Lưu Vỹ Bửu

1. Vừa qua, giới văn chương trong nước “ồn ào” về kết quả cuộc thi thơ của một tờ báo văn nghệ hạng lớn. Bài thơ đoạt giải cao nhất bị dư luận – nhà thơ và những người yêu thơ – chê dở, không phải thơ. Hội đồng giám khảo, tất nhiên, phải bảo vệ và khoác cho bài thơ nhiều mỹ từ. Thôi thì, hay hay dở; được “ưu tiên”, “gửi gắm” hay vô tư; có lót tay hay không rồi đâu cũng vào đó. Bài thơ đoạt giải sẽ đi vào quên lãng, chẳng ai còn nhớ, kể cả người chấm chọn, sau một thời gian ngắn.

Từ vụ lùm xùm này, thiết nghĩ, những nhà văn, nhà thơ nên nhìn lại mình. Cả nước, chưa có số thống kê, nhưng có lẽ những người được gọi là “nhà văn”, từ quận huyện đến trung ương, có tới năm, bảy ngàn người. Một con số đáng kinh ngạc! Và, kinh ngạc hơn, nếu nhìn lại thời gian qua, có được bao nhiêu tác phẩm đáng đọc? Số lượng tác phẩm in thì nhiều nhưng đọc được thì đếm không hết bàn tay.

Vào hiệu sách, người mua muốn hoa cả mắt vì bìa sách sặc sỡ và tựa sách muôn hình vạn trạng, đọc lên nghe kêu như chuông đánh nhưng nội dung thì sáo rỗng, tầm thường (tất nhiên, cũng có vài cuốn được dư luận khen hay). Vậy mà hết nhà văn này đến nhà thơ nọ cứ đều đều in sách. Sách in xong, khoàng vài trăm cuốn, phần lớn để tặng; phần khác ký gửi và bán kèm theo chữ ký của tác giả với giá “tùy lòng hảo tâm” trong các dịp hội hè, đình đám.

Không phải “nhà văn” nào cũng giàu hay có nguồn “tài trợ” để in sách lấy tiếng. Cái chính là sau khi “vận động” được làm hội viên một hội văn học nghệ thuật nào đó; bước tiếp theo, rất quan trọng, là làm đề cương hay đưa bản thảo cho lãnh đạo hội duyệt và xin ngân sách tài trợ xuất bản. Tuy nhiên, số tiền nhà nước tài trợ (chính xác là tiền thuế của dân) không đến tay tác giả đầy đủ mà bị cắt xén cỡ 40%. Đó là khoản nộp quỹ hội, tiền “trả ơn” lãnh đạo đã xét duyệt,…

Nói đến tiền, lại nghĩ đến nguồn ngân sách dành cho các hội văn học nghệ thuật từ trung ương xuống địa phương không hề nhỏ, có thể lên đến vài trăm tỉ mỗi năm. Đó là chưa kể, các hội thường có kế hoạch cho hội viên đi chơi, dưới cái tên rất đẹp là “đi thực tế sáng tác” và các cuộc tiếp đón “qua lại” của nơi đi, nơi đến cũng từ tiền đóng thuế của dân. Điều đáng nói, những nơi họ đi qua, chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân nhưng họ không hề đồng cảm, cứ thản nhiên ngửa tay nhận tài trợ in sách để… tặng.

Tôi có những người bạn thân/sơ đang hoạt động trong lĩnh vực văn chương. Họ viết với sự đam mê không bờ bến, xem văn chương như một niềm vui, là lẽ sống và trong số đó, cũng có người sống an nhàn với những sáng tác của mình. Chưa nói đến tài năng, tôi thực sự tôn trọng họ vì họ không bao giờ nghĩ đến việc làm đơn xin gia nhập hội, chưa bao giờ làm đơn xin chính quyền tài trợ để in những sáng tác của họ.

2. Nhân chuyện thơ văn, chạnh nhớ đến một lãnh vực khác, cũng thuộc văn nghệ. Đó là âm nhạc! Ở cấp nào cũng có hội nhạc sĩ riêng hoặc nằm trong hội văn học nghệ thuật của địa phương, nếu ít hội viên. Thế nhưng, thời gian qua, có bao nhiêu ca khúc “sống được”? Sự “im lặng” của các nhạc sĩ thành danh, có thể giải thích là, do tuổi tác, sức sáng tạo đã cạn hoặc nguồn cảm hứng không còn nữa. Cũng có thể do tác động bởi xã hội, khi âm nhạc chỉ chú trọng phần “nhìn”, làm thỏa mãn thị hiếu tầm thường. Nói cách khác, ca nhạc đã trở thành “tạp kỹ”, ăn theo sân khấu hài!

