Từ RFA, tác giả Cao Nguyên

Thành ủy TP.HCM vừa công bố quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc giới thiệu ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng – được bầu làm Bí thư TP.HCM, thay thế cho ông Nguyễn Thiện Nhân.

Báo chí trong nước dẫn lời bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết việc này đã được Bộ Chính trị cân nhắc nhiều mặt, chứ không vội vàng, hời hợt.

Ông Nên sẽ được bầu một lần nữa trong Đại hội Đảng TP.HCM, diễn ra từ ngày 15 đến 18-10-2020. Tuy nhiên, là ứng viên duy nhất được Bộ Chính trị lựa chọn, gần như chắc chắn ông Nên sẽ là người đứng đầu TP.HCM trong nhiệm kỳ tới.

Hiện chưa có thông tin ông Nguyễn Thiện Nhân, đương kim Bí thư TP.HCM sẽ được điều chuyển về đâu sau khi rời TP.HCM.

Dấu ấn nhiệm kỳ Nguyễn Thiện Nhân

Ông Trần Bang, đang sống tại TP.HCM cho rằng kể từ ngày về lãnh đạo thành phố, ông Nguyễn Thiện Nhân chưa làm được điều gì cho người dân. Đặc biệt là lời hứa với người dân bị giải tỏa ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang còn dang dở:

“Ấn tượng nhất là ông ấy nói “không gạt bà con đâu”, nhưng kỳ thực là bà con nghe theo ông ấy không được cái gì cả. Người dân Thủ Thiêm vẫn không đòi được quyền lợi chính đáng.”

Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án từ năm 1996 và thành phố đã tiến hành giải tỏa hàng ngàn hộ dân tại đây từ đầu những năm 2000 nhưng cho đến nay vẫn còn hàng trăm hộ gia đình khiếu kiện vì những sai phạm trong quy hoạch, giải tỏa và đền bù. Các đối thoại giữa chính quyền thành phố và người dân đến giờ vẫn chưa thể giải quyết được đòi hỏi của người dân.

Vào tháng 10-2018, ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu “thành phố phải tập trung giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm trong năm 2019, không để khiếu kiện kéo dài. Cần phải biến thách thức thành thời cơ để lấy lại niềm tin của nhân dân”. Tuy nhiên, cho đến nay vụ việc ở Thủ Thiêm vẫn chưa có tiến triển gì.

Ông Trần Bang cũng cho biết một loạt những vấn đề khác mà Bí thư Nguyễn Thiện Nhân vẫn chưa làm được cho thành phố trong nhiệm kỳ vừa qua:

“Ông ấy ra lệnh – Tôi đoán như vậy – bởi vì để huy động được cả công an, dân phòng và quân đội canh gác những nhà hoạt động dân chủ khi mà họ tàn phá nhà của cửa của mấy trăm người dân ở vườn rau Lộc Hưng, đó là “thành tích” thứ hai.

“Thành tích” thứ ba là ông ấy không cho người dân tưởng niệm chống Trung Quốc xâm lược ở tượng đài Trần Hưng Đạo ngay bến Bạch Đằng, ăn trộm cái lư hương vác đi chỗ khác làm mất linh thiêng dân tộc.

Còn chuyện ông ấy che bản đồ có hình Hoàng Sa, Trường Sa khi tiếp sứ Trung Quốc sang Sài Gòn nữa.

Những vấn đề dân sinh, xã hội như chống kẹt xe, chống lụt, giải quyết vệ sinh môi trường hoặc giảm tải bệnh viện để không phải nằm ngoài hành lan…Ông ấy không làm được cái gì cả.”

Bà Nguyễn Thuỳ Dương, một người lên tiếng mạnh mẽ đòi quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm, cũng như nhiều người dân mất đất ở Sài Gòn nói rằng nhiệm kỳ ông Nguyễn Thiện Nhân không để lại bất kỳ tác động tích cực nào cho người dân thành phố:

“Tôi thấy ông Nhân chưa làm được gì. Ông ấy ở đó chắc là để cho đủ nhân sự trong khoảng thời gian đó thôi, chứ cũng không có một cái động thái tích cực nào, hay là có một cái hành động rõ rệt nào tác động trực tiếp tới người đời sống của người dân.

Còn với ý tưởng là thành lập Khu công nghệ cao ở phía Đông của ông Nhân thì cái đó tôi cũng không đồng ý. Bởi vì, trước mắt đã có một Khu công nghệ cao ở quận 9 quá nhiều đau thương rồi. Tôi nói thật cái sự thảm khốc khi quy hoạch Khu công nghệ cao ở Quận 9 nó còn lớn hơn rất nhiều so với khu Thủ Thiêm.

Bất kỳ ai lãnh đạo thì cũng mong rằng nhiệm kỳ của mình sẽ để lại được dấu ấn. Nhưng tôi nghĩ rằng, cái sự bình an của nhân dân đã là một dấu ấn rồi, không nhất thiết phải để lại thêm nhiều dấu ấn khác nữa.”

