Thời gian gần đây tôi thấy xuất hiện nhiều căn nhà đồ sộ ở khu Little Sài Gòn (Orange County) theo trường phái “chiếm nhà mặt tiền”. Kiến trúc nhà thường chơi kiểu biệt thự Pháp kiên cố, sơn màu vàng chùa và đỏ gạch nổi bật lên giữa khu phố.

Người Việt vốn có truyền thống kinh doanh tại nhà từ rất là xưa. Nhà tư nhân vừa là nơi ở của gia chủ, vừa có thể là địa điểm buôn bán, làm ăn, sản xuất hàng hóa. Chủ nhà và thân nhân rút vô ăn ở, sinh hoạt tại phần nhà sau, phần phía trước mở rộng ra làm tiệm tạp hóa, quán cà phê, tiệm ăn, tiệm làm tóc, tiệm may, tiệm sửa xe, tiệm thuốc Bắc, tiệm thuốc Tây, phòng khám của bác sĩ… nói chung là buôn bán thập cẩm, kinh doanh đủ thứ ngành nghề hết. Trong điều kiện kinh tế thời sơ khai, đường sá, giao thông không phát triển thuận lợi như bây giờ, kiến thức về bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy còn hạn hẹp (mạnh ai nấy làm theo kiểu riêng của mình) thì không gì tiện lợi, tiết kiệm cho người dân bằng mô hình kinh doanh tại nhà ở. Cái lợi của kinh doanh tại nhà là họ có thể tiết kiệm được diện tích kho chứa, không mất công cắt cử người canh giữ ăn trộm ở nơi kinh doanh.

Người miền Nam thời xưa muốn mua nhà, mua đất đều chú ý chọn địa điểm “Nhất cận thị, nhị cận giang.” là vị trí đắc địa, thời nay gọi là “khu đất vàng.” Cận thị là gần chợ (không phải tật mắt cận thị), cận giang là gần sông (thuận tiện giao thông, vận chuyển hàng hóa). Quý vị nào đã từng tới Bạc Liêu (quê tôi) sẽ thấy dinh thự nguy nga của ông Hội đồng Trần Trinh Trạch (thân sinh cậu Ba công tử Bạc Liêu- Trần Trinh Huy) quay mặt tiền ra bờ sông Bạc Liêu, từ dinh thự đi bộ khoảng 50 thước tây là tới chợ trung tâm tỉnh.

Luật Việt Nam không cấm dùng nơi ở làm nơi kinh doanh. Việt Nam cũng thiếu trầm trọng những parking công cộng đậu xe miễn phí như chợ Mỹ. Dân chúng phần lớn đi bộ, đi xe đạp, xe gắn máy hai bánh, muốn vô chợ mua đồ phải gởi xe vừa mất thời gian chờ đợi vừa tốn tiền, mà dân nghèo thì tiết kiệm từng đồng gởi xe. Vì vậy, họ thích dừng xe tấp vô lề đường mua chớp nhoáng gì đó rồi rồ xe chạy đi. Có lên lề đường mua thuốc Tây, ăn tô phở thì cũng dựng xe kế bên chỗ ngồi, “đánh nhanh rút mạnh” rồi dzọt lẹ.

Xem thêm:   Về Cà Mau

Tuy nhiên, cách sống của người Mỹ thì ngược lại với người Việt (quốc nội). Luật Mỹ cấm dùng nơi ở để kinh doanh. Kinh doanh có khu kinh doanh riêng, nhà ở có khu nhà ở riêng, tách biệt xa nhau. Hết giờ kinh doanh thì đóng cửa về nhà, cấm ngủ lại nơi kinh doanh, văn phòng dịch vụ dù đó là ông, bà chủ cơ sở. Luật Mỹ cũng quy định những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn, môi trường, không khí, phòng cháy chữa cháy… rất khắt khe nhằm bảo vệ an toàn cao nhất cho sự sống của người dân. Tại Orange County, quý vị đừng thấy những căn nhà khu dân cư thấp lè tè, làm bằng vật liệu nhẹ, nhỏ bé như những căn nhà trong truyện cổ của Andersen mà khinh thường. Tiêu chuẩn an toàn tại khu dân cư cao hơn khu kinh doanh đó. Chị bạn tôi kể trên đường tới sở làm chị phải đi ngang khu công xưởng một hãng máy bay nhỏ. Hãng này sau đó bị hãng Boeing thâu tóm. Boeing cho người tháo dỡ hết tất cả nhà xưởng, chỉ còn trơ lại bộ khung một chiếc máy bay nhỏ đang lắp dở, đứng trơ trọi ngoài mưa nắng hơn 10 năm trời. Sau đó Boeing bán miếng đất này cho một chủ khác. Người chủ mới định bỏ tiền ra cất nhà ở cho thuê. Xét nghiệm không khí, đất cho kết quả miếng đất bị ngấm dầu nhớt nhiều quá, họ phải bỏ hoang đất hơn 10 năm nữa rồi mướn công ty tẩy uế đất. Cuối cùng vẫn không đủ tiêu chuẩn cất nhà ở mà chỉ đủ tiêu chuẩn cất một mall cho thuê kinh doanh, nhưng việc kinh doanh èo uột, vắng vẻ khách hàng.

