Một trong những hình ảnh được ghi nhớ nhất trong cuộc họp thượng đỉnh giữa Nam và Bắc Hàn là khi lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-Un (Kim Chính Ân) và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-In (Văn Tại Dần) cùng nắm tay nhau và nở nụ cười thân thiện trong khi Kim bước chân qua lằn biên giới ngăn đôi hai nước để vào lãnh thổ của Nam Hàn.

thuong-dinh-nam-bac-han4

Cú bắt tay lịch sử Kim-Moon tại đường biên giới trước cuộc họp thượng đỉnh – nguồn Reuters

Ðể hiểu được tầm quan trọng của cuộc họp thượng đỉnh hôm Thứ Sáu 27/4 và tình hình thay đổi quá nhanh trên bán đảo Triều Tiên trong mấy tháng qua thì ta cần phải nhìn lại bối cảnh của năm ngoái – khi Hoa Kỳ và đồng minh Nam Hàn đã phải đối diện với những thử thách và nguy cơ chiến tranh trong khi Bắc Hàn cho thử nghiệm một loạt vũ khí mới của họ, trong đó có hoả tiễn xuyên lục địa và vũ khí nguyên tử – thì không ai có thể ngờ được sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh như trên diễn ra. Hơn nữa, hai nước Nam và Bắc Hàn đã từng có một lịch sử dài đầy tang tóc sau khi trải qua một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất của thế kỷ 20 và thậm chí cho đến ngày hôm nay, về mặt kỹ thuật, cả hai quốc gia này vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Sau khi đặt bước chân đầu tiên qua lằn biên giới, Kim Jong-Un trở thành lãnh tụ đầu tiên của Bắc Hàn kể từ cuộc chiến Triều Tiên đã chính thức đứng trên phần đất của Nam Hàn.

Chỉ trong ít tháng, mối quan hệ giữa hai nước đã đi từ những cuộc thử nghiệm hoả tiễn và hăm doạ nguyên tử đến những cử chỉ thân thiện kêu gọi hoà bình và hợp tác. Nhưng có lẽ sự thay đổi lớn lao đó được minh hoạ một cách rõ nét nhất qua khía cạnh địa lý: Cái bắt tay lịch sử giữa Kim và Moon, và sau đó là cuộc họp kín 30 phút diễn ra chỉ cách một đoạn đường ngắn địa điểm nơi một binh lính Bắc Hàn đã tìm cách đào tẩu sang phía Nam dưới những lằn đạn đuổi bắn theo vào năm ngoái, và cũng là nơi năm 1976 hai binh sĩ Hoa Kỳ đã bị lính Bắc Hàn dùng búa đánh chết.

Sau cuộc gặp gỡ tại khu phi quân sự (DMZ), cả hai lãnh tụ đồng ý tiến tới việc làm giảm bớt căng thẳng và bắt đầu những cuộc thảo luận với Hoa Kỳ, và có lẽ có sự tham gia của Trung Quốc, để hai quốc gia có thể sắp xếp trong vòng một năm tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài từ 1950-53. Cuộc xung đột này được tạm thời chấm dứt bằng một thoả thuận đình chiến, nhưng trên thực tế, cả hai bên vẫn chưa từng ký kết một hiệp ước hoà bình nào, và trong suốt 65 năm kể từ khi cuộc chiến chấm dứt, thỉnh thoảng vẫn xảy ra đụng độ giữa hai bên ở khu vực biên giới. Thoả thuận đình chiến được ký kết năm 1953 giữa Trung Quốc, Bắc Hàn và Hoa Kỳ – thay mặt lực lượng quân đội Liên Hiệp Quốc, nhưng không có chữ ký của Nam Hàn.

thuong-dinh-nam-bac-han3

Nhóm người dân ủng hộ hoà bình gần nơi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh – nguồn Reuters

Một bản tuyên cáo chung, được gọi là Bản tuyên bố Bàn Môn Ðiếm (Panmunjom Declaration), cũng kêu gọi thực hiện trở lại chương tình đoàn tụ cho những gia đình bị ly tán bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên, và thiết lập một văn phòng liên lạc giữa hai bên và văn phòng này được đặt ở phần phía bắc của khu phi quân sự. Như một phần của sự thoả thuận, Tổng thống Moon sẽ đi Bình Nhưỡng vào mùa thu cho một cuộc thượng đỉnh khác.

