Từ Facebook Hà Phan

Năm 1993, khi mới ra trường bạn bè rủ về miền Tây chơi rồi đi khắp các tỉnh Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Trà Vinh… những năm đi làm sau đó. Đi đến đâu ăn nhậu đầy đủ, người dễ mến, con gái khá xinh và cuộc sống rất dễ chịu do dễ kiếm tiền, dễ sống và đồ ăn thức uống thì có khi ra sau nhà, nhìn trước ruộng đã thừa mứa.

Nghĩ lại ngày đó chợt chạnh lòng và chua xót khi hôm qua nhìn con số 1.3 triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây) di cư đi các nơi kiếm sống, mưu sinh!

Ở trên trái đất này, chỉ có nơi nào ngày càng khó sống, ít cơ hội kiếm tiền và mưu sinh vất vả, ngột ngạt hơn hay chiến tranh loạn lạc thì người ta mới bỏ xứ ra đi chứ chẳng bao giờ ngược lại. Vậy mà miền Tây trù phú, tôm cá đầy sông, sản vật đầy vườn… mới hơn 20 năm thôi đã thành ra thế này!?

Giai đoạn 2009-2019, tỷ lệ tăng dân số toàn vùng là 0%, so với cả nước 1.14%. Hai năm qua dân số cả vùng giảm 0.3%!

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp trăn trở “Nói Đồng bằng sông Cửu Long là trù phú, lao động nhiều, nhưng tổng hợp lại 10 năm di cư trên 1.3 triệu người là vấn đề rất buồn. Đặc biệt nhất là giáo dục, thời gian qua Chính phủ cho Đồng bằng sông Cửu Long cơ chế sử dụng nguồn xổ số kiến thiết đầu tư cho y tế và giáo dục thì có sự chuyển biến lớn về cơ sở hạ tầng, nhưng chất lượng đào tạo cần có suy nghĩ. Gần 40% lao động không học tiếp bậc trung học phổ thông, trong xã hội hội nhập như hiện nay là điều rất đau đáu”.

Tôi không biết các vị nào đó có đau đáu hay rất buồn không? Chứ đi khắp các tụ điểm nhạy cảm, kiếm tiền bằng tay chân, sức lao động rẻ mạt hoặc “vốn tự có”… gặp quá nhiều các cô cậu miền Tây, thật là chua xót! Đừng bảo họ lười, muốn kiếm tiền nhanh. Có thể đúng với 1 số người nhưng chưa đủ.

Tôi thích nhận định của ông Nguyễn Phương Lam – giám đốc VCCI chi nhánh TP Cần Thơ: “Thời gian qua chúng tôi thấy Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng có nhiều thách thức hơn, rõ nhất là biến đổi khí hậu, gặp nhiều hình ảnh cánh đồng lúa thiếu nước, dòng sông khô cạn, những đô thị đã bị ngập úng. Chúng tôi cũng thấy hạ tầng giao thông quá rời rạc, chỉ phục vụ di chuyển chứ không phục vụ phát triển. Nguồn nhân lực được cải thiện khá tốt nhưng chỉ so với chính chúng ta, còn so với các địa phương khác thì còn thấp”.

Cho đến nay, Miền Tây vẫn góp 17.7% GDP, 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây cả nước… Lấy của họ nhiều mà chẳng bù được bao nhiêu thì họ không ra đi kiếm sống mới bất thường!

Tấm ảnh tôi lấy trong bài “Đường về miền Tây kẹt không lối thoát, lái xe cắn hạt dưa giữa quốc lộ”, chuyện muôn năm cũ mỗi khi Tết về – Nguồn: Zingnews.vn