Từ Facebook tổng hợp

*** Ngày 17-12-2020, Viện kiểm sát Cần Thơ phê chuẩn, Công an Cần Thơ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhà báo – facebook Trương Châu Hữu Danh (1982, quê Long An) với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 BLHS!

  1. Quyền tự do trước một điều luật hình sự – Từ Facebook Luân Lê

Điều 331 là một điều luật phản khoa học pháp lý và cũng đe dọa tới quyền tự do dân chủ của công dân. Bản thân nó với nội hàm cấu thành của hai tội: vu khống hoặc làm nhục người khác.

Nhưng tại sao người ta lại cần tới Điều 331 BLHS để làm gì? Nếu không phải để ngăn cản quyền tự do ngôn luận, đặc biệt với nhà nước (bao gồm các cá nhân trong nhà nước đó) và Đảng?

Nếu ông Danh bị bắt về tội cưỡng đoạt hoặc lừa đảo hoặc những tội danh khác thì có lẽ tôi không bàn tới. Nhưng trường hợp này ông bị bắt về đúng điều luật hạn chế quyền tự do ngôn luận của công dân, điều luật mà tất cả mọi người đều có thể là đối tượng bị liệt vào sự điều chỉnh hết sức mơ hồ và độc đoán của nó.
Ông Danh từng gặp tôi trong vài vụ án cụ thể về BOT cũng như vài vụ án nổi cộm khác. Ông nói, mặc dù Luân ít tuổi hơn tôi nhưng là một người tôi kính trọng thực sự, về cả trình độ và sự sâu sắc. Tôi cũng nói với ông Danh là hãy làm những điều tốt cho dân là đủ, và thúc đẩy được các quyền của con người, việc chọn đứng về bên nào đó là quyền của cá nhân.

Nay, 17-12-2020, ông Danh bị bắt (tại và bởi các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Cần Thơ) về tội Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331 BLHS). Đó lại là một vấn đề của chính mỗi chúng ta, về một điều luật phản khoa học pháp lý, chứ không phải là chuyện cá nhân ông Danh.

Chúng ta vẫn còn đầy đủ các điều luật của sự độc đoán đè nén và hạn chế các quyền tự do, dân chủ, nơi mà nó được thể chế hoá cao nhất nằm ở BLHS để trừng phạt người thực hiện quyền chứ không phải là các luật đảm bảo cho sự thực thi nó trên thực tế. Điều 331 là một ví dụ điển hình khi các thiết chế quyền lực lại nắm quyền diễn giải tuỳ nghi nó vào bất kể trường hợp nào có thể.

  1. Nạn nhân của Tất Thành Cang – Từ Facebook Trương Châu Hữu Danh

* Bài viết trước khi Nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị bắt

Đêm nay có lẽ sẽ là một đêm mà bà Phan Thị Thủy – vợ của cố thiếu tá Trần Vĩnh Phúc, có thể ngủ ngon, sau khi đọc tin tất thành cang bị bắt.

Mười tám năm trước, khi tên Lê Thanh Hải dùng bàn tay sắt để trấn áp dân Thủ Thiêm, thiếu tá Trần Vĩnh Phúc thường xuyên được “vận động” phải khuyên nhủ gia đình không được đòi quyền lợi khi bị chiếm nhà chiếm đất.

Không giữ được mái ấm cho vợ con, ông Phúc đã xin ra khỏi ngành để không cản chân vợ con đi khiếu nại. Ở Thủ Thiêm, ông là người nổi tiếng sống chan hòa, khi còn tại ngũ chưa bao giờ ức hiếp dân. Nghỉ, ông vẫn luôn quan tâm đến mọi người, cùng nhau “chiến đấu” với đám bọ sậu cướp đất của dân.

Như hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm, suốt mười mấy năm trời vợ chồng ông sống lay lắt khổ sở. Rồi năm 2015, cả nhà rụng rời khi thấy ông Phúc treo cổ tự sát.
Bà Thủy vợ ông từ đó đi khiếu nại thì ôm theo di ảnh chồng. Mới đây, gia đình cố thiếu tá bất ngờ khi chính quyền kêu lên trao cùng lúc 3 cái huy chương “Chiến sĩ vẻ vang” hạng Nhất, Nhì, Ba, cùng ký năm 2018.

Thằng cang bị bắt, dân Thủ Thiêm vui, vì cái thằng mặt heo này cuối cùng cũng phải đền tội.
Nhưng bắt cang xong, phải bắt tiếp một mớ nữa. Và nhà đất của dân Thủ Thiêm, thì phải trả lại cho dân.

  1. Từ Facebook Võ Đắc Danh

Sáng nay dậy sớm, thấy cộng đồng mạng VN dậy lên niềm vui vì Tất Thành Cang bị bắt. Riêng tôi thoáng một chút thất vọng vì chuyện hắn bị bắt không liên quan gì tới Thủ Thiêm, nghĩa là những kẻ gây ra tội ác ở Thủ Thiêm sẽ tiếp tục ung dung ngoài vòng pháp luật.

