Tàu Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc đối đầu ở Bãi Tư Chính

Từ Nguồn Tổng Hợp

 

+++ Từ Facebook Thuận Hóa

 

Theo trang tin Đông Phương ngày hôm qua, 12/7 dẫn tin truyền thông chính thống Tàu cho biết: các tàu Việt Nam và Trung Quốc đã đối đầu nhau trong một tuần qua xung quanh một bãi ngầm trên biển Đông mà Việt Nam đang kiểm soát, làm dấy lên nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai nước đang có tranh chấp vùng biển.

Theo Đông Phương, Cục điều tra địa chất biển Quảng Châu đã cho tàu thăm dò dầu khí mang tên “Haiyangdizhi-8” (Hải dương địa chất-8) vào hoạt động tại phía Tây bãi ngầm Tư Chính thuộc khu DK1 nằm trên thềm lục địa Việt Nam mà Bắc Kinh gọi là “Bãi Vạn An (Wanan Tan) thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc”. Việt Nam đã “phái nhiều tàu cảnh sát biển tới hiện trường ngăn cản”, phía Trung Quốc cũng đưa nhiều tàu hải cảnh (CSB) tới đối đầu với các tàu Việt Nam. Các tàu hai bên đều trang bị pháo và súng máy, không khí rất căng thẳng. Cho đến ngày 10/7 hiện trường vẫn còn nhiều tàu hai bên, nhưng chính quyền hai nước chưa lên tiếng về vụ việc.

Theo báo SCMP của tỷ phú Jack Ma có trụ ở ở Hồng Kông, 6 tàu CSB được trang bị nhiều vũ khí, gồm có 2 tàu Trung Quốc và 4 tàu Việt Nam, đã gườm nhau vòng quanh Bãi Tư chính thuộc quần đảo Trường Sa từ tuần trước. Vào hôm 11, khoảng một chục con tàu đã được báo cáo nằm trong khu vực xung quanh.
SCMP dẫn đoạn tweet của ông Ryan Martinson – Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ nói rằng vào Thứ Tư tuần trước (3/7) tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyangdizhi 8 (Marine Geology 8) đã đi vào vùng biển gần Bãi Tư chính Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chất.

Tàu khảo sát này được hộ tống bởi tàu hải cảnh vũ trang 12.000 tấn số 3901, tàu hải cảnh 2.200 tấn số 37111 và một máy bay trực thăng. Sau khi đội tàu này tiến gần tới Bãi Tư chính mà Việt Nam tuyên bố là thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, cuộc đối đầu giữa họ với 4 tàu Việt Nam đã diễn ra.

SCMP nhận định: Vụ đối đầu này có thể làm bùng phát vụ đụng độ lớn nhất trên Biển Đông trong vòng 5 năm trở lại đây và có thể kích động làn sóng chống Trung Quốc chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ vụ giàn khoan Haiyangshiyou 981 năm 2014. Sự việc này diễn ra bất chấp một cam kết vào tháng 5 giữa Bộ trưởng QP Trung Quốc và Việt Nam về việc giải quyết các bất đồng trên biển bằng hòa bình.
Theo SCMP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 12/7 không xác nhận tin tức về vụ đối đầu này, nhưng khẳng định Trung Quốc quyết tâm bảo về các lợi ích của mình trên biển Đông: “Chúng tôi cũng cam kết xử lý khác biệt thông qua đàm phán với những nước có liên quan” ông Cảnh nói.

Theo Đông Phương, tàu Haiyangdizhi-8 có chức năng đo đạc địa chất 3D, có thể điều tra thăm dò hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu thăm dò toàn bộ nước và vật khong khu vực biển, điều tra địa chất khu vực và điều tra tài nguyên dầu khí ở vùng biển trọng điểm. Theo sơ đồ quỹ tích hoạt động của nó thì tàu này với sự yểm trợ của một số tàu hải cảnh đã đến tác nghiệp tại khu vực bãi Tư Chính mấy ngày trước. “Do hai nước Trung-Việt đang tranh chấp chủ quyền đối với bãi Vạn An (Tư Chính) nên Việt Nam cũng đưa mấy tàu hải cảnh tới khu vực này”.

Đông Phương cho biết, tàu 37111 được trang bị pháo hạm. Còn tàu 3901 có lượng giãn nước 12 ngàn tấn, được trang bị pháo bắn nhanh 76 ly và súng máy cũng đã xuất hiện tại đây. Tàu công vụ Việt Nam thấy có cả chiếc Kn472 được trang bị pháo.

