bay lên

Từ những túp lều của sự tủi hổ trong lịch sử – tôi đứng lên

Từ một quá khứ bắt rễ trong khổ đau – tôi đứng lên

Tôi một mặt biển đen, dậy sóng và trải rộng mênh mông, tôi thủy triều trào dâng

Mang cho đời những tặng phẩm do tổ tiên chúng tôi trao lại, tôi chính là giấc mơ là hy vọng của những người nô lệ…

Mà cuộc đời của Maya Angelou chính là một cuộc chiến đấu không ngừng, để vượt ra khỏi bóng tối của sự ô nhục và bụi đất lầm than, rạng rỡ vươn cao như mặt trăng đầu núi, mặt trời trên biển. Năm Angelou ba tuổi thì song thân bà ly dị. Cha bà gởi bà và người anh lên bốn Bailey về ở với bà nội tại Arkansas. Maya Angelou kể lại như sau trong cuốn tự truyện Tôi Biết Tại Sao Con Chim Trong Lồng Hót (I Know Why the Caged Bird Sings): “Năm tôi lên ba và anh Bailey bốn tuổi, chúng tôi phải đến cái thành phố nhỏ ẩm mốc ấy, tay đeo tấm thẻ ghi dòng chữ “Ðây là Marguerite và Bailey Johnson Jr., đi từ Long Beach, California, đến Stamps ở Arkansas, tại nhà bà Annie Henderson”.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

“Thế là cha mẹ tôi đã chấm dứt cuộc hôn nhân tai tiếng của họ, và cha tôi đã gởi chúng tôi về nhà mẹ ông. Một công nhân đi cùng chuyến xe lửa đã giúp đỡ chúng tôi, nhưng rồi ông ta đã xuống xe trong ngày hôm sau – để chúng tôi một mình với những tấm vé đính vào bên trong túi áo anh tôi.

“Tôi không còn nhớ gì nhiều về cuộc hành trình, nhưng sau khi đến khu biệt lập ở miền Nam thì mọi chuyện khác đi. Những hành khách da đen, đi luôn luôn mang theo hộp thức ăn trưa, tỏ vẻ xót thương “hai đứa trẻ không mẹ”, và họ chất đầy người chúng tôi nào là gà chiên nào là khoai tây trộn.

“Những năm sau này, tôi nhận thấy rằng ở nước Mỹ người ta từng gặp hàng ngàn lần những trẻ da đen nét mặt đầy sợ hãi đi một mình lên miền Bắc tìm tới những bà con giàu, hoặc xuôi về những thành phố miền Nam ở với bà nội hoặc bà ngoại…”

“Những năm tháng êm đềm ở Stamps, cô bé Angelou đã đọc rất nhiều – Kipling, Poe, Butler, Thackeray, Henley, Paul Lawrence Dunbar, Langston Huges… Cô yêu vùng đất này và đặc biệt cái quán mang tên The Store của bà nội. Thế nhưng, năm lên tám, Angelou về với mẹ ở Saint Louis. Lúc bấy giờ, mẹ Angelou ở với người tình tại đây. chính ông này đã cưỡng hiếp cô Angelou. Cuộc đời của Angelou từ đó là một màu xám buồn bã. Một thời gian, cô bé trở nên im lặng, ít nói. Thế rồi Angelou cùng anh trở lại với bà ở Stamps. Tại đây, với sự giúp đỡ của một phụ nữ tên Mrs. Flowers, Angelou dần dần lấy lại niềm tự tin của một thiếu nữ.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Angelou học những năm đầu tiên ở Stamps, Arkansas. Và bà tốt nghiệp đại học ở San Francisco, California. Từ nhỏ, ở Stamps, Angelou đã tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về văn học. Tài năng của bà ngày càng phát triển. Bà là thi sĩ, nhà văn viết tự truyện xuất sắc, tài tử, giáo sư và đạo diễn sân khấu. tác giả của nhiều tự truyện – nổi tiếng nhất là cuốn Why I Know the Caged Bird Sings – và 5 thi phẩm. Bài thơ On the Pulse of the Morning của Angelou được đọc trong buổi lễ nhậm chức của Tổng Thống Bill Clinton năm 1993. Bà là người phụ nữ da đen đầu tiên được cái vinh dự hiện diện trong một buổi lễ long trọng như vậy. Cabaret for Freedom vở kịch do Maya Angelou đạo diễn và bà có diễn xuất một vai trong đó. Bà cũng viết kịch bản cho cuốn phim Georgia, Georgia, và biên kịch cũng như đạo diễn bộ phim truyền hình 10 tập mang tên Black, Blues, Black, nói về truyền thống của người da đen ở Mỹ. Các đại học theo nhau trao tặng bà những cấp bằng danh dự. Từ 1981, bà là giáo sư vĩnh viễn ở Wake Forest University, Winton-Salem, North Carolina.

Một điều đặc biệt nữa xảy ra nhiều năm trước đây: Bà đã thực hiện bộ sưu tập những tác phẩm khắc họa về Maya Angelou và cho bày bán ở các cửa hàng lớn của nước Mỹ. Bộ sưu tập gồm trên một trăm loại thiệp mừng cùng một số những đồ lưu niệm, như vật chặn sách (bookends), những chiếc gối, đồ treo tường, sổ nhật ký, và cả những cái mug uống nước. Mỗi “tác phẩm” đều mang lời thơ hoặc một câu của Angelou, trong số này hết 90% là thực hiện cho nhà Hallmark.

Xem thêm:   Cái chuông gió

Những tác phẩm mỹ nghệ này giá tương đối đắt. Chẳng hạn, cái tô lớn The Glorious Banquet Bowl mang dòng chữ “Ðời là một yến tiệc lộng lẫy, một cửa hàng buffet với vô tận thức ăn ngon” trị giá 24.99 đô la! Làm việc này, Angelou cũng biết sẽ bị phê phán – người ta có thể đặt câu hỏi tại sao một thi sĩ như bà lại có thể để mình lôi cuốn vào việc thương mại. Cả đến Robert Loomis, biên tập viên ở nhà xuất bản Random House – nơi Angelou công tác – cũng cảm thấy bất bình về việc bà hợp tác với Hallmark. Ông nói: “Bà là thi sĩ của nước Mỹ. Bao nhiêu người mê và thuộc thơ bà.” Thế nhưng Maya Angelou lại có quan điểm riêng của mình, rằng nếu bà là thi sĩ của nước Mỹ, thì thơ bà lại cần phải nằm trong tay mọi người, những người bình thường chưa bao giờ mua một cuốn sách.

Bây giờ thì Maya Angelou đã trở thành bảo vật trong lòng người dân Mỹ.

TN – Tổng hợp