Ngày 10/10, ông Nguyễn Đình Bê (56 tuổi, ngụ Đà Nẵng) cho hay vừa trở về từ vùng biển quần đảo Hoàng Sa sau nửa tháng bám trụ giữa biển khơi để tìm cách cứu tàu ĐNa 90929 về đất liền.

Theo ông Bê, rạng sáng 26/9, tàu ĐNa 90929 do ông làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng đang hành nghề tại quần đảo Hoàng Sa thì bất ngờ bị mắc cạn. Vị trí tàu bị mắc cạn là trên bãi đá ngầm gần đảo Bạch Quy. Sau nhiều giờ nỗ lực cùng tám thuyền viên cứu tàu, con tàu vẫn không thoát khỏi cảnh mắc cạn mà còn bị sóng đánh lên cao hơn trên bãi đá ngầm. Lúc này, một tàu cá Quảng Ngãi đến ứng cứu, cho ông Bê và các thuyền viên lên lánh nạn.

Tàu cá của ông Bê bị mắc cạn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Báo Pháp Luật

Ông Bê khẳng định có hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc lại gần khi các thuyền viên vừa lên con tàu của Quảng Ngãi. Hai tàu của Trung Quốc mang số hiệu 4301 và 4302 liên tục gây sức ép không cho các ngư dân giải cứu con tàu đang mắc cạn. Sau đó, các ngư dân buộc phải rời đi trong sự theo dõi của tàu Trung Quốc. Tiếc nuối khối tài sản lớn nằm lại với hai tấn cá ngừ, ông Bê quyết định gửi tám thuyền viên lên tàu Quảng Ngãi về đất liền, riêng ông bám trụ lại hiện trường trên một con tàu khác của ngư dân Việt Nam để tìm cách cứu ĐNa 90929.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Đến ngày 3/10, hai tàu trục vớt xuất phát từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) theo hợp đồng của bà Phạm Thị Nuôi (vợ ông Bê) ra Hoàng Sa ứng cứu. Tuy nhiên, một lần nữa tàu Trung Quốc gây khó dễ, ngăn cản việc cứu hộ này. Quá bế tắc, ông Bê đành trở về đất liền và trình báo sự việc với cơ quan chức năng để được hỗ trợ ứng cứu con tàu ĐNa 90929.

Cơ quan chức năng tại Đà Nẵng nói rằng đã gửi văn bản đến Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng, đề nghị phía Trung Quốc ngừng cản trở và hỗ trợ ngư dân Việt Nam trục vớt tàu. Còn bên Trung Quốc có nghe hay không thì họ không nói !