Khi có một ai đó khóc với bạn, bạn sẽ làm gì? Còn tôi chỉ biết im lặng, lắng nghe. Có lẽ vì thiếu kinh nghiệm và vốn từ để chia sẻ ‘nỗi đau” của bạn. Tuy nhiên, nhân lúc rỗi rảnh ấy, tôi sẽ phân tích vấn đề của bạn trong đầu, tiện thể nghĩ xem mình khóc có… xấu như vậy không? Lần sau, nếu khóc, thì tôi sẽ khóc trước mặt ai. Tính kỹ một chút, hình như lâu rồi tôi không khóc… Không khóc, không phải vì cuộc sống tôi vô tư, vô lo. Mà là do tôi ngán khóc lắm rồi. Hoặc có lẽ, chưa… gom đủ chuyện để khóc..

vi-sao-em-khoc

Ê, sáng sớm chụp cái đéo gì đấy? Bố tiên sư chúng mày!

Người khóc với tôi là một cô em “xã hội”, nhỏ hơn tôi mấy tháng tuổi. Lúc đầu ẻm xưng chị, nhưng vì sự cương quyết của tôi mà ẻm chịu làm em. Chúng tôi quen biết nhân dịp đi du lịch, tôi bị lạc đường, hỏi Ðông hỏi Tây thế là hỏi ra một người bạn lâu năm. Nghĩ cũng ngộ, hai chúng tôi là đồng hương, sống cùng thành phố, ở cùng một quận, mém cùng xóm nhưng rất may là… không. Sau này ngồi nói chuyện, biết ra cả hai có nhiều bạn chung với nhau, có thể đã cùng dự chung một buổi tiệc nào đó rồi. Vậy mà hai đứa lại biết nhau ở một xứ khác và thân đến giờ. Có lẽ “Bụt chùa nhà không thiêng”, chưa chắc gặp nhau ở quê nhà chúng tôi có thể rảnh mà liếc mắt nhìn nhau. Cuộc sống Sài Gòn bận rộn mà bon chen và phức tạp quá, không còn thời gian rảnh lẫn niềm tin đủ để con người ta có thể liếc nhìn nhau khi lướt qua, huống chi là một câu chào, một cái bắt tay làm quen. Ðôi khi cũng nhờ cái sự bận rộn này mà chúng tôi còn chơi với nhau đến bây chừ. Không đủ thân để chia sẻ mọi thứ vui nhất, ngon nhất nhưng đủ để làm “thùng rác” để thay nhau đựng ưu sầu. Vì tôi và em đều là người có cuộc sống tự lập, mặc dầu em còn gia đình nhưng không ở chung vì lý do nào đó… Nên những lúc buồn sẽ không biết cất vào đâu. Tánh tôi tuy ỷ lại vào bất kỳ nơi nào có thể dựa vào nhưng lại rất ít khi có chuyện buồn muốn chia sẻ cho ai đó, tôi không tin rằng sau khi mình nói ra mọi chuyện sẽ ổn hơn. Nhưng tôi lại thích nghe chuyện buồn của người khác, sau đó tự phân tích rồi rút ra kinh nghiệm cho bản thân hoặc cho câu chuyện đó. Tôi rất ít khi đưa ra ý kiến của mình, nên mọi người cũng rất an tâm mà “kể lể” với tôi. Tôi nghĩ, bản thân họ cũng không cần lời khuyên, vì mỗi người sẽ có cách giải quyết vấn đề khác nhau. Và tôi tin rằng, cách nào thì cũng sẽ vẫn tốt hơn cách của tôi đưa ra!

vi-sao-em-khoc4

Để trưởng thành, vượt qua cuộc sống không bằng phẳng, con người phải làm mọi thứ, có cả đúng và sai – Hình từ Facebook Phung Lữ

Em là một trong những người hay “khóc kể” với tôi. Các câu chuyện của em cũng phong phú không thua gì cuộc đời của tôi (đó là tôi thấy vậy, còn em thì lại thấy ngược lại). Có lẽ do em đẹp hơn tôi, giỏi hơn tôi, có nền tảng gia đình hạnh phúc hơn tôi, mạnh mẽ hơn tôi nói chung cái gì cũng hơn tôi trừ cái sự dở hơi và vô tâm, tôi ăn đứt. Vì thế, sau mỗi lần em khóc xong, kể lể xong, em đã “thổ lộ” rằng em rất hối hận, bởi không thấy chút sự ‘đồng cảm” nào từ tôi. Vì các câu chuyện em cho là bi kịch thì tôi xem nhẹ như áng mây trên trời đêm ba mươi. Không có một tí áp lực, thậm chí là hình bóng. Cũng có thể những “bi kịch” đó tôi trải qua rồi… Nhưng sau mỗi lần hối hận là em lại kể lể, y như hôm nay…

