Người Paris vẫn thường hãnh diện với một câu nói dù chỉ là vui: Paris đất lạnh tình nồng. Paris ấm áp tình nồng vào những năm tháng đầu khi những bước chân của người Việt Nam bỏ xứ tìm đến định cư, vì những sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngoài những ngày lễ truyền thống dân tộc, còn có những buổi ra mắt sách, mà buổi nào cũng đều phải có phần văn nghệ ca nhạc đi kèm. Thỉnh thoảng cũng có những chương trình nhạc thính phòng đặc sắc do những ca sĩ tên tuổi đến từ Hoa Kỳ trình diễn. Và Paris đã lạnh, có vẻ càng ngày càng lạnh hơn bởi hiện nay cộng đồng người Việt ít còn dịp gặp nhau, vì những sinh hoạt văn hóa mỗi ngày mỗi ít đi, dường như cạn kiệt với muôn vàn lý do.

Tuy nhiên vào một buổi chiều cuối năm (2/10/2022), người Việt tại Paris và những vùng phụ cận đã vô cùng ngạc nhiên, thích thú với bao cảm xúc bồi hồi khi được xem một màn trình diễn nhạc kịch Đàn Ca Tài Tử (ĐCTT), mà diễn viên chính không phải là một nghệ sĩ cổ nhạc nào đó đến từ Việt Nam; cô là một người trẻ sinh sống từ lâu tại Paris, được hấp thụ, trui rèn bởi nền văn hóa Pháp. Điều này gây nên sự chú ý của rất nhiều người. 

Mời quý độc giả theo dõi cuộc trò chuyện của Đặng Mai Lan và nghệ sĩ Trúc Tiên.

Chương trình Đàn Ca Tài Tử – Thương, 2018, Studio Raspail Paris 14. Trúc Tiên với: Công Trường (bầu),Nguyễn Phước (trống), Hoàng Cơ Thụy (cò), Bích Hiền (tranh), Huỳnh Tuấn (kìm), Văn Môn (guitare ô phím lõm)        

Đặng Mai Lan: Trong khoảng thời gian cộng tác với nguyệt san Ái Hữu do nhóm sinh viên Orsay – Nam Paris chủ trương, chúng ta đã có đôi lần gặp nhau đâu đó, có thể là vào những dịp Tết… Trong tôi, TT hình ảnh của một cô sinh viên trẻ trung, xinh đẹp. Bây giờ gặp lại, TT đã một nghệ sĩ đứng trên sân khấu biểu diễn nhạc cổ truyền. Thực sự tôi không biết TT có viết lách hay làm văn nghệ ca-vũ-nhạc-kịch cho những hội đoàn lúc đó không?

TT có thể cho khán giả biết chút ít về mình trước khi chúng ta vào chuyện chính là nghệ thuật ĐCTT, nhé.

Trúc Tiên: Thưa chị, TT theo gia đình sang Pháp lúc tuổi mới hơn 10, và có thể nói là vào đầu thập niên 90 TT mới tập tễnh theo anh Vũ Hạ – là anh nhà – và nhóm nhạc Thạch Cầm (do các anh Ngô Càn Chiếu và Vũ Hạ thành lập) bước vào làng văn nghệ, giúp những chương trình nhạc như Ðại Dương Ðen, Cùng Hát Cho Nhau… nhưng chỉ giúp những việc «sau cánh gà» [hậu trường] thôi ạ. Bên báo chí thì TT minh hoạ và viết một vài truyện ngắn, vài bài thơ… đóng góp vào một số tờ báo như Ðồng Hành, Ngày Mới… Nhưng lúc đó TT còn rất bé, chủ yếu chỉ là theo các anh chị để học hỏi.

Nghệ sĩ Trúc Tiên

ĐML: Như vậy thì TT đã bước  chân vào văn chương rất sớm và ít nhiều cũng ảnh hưởng tới âm nhạc từ ông xã, những người bạn sinh hoạt nghệ thuật âm nhạc ở Paris. Tôi thấy, về ca hát thì hát hay hay không, đa số ai cũng thích hát. TT được sở hữu một giọng ca mạnh mẽ, truyền cảm nhưng không hề có ý muốn trở thành một ca sĩ tân nhạc sao?

