Từ Facebook Chu Mộng Long

VTV có một chương trình phóng sự về hậu quả của ôn dịch.

Nó nói nhiều con phố du lịch chịu hậu quả nặng nề. Và nó tỏ ra xót thương cho những người bán hàng rong. Nhưng nó lại xem những người bán hàng rong là “sống ký sinh trùng”, bám chặt trên những con phố này để sống.

Hóa ra nó rủa chứ chẳng xót thương gì. Nó mang mặt nạ đạo đức để rủa mẹ tôi là ôn dịch. Vì thời Việt Nam cộng hòa cho đến thời hợp tác xã, mẹ tôi từng lê gót khắp các con phố và chợ phiên để bán hàng rong.

Và không chỉ mẹ tôi. Còn bao nhiêu bà mẹ nghèo khổ khác trong lịch sử và trong hiện tại phải bán hàng rong để nuôi con đều bị xem là ôn dịch.

Sách giáo khoa dạy Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm có đoạn “Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong… Bước cao thấp bên bờ tre hun hút”… Thơ của nhà cách mạng Tố Hữu có đến vài bài thơ dành cho em bé rao đêm, tầng lớp đáy cùng của sự khốn khổ: “Rao đi em kẻo nữa quá khuya rồi…” “Mà cái bánh tưởng chừng nghe cái bén”… Có thầy cô giáo nào miệt thị gọi những thân phận bé nhỏ ấy là “ký sinh trùng” không mà VTV tiếp thu như vậy?

Trong hiện tại, sau bao nhiêu năm cách mạng và xây dựng thiên đường cộng sản, những người vô sản ấy vẫn còn đến hàng triệu sống lang thang trên hè phố. Họ đáng bị nguyền rủa lắm sao?

Họ sống như ký sinh trùng ư? Không! Mẹ tôi và các mẹ khác phải bỏ vốn và làm ra sản phẩm, rồi đi mướt mồ hôi, rao khan cuống họng để kiếm tiền chi cho từng bữa ăn trong gia đình. Nhờ gánh hàng rong của mẹ mà anh em nhà tôi ăn học và có ngày hôm nay. Nhờ có gánh hàng rong mà những người không thể đi nhà hàng có được ăn sáng, ăn giữa bữa, ăn khuya ngay tại trước nhà. Nhờ có hánh hàng rong mà những người đi lỡ đường được phục vụ tại chỗ… Chưa kể nhờ có họ mà thời chiến tranh truyền đơn cách mạng được rải khắp nơi, vũ khí được cất giấu trong gánh hàng rong để chuyển vào thành, lương thực được tiếp tế để nuôi lãnh đạo dưới các hầm bí mật.

Nếu có là “ký sinh trùng” thì phải là lũ Tây thực dân mà Hoàng Cầm gọi là “lũ quỷ mắt xanh trừng trợn/khua giày đinh đạp gãy quán gầy teo…”, là đám thuế vụ thời hợp tác xã lùng sục trong mỗi phiên chợ quê đạp đổ từng gánh khoai, gánh rau, ốc luộc…

Ký sinh trùng là loại ăn bám, gây hại cho người khác. Lẽ nào người bán hàng rong trên đất nước nghèo khổ này là ký sinh trùng? VTV có công khai gọi người lao động nghèo là ký sinh trùng thì tôi mới hiểu vì sao ông trùm tuyên giáo Vũ Ngọc Hoàng đòi “khai hóa văn minh cho dân tộc”?

Nhớ đầu mùa dịch, có một giảng viên tại Quảng Ngãi lên FB nói đùa vợ anh ta là “virus corona”, lập tức công an trát giấy triệu tập đòi phạt tội xúc phạm phụ nữ. Đạo đức và yêu phụ nữ quá há? Vậy, các mẹ bán hàng rong đáng bị nhục mạ và bị tiêu diệt như tiêu diệt một loài virus sao?

Nếu họ đáng bị nhục mạ thì những nhà cách mạng kêu gọi họ đoàn kết lại bằng đủ hình thức đấu tranh như rải truyền đơn, tiếp tế cho cách mạng… để làm gì mà mỗi một ông chết đi là được ngợi ca hết lời rồi bắt dân nghèo phải đời đời chịu ơn?

Phải chăng khi đã có quyền, có tiền thì nói sao cũng được, muốn nhục mạ ai cũng xong? Trong khi dân chỉ trích sự tham nhũng của quan tham (hơn cả ký sinh trùng), nếu chỉ lệch một chi tiết nhỏ thôi thì cũng có khi bị phạt tội “xuyên tạc, bôi nhọ” và kết án “thù địch, chống phá”? Khổ thân dân tôi!

———-

Chú thêm: Tôi không cho rằng đây là cách dùng từ ngẫu nhiên hay lỡ lời. Bởi nó từng tồn tại trong hệ thống tuyên truyền. Nhớ năm trước, vụ Đoàn Ngọc Hải ra quân dẹp hàng rong, không ít tờ báo công kích người bán hàng rong làm mất vệ sinh, xấu mặt thành phố văn minh. Và một đại gia tuyên bố nên đuổi người bán hàng rong ra khỏi thành phố.

Nếu cho rằng việc ví von đó chỉ đơn giản xem lãnh đạo là vật chủ, còn người lao động nghèo là ký sinh thì lại càng mang tội phản bội, vong ân. Phản bội ngay cái chủ nghĩa mà họ đang tôn thờ, vì chủ nghĩa đó luôn miệng nói dân là chủ, còn quan chỉ là ăn bám!

BTV dùng từ “Sống ký sinh trùng” trong bản tin. Ảnh chụp màn hình.