54.000 m2 đất, 2.300 tỷ, và suốt 10 năm nay thậm chí chưa hoàn thành trưng bày để có thể đón khách. Chúng ta đang nói về bảo tàng Hà Nội, tòa tháp lộn – như cách gọi của người dân. Một biểu tượng “xinh đẹp” về sự lãng phí của các công trình được xây bằng tiền thuế của người dân.

Một thống kê cho biết cả nước đang có tới 160 cái bảo tàng. Trong đó có 4 bảo tàng cấp quốc gia, 7 bảo tàng chuyên ngành cấp bộ, 34 bảo tàng của các đơn vị trực thuộc bộ, 80 bảo tàng cấp tỉnh và 36 ngoài công lập. Ngoài một vài bảo tàng thực sự có khách tham quan thì hầu hết đều trong tình trạng… chùa bà Đanh cả.

Nhưng có vẻ, ngần ấy vẫn chưa đủ.

Sau dự án bảo tàng lịch sử quốc gia 11.500 tỷ bị dừng sau sự phản đối quyết liệt của dư luận, người ta đổi kèo, đặt vấn đề “nâng cấp” bảo tàng lịch sử quốc gia hiện tại với kinh phí “chỉ 1/5”  so với dự án mới 11.500 tỷ.

Rồi ở Vĩnh Long, “người ta” chuẩn bị làm bảo tàng nông nghiệp 400 tỉ.

Từ Vĩnh Long, rất có thể mô hình này sẽ được nhân ra toàn quốc. Nỗi lo không phải không có cơ sở. Ở ta, từng có phong trào tượng đài, phong trào quảng trường theo lối con gà tức nhau tiếng gáy.

Năm ngoái VTV đặt ra một câu hỏi: Sao bảo tàng nước ngoài thì rầm rập nô nức khách du lịch trong khi ở ta, sao bảo tàng nào cũng lèo tèo vài khách như vậy?

Có khó gì đâu, bảo tàng nhà người ta là nơi gìn giữ trưng bày những giá trị văn hóa lịch sử. Còn ở ta, bảo tàng cứ như thể là thứ sinh ra để giải ngân, là nơi “khai quật” tiền bạc ngân sách, tiền thuế dân một cách hợp pháp.

Nếu được hỏi, có lẽ, không mấy người dân muốn đổ tiền đổ của làm bảo tàng rồi để như để hoang như vậy, dù trong mọi thuyết trình, phục vụ dân luôn là đề từ mang tính lý do cho những cái nhà hoang, tháp lộn ấy.

Bảo tàng ngàn tỉ, 10 năm chưa hoàn thành, vắng như chùa bà Đanh, một biểu tượng cực điểm về sự lãng phí – Ảnh: Báo Lao Động

Nguồn tin: Báo Lao Động