TT: Cũng có đôi ba bận TT hát Thánh Ca trong Ca Ðoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris đó chứ. Nhưng chắc ý chị muốn hỏi vì sao TT chọn cổ nhạc phải không ạ? Chắc vì quê TT ở Mỹ Tho, cái nôi của ÐCTT nên TT cảm thấy thể nhạc này gần gũi với mình hơn.

Restaurant “Escale Sài Gòn” (quận 14 Paris). Tính từ người đầu tiên hàng bên trái vòng qua bên phải: – Nhất Linh – Trần Vĩnh (nhạc sĩ saxophone) – Ngô Càn Chiếu (nhạc sĩ Paris) – Lê Tứ – Huỳnh Tuấn – Văn Môn (được mời ở VN qua diễn vở KIỀU) – Thư Hiên – Huế Hương – Trúc Tiên

ĐML: Vở nhạc kịch “Kiều” mà TT trình diễn, tôi tiếc hôm đó không đến dự được, nhưng tôi thực sự ngạc nhiên, cảm kích khi nghe những bài hát trong các CD đàn ca tài tử do Trúc Tiên trình bày. TT có thể cho biết vì đâu, tại sao TT lại bước vào bộ môn cổ nhạc này, có thể nói là rất khó khăn và khá lẻ loi?

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

TT: ÐCTT với TT không biết nên dùng chữ «duyên» hay chữ «nghiệp» cho đúng nữa. Hồi nhỏ, khi còn ở bên nhà ba mẹ đi vắng suốt nên mấy chị em ở với ông nội. Cứ chiều chiều thì nội đem đàn kìm ra sân gảy cho cả xóm nghe. Nội dạy TT hát mấy câu Xàng Xê, Nam Xuân, Nam Ai… Nội kể ngày xưa ông cố ông sơ cất công đem thể Nhạc Cung Ðình xuôi Nam nên bây giờ mình có bổn phận gìn giữ. Nghe nội nói là ba TT hồi trẻ cũng theo gánh hát Cải Lương, nhưng lúc lập gia đình rồi thì không đi hát nữa. Thế rồi gia đình TT sang Pháp. Ðến năm 1990 thì được tin nội mất. Một lần về lại bên nhà bỗng thấy trên đài truyền hình một ông cụ hát bài làn điệu Nam Ai làm TT nhớ nội và những điệu ÐCTT quá mức… Sau khi tốt nghiệp Sorbonne, TT ghi danh làm luận án về âm nhạc cổ truyền nên nhờ thế được dịp may vì có một số lần gặp gỡ và học hỏi với bác Trần Văn Khê riêng về bộ môn nghệ thuật này.

Hàng trên từ trái qua phải: Văn Môn (nhạc sĩ guitar phím lõm); Huỳnh Tuấn (nhạc sĩ Kìm Bầu); Thu Thảo (đàn tranh); Mỹ Dung; Quang Tú; Ngọc Phượng; Lê Tứ; Văn Đệ; Đình Đại (ca sĩ Paris); Nguyễn Linh Quang (nhà văn Cổ Ngư); Bá Tùng (nhạc sĩ Paris); Bích Ngọc. – Hàng ngồi: Trúc Tiên và Kim Hoa

ĐML: Má tôi là một người rất thích cải lương. Ngày xưa ở VN, hầu như ngày nào bà cũng mở radio nghe những bài vọng cổ, những vở tuồng nên tôi cũng “bị” nghe theo. Kể như tôi cũng biết chút chút về Vọng Cổ, nhưng ĐCTT thì thú thực tôi hoàn toàn mù mờ. Đam mê đeo đuổi bộ môn này  thì chắc chắn TT phải biết rất rõ nguồn gốc?

