Nước Mỹ rộng bao la. Từ Bắc, nước Canada xuống Nam, nước Mexico, từ Ðông sang Tây, từ Ðại Tây Dương tới Thái Bình Dương dài cả vài ngàn cây số. Nên dân Mỹ đi bộ đâu có nổi.

Hồi xưa thời lập quốc là phải đi xe ngựa, xe bò. Rồi chế ra được chiếc xe hơi, là cả nước Mỹ nằm trên bốn cái bánh xe, quay vòng vòng liên tục. Nhưng xe hơi là phương tiện di chuyển tiện lợi chừng vài trăm cây số trở lại chớ xa hơn khoảng vài ngàn cây là phải leo lên máy bay.

Ðó là nói nội địa thôi nhe chớ còn ở hải ngoại, chu choa nó bay vô bay ra nườm nượp như đàn châu chấu vậy.

Mỗi chiếc máy bay chở chừng vài trăm hành khách mà mỗi ngày bay tới bay lui, bay xuôi bay ngược cả hàng trăm ngàn người.

Nên nước Mỹ có cả trăm hãng hàng không lớn, vừa vừa và nhỏ. Và lớn nhứt  có 10 đại ca danh trấn giang hồ. Nổi tiếng và cũng nhiều tai tiếng.

Chẳng hạn như hãng Delta Air Lines. Nên bà con cười ha ha, chọc quê rằng: Delta viết tắt của hàng chữ “Don’t Expect Luggage To Arrive!” (Ðừng hy vọng hành lý sẽ tới).

Như vậy là còn tệ hơn phi trường Tân Sơn Nhất nữa đó. Hành lý cũng tới phi trường nhưng va ly bị tụi nó rạch ra, ăn cắp nào mobile phone, kiếng mát, son môi, dầu thơm; ngay cả thịt bò Úc bà con mình từ Melbourne bay về bỏ bọc ny lon cho bà con làm bò nhúng giấm ăn chút thơm thảo của kẻ xa quê, vinh quy bái tổ, mà tổ cha nó cũng biến mất… vô bao tử của thằng nào?

o O o

Ðó là chuyện rất bực mình, nhưng chuyện nầy là vui nè!

Một chiếc phi cơ chở khách DC-10 đáp xuống phi đạo mà vận tốc cũng còn hơi nhanh.

Ðài kiểm soát không lưu bèn hướng dẫn: “Chiếc American 751 quẹo phải nếu có thể. Bằng không hãy chạy tới lối ra ở Xa lộ 101, cặp bên phải rồi quẹo lại phi trường! He he!”

Xem thêm:   Kế Sách

Phi công trưởng bật máy phóng thanh: “Thưa quý bà! Thưa quý ông! Cuối cùng chúng ta đã đến Heathrow, chúng tôi hy vọng quý vị hài lòng khi bay với hãng hàng không “Rarely Crash Airways” (Hãng hàng không ít khi bị rớt!).

Chúng tôi hy vọng sẽ gặp lại và xin chúc quý hành khách thương mến thương thượng lộ bình an trong suốt cuộc hành trình còn lại!”

Nói xong, viên phi công trưởng lại quên tắt nút máy phóng thanh.

“Roger! Chiều nay làm gì?” “Oh! Mike! Vợ tui sẽ đến khách sạn rồi hai đứa tui đi coi ‘sexy show’! Còn bồ thì sao?”

“Tui hả? Thủ tục ly dị con vợ đã xong tuần rồi.Tui thành một kẻ tự do. Quá đã!”

“Trước tiên tắm một cái cho sạch sẽ, rồi ăn cái gì đó! Xong tui sẽ gọi cho con nhỏ chiêu đãi viên, phục vụ hạng thương gia; hình như nó tên là Susane thì phải. Tui sẽ đưa em xuống phố đêm nay, nhậu một trận rồi đưa em về lại căn phòng.

Rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc chú em biết rồi, khỏi kể thêm chi tiết làm chú em thèm nhểu nước miếng, tội nghiệp!”

Hành khách nghe được cuộc đối thoại cực kỳ lý thú giữa phi công trưởng và phi công phụ nên hoan hỉ vỗ tay ầm ĩ.

Susane nghe thấy vậy, bèn từ trên lầu bước xuống phòng lái để nhắc phi công trưởng tắt máy phóng thanh đi.

Em chạy vội giữa hai hàng ghế, vấp vào túi xách tay hành lý để ngổn ngang trên lối đi, suýt té nhủi đầu.