Ðường sá ở Orange County có đặc điểm hai bên con đường lớn là các hẻm cụt nhỏ ăn sâu vô trong theo hình xương cá, trong các nhánh xương cá là khu dân cư. Từ điểm xa nhứt của xương cá ra đường lớn mất trung bình 5 phút lái xe. Bạn tôi nói đùa rằng ở Mỹ nhà nghèo mới ở nhà nhỏ gần đường lớn (bị ồn ào cả ngày lẫn đêm), khá hơn một chút họ mua nhà biệt thự rút vô các hẻm xương cá bên trong, giàu hơn nữa thì họ rút lên đồi, quá xá giàu luôn thì họ mua nguyên một ngọn đồi cất nhà ở riêng trên đó. Người Mỹ thường dùng hàng rào gỗ nhẹ nhìn rất tạm bợ, hoặc tường xây gạch mộc, nó cho cảm giác mát mẻ.

Xem thêm:   Mùa hoa nhĩ cán tím & hoàng đầu ấn ở Tràm Chim

Dân sống lâu năm ở đây chuộng nhà ở thụt sâu vô trong xa mặt đường để tránh ồn ào, chừa cái sân rộng làm chỗ đậu được nhiều xe, trồng bãi cỏ, trồng vài cây thân mộc lâu năm có chiều cao để lấy bóng mát. Người Mỹ, người Mễ không thích cây thiên tuế, nó thấp, xòe rộng và có gai nhọn gây nguy hiểm cho người qua lại lỡ chạm trúng nó. Họ không cần biết ý nghĩa tâm linh của hai chữ “thiên tuế.” Người Mễ thích trồng cây xương rồng (loại không gai, ăn được). Tôi để ý nhà người Mễ 10 nhà thì có tới 9 nhà trồng cây xương rồng không gai ở góc sân hoặc dọc theo hàng rào gỗ.

Mô tả dài dòng như vậy để quý độc giả hiểu nhu cầu nhà ở mặt tiền xây cất kiên cố, nặng nề chỉ có ở Việt Nam, còn ở quận Cam này thì ngược lại. Người Việt khu Little Sài Gòn và vùng phụ cận Little Sài Gòn sống ở Mỹ lâu năm đều biết rất rõ những điều tôi vừa kể ở trên.

Thời gian gần đây tôi thấy xuất hiện nhiều căn nhà đồ sộ ở khu Little Sài Gòn (Orange County) theo trường phái “chiếm nhà mặt tiền”. Kiến trúc nhà thường chơi kiểu biệt thự Pháp kiên cố, sơn màu vàng chùa và đỏ gạch nổi bật lên giữa khu phố. Hàng rào bao quanh cũng xây kiên cố, bóng loáng bằng vật liệu nặng và sắt. Cả khối nhà như muốn nhảy chồm hẳn ra mặt đường nên phần sân nhà có diện tích rất nhỏ so với khối nhà. Khoảnh sân có chút xíu trồng chi chít nhiều cây thấp nhỏ, đặc biệt là không bao giờ thiếu 5-7 cây thiên tuế thấp lùn bự xự. Cá biệt có căn nhà lót sân trước và xây hàng rào bằng loại đá mài bóng lưỡng màu mận chín, buổi chiều tôi tình cờ đi ngang thấy ánh nắng mặt trời rọi xuống sân chói chang, cái nóng cháy như trên chảo rang đó không hắt từ sân vô nhà mới lạ. Túm lại, đi dạo trên đường, cứ thấy trường phái “chiếm nhà mặt tiền” lấn sát ra trục đường chính, lấn sát các góc ngã tư mà thiếu chỗ đậu xe, cộng với đặc điểm ưa chuộng cây thiên tuế thì biết chủ nhân căn nhà đồ sộ này có liên quan đến người Việt rồi.

Xem thêm:   Cám ơn kỷ niệm nuôi em lớn

Nếu tôi có nhiều tiền, tôi không bao giờ mua những căn nhà ở các vị trí như thế cho dù bên trong có thể nội thất rất sang trọng. Tiền đó dư sức mua những căn nhà ở các chỗ khác rộng rãi, yên tĩnh, mát mẻ hơn nhiều. Nhìn những căn biệt thự kiên cố này, tôi liên tưởng tới câu hát “Tiến về Sài Gòn ta chiếm nhà mặt tiền. Tiến về Sài Gòn ta lấy sạch tiền đô.” (Nhại bài Tiến Về Sài Gòn của Huỳnh Minh Siêng, tức Lưu Hữu Phước) rất phổ biến sau ngày 30/4/1975 ở miền Nam. Bắc Việt tiến chiếm miền Nam, “đánh tư sản” thực chất là quan chức Bắc cộng cướp những căn nhà có vị trí kinh doanh đắc địa của các nhà tư sản dân tộc miền Nam. Vợ con quan chức sau khi cướp đoạt những căn nhà mặt phố này hàng tháng ngồi không hưởng lợi hàng trăm triệu hồ tệ tiền cho thuê nhà mặt tiền làm địa điểm kinh doanh. Cho nên không lạ khi dân Hà Nội có câu cửa miệng chọn chồng chọn vợ phải có tiêu chuẩn “Nhà mặt phố, bố làm to.” Lẽ nào…???

TPT

(Little Sài Gòn, Ca)

Hình: Một vài hình ảnh tiêu biểu của trường phái “chiếm nhà mặt tiền” ở thành phố Garden Grove, OC, Nam Cali.