TT: Tìm hiểu về gốc rễ của Ðàn Ca Tài Tử mới biết thể nhạc này được gieo mầm từ Nhạc Lễ và Nhã Nhạc Cung Ðình (xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 10, dưới các triều vua Lê và Ðinh, nhưng chỉ lưu hành trong phạm vi cung đình hội họp vua quan). Với nền tảng đó, ÐCTT được hình thành tại miền Nam vào cuối thế kỷ 19, do các nhạc quan theo Hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi xuôi Nam sinh sống, kháng chiến…

Dựa trên yếu tố xuất xứ từ Nhã Nhạc Cung Ðình, bộ môn nghệ thuật Việt Nam được sử sách ghi dấu, trải qua bao thăng trầm của các triều đại, bao biến thiên của thời cuộc mà vẫn còn lưu lại được một di sản đáng kể có thể sử dụng để nghiên cứu về nhiều mặt: nhạc khí đa dạng, sắp xếp dàn nhạc tinh vi, nhạc ngữ độc đáo, bài bản dồi dào và quan điểm thẩm mỹ sâu sắc – Unesco đã công nhận «Ðàn Ca Tài Tử là di sản văn hoá phi vật thể» phải giữ gìn.

Nhã Nhạc 1911

ĐML: Cái mầm ĐCTT đã được gieo trồng từ gia đình vào những ngày TT còn rất bé, vậy phải mất bao nhiêu năm học hỏi, trau luyện TT mới vững vàng trên sân khấu như ngày hôm nay?

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

TT: Song song với lý thuyết, TT học hát lại những điệu ÐCTT. Nhưng vì những lòng bản của các điệu ÐCTT – một phần nội để lại, một phần TT xin các bác bên nhà – ghi bằng ký âm xưa: xàng-xê-líu-cống, nên TT phải dành rất nhiều thời gian để học. Thêm nữa là TT ở Pháp, không có điều kiện thuận lợi như các anh chị bên nhà nên đã phải kiên trì theo đuổi hơn mười năm để được tương đối gọi là «đạt».

Ban đầu TT chỉ học hát vì thương nội và nhớ lời nội ký thác chứ không có ý nghĩ bước lên sân khấu trình diễn. Trong một lần họp mặt bạn bè, TT mới biết khi nhắc đến nhạc cổ miền Nam, ai ai cũng nghĩ là Vọng Cổ, Cải Lương; thời này, hầu như không ai còn phân biệt ÐCTT và Cải Lương nữa. TT nghĩ, ai ai cũng có gốc rễ. Nhạc cũng thế. Môn nghệ thuật cải lương là con cái của ÐCTT và là cháu chít của Nhã Nhạc. Rất nhiều người đã nghe và hát 6 câu vọng cổ, nhưng rất hiếm người hát những điệu Long Ngâm, Ngũ Ðối Hạ, Tứ Ðại Oán, Nam Ai, Nam Xuân… Chúng ta chỉ bắt gặp rải rác vài câu Phụng Hoàng, hay Xàng Xê trước khi vào vọng cổ trong những tuồng cải lương.

Ban đờn ca tài tử Nguyễn Tống Triều dự Hội Chợ Thuộc Địa ở Marseille, Pháp năm 1906.

ĐML: Sao là Nhạc Kịch ĐCTT mà không phải là tuồng cải lương?

TT: Ðàn Ca Tài Tử và Cải Lương là hai nghệ thuật riêng biệt.

Cải Lương là «con đẻ» của ÐCTT vì phát xuất từ ÐCTT. Có thể nói thế này: ÐCTT là «gốc rễ» và Cải Lương là «ngọn».

Các điệu ÐCTT phân biệt từng bài, từng âm điệu khác nhau. Ví dụ như bài Vọng Cổ là một trong những bài của Ðàn Ca Tài Tử, biến thể từ bài Dạ Cổ Hoài Lang, ra đời năm 1928, của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) sáng tác năm 1920. Sau các nhạc sĩ đôn từ nhịp 2, ra 4, 16 đến bây giờ là ra câu vọng cổ 32 nhịp.

