Chỉ cần 800 m2 đất, xây một ngôi chùa, thu tiền của bá tánh, là “sư” Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng, Vĩnh Phúc, có một tài sản trị giá 300 tỷ đồng. Không rõ trong thời gian bao năm, nhưng nếu có là suốt đời đi (sư sinh năm 1976, trẻ chán), thì cũng quá lớn so với mặt bằng thu nhập ở Việt Nam.

Rồi nhân vụ scandal gạ tình cô phóng viên báo mà bị đưa lên mạng (nể cô này thật, không ngại “mất mặt”), “sư” xin Giáo hội Phật giáo cho hoàn tục. Vậy bố về đời, từ bỏ áo vàng, khoác áo thời trang hàng hiệu, ăn chơi xả láng không cần e dè, giấu diếm gì.

Nhưng để thực hiện được điều đó, “sư” phải xin Ban trị sự Giáo hội Phật giáo cho giữ lại tất cả tài sản đứng tên “sư” như đất đai, trang trại và các vật dụng đắt tiền khác.

Khất thực thời 4.0 là phải đi phi cơ à nha!

Không biết nguyện vọng đó có được đáp ứng hay không, nhưng nó cho thấy thu nhập của nhà chùa đời nay lớn đến mức nào, sư trụ trì sướng đến mức nào.

Nhà chùa là loại “doanh nghiệp” đặc biệt, không hạch toán lỗ lãi, không khai thuế, không phải ràng buộc các đạo luật, không thanh tra thanh mẹ thanh dì…

Bảo sao chùa không mọc ra như nấm, biến bao đất đai, rừng rú bị phá để xây chùa.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Chùa Bái Đính Ninh Bình, vốn là một chùa nhỏ, cổ kính linh thiêng trong tín ngưỡng của người dân, được một “đại gia” xây dựng thành một quần thể chùa mới, gọi chữ nghĩa là “khu du lịch tâm linh” rộng gần 700 ha, tiền thu vào như nước.

Thừa thắng xông lên, vị đại gia nọ xây tiếp “khu du lịch tâm linh” khác là chùa Tam Chúc ở Hà Nam, rộng gấp đôi so với Bái Đính (1400 ha).
Với 800 m2 mà thu 300 tỷ nhẹ nhàng, thì cỡ 700 và 1400 ha thu khủng đến cỡ nào!

Chưa hết, đỉnh Fansipan của dãy Hoàng Liên Sơn, nơi được coi là “nóc nhà của Đông Dương”, được bao nhà leo núi chuyên nghiệp và nghiệp dư thử thách sức khỏe và bản lĩnh của mình, giờ đây cũng trở thành tài sản riêng của “đại gia” chùa. Họ bạt phẳng đỉnh, xây một ngôi chùa hoành tráng để du khách “du lịch tâm linh” đi lễ có cúng tiền. Và giờ đây khỏi cần leo núi cho vất vả, đã có cáp treo đưa du khách (tất nhiên có trả “phí”) lên thăm chùa, tỏ “lòng thành” với Phật.

Với những chùa có sẵn như Hương Tích, Phúc Khánh, Ba Vàng, Yên Tử… thì giờ cũng được “dịch vụ hóa” mọi khâu: mở BOT thu tiền lên chùa, gọi vong, trục vong, cúng sao giải hạn (bằng tiền “phàm”), đưa rước khách…

Nhìn ra xã hội, nền kinh tế định hướng xhcn, với những “quả đấm thép” đấm thẳng vào mặt nhân dân, lỗ hàng tỷ đô; với hơn chục đại dự án ngàn tỷ thua lỗ hoặc nằm đắp chiếu biến thành sắt vụn, thì chùa chiền lúc này quả là ngành “công nghiệp không khói”, siêu lợi nhuận, lại không ô nhiễm môi trường.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Vậy còn chần chừ gì nữa mà không đưa chùa vào kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa quốc gia trong tương lai.

Toàn dân ta, người người, nhà nhà hãy mánh mung giựt dọc cho nhiều, hay bòn gio đãi sạn, bới đất nhặt cỏ kiếm từng đồng lẻ, để cùng nhau từng đoàn lũ lượt… cúng chùa!