Trang tin độc lập Đa Chiều thì cho biết, phía Việt Nam có các tàu Kn-472, Kn-468, Đá Nam 612883 và Nam Yet 207008, trong đó Kn-472 có hệ thống pháo.
Cho đến ngày 10/7 vẫn có gần 20 tàu công vụ 2 bên ở đây, thể hiện sự đối đầu căng thẳng. Ngày 10/7, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đột ngột tới thị sát Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam, “sự kiện có thể sẽ leo thang” – theo Đông Phương.
Đông Phương cho biết: năm 1992, Công ty năng lượng Trung-Mỹ đã thuê tàu khảo sát địa chất Trung Quốc đến khu vực này tác nghiệp nhưng bị tàu vũ trang Việt Nam cản phá nên phải rút đi, nhưng hợp đồng này đến nay vẫn có hiệu lực. Sau đó trong các năm 2007. 2011, hai nước tiếp tục có va chạm tại vùng biển xung quanh bãi cạn này.

Bãi Tư chính là một cụm rạn san hô ở phía nam biển Đông, khu vực giàu có tài nguyên về dầu khí. Việt Nam tuyên bố bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa phía nam, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và không thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Nam bác bỏ sự gán ghép bãi này vào quần đảo Trường Sa và tuyên bố bãi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình.

Trên bãi ngầm này, Việt Nam đã lắp đặt các cấu trúc thép có tên là nhà giàn DK1 và giao cho Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.
Trung Quốc thì coi bãi này thuộc “Nam Sa” – cái tên mà họ gọi Trường Sa để đòi quyền sở hữu.

Theo Cục điều tra Địa chất Trung Quốc thì tàu Haiyangdizhi-8 được hạ thủy tháng 2/2017 là con tàu khảo sát 3D 6 cáp chính xác đầu tiên trên thế giới; lượng giãn nước 6.785 tấn, tốc độ lớn nhất 15 hải lý/h, khả năng tự cấp 45 ngày, có thể hành trình 16 ngàn hải lý.

+++ Đài Á Châu Tự Do (RFA) dịch bài của South China Morning Post

 

Có ít nhất 2 tàu hải cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang đối đầu với nhau ở Bãi Tư Chính trong khoảng một tuần qua, nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 do Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.

Thông tin này được mạng báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post – SCMP) đăng tải vào chiều 12/7.

Mạng báo tiếng Anh có trụ sở ở Hồng Kông trích dẫn đoạn Tweet của ông Ryan Martinson – Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ cho hay, hôm 3/7, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 (Marine Geology 8 ) [Hải Dương Địa Chi 8] đã đi vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.

Ông Ryan Martinson đăng tải ảnh chụp màn hình về thông tin theo dõi dữ liệu tàu trong một tweet hôm 11/7 chỉ ra, khu vực trên có sự xuất hiện của các tàu hộ tống tàu thăm dò Trung Quốc gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang 12 ngàn tấn số hiệu 3901 mang theo trực thăng và tàu 2.200 tấn số hiệu 37111.

Trong khi đó, sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đột nhiên đi thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và nói chuyện qua điện thoại vệ tinh với các chiến sĩ làm việc trên các tàu CSB 4031, 4034, 9001, 8002, 4038, 4039.

Theo SCMP, cuộc đối đầu có thể dẫn đến đụng độ lớn nhất trên Biển Đông trong vòng 5 năm trở lại đây và có thể kích động làn sóng chống Trung Quốc chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 kéo vào vùng biển nước này.

Theo Wikipedia, Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô ở phía nam Biển Đông mà Việt Nam cho lắp đặt các cấu trúc thép có tên là nhà giàn DK1 và giao cho Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.

Việt Nam tuyên bố bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa phía nam, không thuộc quần đảo Trường Sa và bác bỏ sự gán ghép bãi này vào quần đảo Trường Sa.

Đài Loan và Trung Quốc quan niệm bãi này thuộc quần đảo Nam Sa. Khu vực bãi Tư Chính đã nhiều lần là đối tượng tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Năm 1994, tàu vũ trang Việt Nam đã buộc tàu thăm dò Shiyan 2 rời đi sau 3 ngày đối đầu.

Trước đó trong cùng ngày 12/7, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cũng nói với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân rằng hai bên nên làm việc để thiết lập bộ Quy tắc Ứng xử trên biển ở Biển Đông.  Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói hai nước nên “bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển bằng những hành động cụ thể.”

Bài gốc của SCMP:

https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3018332/beijing-and-hanoi-stand-over-chinese-survey-ship-mission?utm_medium=Social&utm_source=Facebook&fbclid=IwAR00hgLWFxnsI-inQch7mwRlaKPPIusNjL6OL5-4BhgKxgnzsjeAWkg6JnM#Echobox=1562916767

 

Hình 1: Tàu 37111 của China, 2.200 tấn (Từ Facebook Thuận Hóa)

Hình 2: Vị trí xen kẽ thể hiện trên bản đồ hàng hải, cho thấy các tàu hai bên đang chơi trò bịt mắt bắt dê. (Từ facebook Thuận Hóa)

Hình 3: Sơ đồ hoạt động thăm dò của Trung Quốc chồng lên 8 lô dầu khí của VN. (Từ facebook Thuận Hóa)