Còn các “nhạc sĩ” trẻ, kể cả những người được đào tạo bài bản, một là chạy theo thị trường, hai là không có thực lực, sống nhờ vào việc viết nhạc quảng cáo hay viết theo yêu cầu của các “bầu sô”, của các “ngôi sao” giỏi múa may, khoe thân hình hơn là giọng hát. Quả thật, thời gian vừa qua, trên sóng truyền hình, các gameshow xuất hiện dày đặc, là môi trường màu mỡ của các đơn vị kinh doanh truyền thông và cũng là nơi người ta tâng bốc, tặng hoặc tự phong danh hiệu lẫn nhau để làm giàu, đã vô hình trung bức tử âm nhạc. Sự thiếu hụt các ca khúc có giá trị, các giọng hát hay là dấu hiệu đi xuống của ca nhạc trong nước. Để bù đắp sự thiếu hụt đó, người ta cổ vũ và tích cực làm mới dòng nhạc boléro một cách thái quá và chưa có điểm dừng.

46 năm qua, cái gọi là “nhạc vàng” đã bị “khai từ” bỗng sống lại mạnh mẽ. Điều này đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ca nhạc của người dân trong nước, đặc biệt là ở miền Bắc, một thời là “cái nôi nhạc đỏ”.

Sự hồi sinh của dòng nhạc tiền chiến và trước 1975 là điều tất yếu khi âm nhạc hiện nay đang rẽ sang một hướng khác, chỉ phục vụ giới trẻ với những lời ca ngô nghê, hời hợt khiến người yêu ca nhạc cảm thấy hụt hẫng vì thiếu/mất món ăn tinh thần.

Tưởng cũng nên nhắc đến các phương tiện truyền thông – truyền hình, báo in hay báo điện tử – ngoài những thông tin đưa theo chỉ đạo, phần lớn, đặc biệt là báo mạng, đăng những thông tin giải trí, khai thác cuộc sống riêng tư của các “sao”, khoe nhà khoe xe nhằm thỏa mãn sự tò mò, thị hiếu của người đọc, nhất là giới trẻ. Còn nhớ, sau năm 1975, trong những lớp “bồi dưỡng chính trị”, hệ thống tuyên truyền ra rả lên án truyền thông, báo chí miền Nam là tập trung khai thác chuyện ăn chơi, trác táng hoặc “ru ngủ” thế hệ trẻ để họ quên đi thời cuộc. Xem ra, bây giờ, việc này đang được khuyến khích và cổ vũ nhiều hơn. Hậu quả, phần lớn thanh niên thi nhau làm giàu bất chấp thủ đoạn, đua đòi hưởng thụ và sống sa đọa mà quên đi những bài học luân lý, đạo đức cũng như truyền thống hào hùng của tiền nhân. Không ít thanh niên biết rất rõ về đời tư của các “sao” nhưng mù tịt về các anh hùng lịch sử nước nhà.

3. Trong tháng Tư – vô tình hay hữu ý – tại Việt Nam, có hai cuộc tọa đàm liên quan đến văn học miền Nam. Ngày 19/4, tại Hà Nội, buổi tọa đàm về “Sự trở lại của văn học đô thị miền Nam” với sự tham gia của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, nhân dịp 5 tác phẩm của bà được in lại. Và ngày 24/4, tại một quán cà phê ở Sài Gòn, buổi nói chuyện về những sáng tác của nhà thơ Tô Thùy Yên. Tại hai cuộc tọa đàm nói trên, các người tham dự, bao gồm các nhà phê bình, nghiên cứu văn học, các nhà văn nhà thơ và người dự khán đều công nhận và ca ngợi tài năng của nhà thơ Tô Thùy Yên, nói riêng, và nền văn học miền Nam, nói chung.

Có thể xem hai cuộc tọa đàm này là nét mới, là tín hiệu (dù quá muộn) cho thấy những người hoạt động văn chương trong nước bắt đầu “thay đổi” cái nhìn về một  nền văn học thực sự giá trị của miền Nam trước năm 1975. Tôi còn nhớ, cách đây vài năm, một tuyển tập truyện ngắn phát hành trong nước có in truyện ngắn của Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu… cùng với các nhà văn Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp,… Tuy nhiên, sau tuyển tập này, chẳng thấy một cuốn nào khác được in. Phải chăng, đã có sự “chỉ đạo” từ trên?

Vì vậy, sau hai cuộc tọa đàm này, diễn tiến tiếp theo sẽ ra sao? Không thể nào nói trước, nhất là khi nơi tổ chức tọa đàm này chỉ là một trường Đại học ở Hà Nội và một… quán cà phê ở Sài Gòn chứ không phải là một cơ quan nhà nước có trách nhiệm! Nếu xem đó là thiện chí thì quả thật, còn nửa vời.

Thật đáng buồn và đáng tiếc…

Nguyễn Thị Hoàng

LVB