SPAIN- Tháng Sáu vừa qua Airbus tuyên bố sẽ cắt giảm 15.000 việc làm từ lực lượng lao động toàn cầu của họ, sau khi đại dịch coronavirus khiến việc di chuyển bằng đường hàng không bị ngừng lại, làm giảm nhu cầu đối với máy bay và hệ thống mà Airbus sản xuất.

Thủ Tướng Pedro Sanchez cho biết, chính phủ đang hợp tác với Airbus để tìm cách duy trì việc làm ở nước này, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin chi tiết nào về kế hoạch giải cứu. Pháp và Đức sẽ gánh chịu gánh nặng của việc sa thải, ước tính khoảng 5.000 người.

Nhưng đối với Tây Ban Nha, nền kinh tế được cho là tệ hại nhất Châu Âu, mất 900 công việc sản xuất là một đòn nặng nề. Trước cuộc khủng hoảng coronavirus, Airbus đã lên kế hoạch cắt giảm khoảng 700 việc làm ở Tây Ban Nha. Và trong những tháng gần đây, nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản Nissan cho biết họ sẽ đóng cửa ba nhà máy ở Catalonia, trong khi Alcoa đang trong quá trình đóng cửa một nhà máy ở khu vực phía tây bắc Galicia.

Mang biểu ngữ của liên minh và lớn tiếng hô vang sau khẩu trang, hàng ngàn nhân viên Airbus của Tây Ban Nha đã tập trung bên ngoài một nhà máy gần Madrid trong ngày 23/7, để phản đối kế hoạch tái cấu trúc sẽ chứng kiến ​​hàng trăm việc làm bị mất ở nước này.

Một người biểu tình tên Jose Luis Collado, đã làm việc tại Airbus suốt 41 năm cho biết: “Chúng tôi phản đối vì công ty lợi dụng tình trạng tạm thời của dịch bệnh Covid-19, muốn loại bỏ 900 công nhân.” Anh nói với thông tấn xã Reuters: “Chỉ là một tình trạng tạm thời, tất cả sẽ qua, nhưng anh và đồng nghiệp không hiểu tại sao khoảng 1.700 người của Airbus Tây Ban Nha phải bị sa thải.”

Từ nhà máy, những người biểu tình đã diễu hành 2 km đến tòa thị chính của Getafe nơi thị trưởng có bài phát biểu ủng hộ công nhân. Công nhân Airbus ở các khu vực khác của Tây Ban Nha đã tham gia các cuộc biểu tình tại các nhà máy của công ty ở Seville và Cadiz, ở phía Nam đất nước.

Biểu tình vì thất nghiệp tại Tây Ban Nha. Ảnh: npr.org