Sáng ngày 05/03/2020, tại Bình Dương, Bộ Công An tổ chức xin lỗi hai công dân bị bắt oan trong vụ án “Trương Văn Cam và đồng phạm” (Năm Cam) vào năm 2003.

Đây là một vụ đại án, mà những con số liên quan đến vụ án đều giữ kỷ lục cho đến tận ngày nay và có lẽ sẽ còn giữ kỷ lục rất lâu về sau.

Ngày 25/02/2003, vụ án này được Tòa án Nhân dân TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm với 155 bị cáo, bị truy tố với 24 tội danh khác nhau. Trong số 155 bị cáo, có đến 21 người nguyên là cán bộ, công chức nhà nước tại Viện kiểm sát, Công an, hành chính, kể cả giữ chức vụ cao cấp.

Có 238 người khác được triệu tập với tư cách là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, tòa án còn triệu tập thêm các ông Lê Thanh Ðạo, nguyên Viện trưởng VKSNDTC; Thân Thành Huyện và Võ Văn Măng, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM; Nguyễn Văn Bông, nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM, cùng một số nhà báo khác.

Về phía luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa là 80 người.

Thời gian xét xử vụ án kéo dài 100 ngày (tính cả ngày nghỉ, từ 25/02/2003 – 05/06/2003).

Hình phạt nặng nhất trong vụ án gồm 06 án tử hình và 04 án chung thân.

Phần bản án dài đến 401 trang, phần phụ lục bản án dài 68 trang, được đóng thành một cuốn sách dày 469 trang, bìa dày, được bọc nilon cẩn thận. Cuối bản án, đều có chữ ký sống của chủ tọa phiên tòa khi ấy là Thẩm phán Bùi Hoàng Danh. Tất cả các luật sư tham gia bào chữa đều được phát (cuốn) bản án dày 469 trang ấy.

Ngày 15/09/2003, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm đối với một số bị cáo có kháng cáo. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Bùi Ngọc Hòa – Chánh tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM. Thời gian xét xử vụ án là 45 ngày (tính cả ngày nghỉ – từ 15/09/2003 – 30/10/2003).

Thực ra, không chỉ hai người được Bộ Công An tổ chức buổi xin lỗi vì bị giam giữ oan uổng. Mà ít nhất, có đến cả trăm bị cáo khi ấy cũng bị oan khi bị đưa chung vào một vụ đại án đầy tai tiếng mang tên “Trương Văn Cam và đồng phạm”.

Rất có thể tội trạng của họ hoặc hình phạt là không oan, tương xứng với hành vi phạm tội của họ. Nhưng cả hàng trăm người trong vụ án đã phạm tội khi không có bất kỳ sự liên quan nào đến ông Trương Văn Cam, thậm chí, họ, người đầu vụ hoặc đồng phạm còn không biết đến nhau. Việc gộp chung họ vào một vụ án đầy tai tiếng như thế là không chính đáng, khiến nhân thân của họ mang tiếng xấu khó có thể gột rửa hoặc dễ dàng giải thích cho con cháu của họ được.

Ông Đ., một trong bốn thân chủ của tôi trong vụ án. Ông được mô tả như là một đối thủ cạnh tranh để tranh giành lãnh địa với ông Trương Văn Cam, theo kiểu “một rừng không thể có hai hổ”. Mặc dù hành vi của ông và ông Trương Văn Cam là hoàn toàn độc lập, không liên quan, không ai nhận lệnh của ai. Nhưng cuối cùng, ông đã phải bất đắc dĩ làm bị cáo chung trong một vụ án mang tên của đối thủ : “Trương Văn Cam và đồng phạm”. Khôi hài hơn, khi ông lại bị xem như là đồng phạm với đối thủ.

Không chỉ ông, mà cả ba thân chủ khác của tôi cũng trong hoàn cảnh tương tự trong vụ đại án.

02 người được Bộ Công An xin lỗi hôm nay đã may mắn, nhưng rất nhiều người bị tai tiếng oan trong một vụ đại án tày trời mà họ không có liên quan, không phải là đồng phạm … thì đã chưa có sự may mắn đó.

Vụ án “Trương Văn Cam và đồng phạm” đạt kỷ lục với những con số vô địch, trong đó, được cộng bằng cả sự oan uổng của nhiều người dân.

 

Ảnh: Facebook Manh Dang