Câu chuyện bắt đầu vào rạng sáng 23/10/2019,  Cảnh sát Anh phát hiện chiếc romooc chở container đông lạnh chứa 39 người đã chết, tại khu công nghiệp Waterglade, thị trấn Grays (Essex, Anh Quốc); sau khi từ Zeebrugge, Bỉ tới cảng Purfleet, Anh. Nạn nhân gồm 31 nam và 08 nữ. Cảnh sát cho biết không có hàng hóa trong thùng xe container chở 39 thi thể. Một nguồn tin nói với tờ Mirror về những hình ảnh sau khi “chiếc quan tài sắt” được mở ra:

Cảnh sát Anh cúi đầu khi chiếc xe chở 39 nạn nhân rời khỏi khu công nghiệp Waterglade ngày 24/10. Ảnh: dailymail

“Khi cánh cửa của container được mở ra, phản ứng đầu tiên của những người chứng kiến là sốc khi thấy hàng chục xác chết chồng chất lên nhau”.

“Có những dấu tay đẫm máu dọc theo bên trong cánh cửa container, nơi họ gắng đập để tìm kiếm sự giúp đỡ”.

“Họ mặc quần áo rất ít, và trong một số trường hợp là trần trụi (nguyên văn là naked)”.

Ngày 24/10, khi chưa xác định được danh tánh và quốc tịch của 39 người đã thiệt mạng thì ở khắp nước Anh đã có rất nhiều nhóm người tổ chức tưởng niệm cho các nạn nhân. Một nhóm nhỏ người dân tối 24/10 tổ chức một buổi cầu nguyện dưới ánh nến bên ngoài trụ sở Bộ Nội Vụ ở Westminster, London và trước Tòa Thị Chính tại Belfast. Cảnh sát Anh cũng ngã nón cúi đầu khi chiếc xe chở 39 thi thể đi ngang qua.
Ban đầu những người này được cho là đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, vào chiều tối 25/10, theo tin từ BBC London và tờ Dailymail của Anh, trong số các nạn nhân khả năng có ít nhất là 06 người Việt Nam.

Cũng trong ngày 25/10, Phạm Thị Trà My (26 tuổi) và Nguyễn Đình Lượng (20 tuổi) là hai người đầu tiên được gia đình xác nhận mất tích từ ngày 23/10. Gia đình Trà My cung cấp cho báo chí những dòng tin nhắn cuối cùng mà cô gửi cho mẹ, gây đau đớn cho trái tim hàng triệu người trên thế giới. Có vẻ như trước khi rời khỏi thế giới này, cô đã cố gắng nhắn tin để thân nhân biết – “Con chết vì không thở được!” Trong những tin nhắn đó, có cả địa chỉ gia đình, có lẽ để sau này còn nhận diện được xác của cô chăng? Dòng tin cuối cùng của cô là: “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ, mẹ ơi…”

Tính tới ngày 27/10, đã có 24 gia đình tại Nghệ An và Hà Tĩnh trình báo có người thân mất tích tại Anh cùng thời điểm xảy ra sự việc. Nhiều gia đình đã lập bàn thờ tạm cho con/em của mình tại nhà. Chánh Thanh Tra Thám Tử Martin Pasmore nói các viên chức của ông tìm thấy “rất, rất ít giấy tờ tùy thân” trong số các thi thể và hy vọng xác định được danh tính người chết thông qua dấu vân tay, hồ sơ nha khoa và ADN, cũng như hình ảnh từ bạn bè và người thân. Công an hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cho hay đã tới nhà các gia đình trình báo có con mất tích lấy mẫu tóc, móng tay của bố, mẹ để xác định con họ có thuộc danh sách 39 thi thể trong container ở Anh hay không.

Sau 5 ngày vụ việc xảy ra và 2 ngày có lệnh khởi tố, chiều 28/10 (giờ Việt Nam), tòa Anh mở phiên xử tài xế Maurice Robinson, người lái chiếc xe đầu kéo chở theo container có 39 thi thể bên trong. Tòa tuyên đọc 43 tội danh cáo buộc với Robinson, trong đó có tội cấu kết buôn người. Bị cáo bị cấm bảo lãnh tại ngoại và đưa lên tòa cấp cao hơn là Crown Court, nơi sẽ có bồi thẩm đoàn quyết định bị cáo có tội hay không và thẩm phán sẽ là người đưa ra bản án vào ngày 25/11. Phiên tòa đã được công khai truyền hình trực tiếp cho toàn cầu được biết minh bạch và rõ ràng nhất.

Tuy không biết người Anh làm việc có “đúng quy trình” không, nhưng rất nhiều người VN khen ngợi cách làm việc nhanh như chớp và không lằng nhằng ì ạch của đất nước “tư bản giãy chết” này. Nhiều người cho rằng, nếu thảm kịch này xảy ra ở VN, xứ “Ăng Lê” phải gởi báo cáo đã được xác minh qua cho VN trước. Rồi “cán bộ” VN qua xứ “Ăng Lê” điều tra xác minh lại. Ít nhất sau 9 tháng 10… ngày kết quả mới được công bố. Và khi các phiên tòa diễn ra, có lẽ những tên tội phạm cũng đã già.

