Sáng 17 tháng 2 năm 2020, khoảng 5 ngàn công nhân thuộc công ty may gấu bông JY Hà Nam đồng loạt đình công sang ngày thứ ba để yêu cầu cách ly những người Trung Quốc vừa về quê và trở lại làm việc hôm thứ bảy 15 tháng 2. Một công nhân cho biết đây là những chuyên gia thường được cho về Trung Quốc nghỉ Tết nguyên đán 1 tháng. Họ về nước hôm 22 tháng 1, tức ngày 28 tháng Chạp và ngày 15 tháng 2 trở lại công ty.

Các công nhân may lo ngại, có thể họ đã không cách ly đủ 14 ngày như quy định của Bộ Y tế Việt Nam. Một công nhân giấu tên nói qua điện thoại như sau:

“Có một toán đầu người Trung Quốc về trong năm (trước Tết nguyên đán) và trở lại hôm mùng 6 Tết, thì những người ấy không có biểu hiện gì.
Nhưng mà những công nhân đang đình công là do những người về muộn hơn và trở lại hôm kia, hôm kìa thì công nhân yêu cầu những người ấy không lên xưởng, tiếp xúc với công nhân.”

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khánh, Chánh văn phòng Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cho hay không có chuyện công nhân đình công do trong thời gian nghỉ và việc tập trung chỉ để làm rõ việc có người Trung quốc làm việc hay không.  Tuy nhiên, công nhân của công ty phủ nhận lời của cán bộ huyện, họ cho biết đã bắt đầu làm việc từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 15 tháng 2 thì bắt đầu đình công khi nhóm chuyên gia Trung Quốc thứ hai quay lại làm việc.

Ngoài ra công nhân cũng lên tiếng về trường hợp có công nhân bị cho thôi việc hôm thứ bảy vì đình công yêu cầu cách ly người từ vùng dịch Trung Quốc và bữa ăn không hợp vệ sinh do xuất hiện dòi.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hôm 13-2 cho biết 63 tỉnh, thành của Việt Nam có khoảng hơn 33.000 lao động Trung Quốc làm việc tại các địa phương đã được cấp phép lao động, trong số này có hơn 26.000 người đã về nước ăn tết.  Theo bộ, tính đến thời điểm này, có khoảng hơn 7.600 lao động Trung Quốc quay trở lại sau dịp tết. Báo cáo nhanh của 41 địa phương cho biết, hiện có 5.112 lao động Trung Quốc đang được cách ly, theo dõi. Các công nhân tuyên bố sẽ tiếp tục đình công đến khi nào yêu cầu được đáp ứng.

 

Ảnh: RFA