Bà cụ thấy Susane luýnh quýnh bèn bảo em rằng: “Nè con gái cưng! Ði đâu mà vội mà vàng? Cứ thủng thẳng vì thằng Mike nó còn phải tắm nữa mà!”

o O o

Mấy anh mình (có máu cà nanh) hay bĩu môi chê mấy đứa đẹp trai, sức khỏe đầy đủ, ỷ làm phi công (đắt mèo hai chưn) rồi làm phách, vảnh cái mặt lên trời… thấy ghét.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Thiệt tình, phi công cũng có rất nhiều người đứng đắn đàng hoàng, lịch sự có thừa và đầy lương tâm chức nghiệp.

Ngày 15, tháng Giêng, năm 2009 chiếc Airbus 320 của hãng US Airways, chuyến bay 1549 cất cánh từ phi trường LaGuardia.

Mới vừa bình phi thì chẳng may đụng phải đàn ngỗng trời bay qua làm cả hai động cơ đều bất khiển dụng.

Phi công trưởng Chesley Sullenberger không thể đáp xuống bất cứ phi trường nào bèn quyết định hạ cánh trên dòng sông Hudson.

Các tàu thuyền trên sông đổ xô lại cứu. Sullenberger là người cuối cùng rời khỏi phi cơ khi tất cả hành khách đã được di tản một cách an toàn.

Năm 2016, đạo diễn Clint Eastwood  và tài tử lừng danh Tom Hanks, vừa được đề cử vào Hàn lâm Nghệ thuật Mỹ cùng với cựu Tổng thống Barack Obama, đóng vai Chesley Sullenberger trong phim ‘Sully’, về cuộc đáp xuống kỳ diệu trên dòng sông Hudson.

o O o

Còn chuyện sau đây lại là của một nữ phi công Tammie Jo Shults so với quý anh mình thì anh hùng không kém một ly ông cụ nào.

phiem

                        Bảo Huân

Nhà em gần phi trường, hằng ngày em thấy máy bay bay lên bay xuống. Ước vọng là  một ngày mình ngồi trên chiếc máy bay đó, nhưng không phải là một hành khách mà là phi công trưởng, người điều khiển chuyến bay.

Thời Trung học, em đến dự một buổi thuyết trình về ngành hàng không do một Ðại tá phi công về hưu đảm trách. Ông ấy cứ tưởng em đi lạc vì trong khán phòng, chỉ em là con gái.

Tốt nghiệp đại học năm 1985, Shults nộp đơn vào Không quân. Không quân từ chối. Nộp đơn vào Hải quân, được nhận cho đi học phi hành để trở thành huấn luyện viên chớ không phải phi công chiến đấu.

Rời khỏi Hải quân năm 1993, trở thành phi công hàng không dân dụng. Và Shults trở thành một nữ anh hùng!

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Ngày 17, tháng Tư năm 2018, chuyến bay số 1380 của hãng hàng không Southwest  từ New York bay đi Dallas được 20 phút thì động cơ bị trục trặc.

Miếng kim loại che bên ngoài động cơ bị vỡ, mảnh vụn văng làm bể một khung cửa sổ hàng ghế thứ 14 ở khoang hành khách.

Một hành khách ngồi kế cửa sổ, dù có thắt dây nịt an toàn vẫn bị hút ra và, mắc kẹt trong khung cửa sổ. Bảy người khác cũng bị thương.

(Năm 1973 một chiếc DC-10 của hãng hàng không National có một động cơ bất khiển dụng và một cánh quạt làm vỡ một khung cửa sổ. Một nam hành khách bị hút ra ngoài không trung. Mãi tới 2 năm, sau xác của ông mới được tìm thấy.)

Trong tình huống nguy cấp như thế Shults vẫn bình tĩnh báo cáo với đài không lưu là: “Southwest 1380, chúng tôi chỉ còn một động cơ hoạt động. Một phần phi cơ bị mất nên tôi phải bay chậm lại. Xin cho nhân viên cứu thương túc trực ở phi trường vì có một số hành khách bị thương.”

Shults trấn an hành khách: “Mọi người mang mặt nạ dưỡng khí vào, nghiêng người về phía trước, hai tay vịn vào thành ghế phía trước Chúng ta sẽ tiếp đất hơi mạnh! Chúng ta sẽ đáp xuống. Chúng ta sẽ không rơi. Xin hãy bình tĩnh!”

Khi máy bay ngừng trên phi đạo, nhân viên cứu thương lên khoang tàu, nhưng  người mẹ có hai con, không qua khỏi.

“Lòng chúng tôi trĩu nặng vì sự mất mát lớn lao nầy xin chia buồn với gia đình người hành khách không may thiệt mạng!”

“Hành khách trên chuyến bay khóc ròng, lòng tràn ngập niềm biết ơn vì còn sống sót. Người nữ phi công nầy đã có thần kinh làm bằng thép. Tôi xin tỏ lòng ngưỡng mộ và sẽ gởi thiệp Chúc mừng Giáng sinh cho bà ấy!”

Thế mới biết anh hùng đâu cứ phải có râu!

DXTMelbourne