Tác giả Phạm Nhật Bình

Việt Nam đã tổ chức xong cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp trong ngày 23 tháng Năm vừa qua. Có khoảng 300 ngàn đại biểu các cấp được chọn ra trong dịp này, bao gồm 500 đại biểu quốc hội và hơn 250 ngàn đại biểu trong các hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện và xã của 63 tỉnh thành trên toàn quốc.

Để tạo được “thành tích rực rỡ” này, Hà Nội đã bỏ ra 3.700 tỷ đồng ngân sách quốc gia, tương đương gần 200 triệu Mỹ Kim. Đây là một số tiền quá lớn chi tiêu cho một mục đích mà ai cũng thấy trước là không mang lại lợi ích cụ thể nào cho đất nước.

Theo dõi cuộc bầu cử hoang phí này, người ta thấy có mấy điều đáng nói:

– Tuy mang tiếng là một cuộc bầu cử để dân bầu chọn “người tài đức” ra làm việc nước nhưng từ đầu mùa đến cuối mùa, không hề có bất cứ cuộc vận động hay gặp gỡ trực tiếp giữa các ứng viên với cử tri như tại các nước tự do dân chủ. Bù lại nhà cầm quyền chỉ tổ chức một buổi ra mắt chung trong một hội trường với sự tham dự của một số cử tri chọn lọc, có giấy mời mới được vào cửa.

– Vì không có tiếp xúc trực tiếp, các ứng cử viên không có cơ hội trình bày lý lịch, đường lối phục vụ cho người dân biết mà bầu cho mình. Trong trường hợp này giữa ứng cử viên và cử tri trong đơn vị bầu cử hầu hết không biết nhau và không có sự tương quan trong nguyện vọng.

– Dù tiêu tốn đến 3.700 tỷ đồng cũng không có những tờ quảng cáo hay áp-phích quảng bá hình ảnh, đường lối hay lý lịch của các ứng cử viên để cử tri có thể so sánh trước khi quyết định. Thiếu những phần quan trọng mà bất cứ cuộc bầu cử chính trị nào cũng cần phải có, Hội Đồng Bầu Cử cho thấy cuộc bầu bán của mình là vô giá trị.

– Điều đặc biệt, trong gia đình có thể nhờ một người đại diện cầm thẻ cử tri bỏ phiếu cho mọi người trong nhà. Các địa phương ngầm khuyến khích bằng cách làm ngơ vì số cử tri đi bầu dễ dàng đạt tỷ lệ gần 100%, tức hoàn thành nhiệm vụ trên giao.

– Các tổ dân phố dưới sự chỉ đạo của bí thư và công an phường sẵn sàng mang thùng phiếu đến tận nhà, tận tiệm ăn, tận bệnh viện, tận phòng giam cho cử tri làm tròn bổn phận trong “ngày hội non sông.” Bầu cử không còn là quyền mà chỉ là sự ép buộc dưới hình thức nhân dân được “phục vụ tận tình.”

Chính vì thế mà ngay lúc 5 giờ 30 chiều ngày bầu cử, 23 tháng 5, 2021, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư Ký Quốc Hội đồng thời là chánh văn phòng hội đồng bầu cử đã hân hoan tuyên bố: Gần 96% cử tri trên toàn quốc đã bỏ phiếu và khoảng 32 ngàn tổ bầu cử đạt 100%. Thật là một cuộc bầu cử chẳng những thành công mà còn đại thành công, đến nỗi Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ cũng lấy làm xúc động khi chia sẻ trước cử tri Hải Phòng rẳng đây là “sức mạnh trùng trùng điệp điệp của nhân dân.”

Nhưng thử hỏi, kết quả thành công bầu ra một quốc hội và các hội đồng nhân dân này có thật sự phản ảnh ý muốn của cử tri toàn quốc như các cuộc bầu cử tại những quốc gia dân chủ trên thế giới hay không?

Câu trả lời rõ ràng là không, vì lẽ cử tri đâu được biết ứng cử viên là ai trước khi quyết định bầu. Và cử tri cũng không cần đến phòng phiếu, vì có thể nhờ một người trong gia đình bầu giùm để dành thì giờ làm chuyện khác có ích lợi cụ thể hơn. Người dân ngày càng thờ ơ với những cuộc bầu cử của chính quyền cộng sản sau khi nhìn thấy đó chỉ là vở tuồng dối trá.

Rốt cuộc, quốc hội và hội đồng nhân dân là của ai? Chắc chắn không phải của nhân dân rồi!

Từ Facebook Việt Tân