Tính đến trưa 30-3, 32 ca nhiễm liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai: 22 ca nhiễm thuộc Công ty Trường Sinh, cung cấp dịch vụ ăn uống cho Bệnh viện Bạch Mai, 2 điều dưỡng và 1 con gái bệnh nhân, 3 bệnh nhân, 4 người nhà chăm sóc bệnh.

Chính quyền Hà Nội cho rằng phải tìm cho được 40.000 người ra vào ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai. Đây là số người dự tính ra vào Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ ngày 10-3 đến khi phong tỏa hoàn toàn rạng sáng 28-3, cần phải tìm để theo dõi, sàng lọc, cách ly…

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Bệnh viện Bạch Mai có đầy đủ yếu tố phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao khi có rất nhiều bệnh nhân nặng; hằng ngày có từ 5.000 – 7.000 người khám chữa bệnh… Đáng lo ngại nhất là sau ngày 20-3 BV Bạch Mai đã chuyển 5.113 bệnh nhân về các tỉnh; đã có lây nhiễm ra ngoài. Ông Chung phân tích nguy cơ lây nhiễm đến từ gần 3.000 Bệnh nhân HIV được phát thuốc từ 9 đến 14-3 là rất lớn. Nguy cơ tiếp theo đến từ Công ty Trường Sinh (chuyên cung cấp dịch vụ ăn uống cho Bệnh viện Bạch Mai) với 23 người hằng ngày đưa phích nước vào Bệnh viện. Bộ phận nấu cháo phở cung cấp theo yêu cầu cho Bệnh viện… Ngoài ra, Bệnh viện có khoảng 2.000 – 3.000 học sinh, sinh viên của Hà Nội và các tỉnh thành ăn uống và học tập tại đây, nhưng đã được Bệnh viện trả về từ 20-3.

Ông Chung nói khuyến cáo của ông từ hôm 19-3 về sự lây nhiễm từ bệnh viện này, xem xét đóng và phong tỏa một số khoa; giảm tải việc nhận bệnh nhân mới và “đóng băng” toàn bộ các bệnh nhân đang điều trị trong này đã không được bộ Y tế chấp nhận. Ông Chung nói:

“Tuy nhiên, đề xuất của Hà Nội không được chấp nhận, mà Bộ Y tế chỉ triển khai đóng băng một số tầng, khoa có bệnh nhân dương tính. Sau đó, bệnh viện đã chuyển 5.113 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai về các tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó riêng Hà Nội đã tiếp nhận 1.592 bệnh nhân”

Chủ tịch Hà Nội nói và nhận định việc “thả gà ra đuổi” này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát những đốm dịch nhỏ ở nhiều tỉnh, thành trong tuần tới.

Ảnh: Tuổi Trẻ