Từ Facebook Vũ Kim Hạnh 

Hãng tin Reuters ngày 20-2 đưa lên Twitter một đoạn video ghi lại khoảnh khắc Thủ tướng Đức Angela Merkel “hốt hoảng” khi bà nhận ra đã bỏ quên khẩu trang trên bục phát biểu của Quốc hội.

Sau bài phát biểu dài 22 phút tại đây, bà quay lại ghế ngồi, được một lát thì nhớ ra rằng đã bỏ quên khẩu trang trên bục. Bà Merkel liền giơ hai tay lên cho thấy sự “hốt hoảng” để “xin” quay lại bục phát biểu lấy chiếc khẩu trang.

Bài phát biểu của bà nhằm bảo vệ việc kéo dài lệnh phong tỏa khắt khe tại Đức tới ngày 7-3.

Thủ tướng Merkel thừa nhận những khó khăn do lệnh phong tỏa mang lại, nhưng cương quyết kiểm soát dịch: “Chúng ta không được để làn sóng dịch mới thắng thế. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để kiểm soát. Chúng ta phải kiên nhẫn và bền bỉ”.

Vì sao bà hoảng hốt? Đơn giản là bà biết sợ dân, biết sợ làm ngược những gì chính phủ buộc dân phải làm.

Dư luận khen ngợi bà về thái độ có trách nhiệm và “thương tôn pháp luật” khi tỏ ra “hốt hoảng” vì bỏ quên khẩu trang (sẽ không có để sử dụng những phút kế tiếp). Một nghị sĩ Nghị viện châu Âu Sean Kelly viết trên Twitter: “Có thể đây là lần duy nhất bà ấy hốt hoảng trong thời gian làm thủ tướng Đức!”.

Phản xạ tự nhiên, biết hoảng sợ khi mình (có thể) vi phạm quy định chung dành cho toàn dân, ví dụ phải đeo khẩu trang, cho thấy nhận thức và hành động có trách nhiệm của lãnh tụ.

Đáng tiếc là vẫn còn có những lãnh đạo coi thường các quy định, luật pháp, hiến pháp, ngay những việc thông thường nhất. Luật pháp không có những “biệt lệ” dành cho người đặc biệt, nhất là các quy định chống dịch Covid.

Xem thường các quy định không chỉ làm xấu hình ảnh của riêng mình, mà còn tổn hại uy tín lãnh đạo và đất nước.

Từ Facebook