Cải Lương đặt nặng về tuồng tiếc và diễn, còn Ðàn Ca Tài Tử thì nghiêng về âm điệu bài bản. Thế nên, trong những tuồng Cải Lương các soạn giả không ngần ngại cắt 4 câu Nam Ai, hay 8 câu Phụng Hoàng rồi đặt trước các câu vọng cổ (bài Vọng Cổ là trụ cột, trọng tâm của tuồng Cải Lương, trong một tuồng ta nghe hát nhiều lần bài Vọng Cổ). Còn ÐCTT thì chú tâm vào bài bản nên phải hát nguyên bài không cắt xén.

Vì muốn giữ trọn vẹn phong cách trình tấu của các bài bản ÐCTT, TT làm “Nhạc Kịch Ðàn Ca Tài Tử” thay vì «tuồng Cải Lương». Và trong Nhạc Kịch Ðàn Ca Tài Tử – KIỀU thì TT giữ nguyên những điệu ÐCTT, thêm vào diễn xuất cho lâm li sống động.

Nhạc kịch ĐCTT – Kiều, 2022, Théâtre Saint-Léon Paris 15. Cũng với hai dàn nhạc tân cổ Pháp, Việt

ĐML: Tôi tin rằng ngoài niềm đam mê nghệ thuật, hẳn là TT phải có một hoài bão khác phải không?

TT: Chị nói đúng! Bên nhà, thời gian gần đây, ngay cả Nhạc Viện [Quốc Gia Âm Nhạc cũ] cũng đã bỏ, không dạy bộ môn cổ truyền này nữa! Dần dần TT e rằng các thế hệ về sau sẽ không còn biết đến gia tài quý giá ông bà mình để lại.

Với ước mơ nhỏ bé là duy trì bộ môn nghệ thuật ÐCTT, TT đã làm gan, đánh liều ra mắt chương trình ÐCTT đầu tiên vào tháng 5 năm 2017 mang tên DẠ, trình bày những bài bản tổ của ÐCTT. Lần đầu tiên đó TT vừa kể thời điểm và xuất xứ từng điệu, vừa hát chỉ với hai nhạc sĩ đàn kìm và guitare ô phím lõm từ Việt Nam sang.

Chương trình Đàn Ca Tài Tử – Dạ, 2017, Théâtre Mandapa Paris 13. Văn Môn (guitare ô phím lõm), Huỳnh Tuấn (kìm, bầu) và Trúc Tiên

ĐML: Trúc Tiên đã thực hiện được mấy chương trình rồi?

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/11/2024)

TT: Chương trình mang tên DẠ, vì TT muốn nói «Vâng», xin nhận đây là gia tài ông bà mình để lại và xin được đứng ra kêu gọi mọi người giúp TT một tay lưu truyền, vì TT biết «một cánh én  không làm nên mùa xuân».

Chương trình Dạ may mắn được hưởng ứng nồng nhiệt nên TT mạnh dạn tiếp nối với chương trình THƯƠNG năm sau, 2018. THƯƠNG, vì TT nghĩ: có biết mới thương, và khi thương rồi thì mình sẽ quý, sẽ giữ.

Hồi xưa, ông bà mình hay lồng trong các điệu ÐCTT những diễn biến lịch sử hay huyền thoại dân gian cốt răn dạy, khuyên đe con cháu… Cũng là một cách vừa thưởng thức âm nhạc vừa ghi nhớ tác phẩm văn học nên TT phổ Truyện thơ LỤC VÂN TIÊN của cụ Nguyễn Ðình Chiểu sang nhạc kịch ÐCTT, ra mắt khán giả Paris năm 2019.

Và sau đó, đáng lý ra thì Nhạc kịch đàn ÐCTT – KIỀU, tác phẩm của cụ Nguyễn Du dự trù trình diễn năm 2020, nhưng vì dịch Covid-19 hoành hành nên phải dời năm lần bảy lượt đến tháng 10 năm 2022 nhóm Cội Nguồn của Trúc Tiên mới có thể diễn trên sân khấu Saint-Léon ở quận 14 Paris mà chị đã nghe nói đến đó.

