Vừa xuống máy bay, người khách nói luôn: «Cậu cho tớ đi xem vườn hoa Luxembourg ngay nhé!» Cái giọng gấp gáp khác thường đó khiến tôi phải hỏi lại ngay một cách thiếu nhẹ nhàng: «Sao lại là vườn hoa Luxembourg mà không phải cái gì khác?»

Hóa ra ông khách là người đã từng mê và tự học tiếng Pháp ở Việt Nam trong những năm cuối thập niên 1970. Qua tiếng Pháp, ông đã biết đến vườn hoa Luxembourg (mà người Việt ngày trước dịch là Lục-xâm-bảo) qua ngòi bút của nhà văn Pháp Anatole France trong bài «La Rentrée». Ngòi bút tài hoa, mộc mạc của Anatole France đã làm cho ông khách của tôi bị ám ảnh bởi vẻ đẹp quyến rũ, có vẻ thần bí của vườn hoa Luxembourg trong bài văn trong sáng, cổ kính đó.

Vườn hoa Luxembourg Photo: David Mark / Pixabay

«Je vais vous dire ce que me rappellent tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers dîners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent ; je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais; car c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues.
Ce que je vois alors dans ce jardin, c’est un petit bonhomme qui, les mains dans les poches et sa gibecière au dos, s’en va au collège en sautillant comme un moineau
».

«Tôi sẽ kể cho bạn nghe những gì khiến tôi cứ nhớ mãi hằng năm, bầu trời xao động của mùa Thu, những bữa tối ấm cúng bên ngọn đèn và những lá cây đang ngả vàng run run trong gió. Tôi sẽ kể cho bạn rõ về những gì tôi đã thấy khi đi ngang qua vườn hoa Luxembourg vào những ngày đầu tiên của tháng Mười, cái tháng có nhuốm một chút buồn nhưng đẹp hơn hết thảy mọi lúc; bởi khi đó lá vàng cứ nối nhau khẽ khàng rớt trên vai các bức tượng trắng.

Và tiếp đó là một cậu bé xinh xinh, tay đút túi quần, cặp sách nhỏ trên lưng, tung tăng tới lớp với đôi chân sáo nhún nhảy, háo hức như một chú chim non». (PHS dịch)

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Ký ức thần tiên của ông khách như thế khiến tôi không thể từ chối đề nghị của ông.

Thú thực, vẻ đẹp của vườn hoa Luxembourg cũng làm tôi đồng ý là một trong những nơi đáng chiêm ngưỡng khi tới Paris. Tọa lạc tại quận 6, quận có giá bất động sản cao nhất Paris hiện nay, nằm cạnh ngay khu Latin học thuật cổ kính và đối diện điện Panthéon huyền bí, Luxembourg không chỉ là một trong những vườn hoa cổ nhất của Paris, có từ thế kỷ 17, nó còn là một trong những vườn hoa lớn nhất Paris (Luxembourg có diện tích 25 ha, chỉ kém vườn Tuileries khoảng 0.5 ha) đồng thời có những kiến trúc, tượng, tượng đài kiều diễm, nghệ thuật vào bậc nhất châu Âu (Luxembourg có tổng cộng 106 bức tượng lớn nhỏ bằng nhiều chất liệu khác nhau, không kể một công trình đồ sộ là tượng đài nước Médicis; Luxembourg gồm hai khu mang hai phong thái khác nhau, một kiểu vườn Pháp, một kiểu vườn Ăng-lê đều tráng lệ). Quanh năm, kể cả những ngày đông giá lẫn ngày hè nóng nực nhất châu Âu, vườn Luxembourg luôn tấp nập du khách từ khắp thế giới và cả du khách Pháp chính gốc, kể cả người Paris chính cống, dừng chân để nghỉ ngơi, trò chuyện, thả hồn bay bổng hay thưởng lãm cảnh vật.