Sau khi ký vào bản tuyên bố chung, lãnh tụ Kim Jong-Un đưa ra nhận định, “Với cùng một ngôn ngữ, một văn hoá và một lịch sử, Bắc và Nam Hàn sẽ được kết hợp thành một quốc gia.”

Tổng thống Moon, cùng đứng trên bục bên cạnh Kim, đã gọi sự tiến triển của Bắc Hàn trong chương trình vũ khí nguyên tử của họ, trong đó Kim đã đưa ra lời hứa hẹn vào đầu Tháng 4 về việc ngưng thử nghiệm nguyên tử và hoả tiễn tầm xa, là “một khởi đầu đầy giá trị.”

Bản tuyên bố chung cũng nói rằng cả hai bên chia sẻ chung một mục tiêu là “hiện thực hoá, qua việc giải trừ hoàn toàn vũ khí nguyên tử, một bán đảo Triều Tiên phi nguyên tử,” gần giống với một cụm từ thường được chính phủ Bình Nhưỡng sử dụng, và bị một số người chống lại chính sách hoà giải cho rằng đã tạo điều kiện cho Bắc Hàn có lý do xâm lăng trong trường hợp nếu quân đội Hoa Kỳ rút ra khỏi Nam Hàn.

Một điều cũng đáng được chú ý là bản tuyên bố chung đã sử dụng từ “hoà bình” 11 lần, trong khi nhắc tới “nguyên tử’ hay “giải trừ nguyên tử” chỉ có bốn lần, nhấn mạnh đến nỗ lực giảm thiểu căng thẳng và xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn.

thuong-dinh-nam-bac-han2

Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh đầu tiên giữa Kim Jong-Il và Kim Dae-Jong nguồn Forbes

Giây phút đầu tiên của cuộc gặp mặt giữa hai lãnh tụ được báo chí mô tả là đã diễn ra vào một thời điểm dường như không có thực trong một ngày đầy những cử chỉ biểu tượng, và đương nhiên là đã được cả hai bên chuẩn bị thật kỹ cho đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Với hàng ngàn phóng viên khắp thế giới đến săn tin nhưng bị giữ lại ở trong toà nhà dành chung cho báo chí cách khá xa nơi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh, và chỉ một nhóm nhỏ phóng viên được kiểm soát chặt chẽ là được đến gần biên giới, chờ đợi và theo dõi, trong lúc Tổng thống Moon đứng gần sát lằn phân chia hai nước, bước về phía trước đúng lúc khi ông trông thấy Kim, trong bộ đồng phục kiểu Mao màu đậm, xuất hiện ở phía trước toà nhà nằm bên lãnh thổ của miền Bắc. Cả hai cùng cười thật tươi và bắt tay nhau qua lằn biên giới nằm ở giữa hai người họ. Moon sau đó mời Kim bước sang phần lãnh thổ của Nam Hàn, và, sau khi Kim đã bước sang rồi, Moon lên tiếng, “Ngài đã bước vào lãnh thổ của Nam Hàn rồi, vậy khi nào thì tôi có thể bước sang bên kia đây?” Kim trả lời, “Tại sao chúng ta không bước sang ngay bây giờ?” và liền nắm lấy tay Moon và đưa ông sang bên phần lãnh thổ của Bắc Hàn và sau đó bước trở lại phần đất phía Nam.

Mặc dù được gọi là cuộc họp thượng đỉnh mang tính cách lịch sử nhưng sự mong đợi có thể đưa tới việc giải quyết vấn đề vũ khí nguyên tử nói chung là thấp, nếu nhìn vào những lần được gọi là đột phá về ngoại giao trong quá khứ liên quan đến chương trình nguyên tử của Bắc Hàn đã bị sụp đổ dựa trên những cáo buộc là Bắc Hàn đã gian lận và thất tín. Những người có quan điểm hoài nghi về nỗ lực hoà giải giữa Nam và Bắc Hàn vẫn luôn tin rằng phía Bắc Hàn thường lợi dụng những cuộc đàm phán ngoại giao để làm giảm bớt những khó khăn của lệnh cấm vận, tìm cách kéo dài thời gian để hoàn chỉnh vũ khí của họ và nhận viện trợ trong khi không thật lòng thực hiện những cam kết.