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Lần này em khóc vì lại nghỉ việc. Ðược cái lần này em tự nghỉ, còn những lần trước là bị đuổi. Thiệt tình, câu chuyện đi làm của em cũng vô tình đặc sắc, những lần nghỉ việc cũng đặc sắc không kém. Không biết nên khóc hay là nên cười. Hồi xưa, khi còn đi học, có lần em làm thêm ở nhà hàng Thái, công việc là chỉ đứng ở cửa chắp tay chào “Sa qua đi Khạp” với khách ra vô thôi. Nhưng có một hôm, em buồn ngủ đứng đó chắp tay thấy khách chào theo thói quen, không hiểu sao lại hả… họng ra chắp tay chào “A di đà Phật”. Và cũng không hiểu tại sao, em chào trúng ngay vài khách hàng quan trọng của nhà hàng, gồm cổ đông và bà quản lý khó tánh. Thế là em “được” nghỉ, về nhà tha hồ ngủ. Sau đó, em đi làm thêm ở một nhà hàng khác. Lần này em làm công việc “nặng nhọc” hơn là phục vụ bàn, thường thì đem đồ ăn ra cho khách em sẽ không quên chúc họ ngon miệng. Nhưng đôi khi em lại chúc họ… ngủ ngon. Rất may, không bị phát hiện, em an toàn “hành nghề” cho đến khi học xong, ra trường và có công việc ổn định hơn. Tính ra thì chúng tôi có nhiều điểm chung, nhất là cái khoản nói chuyện theo bản năng, hay bị “liệu”. Tôi nhớ, hồi xưa tôi có đi làm trợ giảng cho một lớp dạy toán ngoài giờ. Không biết từ bao giờ quen “thói” quát mấy câu với học trò, xong sau đó cái thói đó không biết in sâu vào đầu thế nào mà khi đi nhậu với bạn bè, chúng nó nói to quá, giành nói không được tôi tức quá đập bàn quát: “Cả lớp trật tự!” Không chỉ bạn bè trong bàn tôi im lặng, mà cả quán im lặng quay sang nhìn tôi bằng ánh mắt đầy sợ hãi. Sau này tôi không còn “liệu” câu đó nữa vì không làm trợ giảng nữa, nhưng cũng nhìn nhận được một chuyện, tôi không thích hợp làm giáo viên. Vì chỉ làm có vài tháng mà giọng tôi bể, khàn mất mấy lần, vì phải quát “cả lớp trật tự” cả ở trong và ngoài lớp học…

vi-sao-em-khoc2

Cái lợi của công nghệ là những việc không tốt đều có thể dễ dàng được đưa ra cộng đồng… -Từ facebook Tin Tran-

Quay lại chuyện cô em xã hội của tôi. Vì sao em khóc? Chuyện là em làm ở một công ty cài đặt phần mềm quản lý (tiền, nhân viên, doanh thu) cho các cửa hàng, nhà hàng, quán ăn… Nhiệm vụ của em là đi cài đặt phần mềm, chăm sóc, hướng dẫn khách hàng dùng và cuối cùng là thu tiền. Cứ khách hàng nào thuộc nhóm của em thì các thành viên trong nhóm phải tự tìm đến địa chỉ đó làm nhiệm vụ. Ðôi khi sẽ có nhiều người nghỉ, bỏ việc; các cửa hàng của những người đó sẽ được chia đều cho các nhóm khác trong công ty. Và hôm nay em được “thừa kế” một vài khách hàng từ người bạn đồng nghiệp mới chia tay công ty, tìm “bến đỗ” mới. Và, như thường lệ, em phải tìm đến tận nơi đó để thu tiền. Ðó là một quán cà phê sân vườn, ở một quận ngoại thành, cách nơi làm việc của em hơn 30 km. Lúc em đến nơi đã là 10 giờ 30 phút trưa.

Xem thêm:   Chó...

– Chào chị. Em là nhân viên bên công ty Z. Cửa hàng mình đã đến hạn nộp tiền phí sử dụng phần mềm nên em qua thu tiền ạ.

– Sao em lại đến cái giờ này. Chị dặn bao nhiêu lần thu tiền vào buổi chiều cơ mà. Giờ này chị bận lắm.

– Em xin lỗi. Em là nhân viên mới nhận địa bàn nên không biết đặc thù cửa hàng mình. Chị thông cảm giúp em. Em đi từ công ty sang. Chị cứ làm đi em đứng đợi chị rảnh tay cũng được ạ.

