Một vài nước Châu Á, trong đó có Trung Hoa, Việt Nam tính lịch theo chu kỳ dựa trên Địa chi và Thiên can. Địa Chi là Tý (chuột), Sửu (Trâu), Dần (cọp), Mẹo (mèo), Thìn (rồng), Tỵ (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà),Tuất (chó), Hợi (heo). Thiên Can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý, làm thành vòng quay 60 năm chẵn (Lục Thập Hoa Giáp) mới quay lại tên năm thứ nhất. Người Cao Ly xưa (Korea hiện nay) thay thế con dê bằng con cừu, nhưng vẫn gọi là Mùi. Người Trung Hoa, Cao Ly, Phù Tang (Japan hiện nay) thay thế con mèo bằng con thỏ, nhưng vẫn gọi là Mão.

HuynhDaiTien-1

12 con giáp ở Huỳnh Đại Tiên, Hồng Kông

Người châu Á xưa tin vào số phận từng cá nhân sang hay hèn, sướng hay khổ phụ thuộc vô tuổi mà cá nhân đó mang khi mới ra đời. Vì vậy, nghệ thuật diễn đạt về 12 con giáp người ta thường có khuynh hướng thể hiện theo hai cách: thần thánh hóa hình tượng uy nghi, nghiêm trang (kiểu xưa), hoặc nhân cách hóa hình tượng vui tươi, nhí nhảnh, đáng yêu (kiểu hiện đại). Ở đây tôi mạn phép chọn Hồng Kông làm đại điện cho văn hóa truyền thống Trung Hoa (không phải văn hóa Trung cộng). Nếu có cơ hội tới Hồng Kông du lịch, chúng ta sẽ thấy trước sân chùa Huỳnh Ðại Tiên có tượng 12 con giáp bằng đồng uy nghi cao gấp hai người thật, linh vật có thân hình của người, ăn vận kiểu Trung Hoa cổ đại: tướng quân, nho sinh, đạo gia. Cá biệt cách ăn mặc của Thìn và Sửu tượng trưng tuổi này văn võ song toàn.

Người Nhật Bản làm tượng 12 con giáp theo khuynh hướng nửa tả thực nửa đơn giản hóa hình tượng trở nên khiêm nhường, hiền lành, tượng trưng cho sự ôn hòa, ấm áp, nhẫn nại.

NhatBan1

Chú chuột Nhật Bản

Trên con đường dẫn vào chùa Haedong Younggungsa (còn gọi là Ðông Hải Long Cung), Bussan, Hàn Quốc cũng có tượng 12 con giáp đứng uy nghiêm, sừng sững. Tượng không tạc chi tiết tỉ mỉ như ở chùa Huỳnh Ðại Tiên, trang phục tương tự tượng của chùa Huỳnh Ðại Tiên, khác ở chỗ nghệ thuật khắc họa đơn giản hóa các đường nét làm cho tượng mang dáng vẻ thật thà, trầm mặc, sâu lắng như người Hàn vậy.

Người Thái Lan không làm tượng 12 con giáp bằng chất liệu đồng, đá bền vững. Họ làm hình tượng khổng lồ các con vật thân thuộc trong đời sống của họ và tượng linh vật theo truyền thuyết thần thoại, tín ngưỡng Thái bằng chất liệu rơm, chễm chệ giữa cánh đồng mênh mông vàng rực rơm ở làng quê sau mùa thu hoạch.

Voi

Voi ba đầu

Hình rơm của người Thái làm rất kỹ lưỡng chi tiết, sống động, nhìn đáng yêu cũng có mà uy nghi cũng có. Ðó là con mèo, con tinh tinh, con rồng, con trâu, con bọ ngựa, voi ba đầu, hà mã, tê giác một sừng, rồng, ngựa có cánh, kỳ đà, chim ưng, trâu, chó, cò, nai, khỉ con, khủng long…

SuTuDep

Sư tử rơm Thái Lan

Người Malaysia làm tượng 12 con giáp đặt ở công viên theo lối tả thực. Tượng to bằng người lớn nhưng mô tả con vật giống y chang con vật thật ngoài đời, sơn màu sắc như thiệt.

Bắt chước theo trào lưu nghệ thuật điêu khắc cộng đồng của thế giới, thời nhà Sản, niên đại Lú Lẫn Ðại Vương (năm thứ 1 đến năm thứ 7), xứ Lừa cũng “sản xuất” ra nhiều “linh vật” 12 con giáp, có thể được liệt vô hàng kỳ dị nhất thế giới về độ biểu cảm ngớ ngẩn và ngáo đá. Cứ mỗi năm, “linh vật” ngáo xuất hiện ở nơi công cộng theo mùa Tết. Cách đây hai năm, cư dân mạng Việt Nam dậy sóng rầm rộ về hình tượng con rồng quá xấu xí ở Ðà Nẵng. Sau khi bị dân chửi quá xá thì nhà cầm quyền Ðà Nẵng cho sửa lại, kéo theo chi ra thêm hàng núi tiền công khố, kết quả là con vật không giống con rồng, mà giống con Pikachu trong Games điện tử, vậy là từ đó ra đời hàng loạt tranh vẽ ăn theo con rồng này, được gọi bằng tên mới là Pikalong. Con rồng Pikalong hài hước trở thành nhân vật chính cho dòng tranh truyện thời sự xã hội mỗi tuần, kéo dài đến tận hôm nay và còn hứa hẹn xuất hiện dài dài trong tương lai, bởi lẽ xứ Lừa thì có bao giờ hết chuyện không-giống-ai.