thuong-dinh-nam-bac-han

Cái ôm lịch sử – nguồn vox.com

Do đó, cuộc gặp mặt lần này làm cho nhiều người gợi nhớ lại một cuộc gặp mặt trước đây diễn ra vào trung tuần Tháng 6, 2000, là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên hết giữa Kim Dae-Jung (Kim Ðại Trọng – Nam Hàn) và Kim Jong-Il (Kim Chính Nhật – Bắc Hàn) tại thủ đô Bình Nhưỡng, mở ra thời đại của sự hợp tác giữa hai bên nhưng tối hậu đã không giải quyết được những căng thẳng quân sự trên bán đảo cũng như đã không ngưng được chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Thượng đỉnh lần thứ nhì giữa Kim Jong-Il và Roh Moo-Hyun (Lô Vũ Huyền) cũng không mang lại kết quả cụ thể. Vậy thì cuộc họp thượng đỉnh vừa qua có thể nào khác với những lần trước hay không? Ðể tìm câu trả lời ta nên nhìn vào những động cơ của cả hai phía và hoàn cảnh mà họ đang phải đối diện.

Theo nhận định của Scott A. Snyder, chuyên gia nghiên cứu vê tình hình Triều Tiên, động cơ để họ Kim và Bắc Hàn đột ngột thay đổi chính sách để giảm bớt căng thẳng với Nam Hàn thì có nhiều, trong đó có thể kể tới: Thứ nhất, tìm cách tránh né một cuộc vận động ngoại giao quốc tế của Hoa Kỳ để tạo áp lực lên chính phủ Bắc Hàn; thứ nhì, mở cửa kinh tế lại để nhận hỗ trợ trong việc phát triển kinh tế của nước họ; và thứ ba, sử dụng Nam Hàn làm lá chắn chống lại một cuộc leo thang có thể xảy ra về xung đột quân sự với Hoa Kỳ.

thuong-dinh-nam-bac-han1

Ký kết thoả thuận đình chiến giữa Hoa Kỳ-Bắc Hàn-Trung Quốc năm 1953_nguồn NK News

Trong khi chính quyền Moon Jae-In trước cuộc họp thượng đỉnh đã nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tiến triển song song trong quan hệ ngoại giao Nam-Bắc Hàn và Hoa Kỳ-Bắc Hàn. Bằng cách đưa ra mục tiêu đầy tham vọng về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh trong một thời gian sớm nhất, chính phủ Hán Thành (Seoul) đã tăng thêm áp lực với Bắc Hàn và Hoa Kỳ để xúc tiến thật nhanh chương trình giải trừ nguyên tử. Tuy nhiên, tiến trình kiểm tra đầy nhiêu khê nhưng cần thiết để bảo đảm việc giải trừ vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn sẽ mất nhiều thời gian hơn là tiến trình được phác hoạ trong Bản tuyên bố Bàn Môn Ðiếm để đạt được một hiệp ước hoà bình giữa hai bên vào cuối năm nay.

Ðối với Bắc Hàn, bất kỳ hành động nào liên quan tới việc cải thiện ngoại giao với Hoa Kỳ cần phải được bày tỏ minh bạch và thoáng rộng hơn thay vì chỉ là một cuộc gặp mặt bắt tay xã giao với Tổng thống Trump trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới. Sự hoài nghi về Kim và thiếu lòng tin về Bắc Hàn của Hoa Kỳ thực sự ra rất sâu đậm và sẽ chỉ lật ngược lại được nếu như Bắc Hàn thật tâm muốn giải trừ vũ khí nguyên tử. Hơn nữa, vấn đề nhân quyền cũng sẽ là một trở ngại ở quốc hội để đi tới bình thường hoá ngoại giao Hoa Kỳ-Bắc Hàn và điều này có thể là cái cớ để Bắc Hàn rút lại lời hứa giải trừ nguyên tử và tạo rạn nứt trong liên minh Hoa Kỳ-Nam Hàn.

Chúng ta sẽ có câu trả lời rõ ràng hơn cho những uẩn khúc trên sau cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim sẽ diễn ra trong mấy tuần sắp tới.

VH