“Lý tưởng nhất là học sinh không có cảm giác sợ hãi và căng thẳng khiến việc dạy và học trở nên nặng nề. Lý tưởng nhất là giáo viên tạo được không khí êm ả và chú tâm cho học sinh. Tuy nhiên, không khí trong các lớp học công lập của Hoa Kỳ thường không được như vậy…”

Cùng nhau sinh hoạt 1. Photo: TT/trẻ

Ðó là lời phát biểu của Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ khi anh thuyết trình về lợi ích của việc thực tập hơi thở trong tỉnh thức (mindfulness) ở học đường. Phương pháp này giúp con người trị được nhiều căn bệnh về tâm lý và đối đầu được những cảm giác hồi hộp, căng thẳng, sợ sệt, bất an, trầm cảm, thường xảy ra cho các học sinh và cả trong giới giáo chức.

Cuối tuần qua, Chủ Nhật 14 tháng 7, 2019, một số Tăng thân tu học Xóm Dừa đã tụ tập tại phòng sinh hoạt Nhật Báo Người Việt để thảo luận và chia sẻ về các hiệu quả của việc thực tập thiền học. Ngoài ra còn có sự tham dự của anh Paul Hoàng, chủ tịch tổ chức Viet Care và Moving Forward, cùng một số hội viên rất trẻ. Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ, người hoạt động rất tích cực trong phong trào áp dụng hơi thở tỉnh thức ở học đường, đã từ Sacramento về Quận Cam để thuyết trình. Cô y tá Chơn Nguyên, người có kinh nghiệm trong việc giảng dạy thiền tỉnh thức tại học khu Nam Cali cũng có mặt để chia sẻ kinh nghiệm thành công của cô với học sinh.

Ca sĩ Doãn Hưng và Cô Chơn Nguyên. Photo: TT/trẻ

TS Bạch Xuân Phẻ dạy môn Hóa Học tại trường Trung Học Mira Loma- Sacramento. Anh là thành viên của Hiệp Hội Giáo Chức California (California Teachers Association – CTA ). Anh đã cùng CTA tổ chức những khóa huấn luyện “Tỉnh Thức” cho khoảng trên 3,000 giáo viên thuộc nhiều học khu California, thuộc mọi thành phần sắc tộc, tôn giáo khác nhau. Sau những buổi huấn luyện, các giáo viên này được làm quen với những phương pháp thực tập tỉnh thức rất đơn giản và dễ áp dụng cho chính họ và các học sinh của họ. Mục đích để giảm căng thẳng, lo lắng, bực dọc, giận dữ, mất bình tĩnh, nóng nảy cho chính họ và các em học sinh. Riêng các em học sinh, được rèn luyện kỹ năng tập trung, biết im lặng, nên học hỏi nhanh và dễ dàng trong học đường cũng như đời sống hàng ngày.

Trong buổi thuyết trình TS Phẻ nhấn mạnh về những áp lực tinh thần đè nặng lên vai các giáo chức hiện nay. Chính sách liên bang và tiểu bang ảnh hưởng đến chương trình học tập và đánh giá, tạo ra sự căng thẳng về nội dung và đáp ứng các tiêu chuẩn trắc nghiệm. Ngân sách eo hẹp làm giảm nguồn lực sẵn có trong học tập, tăng số lượng học sinh và bớt đi các dịch vụ đáp ứng nhu cầu học sinh. Sự chuyển đổi các sắc dân trong cộng đồng, tuy làm hình ảnh tập thể học sinh thêm phong phú nhưng lại gây khó khăn cho các giáo viên. Nói tóm lại, các lớp học, học viên và giáo viên đều đang trải qua mức độ căng thẳng ngày càng gia tăng.

TS BXPhẻ đang thuyết trình. Photo: TT/trẻ

Riêng các em học sinh ngày nay thường mắc phải căn bệnh thời đại là sự lo ra và mất tập trung rồi chán học. Các cuộc thi giáo dục được đặt ra trong các trường học ở Hoa Kỳ lại là một áp lực lớn. Các em phải trực diện với nỗi lo học thi. Ðặc biệt là các học sinh Việt Nam hay Á Ðông, còn phải học thêm nhiều thứ phụ thuộc do cha mẹ mong muốn hay ép buộc. Thêm nữa, những áp lực của bạn bè, đời sống, ngày càng đè nặng lên các em. Nếu chịu áp lực quá lâu hay sức khoẻ tinh thần các em yếu, các em dễ lâm vào tình trạng lo âu, hồi hộp, trầm cảm hay tự tử.

TS Phẻ kể, trong 16 năm đi dạy ở Bắc Cali, đã có 5 học sinh của anh tự tử vì không thể chịu nổi những cảm giác căng thẳng, tuyệt vọng trong gia đình và trường học. Anh Paul Hoàng, chủ tịch tổ chức Viet Care và Moving Forward, một trong những người tham gia hội thảo cũng đưa ra một thống kê. Thống kê tiết lộ Quận Cam là nơi có tỉ lệ người Mỹ gốc Á đứng đầu cả nước Mỹ về các trường hợp tự tử. Quận Cam lại là nơi có người Việt đông nhất trên toàn nước Mỹ!

