Nhạc sĩ, giáo sư dạy piano Linh Phương là một nữ nghệ sĩ dương cầm tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc tại Sài Gòn. Với tài năng, sự cống hiến trong hoạt động âm nhạc, chị đã vinh dự được International Biographical Center của Cambridge Anh Quốc chọn trao tặng Huy chương Danh dự trong danh sách 2000 nhạc sĩ xuất sắc của thế kỷ XX. Giải thưởng này có tên: “ 2000 Outstanding Musical of the 20th Century” vào năm 2001.

Ngoài ra, chị còn nhận các bằng khen từ chính quyền, ngành truyền thông, hội đoàn về những đóng góp tích cực của chị. Nhạc sĩ Linh Phương hiện đang sống tại Houston, Texas. 

Nhạc sĩ Linh Phương. Ảnh LP cung cấp.     

Sau 1975 chị bị nhà cầm quyền cộng sản bắt đi tù cải tạo 3 năm. Trải qua bao nghiệt ngã mới đến được bến bờ tự do, chị tiếp tục đeo đuổi con đường nghệ thuật âm nhạc và gặt hái được những thành công đáng là nguồn cảm hứng cho bất cứ ai yêu âm  nhạc. Ðể giới thiệu chị với độc giả Trẻ, chúng tôi  thực hiện cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Linh Phương (NSLP) tại thành phố Houston, Texas.

PV: Thưa chị, được biết chị là một khuôn mặt quen thuộc trong nhiều hoạt động xã hội và  âm nhạc trên một số băng tần của đài Phát thanh, đài Truyền hình Việt Nam từ Florida cho đến Texas. Chị có thể chia sẻ với độc giả Trẻ những gì chị đã trải qua? 

NSLP: Trước tiên, Linh Phương mến chào độc giả của Trẻ. Xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ, Cha là giám đốc trường nhạc, cũng là một nhạc sĩ nên tôi có sự ảnh hưởng trên con đường khám phá và sáng tạo. Từ 9 tuổi đã đánh đàn trong Vương cung Thánh đường Nhà thờ Ðức Bà tại Saigon hay theo Cha đi trình diễn nhiều nơi. Lớn lên tôi lại đàn cho chương trình văn học nghệ thuật của Ðài phát thanh Saigon, hoà âm cho các ban kịch sinh viên thời đó. Sau 1975, bị cộng sản xếp vào thành phần nguy hiểm bởi cộng sự với các trí thức hoạt động văn hóa từ Ðài phát thanh Saigon “ Mỹ ngụy”, lại còn là cái gai phục vụ âm nhạc cho tôn giáo vào chính thời điểm nhà cầm quyền không hề thích, do đó tôi bị bắt nhốt tù là điều không thể tránh khỏi.

Một lần, tôi bị tra tấn đau đớn, người ta kẹp các ngón tay đến chảy máu nhằm hủy diệt bàn tay để không còn cơ hội đánh đàn. Sau đó, một cán bộ Sở Công an thành phố chuyển tôi qua trại khác. Chuỗi ngày tháng đau khổ nhất không thể nào tưởng tượng nổi khi con cái vất vưởng làm những việc cực nhọc để sống. Sau 3 năm trong lao tù được thả, tôi lại vẫn can đảm tiếp tục phục vụ tiếng đàn trong nhà thờ.

Florida là vùng đất đầu tiên gia đình tôi đặt chân đến nước Mỹ Tự do. Trải qua hoàn cảnh đơn thân nuôi 4 con gồm 2 trai 2 gái; đôi khi “Con đi học, Mẹ đón con”  hoặc “Mẹ đi học, con đón Mẹ” thật là khó khăn chồng chất, nhưng tôi đã gắng vượt qua với nhiều vết thương lòng.

