Từ Facebook tổng hợp

+++ Khán giả: Những người mau quên – Từ Facebook Đặng Sinh

Nghe các anh các chị bảo rằng Hoài Linh diễn lần này là lần cuối, kẻ già này bỗng buồn cười cho cái sự ngây thơ của anh chị.

Nếu mà mọi thứ cứ như anh chị nghĩ thì giờ này Hồng Quang Minh lão nhân gia (aka Minh Béo nghệ nhân thổi kèn) đang đi phụ hồ chứ không đăng hình đi chùa; Phương Thanh mí lị Hương Giang idol đã về tỉnh lẻ hát sân khấu hội chợ chứ không phải lên ti vi mỗi tối.

Dân mình hay quên, anh Hoài Linh đồng hương tôi mang 14 tỉ tiền của dân trả lại cho dân là xong thôi. Nửa tháng nữa người ta lại quên hết ấy mà. Chỉ cần đừng nuốt là được, chứ dân mình mau quên. Người ta vẫn gửi con em mình vào công ty nghệ thuật của Minh Béo đấy thôi, ơ kìa.

Không nghề gì dễ như nghề làm nghệ sĩ thợ hát, thợ diễn ở Việt Nam. Nghệ sĩ kiểu gì mà ngu như bò, viết Facebook một câu 20 lỗi chính tả, luận mãi mới ra. Rảnh hết chuyện để làm nên cãi nhau với dân mạng xem thằng nào nuôi thằng nào. Đa phần mấy anh chị thợ này đều là dân mê tín ngoại hạng, đa số học hành không đến đâu nhưng tiền bạc và danh tiếng đến nhanh và dễ nên ảo tưởng cũng nhiều.

Họ sống với nhau cục bộ như bọn cái bang trong tiểu thuyết. Tự cho mình là làm nghệ thuật nhưng lại mạng cãi nhau còn thô tục hơn dân chợ cá. Lên mạng “truyền tấn công”; tự cho mình là “vùng đất cấm”, coi giới của mình là “ổ kiến lửa”… thế rồi chỉ cần một mụ đàn bà to mồm bóc phốt mấy câu thì chạy nháo nhào như vịt gặp mưa.

Nghệ sĩ mà chẳng để lại bất cứ thứ nghệ thuật gì cho đời, chỉ có trò hề kém sang mang từ sân khấu mang ra ngoài đời rồi mang luôn lên mạng. Nghệ sĩ gì mà chỉ góp phần kéo thụt lùi dân trí bằng thứ trí tuệ đần độn sai chính tả.

Thế nhưng, kẻ già này vẫn tin rằng khi sóng gió qua đi, họ vẫn cứ là nghệ sĩ (theo cách của họ) như xưa nay. Dân mình mau quên, kẻ già này đã nói ở phần đầu rồi, anh chị đọc rồi mà quên thì kéo lên đọc lại. Anh chị cũng là dân mà.

À nhưng, vẫn có những người làm nghệ sĩ chân chính đôi khi bị hào quang của bọn thợ hát, thợ diễn (và sự mù quáng của dân mạng) vùi dập mất. Họ vẫn sẽ được những người mau quên nhớ tới vì những gì họ đã để lại cho cuộc đời trong nghệ thuật; chứ không phải được nhớ tới chỉ bởi scandal của dân ít học.

+++ Khoảng trống của nền truyền thông – Từ Facebook Đinh Đức Hoàng

Trong phim Gái già lắm chiêu 2, nếu bạn đã xem (hoặc nếu bay tàu A350 của VNA lần sau thì xem), Ninh Dương Lan Ngọc đóng vai một MC quyền lực. Chương trình của cô tên là Bí mật showbiz. Trong tưởng tượng của các đạo diễn, Lan Ngọc cùng ê kíp xây dựng một chương trình khá lý tưởng: họ thực sự tiến hành các cuộc điều tra, theo phong cách Dispatch của Hàn Quốc, The Sun của Anh hoặc TMZ của Mỹ, để vạch trần các bí mật của showbiz, các khoảng tối từ giới sao.
Hình dung của các đạo diễn Namcito và Bảo Nhân, khá dễ hiểu, là một chương trình như thế sẽ vô cùng ăn khách và biến người dẫn trở thành một nhân vật tạo ảnh hưởng toàn showbiz.