 

ĐML: Đúng là “một cánh én không làm nên mùa xuân“, tiếng hát của Trúc Tiên sẽ không thể cất cánh bay cao nếu thiếu những nhạc công tên tuổi hàng đầu của nước nhà như Văn Môn, Huỳnh Tuấn, và những vở sử kịch sẽ không thể thực hiện hoàn hảo nếu không có phần phụ họa của các nghệ sĩ Lê Tứ, Mỹ Hằng. Tất cả những nghệ sĩ ấy đều đang sinh sống ở VN. Vậy TT có thể chia sẻ những khó khăn hay những niềm vui khi thực hiện ca kịch cũng như xuất bản và phát hành CD?

TT:  Khó khăn thì nhiều lắm chị ạ. Chị cứ tưởng tượng con nhỏ «lẻ loi» như chị nói ở câu trên, một mình về Việt Nam bôn ba khắp nơi tìm cho được nhạc công đàn các bản tổ của ÐCTT ra sao. Một lần về miền Tây, TT gặp một nhạc sĩ đàn kìm, nghe bà con giới thiệu là rành về bài bản. TT đến thưa với bác rằng TT muốn bác đàn trọn 43 câu Nam Ai cho TT hát. Bác trợn mắt nói một cách tỉnh bơ : «Thời này cô hát 43 câu Nam Ai cho ai nghe đây?»

Vui lắm, TT nhớ lần đầu tiên về Việt Nam thu âm các nhạc phẩm cho CD «DẠ», cũng là lần đầu tiên TT bước chân đến phòng thu. TT không thể quên được cái nhìn ngạc nhiên của các chuyên viên phòng thu hôm đó. Sau này, khi quen thân rồi thì các anh chị mới thú thật là lần ấy cứ nghĩ là sẽ gặp một bà già, trẻ lắm thì cũng phải trên 50 tuổi, tóc dài, mang guốc… Còn dáng điệu TT thời đó tóc ngắn con trai, tươi trẻ, tân thời…

Thú thật là thuở đầu đi hát trong các chương trình ở Paris, nhiều người hỏi : «Tại sao TT không hát tân nhạc ? Cổ nhạc quê lắm!» Cái định kiến về sự quê mùa kệch cỡm người mình dùng chữ “cải lương” lâu rồi đã quen, chị ạ.

Nhạc kịch ĐCTT – Lục Vân Tiên, 2019, Studio Raspail Paris 14. Trình tấu bởi dàn nhạc cụ cổ Việt Nam và dàn nhạc cụ Tây Âu

ĐML: Trúc Tiên những dự định nào trong những ngày sắp tới không?

TT: Sau nhạc kịch ÐCTT – KIỀU, TT nhận được rất nhiều đề nghị cho chủ đề của nhạc kịch tới. TT rất vui khi biết nhiều người còn rất quan tâm về bộ môn nghệ thuật cổ điển này nói chung và lòng ưu ái dành cho Trúc Tiên nói riêng. Trong đề nghị có rất nhiều chủ đề lịch sử, văn học… xưa và nay. TT đang tìm chủ đề nào cho hợp thời hợp lực để không phụ lòng quý khán giả Paris.

ĐML: Như đã nói, ngày xưa tôi nghe Cải Lương là “bị” nghe. Nhưng bây giờ nghe lại một vài câu vọng cổ thấy xúc động vô cùng. Nhớ má, nhớ nhà đã đành. Tôi còn cảm thấy tâm hồn mình như chạm vào cái hồn dân tộc, một điều gì đó rất thiêng liêng, làm mình nhớ quê hương tha thiết. Bây giờ qua TT, tôi thực sự thích thú khi được biết thêm về ĐCTT

TT có cần chia sẻ gì thêm với độc giả và những người mến mộ TT?

TT: Rất mong quý khán giả tiếp tục ủng hộ TT như những lần diễn trước, để gìn giữ gia tài ông bà mình để lại.

-oOo-

Cảm ơn Trúc Tiên, một nghệ sĩ đang cố gắng giữ gìn nền nghệ thuật cổ truyền của nước nhà, giữa Paris tân kỳ hoa lệ.

ĐML

(Paris, tháng 2/2023)