Từ Facebook Thư Viện Pháp Luật

Những ngày vừa qua khi chính quyền TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn thành phố đã có rất nhiều tình huống pháp lý được người dân đặt ra cho THƯ VIỆN PHÁP LUẬT qua nhiều kênh khác nhau. Và dạng câu hỏi được hỏi nhiều nhất là “Tôi abc xyz… có ra đường được không?”

Từ Chỉ thị 16/CT-TTg, Công văn 2601/VPCP-KGVX tới văn bản của TP. Hồ Chí Minh là Công văn 2279/UBND-VX đều yêu cầu: Khi áp dụng Chỉ thị 16, mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.

Tuy nhiên trong thực tế 7 ngày áp dụng Chỉ thị 16 vừa qua, đã xảy ra nhiều bất cập về mặt pháp lý mà chúng tôi buộc phải phân tích. Như thế nào là “cần thiết”?

Tại Công văn 2601/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ cũng như Công văn 2279/UBND-VX của UBND TP. Hồ Chí Minh có liệt kê. Theo đó, những trường hợp được xem là “thật sự cần thiết” là:

– Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;

– Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ…

– Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở khác theo quy định.

Sự liệt kê này đã đầy đủ và rõ ràng hay chưa?

Theo quan điểm của chúng tôi là chưa đủ, chưa rõ ràng. Đặc biệt khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 có nêu rõ, sẽ tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định và không có lý do chính đáng. Chính vì sự không rõ ràng, không đầy đủ trong các hướng dẫn nêu trên nên dẫn đến nhiều bất cập trong việc triển khai.

Trong các quy định vừa nêu có nhắc tới việc ra đường mua hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác. Vậy “khác” ở đây là gì? Văn bản nào quy định rõ đó là hàng hóa thiết yếu? Cuộc sống, nhu cầu chính đáng của mỗi người thường không giống nhau, cho nên khi không có một quy định chung của pháp luật thì mỗi người sẽ có cách suy luận của riêng mình. Có người cho rằng hàng hóa A là thiết yếu, có người lại cho là không. Không có quy định nào để chứng minh ai là người đúng, ai là người sai, vậy căn cứ vào đâu để đưa ra một quyết định xử phạt hành chính? Đây là câu hỏi chúng tôi nghĩ những nhà quản lý chính sách của Thành phố phải đưa ra câu trả lời và triển khai áp dụng một cách thống nhất.

Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh cô gái đi mua bao cao su và được hỏi là “bao cao su” thì có phải là hàng thiết yếu không? Chúng tôi cho rằng đây là một tình huống được diễn với mục đích giải trí. Tuy nhiên nó lại đặt ra một tình huống pháp lý thật: Đi mua bao cao su có phải là ra đường mua hàng thiết yếu không?

Đứng dưới góc độ một người bình thường, thì việc sử dụng bao cao su để giải quyết nhu cầu sinh lý mà một nhu cầu chính đáng của con người. Nhưng không có quy định nào quy định đó là chính đáng, đó là thiết yếu cả. Vậy giả sử tình huống như trong clip kia là thật thì các lực lượng chức năng sẽ xử lý như thế nào? Sẽ suy diễn ra làm sao?

Cách đây mấy ngày tại địa bàn Quận Phú Nhuận xuất hiện một tình huống cũng đặt ra nhiều dấu hỏi khác. Một người đàn ông đi ra cây ATM để rút tiền mặt và bị xử phạt hành chính. Lý do lực lượng chức năng đưa ra là người này đi ra khỏi địa bàn phường, quận mình cư trú, cho nên được xem là ra đường không cần thiết. Tuy nhiên trong thực tế các phường ở TP.HCM lại rất gần nhau. Người đàn ông này ở Phường 3, Quận Bình Thạnh đi tới ATM ở Phường 7, Quận Phú Nhuận và bị xử phạt, tuy nhiên trong thực tế hai phường này là gần nhau. Từ nhà người đàn ông này đi tới trụ ATM chỉ có 600m.

Cơ quan chức năng còn đặt lại câu hỏi cho công dân đó là: Vì sao người đàn ông này không vào siêu thị để mua và quẹt thẻ mà lại đi rút tiền mặt. Hơn nữa, gần nhà người đàn ông này cũng có một cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Tất cả những lập luận kể trên đều dựa trên logic chủ quan của người thực hiện công vụ, người đàn ông cũng như những người khác nếu đặt vào tính huống này cũng sẽ có suy luận của riêng mình và họ cũng có logic riêng của họ. Vậy ai đúng, ai sai? Không có quy định pháp luật nào làm rõ vấn đề này thì câu hỏi đúng sai không bao giờ được trả lời.

Cũng một tình huống khác tại Quận 3, TP.HCM, một đồng chí CSGT đã tuýt còi một nam thanh niên và hỏi lý do ra đường. Nam thanh niên này nói là đưa bạn gái đi khám thai, trái ngược với những tình huống vừa nêu thì nam thanh niên này được đồng chí CSGT nhắc nhở rất vui vẻ, nhiệt tình mà không bị xử phạt.

Quay lại câu hỏi ban đầu, vậy như thế nào mới là “thật sự cần thiết”? Mỗi tình huống tranh cãi trong thời gian vừa qua mỗi người đều có những lập luận riêng, lý lẽ riêng và logic riêng. Nhưng dưới góc độ pháp luật, cần phải có một quy chuẩn chung chứ không thể tùy biến và suy diễn dựa vào tình huống như những gì chúng ta đã chứng kiến trong 07 ngày vừa qua.

Chúng tôi với tư cách là những công dân đang sống và làm việc tại TP.HCM, kính đề nghị những nhà quản lý chính sách, những người có thẩm quyền khẩn thiết phải ban hành một văn bản hướng dẫn cụ thể, liệt kê những trường hợp như thế nào được coi là “Cần thiết”.. Phải có một quy chuẩn chung thì công dân đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM mới có cơ sở để tuân theo được.

Một người bán rau bị lôi về phường – Từ Facebook