Hôm nay, Nguyễn muốn đọc một bài elegy cho thơ. Vì sao vậy?

Vâng. Xin thưa: Vừa mới tuần trước đây trên Trang Thơ của báo, Nguyễn có giới thiệu thơ của Thái Hạo, một cây bút của Miền Bắc nhưng yêu văn hóa Miền Nam và chống lại những định chế Xã Hội Chủ Nghĩa.

Thơ Thái Hạo có những nét tả thực nhưng đầy sáng tạo và mới mẻ, gợi cảm. Xin cùng đọc đôi câu:

Người đàn bà lặng lẽ treo lại bức tranh trên tường

Tuấn đã đi rồi

người nhạc sĩ vô danh

lòng phố cũ

bên hồ tây

Hà Nội Cúc Vàng

mắt thâm…

Nhà thơ Thái Hạo      

Không phải chỉ mình Nguyễn tôi yêu thơ Thái Hạo. Nhà thơ Thận Nhiên mới đây hạ bút: Thái Hạo là một trong những nhà thơ mà tôi rất yêu thích trong thời gian gần đây, như tìm được sự lân tài, đồng điệu. Nhiều người, nhiều người nữa yêu thơ Thái Hạo. Trang Văn Việt  đã tặng giải thơ năm nay cho Thái Hạo. Nhưng nhà thơ đã bị đọa, và thơ rơi rụng như hoa cúc vàng trước gió. Tin mới đây cho biết Thái Hạo chuẩn bị lên máy bay vào Sài Gòn nhận giải thì bị công an giả dạng thường dân đánh đập dã man. Ðây ta nghe lời bày tỏ của nhà thơ: “Sự việc làm tôi hết sức bất ngờ. Không biết tại sao mình bị đánh, cũng không biết ai là người đánh mình và đánh vì lý do gì. Ban đầu tôi đã tự hỏi rất nhiều, rằng ai, tại sao… Nhưng về tới nhà, yên tĩnh, bỗng một nỗi buồn không thể tả được xâm chiếm tôi. Mọi thứ như vỡ nát. Rồi tôi lại tự hỏi, thơ thì có tội tình gì, những tình cảm con người nơi tôi thì có tội tình gì? Phải chăng tôi phải bỏ đi tất cả những rung động, những thổn thức trong lòng để sống như đá vô tri? Từ nỗi buồn, một niềm tủi hổ và nhục nhã dâng lên. Rồi mọi thứ trống rỗng.”

Nhà thơ Hoàng Cầm

Nhà thơ Phùng Cung

Nhà thơ Phùng Quán

Chuyện xảy ra với Thái Hạo tuy đau xót nhưng thật ra không lạ dưới chế độ Cộng Sản. Nhà thơ Hoàng Hưng đã đi tù suốt ba mươi chín tháng vì giữ trong tay tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm định cho xuất bản. Phùng Cung, Phùng Quán và nhiều nhà thơ nữa cũng từng là nạn nhân. Bởi lẽ thơ và nhà  thơ  không thể tách rời được. Phùng Cung chẳng hạn từng ngồi tù mấy chục năm cũng chỉ tại làm thơ viết văn. Ta hãy nghe Phùng Cung lên tiếng về chế độ. Phỉnh phờ đê tiện / Bã bẫy tù đày / Máu chảy đầu rơi ngày tháng / Ngót thế kỷ bạo quyền / Không dập tắt nổi / Nén nhang. Và Phùng Quán cũng từng khốn khổ vì tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm với bài thơ Lời Mẹ Dặn và Chống Tham Ô Lãng Phí. Ông bị tước bỏ hết trở thành một gã như homeless. Ông yêu Bội Trâm và hai người lấy nhau không nhà cửa, phải trải qua lễ động phòng ngoài công viên. Bội Trâm kể lại cuộc tình của hai người: “Ai dám lấy một người bị cái “án” văn chương lúc ấy, lại không nhà cửa, không có công việc. Tôi bảo với mẹ: Không cho tôi lấy anh Quán thì tôi không lấy ai nữa… Vì thương tôi, bố mẹ đồng ý mà tôi biết lòng song thân rất buồn. Tôi lấy anh không có lễ vu quy như bao bạn bè cùng trang lứa, không có lễ tơ hồng, không được làm cô dâu, không cả xe hoa, không giường cưới không chăn màn ga gối”.  Phùng Quán trải qua những năm tháng với bạn bè trên “chòi ngắm sông” ven Hồ Tây, với “cá trộm, rượu chịu, thơ chui”. Không phải chỉ có những nhà thơ như Hoàng Cầm, Phùng Cung, Phùng Quán trải qua những nỗi thống khổ dưới chế độ Cộng Sản. Còn nhiều, nhiều người nữa. Rõ ràng nhà thơ và thơ bị đọa đày. Thái Hạo hôm nay đang trải qua thảm nạn.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Nhưng có nên từ đó mà ta đọc bài ai điếu cho thơ nói chung? Ðây chỉ là thơ dưới chế độ Cộng Sản thôi. Nói đọc lời ai điếu cho thơ chỉ là một cách nói khi thơ, qua thân phận nhà thơ, bị hành hạ, đánh đập tàn bạo. Thơ không chết. Ở các nước khác, nước Mỹ chẳng hạn, nhà thơ và thơ rất được tôn trọng. Một số nhà thơ được trao vương miện gọi là National Poet Laureate. Maya Angelou, Amanda Gorman chẳng hạn. Còn trẻ như Alexandra Huỳnh của chúng ta thì được gọi là Youth Poet Laureate. Và một số thi sĩ đã được mời đọc thơ trong Lễ Ðăng Quang của các Tổng Thống. Có thể kể Robert Frost với bài thơ The Gift Outright trong Lễ Ðăng Quang của Tổng Thống Kennedy. Maya Angelou với On The Pulse of Morning (Bill Clinton). Amanda Gorman-The Hill We Climb  (Joe Biden). Trở lại với thơ dưới chế độ Cộng Sản. Có thể nói với trong đôi mắt của loài cú này chỉ có thơ Tố Hữu, Giang Nam, Hữu Thỉnh… là được cắm trong bình vô sản. Còn ngoài ra những Về Kinh Bắc, Xem Ðêm, Lời Mẹ Dặn… là phải vất hết vào thùng rác. Và những nhà thơ ở ngoài luồng đều bị kết tội, tù đày hay đánh đập. Vậy nên, anh Thái Hạo ơi, chắc anh hiểu hết, thấy hết và không còn buồn không hận nữa. Trong nước, đồng bào ruột thịt nhiều người vẫn hiểu anh, yêu anh. Còn ở đây, chúng tôi đều quý thơ anh, xem anh là bạn cùng chung chuyến tàu lịch sử.

Nhà thơ Maya Angelou

Nhà thơ Amanda Gorman

Nhà thơ Alexandra Huỳnh

TN