Nhưng nếu đến vườn Luxembourg chỉ để ngắm, nghĩ về cỏ cây hoa lá, tượng đài, dù kiều diễm, đặc biệt đến mấy như bức tượng mẫu Nữ thần Tự do (La Liberté) của Bartholdi thì cũng vẫn có một thiếu sót lớn. Ðó chính là cái ấm ức tiềm thức của tôi khi được yêu cầu đi ngay « tới vườn hoa Luxembourg ». Gần như tất cả du khách Việt ít khi chú ý tới một dinh thự lớn im lìm, sát đầu phía bắc của vườn, có hàng rào cao ngăn cách và lính canh gác nghiêm ngặt. Ðó chính là tòa nhà Thượng viện Pháp (Sénat), là một nhánh trong cơ quan lập pháp của Pháp, nhánh kia là Hạ viện (Assemblée Nationale). Thượng viện chính là chủ quản của vườn Luxembourg, trong khi mọi công viên, vườn hoa khác tại Paris đều thuộc quyền quản lý của Tòa Thị Chính Paris.

Xem thêm:   Panatnikhom nhớ Bidong

Sau khi dẫn ông khách đi dạo, ngắm nhìn thỏa thuê vườn hoa Luxembourg, đúng ra chỉ một phần nhỏ của vườn, khi gần đến lúc về tôi chọn một chỗ ngồi ngay bên cạnh một bức tượng trắng kiều diễm để nghỉ chân và chia sẻ với ông khách về tầm quan trọng của Thượng viện trong một chính thể dân chủ – điều cơ bản đã khiến cho các quốc gia như Pháp có sự phát triển ngưỡng mộ như hiện nay. Ðiểm cơ bản tối thiểu của cơ quan lập pháp dân chủ là các thành viên của nó phải thực sự do dân bầu ra qua các cuộc tranh luận, tranh biện giữa các đảng phái, phe nhóm trong xã hội; nhất quyết nó không thể là sự lựa chọn của một đảng chính trị rồi đóng kịch che giấu bản chất độc đoán qua bầu cử trá hình như Việt Nam hiện nay. Riêng đối với Thượng viện Pháp, cơ quan này không có nhiều quyền thực sự nếu so với Thượng viện Hoa Kỳ, nhưng tất cả đều do dân bầu ra qua các cuộc tranh cử công khai, quyết liệt; nhiều người Pháp đã đòi hỏi phải cải cách Thượng viện, thậm chí có người trong phong trào Áo Vàng còn đòi xóa Thượng viện bởi họ cho rằng Thượng nghị sỹ Pháp quá thiếu công cụ để kiểm soát có tính đối trọng với Hạ viện hay Tổng thống.

Hiểu được phần nào sự bối rối của ông khách, cũng như tôi trước đây khi nghe về chính trị, tôi xin phép chia sẻ thêm với ông khách rằng bản thân Thượng viện Pháp nói riêng và hệ thống chính trị nói chung của Pháp cũng đã trải qua nhiều cải cách, tu chính, thậm chí cách mạng, và cho tới nay mọi ý kiến khác biệt, khả năng về vấn đề duy trì hay cải tổ vẫn tiếp tục được tự do bàn luận. Ðây chính là một trong  những nền tảng quan trọng chung của mọi nền chính trị dân chủ-tự do thực sự.

Xem thêm:   Huyền thoại Hoa Tiên Ông

Chia tay ông khách, tôi có cảm giác chúng tôi đã gần hơn về tâm giao chính trị. Cảm giác này không biết có chính xác không nhưng cả hai chúng tôi đều cùng hồ hởi thốt ra câu chúc phúc kiểu Pháp hàng ngày «Bonne Journée!» khi chia tay. Tôi không chắc khi trở về Việt Nam ông khách sẽ giữ lại cảm tưởng nào nhiều hơn, về cây cỏ, vườn tượng hay về thượng viện, hệ thống chính trị. Riêng tôi, tôi ước ao mọi du khách Việt khi có cơ hội tới các nước dân chủ sẽ để tâm hoặc để tâm nhiều hơn tới các tập quán, giá trị, tinh thần dân chủ khó thấy bằng mắt thường nhưng vô cùng quan trọng và là gốc rễ của những công trình chúng ta trông thấy, sờ thấy và ngưỡng mộ.

PHS

(12/09/2019)