Thủ tướng Anh Boris Johnson viết lời chia buồn cùng gia quyến những người thiệt mạng. nguồn: youtube

Cũng trong chiều tối 28/10 (giờ VN), đích thân Thủ Tướng Anh Boris Johnson cùng Bộ Trưởng Nội Vụ Anh đã tới hiện trường vụ phát hiện 39 thi thể trong container và viết những dòng chia buồn trong sổ tang. Lời chia buồn của ông viết:

“Chúng tôi bày tỏ sự thương tiếc trước những người đã thiệt mạng trong thảm kịch và xin chia buồn với gia đình các nạn nhân, đồng thời lên án sự nhẫn tâm của những kẻ dính tới vụ việc. Vương quốc Anh sẽ làm tất cả những gì có trong khả năng của mình để đưa những thủ phạm thực sự ra trước công lý.”

Ông Johsnson cũng cho biết sự việc đau lòng này khiến “cả nước Anh và thế giới sốc… Điều tàn nhẫn đã xảy đến với những người vô tội, vốn chỉ hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn ở đất nước này.”

Sự việc vẫn còn đang tiếp diễn, với những giả thuyết về cái kết: tất cả 39 nạn nhân có thể là người Việt Nam.

Đây không phải là một thảm kịch “hy hữu”, hiếm xảy ra. Nó chỉ là một thảm kịch về nhập cư trái phép gây… ồn ào nhất trong thời gian gần đây. Nếu bạn không tin, xin hãy đọc tâm sự rất bình thản của một người từng là “người trong cuộc”:

“Mấy hôm nay vào Facebook toàn thấy vụ 39 người chết ngạt trong container. Nhớ lại mình cũng đã từng rơi vào tình trạng tương tự, nằm ngửa mặt sát trần xe, hơi lạnh phà thẳng vào mặt, nằm trên đó hơn 10 tiếng đồng hồ. Đường dây dặn là chưa xuống xe thì tuyệt đối không được mở điện thoại lên vì có thể bị cảnh sát phát hiện khi họ dò qua sóng điện thoại. Nhưng vào một giây phút nào đó, mình quyết định mở máy, gọi về cho mẹ. Không biết mẹ có còn nhớ không? Mình đã nói với mẹ nếu hơn một tiếng nữa, con không ra được khỏi đây có thể con sẽ chết, vì con lạnh lắm rồi, không chịu nổi nữa. Khoảng 30p sau đó, 5 thằng Trung Đông to như voi và 1 anh Việt Nam đi cùng quyết định cùng nhau đập vào thành xe kêu cứu, vì tất cả đều không thể chịu được, sau 15-20p nỗ lực đập thành xe, la hét điên cuồng thì chiếc xe dừng lại, máy lạnh vẫn phà vào mặt, 10p sau thì cửa thùng xe mở ra, trước mặt là rất nhiều cảnh sát. Nhưng ai cũng vui mừng vì ít ra là mình còn sống. Nghĩ lại cảm thấy may mắn vì trên xe mình ít người hơn, 7 chứ không phải 39, nhiệt độ cũng mới chỉ từ 0-3 độ chứ không phải là -25 độ C. Nếu không thì đã không có mấy dòng hồi tưởng này….”

Dân Anh ở London thắp nến tưởng niệm 39 người chết ngạt trong container. nguồn: standard.co.uk

Dòng tin nhắn của cô gái Việt Nam lúc sắp chết ngạt, có thể khiến cả triệu người rơi nước mắt và chắc sẽ còn ám ảnh dài lâu. Những lời cầu nguyện, những dòng chia sẻ của người Anh trước vụ việc cũng khiến nhiều người cảm động và biết ơn họ. Những trách móc, xót thương của cộng đồng mạng VN sẽ tạo nên nhiều suy nghĩ. Những lời của người từng là “người trong cuộc” có thể sẽ khiến nhiều người suy nghĩ, chùn chân và sợ hãi.

Nhưng tất cả mọi thứ trên, sẽ không ngăn được dòng người đang tìm cho mình một chân trời mới. Để đổi đời, để thoát nghèo, để trở thành một người không mờ nhạt. Bất chấp đánh đổi bằng tính mạng. Khi mà chúng ta đang sống ở cái xã hội mà lẽ phải luôn thuộc về kẻ có tiền, có quyền. Mọi giá trị đều quy chiếu bằng tiền, bằng mối quan hệ. Người ta phải đi kiếm tiền bằng mọi giá để rồi bị nhà nước bòn rút, quan lại tham ô. Nhưng mọi thứ họ dùng, họ mua đều không được bảo đảm an toàn. Thì việc kiếm tiền, việc bỏ chạy bất chấp cả tính mạng không còn là một câu nói nữa. Nó được chứng minh bằng những đợt người ra đi bằng nhiều cách từ sau 75 đến bây chừ.

Muốn tất cả các đôi chân dừng lại, trừ khi, bạn phải có cỗ máy quay ngược về 100 năm trước, khuyên ông Hồ Chí Minh vượt biên bằng … container!

-LLT (28/10/2019)