TỘI TRÊN VẠN NGƯỜI DƯỚI MỘT NGƯỜI

Ngày 05/3/2020 các báo đồng loạt đưa tin Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị (BCT), Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015, ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân. Điều mà dư luận quan tâm nhất – là mức độ kỷ luật đối với ông Lê Thanh Hải. Mức độ kỷ luật phụ thuộc vào mức độ phạm tội. Vậy tội của ông Lê Thanh Hải ở mức độ nào?

Về tội của ông Lê Thanh Hải không ai có thể phán xét đúng. Vì nó nhiều quá, lớn quá và khuất quá. Chỉ có thể phán xét gần đúng. Muốn phán xét gần đúng tội của ông Lê Thanh Hải thì không thể dựa vào một người, mà phải tổng hợp từ nhiều người. Từ cấp trên của ông, từ cấp dưới của ông, từ đồng nghiệp của ông, từ đối tác trong và ngoài nước của ông, từ vây cánh của ông, từ đồng bọn của ông, từ người thân của ông, và từ nạn nhân của ông – trong số đó có hàng chục ngàn đồng bào Thủ Thiêm. Đó mới chỉ là một mặt – ở mặt khác, phải biết được các giao dịch và hệ thống tài chính chìm nổi của ông. Vẫn chưa đủ, phải đánh giá được hệ lụy và hậu quả tàn phá do ông gây ra.

Bỏ qua nhiều điều chưa biết, và nhiều điều không thể liệt kê, có thể dẫn ra 4 nhóm tội lớn sau đây của ông Lê Thanh Hải.

1. Đẩy hàng chục ngàn đồng bào Thủ Thiêm vào cảnh oan trái, mất nhà mất đất, kêu oan ròng rã hai chục năm mà chưa đòi được lẽ phải. Muốn đo tội của ông Lê Thanh Hải, hãy đo nỗi khổ của đồng bào Thủ Thiêm.

2. Biến nhiều tỷ USD tài sản của Nhân dân của Nhà nước thành tài sản riêng của cá nhân và gia đình. Biến hàng chục tỷ USD tài sản của Nhân dân của Nhà nước thành tài sản riêng của họ hàng người thân và vây cánh.

3. Biến nhiều vị trí đắc địa chiến lược trị giá nhiều chục tỷ USD của TP HCM thành sở hữu của ngoại kiều và gốc ngoại kiều. Vô tình đã tạo nên thế cài cắm vững chắc của đội quân thứ năm của nước ngoài. Có thể tạo nên sóng gió tài chính, khuynh đảo thành trì kinh tế lớn nhất cả nước, và tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm khác khi xảy ra biến cố.

4. Vô hiệu hóa sự Lãnh đạo Tập thể của Đảng ủy TP HCM trong nhiều năm. Hủy hoại uy tín của Đảng trong lòng hàng chục triệu người dân trong cả nước.

Chỉ cần 1 trong 4 nhóm tội trên của ông Lê Thanh Hải, thì đã thừa cơ sở để xử lý kỷ luật Đảng ở mức cao nhất đối với ông Lê Thanh Hải.

Ông Lê Thanh Hải là UVTƯ Đảng từ năm 2001 và UVBCT trong 2 Đại Hội X- XI, từ 24/4/ 2006 – 26/1/2016. Tương ứng, ông Lê Thanh Hải là Chủ tịch UBND TP HCM trong khoảng 15/5/2001-12/7/2006 và Bí thư Thành ủy TP HCM trong khoảng 7/ 2006- 3/2/2016. Trên thực tế, ông Lê Thanh Hải là “Vua TP HCM” trong suốt 15 năm từ 2001-2016.

Chính vị thế “Vua TP HCM” – Trung tâm kinh tế lớn nhất và đông dân nhất của cả nước, có GDP năm 2018 chiếm 21,3% và đóng góp đến 29,38% tổng thu ngân sách toàn quốc – đã đưa ông Lê Thanh Hải lên tột đỉnh quyền lực. Cho nên khi ông Lê Thanh Hải phạm tội thì cũng ở mức tột đỉnh như quyền lực của ông.

Từ vị trí “Vua TP HCM” của ông Lê Thanh Hải, không khó để kết luận: Tội của ông Lê Thanh Hải “Trên vạn người, dưới một người”.

II. BỘ CHÍNH TRỊ SẼ DÀNH CHO ÔNG LÊ THANH HẢI MỨC ĐỘ KỶ LUẬT NÀO?

Cơ chế hiện nay đối với đảng viên vi phạm kỷ luật, là Đảng kỷ luật trước, sau đó mới đến Chính quyền kỷ luật. Với các đảng viên vi phạm kỷ luật, tùy theo vị trí mà cấp Đảng xử lý kỷ luật cũng khác nhau. Với ông Lê Thanh Hải là cựu UV BCT nên ở mức độ cao nhất là Bộ Chính Trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Với Nhân dân thì mức kỷ luật cho ông Lê Thanh Hải đã rõ như ban ngày – mức cao nhất. Liệu BCT có xử lý mức kỷ luật cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng với ông Lê Thanh Hải không? Hay là chỉ ở mức cảnh cáo?

Với những ai còn do dự, xin nêu ra công cụ hỗ trợ. Để đánh giá một đối tượng hay quyết định một việc gì khi phải dựa trên nhiều nhân tố – làm cho người ta phải đắn đo, không thể quyết đoán: Thì trong trường hợp đó, người ta hay vận dụng phương pháp loại trừ (alternative): hoặc cái này hoặc cái kia – nghĩa là chỉ một trong hai.

Với các UV BCT thì phương pháp loại trừ sẽ là : Ông Lê Thanh Hải có nằm trong cùng một đẳng cấp (class) với các UV BCT không? Nếu không cùng đẳng cấp thì phải khai trừ. Nếu không khai trừ là cùng đẳng cấp.

Bởi vì, nếu đảng viên nào chưa đồng ý khai trừ ông Lê Thanh Hải, thì có nghĩa là ông Lê Thanh Hải còn đứng chung cùng đội ngũ, cùng đẳng cấp. Người khác sẽ xếp ông Lê Thanh Hải và người đó cùng một loại.

III. VÀ Ý KIẾN CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐÃ BỊ KỶ LUẬT?

Xử lý kỷ luật Đảng của ông Lê Thanh Hải ở mức độ nào – không thể không nhìn ngó đến mức kỷ luật các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Trân Văn Minh. Tất cả các ông Thăng, Son, Tuấn, Minh đều bị khai trừ khỏi Đảng. Cứ đem so sánh từng người một với ông Lê Thanh Hải thì rõ. Trong đó, dễ so sánh nhất là Ông Trần Văn Minh – chỉ từng giữ chức Chủ Tịch UBND TP Đà Nẵng một nhiệm kỳ (17/9/2006-10/8/2011), chưa được giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, càng chưa từng phải là UV BCT. Tội ông Trần Văn Minh lớn hơn hay tội ông Lê Thanh Hải lớn hơn? Và ai tham nhũng nhiều tiền hơn?

Lời giải thì đã rõ. Chỉ là chống tham nhũng ở mức độ nào mà thôi!

 

Ảnh: Báo Thanh Niên