Lúc này chị chủ quán đang pha nước cho một nhóm khách. Thấy chị ta không nói gì. Nên em ngồi xuống một góc quán chờ. Vừa đặt đít xuống ngồi thì một người phụ nữ có tuổi, từ trong quán lao ra (Chị chủ quán và bà cô này đều là người miền Bắc). Thét lên (y như đánh ghen):

– Ối giời ơi cái con ngẩn này. Mày không có não à? Sao đi thu tiền mà lại đi vào ngày rằm này? Sáng sớm ngày ra vừa mở cửa hàng chưa có khách nào đã nhảy vào đây thu tiền. Mày ngu thế. Ði làm mà không có đầu óc à….bla bla….

vi-sao-em-khoc3

Không chỉ người lớn tuổi. Một số shop thời trang trẻ ở Việt Nam cũng rất là mê tín, thực hiện rất nhiều 0 với khách hàng – Hình từ Facebook

Em mới chậm rãi trả lời:

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

– Xin lỗi cô. Cháu nhận nhiệm vụ qua thu tiền cửa hàng nhưng không ai “note” lại đặc thù của cửa hàng nên cháu không biết. Với lại giờ này cũng trưa rồi ạ…

Miệng bà gào tay bà kéo cô em tội nghiệp của tôi ra khỏi quán:

– Về, về ngay. Chiều qua thu. Sáng ngày ra đã ám quẻ.

Cô em mới cãi lại:

– Cô đừng quá đáng nhé. Cháu qua thu tiền chứ không xin tiền của cô. Thứ nhất, không ai kiêng ngày rằm như cô, thứ hai bây giờ đã là 11 giờ trưa cô đừng có quá đáng!

Nói đến đây thì chị chủ quán từ trong quầy phi ra xong bảo bà kia đi vào, nhìn em với vẻ mặt “khíu chọ”:

– Ðây chị trả tiền em. Lần sau em rút kinh nghiệm nhé. Ði thu tiền nhà chị, em tránh ngày rằm, mùng một và các ngày lễ Tết ra.

– Vâng. Ðể em “note” lại, sau các bạn khác qua thu sẽ lưu ý!

vi-sao-em-khoc1

Nhưng không cẩn thận sẽ gây ra nhiều chuyện xấu hơn, ví dụ như vạch trần bản chất vài sự việc còn vàng thau lẫn lộn – ảnh từ Facebook Xuan Thanh

Em đếm tiền xong chào chị chủ quán đàng hoàng rồi ra cửa. Vừa leo lên xe đội mũ bảo hiểm vào thì bị cả một đống muối, gạo bay vào mặt và người. Chưa kịp định thần thì bà cô già lúc nãy, cũng chính là kẻ đã “tặng” muối gạo cho em, vừa xoa xoa cái chén vừa đuổi như đuổi tà. Ðến mức này, em đã không thể nhịn được nữa. Xuống xe nói lý với bà cô này. Và dĩ nhiên là nói làm sao mà lại, không những vậy, em còn bị chị chủ quán có vẻ hiền lành kia gọi lên công ty tố cáo. Sếp của em không những không nghe em giải thích mà còn khiển trách nặng nề, dạy rằng “khách hàng luôn luôn đúng”, “khách hàng là thượng đế”, “nếu khách hàng sai, hãy xem lại hai slogan phía trước”… Hết chịu nổi, thế là em nghỉ việc…

Nghe xong, tôi rất xót cho em. Tôi thấy rằng người đáng trách nhất là cách hành xử sếp của em, còn bà cô kia không xứng đáng sống với xã hội loài người văn minh như bây chừ. Bà nên được “trục xuất” về một khu rừng nào đó. Tôi đã nói rất nhiều về chuyện mê tín dị đoan một cách quá đáng ở một số người, và đây cũng là một trường hợp “nghiêm trọng”. Vì ở đây, không những mê tín dị đoan mà còn mất lịch sự và hung hăng nữa. Có lẽ tâm hồn em đã có bóng ma rất lớn, tôi đành phải an ủi em chứ không biết làm gì hơn. Nhưng bất ngờ, em nói với tôi em chỉ buồn bực chứ không khóc vì chuyện này. Em khóc vì sau khi xảy ra chuyện, trước khi nói với tôi, em đã kịp biên bài “bốc phốt” cái quán cà phê này lên facebook, đã sớm nhận được lượng chia sẻ, an ủi hùng hậu của cộng đồng mạng (mà không cần tôi an ủi). Chỉ tiếc là, nhờ vào đó, em mới biết được, anh bạn đẹp trai, nho nhã mà em quen lâu nay, lại là… con trai của bà cô “vẩy muối gạo” kia, và là em của chị chủ quán cà phê “oan gia” nọ. Ðôi trẻ đã định ra Giêng về ra mắt gia đình chàng. Họ đã chờ đợi, vun đắp, mơ mộng cái ngày ra mắt đó rất lâu rồi. Nhưng sau khi chuyện này xảy ra thì cả em và anh bạn này đều lo sợ cái ngày đó…

DU