Từ Facebook Thuan Vuong Tran

Cách đây 4 năm, tháng 1-2017, tại huyện Bù Gia Mập-Bình Phước, có sự vụ 3 đứa trẻ 14, 15 tuổi đã chết và bị thương nặng vì “va phải gậy giao thông của công an xã khi đang chạy xe”. Nhìn những tấm ảnh cái chết thảm khốc, những con  mắt bầm tím, những bàn tay gãy, ngày hôm ấy, cũng mang nỗi bức xúc của những đứa trẻ bị dân phòng đánh hôm nay, tôi đã viết bài dưới đây. Đứa trẻ chết đã bị lãng quên, những đứa trẻ bị đánh hôm nay rồi sẽ cũng sẽ lớn vào lãng quên, chỉ có những ưu tư sẽ còn đó.

Các thiết chế pháp luật và xã hội vốn được dùng giữ xã hội an bình trên 3 điều kiện công dân sẽ: không muốn phạm luật, không thể phạm luật và không dám phạm luật. Thế nhưng những người lớn được giao trách nhiệm “canh trộm” hôm nay chỉ biết đến bạo lực với hi vọng bọn trẻ con không dám phạm luật, và tất nhiên, nếu chúng chết chúng không thể phạm luật. Không ai trong những người lớn đánh và xem trẻ con bị đánh hiểu rằng quyền hạn của họ đến đâu, lúc nào thì cần các lực lượng khác xử lý. Vụ việc sáng nay, tất nhiên rồi sẽ có các biện luận kiểu “nó ăn trộm, không đánh nó thì làm gì”, các kêu đòi mắt đền mắt, răng đền răng ấy không phải chỉ thiểu số có, và chính tư duy công lý trực tiếp, tự cho mình quyền hạn phán xử ấy, nỗi ham mê chứng tỏ quyền lực trên thân thể người khác ấy, là đầu mối của các việc này. Nếu không thay đổi não trạng, thêm chút hiểu biết pháp luật vào những người hành pháp cấp thấp, chúng ta sẽ lại còn nhiều dịp để bức xúc, phẫn nộ, tiếc nuối thế này nữa.

“Thằng bé 15 tuổi chết, tất nhiên nhiều người sẽ bảo rằng vì nó chưa đủ tuổi lái xe, vì nó bỏ chạy khi có hiệu lệnh dừng, vì nó vi phạm pháp luật… Thế nhưng nện nhiều cái gậy khi chúng đang chạy xe để 3 đứa trẻ đứa chết, đứa bị thương thì không bao giờ đúng, tuyệt đối không bao giờ.

Bản thân tôi, mùa này, cách đây 17 năm, cũng đã hút chết như vậy. Sài Gòn mùa cận tết năm đó mát, anh H., ở chung phòng trọ nơi đường Ngô Tất Tố, người bây giờ làm ở một viện kiểm sát, lúc ấy cũng là 1 sinh viên, đã hào hứng rủ tôi chạy xe loanh quanh đường phố. Tôi hút vào mắt mình những đèn, những váy, những gió, những nhộn nhịp. Đến đoạn đường Trường Sa, gần cầu Thị Nghè, lúc ấy vừa hoàn thành, đang thả ga ngó kênh rạch thì từ phía sau bỗng nghe gầm rú, nẹt pô, la hét ầm ĩ. Anh H. tấp gần sát lề, để đoàn xe bão ấy vượt qua. Vì đoàn xe dài và đường gần ra ngay khúc cua của cầu, chúng tôi bỗng thành người bọc chót của đoàn bão. Bỗng các xe đó chao mạnh, lạng lách, “hình như có công an chặn xe”, anh H. vừa quay lại nói với tôi thì 1 cái bóng trắng đã nhoáng tới. 1 thằng ngu (xin lỗi, không thể gọi khác) dân phòng hay công an gì đó đã vung thằng cái gậy tre sơn trắng đỏ vào mặt anh H. khi anh ấy vẫn cầm tay lái. Anh H. cũng nghề, vừa lách xe vừa né kịp, cái gậy đập thẳng vào chân tôi. Trong cú rút chân kịp lúc, tôi nghe ngón chân mình tê dại.

Anh H. tăng ga cho xe chạy luôn vượt qua cái chốt chống bão lố nhố người và gậy ấy và cứ bảo “thôi, nó phiền lắm” khi tôi đòi dừng xe lại nói chuyện phải quấy với mấy thằng ngu đó. Về đến nhà, cởi chiếc xăng đan ngập máu ra thì thấy cái ngón cái đã bật móng, dập nát, cái ngón cái đến hơn tháng khiến tôi cà nhắc. Nhưng tôi vẫn may hơn các cậu thiếu niên này, nếu cú ra đòn tàn độc đó đánh được vào đầu anh H., nếu cây gậy đập vào bụng và hất tôi văng khỏi xe, thì có lẽ hoặc tôi sẽ viết cái dòng này như bản tường trình dưới địa phủ hay sẽ bị thương tật không thể viết. Từ đó, cứ thấy cái gậy màu trắng đỏ là tôi nhớ cái chết hụt của mình. Chuyện này có một nhà báo làm chứng, nhớ đêm mình tét chân, anh cứ cười hì hì.

Quyền lực, dù nhỏ nhất, khi trao vào tay bọn hoặc ngu, hoặc côn đồ-đều sẽ đem lại những cái chết tức tưởi như thế. Vì chúng có thể nghĩ người ta không bao giờ chết hay thương tật khi bị chúng đánh, hoặc chúng nghĩ người khác chết hay thương tật thì có gì quan trọng với chúng đâu”.

Hai đứa trẻ 14 tuổi bị dân phòng đánh đến chấn thương – Cắt từ clip