Mình lớn lên ở miền Tây cho nên hiểu rõ mùa khô nước mặn.

Hồi nhỏ, mỗi khi mùa khô là mỗi lần ám ảnh. Con sông Kiên bị mặn. Nước máy cũng mặn chát. Đến tháng 3 tháng 4 là không nhà nào còn nước ngọt.

Nước ngọt không có để uống, thì tắm rửa phải dùng đến nước mặn. Gần biển, cho nên các con giếng cũng mặn đắng. Có cái giếng unicef ở trường cấp 2 cách nhà gần hơn 1 cây số thì nước lợ lợ. Thành ra cả xóm quẫy thùng đến hứng.

Hai cái thùng 20 lít đối với đứa gần 10 tuổi mới nặng làm sao! Đi hơn một ngàn rưởi mét về đến nhà thì gánh nước 40 lít chỉ còn có có 20. Mỗi buổi chiều ráng lắm mới được lưng lưng cái lu da lươn. Con nít trong xóm, cứ mùa khô là còi cọc đi một tí: đứa nào cũng gánh nước. Mà nước này chỉ để tắm vì có mùi bùn non. Tắm xong, lấy cái ca nhôm nhỏ xíu múc nước ngọt “tráng” khắp người.

Nước uống mới khổ. Nước lợ, càng uống càng khát. Đến nhà ai mà có được ngụm nước mưa, ôi chao là sướng. Con nít khổ nhất, cứ chiều tối tụ tập, lại kháo nhau chỗ nào có nước ngọt đến xin uống ké. Rồi nước ngọt cũng hết. Nhà giàu trong xóm cũng phải uống nước mưa pha với nước mặn. Đi học thì bình toong của đứa nào cũng mặn chát. Nhiều năm đến tháng 7 vẫn chưa có mưa.

Đến năm 85-86 nhà mới có cái bồn nước vài khối (cái bồn này nguyên là cái giếng, về sau đặt ống bi và láng xi măng đáy để thành cái bồn chứa nước mưa), thì mới thoát được nạn khát. Hơn nữa còn có thể đổi nước lấy tiền. Cứ một đôi nước 1-2 đồng bạc, hết mùa mưa thể nào cũng có được ít tiền.

Mấy bữa nay thấy miền Tây khát cháy. Người thành phố cứ nghĩ cây cối không nước tưới, nhưng không biết rằng cả người cũng thiếu nước uống.

Trẻ em thành phố cũng không biết rằng, những đứa trẻ quê phải gò lưng gánh nước và uống nước mặn.Hơn 30 mươi năm đã qua, đừng nghĩ là đã khá hơn xưa. Bữa nay sông Mekong bị bức tử, cả một vùng châu thổ khát cháy, nước biển tràn vào 100%, thì còn ghê gớm hơn xưa gấp bội. Và ngày nay dù có điện lưới, có trạm bơm, cũng chẳng giải quyết được gì.

* * *

Mình không biết nhiều, chỉ có 2 “bí quyết” cần chia sẻ:

1. Nếu không có nước ngọt, không nên uống nước lợ. Càng uống sẽ càng khát. Để giảm tối đa lượng nước uống, cần phải bổ sung đủ nước. Cách hay nhất là uống… canh. Nấu một nồi canh lớn cho mỗi bữa. Ăn canh nhiều nhất có thể. Uống một bát canh lạt dù sao cũng ngon miệng hơn uống một bát nước lợ. Nếu ăn canh nhiều, có thể không cần phải uống thêm nước mà vẫn không khát.

2. Có thể có nước ngọt đủ dùng cho gia đình bằng “bẫy hơi nước”. (Vì cái máy tính cù bắp ở nhà không vào mạng được, nên không có hình minh hoạ). Nó đại loại là một chiếc hộp bằng kính, trong có chứa nước mặn. Mang phơi chiếc hộp này dưới nắng, hơi nước sẽ bốc lên. Mặt trên cùng của chiếc hộp kính vì thế nên làm nghiêng, dốc vào một cái máng. Hơi nước sẽ ngưng tụ trên cái mặt trên cùng và chảy vào cái máng này. Chỉ việc thu nước trong cái máng, sẽ được nước ngọt. Có khoảng chục lít nước cho 1 m2 bề mặt/ngày. Với 2m2, sẽ thu được khoảng 20 lít nước mỗi ngày (ít thì 10 lít, ngày nắng có thể lên đến 50 lít/ngày), đủ cho nhu cầu nước uống của một gia đình.

* Với 6 miếng kiếng và 2 chai silicon, bạn dư sức làm một cái bẫy nước ngọt. Nhớ là cái bẫy này phải kín nghen. Không thì hơi nước sẽ thoát đi hết. Ai không biết làm thì ra tiệm đặt cái hồ cá 1mx2m. Nhớ là cái nắp nghiêng khoảng 30 độ thu vào 1 cái máng. Cái máng này thu vào 1 cái bình nước suối 12 lít.

Thế, không cần tới màng lọc nước RO đắt đỏ, vẫn có thể biến nước mặn thành nước ngọt. Hơn nữa, cái này “low-tech”, ai mần cũng được.

Bổ sung thêm:

* Nếu bà con dùng nước máy bị nhiễm mặn, thì có thể vô tư đổ vô cái hộp (bẫy nước ngọt) và phơi nắng như đã hướng dẫn ở phần trên.

* Nếu bà con dùng nước nội đồng, mương, vũng… chưa qua xử lý thì bắt buộc phải xử lý nghen. Cách xử lý cũng đơn giản thôi: kiếm cái thùng cỡ 50 – 100 lít, lắp thêm cái ống xả đáy. Mua than hoạt tính về đổ vô 2/3 thùng. Phần còn lại chia làm đôi, đổ phân nửa là cát. Trên cùng đổ thêm lớp sỏi hoặc đá 1×2 (cái này mua chỗ vật liệu xây dựng). Rồi, xong rồi đó, đổ nước vô cho ngập hết cái thùng và vặn vòi ở đáy cho chảy chậm (như chiếc đũa ăn cơm là được). Nước này đã được lọc sạch phèn và tạp chất rồi nhưng vẫn mặn. Bà con dùng nó để đổ vô cái hộp bẫy nước ngọt nghen. Hứng nước thu được là có nước sạch. Khi uống nhớ đun sôi lần nữa cho chắc cú.

Ảnh: Facebook Hà Nhật Tân