Tình cờ thấy trên Facebook của nhà báo Trương Châu Hữu Danh có bức ảnh chị Phan Thị Thủy ngồi trong căn phòng tạm cư với nụ cười tươi, tay cầm cái ipad xem tin Tất Thành Cang bị bắt, nhìn nụ cười của chị mà tôi cảm thấy thương chị đến nhói lòng. Chị là một trong những nhân vật Thủ Thiêm của tôi, xin trích dẫn ra đây:

“Cách chỗ anh Truyền vài chục mét là căn phòng tạm cư của chị Phan Thị Thủy, 63 tuổi. Đã 17 năm sống trong khu ổ chuột này, sống trong sự chồng chất khổ đau và bế tắc.

Mười bảy năm trước, chị Thủy đã có một gia đình đầm ấm, một quán cà phê nho nhỏ trên đường Lương Định Của, gần chợ An Khánh. Chồng chị Thủy, anh Trần Vĩnh Phúc, thiếu tá công an, làm việc ở quận 2. Hai vợ chồng cùng đứa con gái đang sống một cuộc sống bình thường thì nhân tai trút xuống.

Một ngày của năm 2000, chị nhận được thông báo giải tỏa không đền bù vì nhà chị mua bằng giấy tay. Chị làm đơn khiếu nại, nhưng khổ nỗi anh Phúc là đảng viên, là sĩ quan, cái vòng kim cô ấy buộc vợ chồng anh phải tuân hành.

Chấp nhận dọn vào căn phòng tạm cư, nhưng chị vẫn cùng bà con đi khiếu kiện, thậm chí kéo nhau hàng chục, hàng trăm người đi biểu tình trước văn phòng Chính phủ trên đường Lê Duẩn. Mỗi lần chị đi thì người ta gọi anh Phúc lên, bảo anh phải gọi chị về. Nhưng anh không thể mở lời khuyên  can vợ bởi chính anh là người đau xót trước căn nhà trị giá tiền tỷ bị tước đoạt vô lý. Cuối cùng, sau nhiều lần kiểm điểm, anh Phúc bị kỷ luật với hình thức giáng cấp xuống hàm đại úy. Bị tổn thương, anh Phúc xin nghỉ việc về phụ vợ bán cà phê.

Hai vợ chồng cùng với con gái, con rể và đứa cháu ngoại không thể sống nổi trong căn phòng chật hẹp 21 mét vuông, anh Phúc mượn thêm một căn liền vách để chứa vận dụng và mở quán “cà phê chạy”, ai kêu đâu chạy đó.

Vốn có bằng đại học Luật, anh Phúc làm thủ tục xin cấp chứng chỉ nghề với mơ ước mở văn phòng Luật sư, nhưng việc không thành, anh đành trở lại lầm lũi, âm thầm với cái quán “cà phê chạy”. Chị Thủy sau một thời gian dài đi kiện, người ta bán cho chị căn hộ tái định cư 41 mét vuông trên lầu 3 ở Bình Trưng, cách đó gần mười cây số với giá 70 triệu đồng. Chị không nhận và tiếp tục đi kiện với lý do, nhà chị 70 mét vuông trên đường Lương Định Của, giờ trở thành đất vàng, bị giải tỏa không đền bù giờ phải mua lại căn hộ 41 mét vuông, quá bất công. Nhưng rồi bất công chồng chất bất công, người ta ra quyết định cưỡng chế, bắt chị phải ra đi và phạt 25 triệu đồng với lý do chiếm nhà tái định cư trái phép. Chị kiên quyết không đi và cũng không nộp phạt. Cứ tiếp tục cùng bà con làm đơn khiếu kiện.

Anh Phúc bắt đầu thay đổi tính tình như một người trầm cảm, mất ngủ, bỏ ăn. Có lần anh lẩm bẩm với chị: Phải chi tôi đừng nghỉ việc thì bây giờ tôi còn khẩu súng… Chỉ can anh, thôi đừng nghĩ bậy.

Buổi sáng ngày 24 tháng 4 năm 2015, không thấy anh dậy sớm pha cà phê như mọi bữa, chị bước qua gọi cũng không thấy anh trả lời, nhìn thấy đèn sáng trong nhà tắm nhưng không nghe tiếng động. Chị bước tới mở cửa thì trời ơi, anh đã treo cổ…!”

Chị Phan Thị Thủy ngồi trong căn phòng tạm cư với nụ cười tươi, tay cầm cái ipad xem tin Tất Thành Cang bị bắt – Từ Facebook Trương Châu Hữu Danh 

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh – Từ Facebook nhân vật