Thách thức, cơ hội cho ông Nguyễn Văn Nên

Theo bà Thuỳ Dương, những “vũng lầy” về quy hoạch đất khiến hàng ngàn người dân mất nhà cửa mà ông Nhân chưa giải quyết được sẽ là thách thức lớn khi ông Nên lên nắm quyền ở TPHCM:

“Thách thức của ông Nên đó là Khu Công nghệ cao quận 9 vẫn còn, khu Thủ Thiêm vẫn còn đó. Dân oan khu công nghệ cao quận 9 vẫn đi ra Hà Nội kêu oan. Dân Thủ Thiêm vẫn đi đòi quyền lợi…

Tôi không hề thấy một cái cơ hội nào cho ông ấy hết. Nếu nói buồn một chút thì có chăng là cơ hội tham nhũng có hay không thôi, chứ tôi không nhìn thấy một cái cơ hội nào vào thời điểm này hết. Bởi vì những cái mà nhiệm kỳ cũ để lại toàn bộ chỉ là thách thức thôi.

Nếu như có thể thì trong nhiệm kỳ 5 năm của ông ấy giải quyết được những án oan, những sai phạm về đất đai, cũng không cần ông ấy phải làm được một điều gì mới, chỉ cần ổn định được đời sống của người dân, và giải quyết được những chuyện như Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao quận 9 khu vực Thủ Đức… Chỉ cần giải quyết xong là đã giỏi lắm rồi.”

Ông Trần Bang cho rằng với cơ chế độc đảng, rất khó để ông Nên giải quyết được vấn đề gì trái quan điểm của Bộ Chính Trị:

“Giả sử như ông ấy có tâm và thực sự muốn phục vụ thành phố này đi lên thì cũng rất là khó làm. Bởi vì, thể chế độc đảng ở ngoài kia lúc nào cũng siết ông ấy. Nếu ông ấy làm điều tốt cho người dân thành phố mà không mang lại lợi lộc cho các quan chức to hơn ở trên Trung ương thì nó sẽ điều không đi nơi khác. Bất kể ai có tâm và có tài cũng rất khó làm việc trong thể chế độc đảng này vì nó luôn phải theo nguyên tắc dân chủ tập trung.”

Kỳ vọng của người dân

Ngoài vấn đề đất đai, ông Bang muốn lãnh đạo thành phố phải giải quyết rốt ráo các vấn đề dân sinh như ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm môi trường vốn đã tồn tại từ lâu và tốn kém quá nhiều ngân sách của thành phố rồi:

“Tôi mong muốn nhất là có tự do và đừng có giải tỏa dân một cách vô nguyên tắc, dùng quân đội, công an… huy động cả một hệ thống nhà nước để giải tỏa đất đai của người dân.

Phải giải quyết vấn đề về giao thông, môi trường và cây xanh. Đừng băm nát thành phố này ra để phân lô bán nền nữa, mà phải giữ lại những khoảnh đất công cộng để trồng cây.

Thuế thu được thì phải giữ lại để đầu tư cho thành phố chứ không thể đưa hết hơn 80% ra ngoài Trung ương để họ tham nhũng ở ngoài đó được.”

Bà Thuỳ Dương ví TPHCM như là “bò sữa”, làm bao nhiêu cũng để nộp gần hết ra ngoài Trung ương thì thành phố không thể phát triển được: “Muốn khắc phục những vấn đề dân sinh thì phải nhìn vào vấn đề ngân sách. Hiện nay, thành phố chỉ được giữ lại khoảng 18% thì thôi. Nó quá thấp. Nếu thành phố có thể giữ lại được 30% ngân sách thì mới có thể khắc phục được những vấn đề như nhập, kẹt… Tất cả những vấn đề đó bây giờ không có tiền rót xuống thì lấy gì để làm hoặc rót nhỏ giọt thì không thể nào làm được vấn đề gì hết.

Cho nên rất là mong trong nhiệm kỳ mới của mấy ông ấy có thể giữ lại được ngân sách cho người dân thành phố, đáp ứng nhu cầu sống, đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng cho người dân thành phố trước đã. Thành phố HCM giống như một “con bò sữa”, “vắt” quá mà không để lại cho nó cái gì thì làm sao nó có thể sinh tồn được.

Ngoài việc để lại ngân sách thì phải để cho người dân có khả năng giám sát và phản biện. Đồng thời, chính quyền thành phố phải lắng nghe phản biện đó thì mới có thể giải quyết được vấn đề nhức nhối bấy lâu nay. Chứ nếu như chỉ giữ lại được ngân sách thôi mà để tham nhũng ngân sách đó, không ai quản lý được, cũng không công khai ra thì ai biết được nó sẽ đi về đâu.”

Hồi tháng 7-2020, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết TPHCM chỉ được giữ lại 18% tổng ngân sách thành phố, phải nộp Trung ương 82%. Ông Nhân đề nghị nếu tỷ lệ ngân sách được giữ lại là 24-28%, trong 10 năm tới số tiền thành phố nộp về Trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân (phải), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Văn Nên hôm 11/10/2020 – Hình: Báo sggp.org.vn