Từ Facebook Nguyên Tống

Chiều nay xem bộ phim Ford và Ferrari kể về cuộc đua tranh sinh tử giữa 2 hãng xe nổi tiếng thế giới của Mỹ và Ý, giữa tay đua huyền thoại Bel Miles và Larenzo Cadiny. Những cuộc đua về công nghệ và kỹ năng đó không chỉ là sự giải trí, thắng thua mà đằng sau nó là cả một cuộc chiến về tri thức. Nó đã làm cho ngành công nghiệp xe hơi thế giới phát triển không có điểm dừng. Và rộng ra không chỉ ở trong lĩnh vực xe hơi, mà là mọi lĩnh vực.

Bộ phim dựa trên tư liệu có thật ở những năm 1960 và bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt đó cũng có rất nhiều chi tiết cảm động về tình bạn, tình yêu, tình cha con, lòng tự tôn dân tộc… Tất cả hoà quyện và làm nên lịch sử, làm nên một xã hội thịnh vượng với những tên tuổi như Henry Ford hay Enzo Ferrari…

Chạnh lòng nhìn lại Việt Nam, vào đúng thời điểm đó, chúng ta cũng “làm nên lịch sử”, nhưng ở phía ngược lại. Chúng ta đã đánh tráo khái niệm Cạnh tranh bằng… thi đua. “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, cả nước thi đua diệt Mỹ và tiến lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH). Ai cũng biết có cạnh tranh thì mới có phát triển, nhưng Chủ nghĩa Mác chủ trương cào bằng, triệt tiêu mọi sự cạnh tranh trong xã hội. Nên chúng ta đánh tráo, nghĩ ra Thi đua.

Cái sự Thi đua ấy, khác hẳn về bản chất với Cạnh tranh bởi không còn yếu tố sinh tử, chỉ là sự hơn thua bề mặt, là phong trào. Nói nôm na là như trẻ con chơi đánh bài búng tai, chả chết ai cả. Vì thế nó chỉ là trò vui, giải trí chứ không thể là động lực cho phát triển. Ấy thế mà, nó lại trở thành một phương tiện chính để tiến lên CNXH, là thể hiện lòng yêu nước, dưới một sự đánh tráo “tài tình và sáng suốt”.

Cái sự thi đua ấy, nó còn để lại di hại cho đến tận bây giờ. Đó là bệnh hình thức, bệnh thành tích, bệnh gian trá… Bởi khi Thi đua thì chỉ làm sao cho mình tốt nhất về bề ngoài hòng thắng cuộc thôi, thi xong chẳng cần biết có nên cơm cháo gì tiếp hay không. Xã hội VN ngập tràn thành tích, học sinh ngày càng nhiều bằng khen giỏi, tiến sỹ có lẽ nhiều nhất thế giới nếu tính trên số dân, bằng những trò mánh khóe gian manh trí trá là chính chứ không phải bằng trí tuệ thật, cái gì cũng thi đua chào mừng… nhưng rốt cục, gần 1 thế kỷ, không có nổi một phát minh sáng chế nào ra hồn, không chế tạo nổi một thứ máy móc gì.

Cuộc sống của muôn loài vốn tồn tại dựa theo quy luật, có những định nghĩa, khái niệm cụ thể. Nay, khái niệm đó đã bị đánh tráo và làm cho mọi thứ đi ngược quy luật, nó làm cho xã hội đảo điên, không còn phân biệt được thật giả, đảo lộn các giá trị. Như người ta tranh cử thì mình quay ra… chạy chức, vì có 1 đảng thì tranh với ai? Ngay cả cái lớn nhất, đó là ý nghĩa cuộc sống của mỗi cá nhân, vốn dĩ khác nhau, cũng đã bị đánh tráo thành Lý tưởng, chung cho cả một bầy người.

Có thể nói rằng, chúng ta đã bị đánh tráo cuộc sống. Nếu không nghĩ lại về triết lý, không làm lại bằng hành động, chúng ta sẽ còn loay hoay dưới đáy của sình lầy, không thoát ra được, dù có cố “làm sáng tỏ con đường đi lên CNXH” thêm hàng thế kỷ nữa thì cũng vậy thôi.

Enzo Ferrari (bên trái) và Henry Ford II. – Nguồn: cafebiz.vn