12-con-giap

12 con Giáp ở Hải Phòng

Rồi con chó, con mèo, con gà cũng hết sức quái chiêu, “mặt nhìn như bị mất sổ gạo”, nhưng được bao biện là “trường phái trừu tượng”, “lập thể”, “cách điệu”, v.v… và v.v… và khinh khỉnh cho rằng dân xứ Lừa “không biết thưởng thức nghệ thuật đương đại”(?!)

Con gà màu vàng tươi ở đường hoa Nguyễn Huệ, Sài Gòn được đặt ngay cho cái tên là Gà Pikachu. Con chó ở đường hoa thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang cũng nhanh chóng được cư dân mạng đặt cho cái tên mới là Pikagâu.

GaPikachu2

Gà Pikachu Việt Nam

Một lần đang lướt web đọc tin tức, tôi bật ngửa khi thấy xứ Bạc Liêu của tôi cũng “góp phần” vô thị trường “bức tranh vân cẩu” bát nháo đó bằng một “linh vật” mà không biết nên gọi nó là con gì, nên cười hay nên khóc? Ðó là bức tượng này (tạm gọi là “sư tử” đi) tọa lạc trên đường ra Khu du lịch Nhà Mát, đối diện với Biển Nhân tạo, và “kiên cường” đứng vững ở đó nhiều năm qua dù không ít du khách đi qua đã cười bò lăn bò càng khi nhìn thấy nó. “Sư tử” này rất ốm đói, cái bờm xẹp lép dính bết từng mảng với nhau, lòng thòng rơi rớt giống y như bị té cắm đầu dưới bãi sình mới vừa ngoi lên. Cái mặt, nụ cười thì khôi hài không thể tả được. Không ai biết người nào là tác giả bức tượng “sư tử” kinh dị kia, không thể hiểu tác giả nghĩ gì khi làm ra bức tượng mặt vừa ngáo vừa ngây ngô, càng không thể hiểu nổi tại sao người ta lại cho phép bức tượng xấu-hơn-cả-chữ-xấu ấy đứng sừng sững nơi công cộng từ năm này qua năm khác.

SuTu-BacLieu

Sư tử Bạc Liêu

Năm ngoái, quần thể tượng 12 con giáp ở khu du lịch Hòn Dấu (Ðồ Sơn, thành phố Hải Phòng) làm cho dân xứ Lừa cũng một phen bật ngửa vì độ thô kệch lẫn dung tục của nó. Tượng bằng đá, cao cỡ người thật, có đầu của 12 con vật trong Ðịa Chi. Ðầu của con vật mang nét mặt ngớ ngẩn, ngây ngô nhưng thân hình phía dưới đầu là hình người trần truồng không cơ bắp, phô bày rõ chi tiết bộ phận sinh dục người (cả nam lẫn nữ). Buồn cười nhất là dưới chân tượng có cái bảng nhỏ ghi chú thêm dòng chữ: Mùi, Tuất, Sửu… giống y như tôi mà vẽ con chó thì ghi thêm chữ “con chó”, vẽ con mèo ghi chữ “con mèo” kế bên, nếu không người coi hình sẽ không biết đó là con gì. Sau khi bị dư luận phê phán, người ta cho tượng “mặc váy”, làm cho một số pho tượng có điệu bộ giống như đang đứng thò tay vô quần… thủ dâm, trông càng tục tĩu hơn. Tiếp tục bị dư luận chê “không giống ai”, người ta lại lấy lá cây giả, chùm nho giả treo đàng trước tượng che phần bộ phận sinh dục lại như kiểu ăn mặc của người tiền sử vậy. Hiện nay, những bức tượng này vẫn còn đứng ở Hòn Dấu và… “cấm tham quan”.

HonDau-HaiPhong5

Tỵ, Ngọ và Mùi phong cách “hậu hiện đại” tại Hải Phòng

Chuyện 12 con giáp khỏa thân dung tục ở Hải Phòng vừa mới nguội nguội thì lại dấy lên vụ 12 con giáp ở Hạ Long, Quảng Ninh mà khách viếng mới nhìn qua không biết người ta tạo hình con gì, trừ một con được dân đặt cho tên mới là “khỉ ngáo” với bộ mặt hết sức ngáo cùng với thân mình lù xù đầy “lông lá”.

Khi-HaLong

Khỉ Hạ “Lông”

Ðiểm qua các quốc gia có vị trí địa lý, hoàn cảnh tương tự như xứ Lừa mới phát hiện một chuyện: Tính từ năm 1954 đến nay là 64 năm xứ Lừa không hề có tượng 12 con giáp nào ra hồn người cả, chỉ có tượng “lãnh tụ Lừa” của đảng Việt cộng “phủ sóng” khắp 64 tỉnh thành.

TPT

Orange County, CA