Ở miền Tây quê mình giờ ảm đạm lắm. Mấy năm nay nuôi gà thì gà chết chuyển sang nuôi heo thì heo cũng chết. Trồng lúa thì lỗ vốn, chuyển qua trồng thanh long thì hên xui vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Có khi hôm trước giá 30.000đ/ký, bữa sau 3000đ không ai mua.

Dân quê bây giờ chìm trong nợ nần, trong xóm mình có nhà phải đi mượn gạo về nấu cháo nuôi con. Đây là sự thật mà mình thấy tận mắt suốt từ tết đến nay. Đợt heo tai xanh năm ngoái nhiều nhà đổ nợ phải bỏ xứ lên SG làm công nhân. Ai ở lại thì đi làm thuê, thấy heo tăng giá thì không dám tái đàn, sợ lại bị trắng tay. Còn nhiều nhà làm thành long lỗ lên lỗ xuống tới mức không có xông đèn, nuôi vườn.

Nước xanh như màu dừa

Tới đợt hạn mặn này mọi thứ còn tồi tệ hơn. Khoan nói chuyện kênh rạch cạn khô, đi một vòng khắp đồng bằng sông Cửu Long sẽ thấy những con sông đồng loạt chuyển màu. Sông lớn thì có Tiền Giang, Hậu Giang, nước đã pha màu xanh-nâu. Sông nhỏ thì có Vàm Cỏ, Gò Công, Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên, Mỹ Thanh, Ông Đốc, Cửa Lớn, Cái Nước… màu nước xanh như màu dừa.

Sông miền Tây nào giờ đỏ một màu phù sa chứ đâu có khi nào tới mức xanh lè xanh lét như nước biển vậy đâu. Nếu các bạn có nghe bài hát “Vàm Cỏ Đông”, sẽ biết câu ” Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng/ Đuổi Pháp đi rồi nay đuổi Mĩ xâm lăng/ Giặc đi đời giặc sông càng xanh trong”. Người nhạc sĩ viết bài này không phải miền Tây, ổng áp dòng sông của ổng lên con sông đầy phù sa quê mình đó. Sông Vàm Cỏ bình thường nước đục ngầu, chứ nước sông mà xanh trong là nước đã nhiễm mặn, là sông chết.

Giống như ông nhạc sĩ xứ lạ kia, lâu nay cũng có nhiều lãnh đạo từ nơi xa về công tác ở quê mình. Nhiều chính sách vốn được áp đặt ở phía bắc được dùng rập khuôn ở phía nam. Mấy chục năm trước có vị kia đi kinh lý xứ Đức Hoà, thấy đất đai ở đây rộng quá, nên bảo người dân làm lúa. Mà xứ Đức Hoà đất phèn dầy cả thước, đó giờ chỉ trồng đậu phộng hoa màu. Nay cán bộ kêu trồng lúa, làm được một mùa thì cũng dẹp chứ mạ có trổ đồng đồng đâu mà làm nữa?

Mình nghe nhiều bà con than “thuở đời nay dân miền Tây quen sống chung với lũ, lũ to thì phù sa nhiều. Nay lại đắp đê theo dân bắc. Nếu không có đê bao thì nước biển chỉ lấn vô chừng chục cây số. Giờ thì nước biển lấn vô sâu hàng trăm cây”.

Phải xả nước mặn trực tiếp lên đất sống

Sông khô nước thì tới mùa mưa lại thành dòng. Đằng này bị nước mặn tràn vào, mấy mùa sau cũng không trồng trọt gì được. Thiên tai không tránh được mà gặp nhân tai lại càng thêm khổ: “nhà máy bơm nước mặn cho dân xài”.

Nền đất miền Tây vốn đã yếu và có nguy cơ chìm hẳn xuống dưới mực nước biển trong mấy chục năm nữa. Cơ quan chức năng thừa biết điều đó. Nhưng đợt mặn này họ vẫn bơm nước sông nhiễm mặn cho dân xài. Nước tắm giặt, nước sinh hoạt đều mặn chát. Sau khi sử dụng xong thì bao nhiêu nước đó lại thấm trực tiếp xuống nền đất. Hỏi đất đai tươi tốt cỡ nào mà chịu nổi?

Ở một số nơi thậm chí người ta còn đào giếng bơm nước mặn lên nuôi tôm. Lấy khu Đồng Tháp Mười làm ví dụ. Vùng này có hệ sinh thái ngập nước đặc biệt nhất thế giới, giá trị kinh tế vô cùng lớn nếu tận dụng tốt, hình thành từ trầm tích thời tiền sử tới nay. Do phù sa đẩy biển lùi ra xa hàng ngàn năm trước, dưới tầng đất nông ở đây vẫn còn tích tụ các túi nước mặn. Khoan giếng chừng 20 thước là tới.

Với các chính sách khai thác tàn bạo, nhập cư không kiểm soát thì nơi đây đang bị tàn phá rất nặng nề. Người ta khoan giếng vô tội vạ, bơm hàng trăm ngàn mét khối nước mặn lên để nuôi tôm. Chẳng những là đẩy mạnh việc nhiễm mặn cho cả vùng mà nó còn hủy hoại hệ sinh thái ở Đồng Tháp Mười, và khiến việc sụt lún diễn ra nhanh hơn.

Từ hồi ông bà mở cõi, có bao giờ thấy sông cạn dòng vậy đâu?

Trước nay chúng ta chỉ đổ lỗi cho các đập thuỷ điện Trung Quốc xây dựng ở đầu nguồn sông Mê Kông. Nhưng lật lại nhiều tài liệu thì là chính do Việt Nam chúng ta phá rừng, chặn dòng, xây hàng chục đập thuỷ điện trên các con sông ở Tây Nguyên như Sê San, Serepok. Những con sông này sau khi chảy từ nước ta sang Campuchia sẽ đổ một khối lượng nước khổng lồ vào sông Mẹ, Mê-Kông. Sông con bị chặn dòng, xây đập thì sông Mẹ lấy nước đâu mà nuôi đồng bằng?

Ngoài ra vẫn là cảnh “đụng tới đâu hư tới đó” của các quan chức nhà mình. Giải pháp thì thì không thiếu, ngân sách chi hàng ngàn tỷ để xây kênh/hồ trữ nước ngọt chống mặn, không biết làm kiểu gì mà chính những kênh/hồ đó lại nhiễm mặn trước khi sông nhiễm mặn?

Câu chuyện mùa nắng chặn dòng mùa mưa xả lũ, tình trạng cạn dòng, thiếu nước không chỉ xảy ra ở miền Tây quê mình. Ở miền Đông, ở Tây Nguyên, ở duyên hải miền Trung, và nhiều nơi khác cũng như vậy. Dù rằng ở đâu cũng có công trình thuỷ lợi, cũng có đập, có hồ chứ đâu có thiếu thốn gì mà lại ra cớ sự như vậy?

Là một người dân luôn sống, học tập, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, mình thấy vấn đề rõ ràng đang nằm ở thượng tầng kiến trúc của xã hội. Ở một hệ thống cầm quyền không do dân bầu ra, không đủ năng lực quản lý xã hội, không đủ tầm, tâm, tài để quản trị quốc gia. Đừng hỏi người dân đã làm gì cho nhà nước, phải hỏi nhà nước đã làm gì suốt mấy chục năm qua mà khiến cho đất nước càng ngày càng trở nên tồi tệ như hôm nay?

____

Đặt tựa dựa theo lời than của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân năm 2019: “Ngân sách Nhà nước là một dòng sông đã cạn”. Ai ăn, ai phá mà cạn?

Ảnh tác giả bên dòng sông cạn