Nhưng một chương trình như vậy sẽ không bao giờ ra đời tại Việt Nam. Nếu có, nó sẽ là biểu hiện của một nền truyền thông lành mạnh, nơi các tờ báo và nhà đài thực sự sống bằng việc bán tin tức. Nhưng thực chất, vì nhiều lý do quá dài để phân tích, nền truyền thông Việt Nam nói chung không kiếm sống bằng việc bán tin tức trực tiếp, mà thường phải phục vụ các nhóm quyền lợi khác nhau. Bạn sẽ nhận ra rằng cái việc “bóc phốt”  – hay là một thứ báo chí điều tra nghiêm túc về bất kỳ chủ đề gì – nó thậm chí hiếm hoi cả ở lĩnh vực kinh tế, xã hội, và tất nhiên là văn hóa.

Không phải tất cả, nhưng phổ biến: phóng viên chơi với quan chức, doanh nghiệp, ngôi sao như cứt với đít. Lợi ích của tòa báo cũng bị gắn chặt với các thiết chế không phải là độc giả. Động vào đâu cũng thấy anh em. Thôi thôi, đưa mấy cái tin ở bề mặt là được rồi, người ta đút cho cái gì thì đăng chứ điều tra đụng chạm lắm.

À thỉnh thoảng mình sẽ làm sang bằng các bài quan điểm nói leo khi sự đã rồi. Bảo là đi bới móc bí mật của người ta thì thôi đi.

Nó hiếm đến mức như các bạn đã biết, chỉ cần khoác chữ “điều tra” lên những tác phẩm thông minh gì đâu rớt từ cung trăng xuống công chúng cũng xúc động suýt khóc.

Có một khoảng trống truyền thông – mà nghĩ lại thực sự cay đắng – đang tồn tại. Và có lẽ lỗi cũng không hẳn ở những người làm truyền thông. Nhưng đó có lẽ là một phần nguyên nhân khiến toàn dân ngồi xem livestream của chị Phương Hằng hôm qua.

Một số cá nhân thượng đẳng nói rằng bóc phốt showbiz thì có gì hay, toàn chuyện thị phi không có đóng góp gì cho xã hội. Nhưng thực chất, xã hội vẫn tiêu thụ các sản phẩm giải trí, và giới giải trí vẫn tác động trực tiếp vào dòng chảy vật lý của xã hội. Một ngôi sao giải trí vẫn sẽ là người bảo vệ tê giác hoặc bán thực phẩm chức năng; kêu gọi chống buôn bán trẻ em hoặc mời chơi crypto đa cấp; giải ngân tiền từ thiện đúng đắn hoặc ôm lại 6 tháng. Mặc mẹ bạn cố tỏ ra thượng đẳng (và vẫn nghĩ xem TV show của Mỹ làm mình thông minh hơn bọn xem TV show Việt Nam, ủa), giới showbiz vẫn tạo ra tác động trực tiếp lên xã hội.

Và trong cuộc livestream xuất chúng của chị Phương Hằng tối qua – nếu chiêm nghiệm lại – ta nhận được những thông điệp cao hơn chuyện của cá nhân các nghệ sĩ.

Từ các câu chuyện của showbiz, chúng ta luôn có thể phát triển được thành các chủ đề về văn hóa, lối sống và thậm chí chính sách pháp luật. Dispatch chẳng bóc ra cả một thế giới tội phạm nhờ theo dõi group chat của mấy cậu diễn viên Hàn Quốc. Chị Hằng hỏi ta về “từ thiện bầy đàn”, về thói quen “tạm ứng niềm tin”, và chị Hằng đặt dấu hỏi cho phương pháp làm từ thiện ủy nhiệm, hay cao hơn là cho cơ chế của niềm tin. Chị làm việc đó bằng một nghệ thuật dẫn chuyện bậc thầy.

Buổi livestream này, hoàn toàn có thể đi vào lịch sử, là dấu mốc để một tập hợp công chúng khổng lồ xem xét lại cách họ làm từ thiện. Nếu điều đó diễn ra, chị Hằng Đại Nam khiến cho bao học giả trí thức nhà hoạt động – trong đó có chính tôi – phải ôm nhục.

Nhưng hoa nở không có nghĩa là xuân về. Điều đáng buồn của cái livestream và cuộc điều tra bóc phốt này, là nó được thực hiện bằng tiền của cá nhân chị Hằng. Tức là hôm nào chị chán chơi stream, thì khoảng trống còn nguyên đó. Ta lại đọc tin cãi nhau trên phây, tin đi sự kiện, tin unfollow nhau.

Toàn dân VN rủ nhau xem bà Nguyễn Phương Hằng livestream – Ảnh: Facebook