Hiện diện trong buổi hội thảo có bà mẹ của một em học sinh trung học ở Quận Cam mới tự tử vào tháng 12/2018. Bà chia sẻ câu chuyện và lý do em tự tử vì chán sống. Bà ước muốn được góp tay cùng mọi người tìm ra các phương pháp giảm áp lực và chữa trị được những vấn đề khủng hoảng tâm lý hữu hiệu. Nhất là khi các bậc cha mẹ quá bận rộn vì mưu sinh, ít trò chuyện hay gần gũi nhiều với con cái. Khi các em phải đối đầu với các vấn đề tâm thần mà chính các em không biết, cha mẹ cũng không hay để giúp đỡ. Ðến khi chuyện đáng tiếc xảy ra thì quá trễ.

Cùng nhau sinh hoạt 3. Photo: TT/trẻ

TS Phẻ bắt đầu trình bày về phương pháp anh dạy các thầy, cô và học sinh  thực tập Thiền Tỉnh Thức. Trước hết là tư thế ngồi, tập trung vào phút hiện tại, theo dõi hơi thở, cười, khép mắt và thở nhẹ v.v. Nếu ngồi lâu cảm thấy chán, có thể đổi thành tư thế đi, vừa đi vừa theo dõi hơi thở. Chậm rãi khoan thai chú ý đến từng bước chân. Sau khi đã quen với bước chân, bắt đầu kết hợp nhịp nhàng với hơi thở. Một bước là hít vào. Một bước là thở ra. Bước và thở một cách tự nhiên theo nhịp thở của chính mình.

Khi được hỏi làm cách nào mà anh thuyết phục được Ban Ðiều Hành các học khu và Ban Giảng Huấn cho phép giảng dạy phương pháp Thiền Tỉnh Thức. Anh tiết lộ ban đầu họ từ chối và bảo phương pháp Thiền Tỉnh Thức thuộc về đạo Phật do đó có tính tôn giáo. Mà đem tôn giáo này vào thì tôn giáo khác sẽ phàn nàn và chống đối. Anh phải thuyết phục họ, đây là một phương pháp khoa học, dạy thở cho đúng cách có hiệu quả giúp các em dễ tập trung, bình tâm, lắng lòng và thực tập im lặng cũng như lắng nghe, có lợi cho việc học. Sau thời gian thực nghiệm có hiệu quả, thêm vào sự vận động từ phía trường học, phụ huynh, học sinh, họ đã cho phép. Anh đã cùng Hiệp Hội Giáo Chức tổ chức những khoá huấn luyện cho các giáo chức khác. Sau đó các thầy cô có thể dạy lại các em học sinh trong lớp học của mình. Anh cũng nhấn mạnh rằng, quan trọng nhất phải là chính cá nhân người dạy phải thực tập cho chính mình có được sự an lạc, hạnh phúc tự thân, sau đó mới có thể mang sự an bình, thảnh thơi đến cho người khác được.

Cùng nhau sinh hoạt 2. Photo: TT/trẻ

Cô y tá Chơn Nguyên cũng chia sẻ sự khó khăn của cô trong giai đoạn thuyết phục hiệu trưởng của học khu San Gabriel nơi cô giảng dạy. Ban đầu vị giám đốc ngại, vì sợ phương pháp này sẽ gặp chống đối của các phụ huynh. Cô không bỏ cuộc, vận động ở cấp thấp hơn, với một hiệu trưởng của một ngôi trường tiểu học trong học khu. Sự thử nghiệm thành công với thí điểm tại một vài lớp và sự hiệu quả đã là chìa khoá thành công. Sau đó, các lớp khác trong trường, rồi các trường khác cũng đã yêu cầu cô Chơn Nguyên đến hướng dẫn cho các em học sinh của mình. Cô nhấn mạnh, các phụ huynh mới là người quyết định sự chấp thuận phổ biến phương pháp này. Sau đó là các giáo viên. Phương pháp thực hành hết sức đơn giản, không hề ảnh hưởng đến thời gian học tập chính thức của các em. Cô bảo các em còn nhỏ từ 5 tới 6 tuổi nên cô dạy cho các em từng chút, từng chút một, như cho các em ăn miếng bánh nhỏ vậy. Giờ mới vào học hay sau giờ ra chơi là những lúc các em ồn ào như ong vỡ tổ. Cô đem phương pháp thở ra áp dụng cho các em. Các em được ngồi tĩnh lặng, và thở. Thế mà chỉ trong vòng chưa đầy một phút, các em đã ổn định và tập trung vào buổi học một cách nhanh chóng.

Các Tăng thân Xóm Dừa cũng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tập Thiền Chánh Niệm với mọi người. Anh Paul Hoàng nhận xét phương pháp này cũng gần giống với việc tĩnh tâm và cầu nguyện trong Thiên Chúa Giáo vì anh vốn là một vị Sư Huynh của Dòng Ngôi Lời Thiên Chúa Giáo. Anh biết đến Thiền và đã thực tập chánh niệm tỉnh thức trong nhiều năm. Vì hiệu quả an lạc và hạnh phúc của phương pháp này mang lại cho anh đời sống tinh thần và sức khoẻ khả quan, nên anh ủng hộ và luôn hỗ trợ việc quảng bá nó. Anh đặc biệt quan tâm tới giới thanh thiếu niên trẻ vì anh đã làm việc với Viet Care rất lâu và nhận ra một số bệnh tâm lý trong cộng đồng Việt cần được lưu tâm. Anh nghĩ rằng giới hữu trách, dân cử hoặc truyền thông nên có phương cách đối đầu hay báo động cũng như giúp đỡ cộng đồng trong nỗ lực tìm phương pháp trị liệu.

TT

Orange County, CA