Nhạc sĩ bên dương cầm. Ảnh: nguồn Facebook 

PV: Cuộc đời của chị có tình tiết như trong một bộ phim, như một biểu tượng sống về số phận con người phải chịu đựng trong bối cảnh lịch sử Việt Nam cận đại dưới chế độ cộng sản. Từ câu chuyện thực không bao giờ quên ấy, chị đã ghi lại cho các thế hệ hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử đau thương qua nốt nhạc, lời ca tình tự. Chị có bao giờ ưu tư về sự lựa chọn gian nan, và chị đã được bao nhiêu sáng tác tác phẩm

Xem thêm:   Tự do hay là Chết

NSLP: Tôi vẫn âm thầm làm những gì mình có thể, và sẽ không bao giờ ân hận tiếc nuối về sự lựa chọn cho dù phải trả giá đắt, bởi vì sống phải có ý nghĩa, chứ không phải chỉ tồn tại.

Như bao nhạc sĩ sáng tạo khác, đa số đem lại niềm vui cho đời nhưng phía sau họ là sự khó khăn về mưu sinh, và tôi cũng không là ngoại lệ. Do vậy, tôi khá bận rộn với những lớp giảng dạy thanh nhạc, kỹ năng hát hay cho những học sinh yêu âm nhạc, thích biểu diễn.

Linh Phương đã cho ra đời Bộ sách bao gồm 12 cuốn soạn đặc biệt cho Piano nhạc Việt Nam và Ngoại quốc, được bán trên hệ thống Amazon. Ngoài những cuốn sách trao kinh nghiệm, tôi còn giới thiệu đến khán giả trên 50 album CD Piano solos các nhạc phẩm tình ca trong và ngoài nước.

Tôi thực sự đam mê đánh đàn từ nhỏ khi 4 tuổi, tham gia từ Nhà thờ Ðức Bà, nhiều chương trình nghệ thuật nổi tiếng, cũng sáng tác hàng trăm tác phẩm về nhạc đạo, tình ca, 120 tác phẩm phổ thơ …

Những miền đất nước đi qua đã trở thành nguồn cảm hứng cho các sáng tác mang theo chất tình tự quê hương, gắng giữ gìn bảo tồn văn hoá Việt Nam. Khi giảng dạy cho học sinh ngoại quốc, tôi đã đưa nhạc Việt vào để các em làm quen như Hòn Vọng Phu hoặc tình ca theo thể trưởng.

NS Linh Phương đang trả lời phỏng vấn Viet TV. Hình từ YouTube 

PV: Trên đường đời buồn vui đó, chị có thể kể một kỷ niệm sâu đậm ở Việt Nam trước 1975? 

NSLP: Kỷ niệm nhớ nhất, một lần trong chuyến đi tiền đồn vào dịp Tết, ngay khi tôi đang trên sân khấu trình diễn thì một tiếng nổ kinh hoàng của một trái rocket rơi xuống làm hư keyboard. Sau đó, tôi được một người lính VNCH không hề quen biết lột chiếc nhẫn quý giá nhất đang đeo của anh và trao cho tôi, nói rằng muốn giúp tôi có cơ hội mua một cái đàn mới cho kịp trình diễn vào những ngày Tết này. Ðây là hình ảnh tuyệt vời mà tôi nhớ mãi.

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

PV: Thạch Thảo từng nghe vài CD sáng tác của Nhạc sĩ Linh Phương, đã nhận ra chị có kết hợp nhạc dân tộc với nhạc Tây phương vào tác phẩm của mình và cả tác phẩm phóng tác?

NSLP: Trên con đường sáng tạo, tôi luôn tìm cách đưa cái Hồn dân tộc vào âm nhạc, cảm xúc ấy được thể hiện qua những sáng tác độc tấu từ tác phẩm của nhiều tác giả hoặc do tôi sáng tác.

Riêng về phóng tác, đó là ước mơ đã nằm trong tiềm thức của tôi, như bài “ My Way “ nổi tiếng của Paul Alka, nguyên tác nhạc Pháp là bài đầu tiên Linh Phương phóng tác bằng lời Việt và đã chạm vào trái tim người nghe.

(Người thứ 2 từ phải qua trái) Nhạc sĩ Linh Phương cùng với các ca nhạc sĩ. Ảnh: Nguồn Facebook 

PV: Là nhạc trưởng ban nhạc “Đêm đô thị”, “Về nguồn”  tại Florida 1985 – 2003, có bao giờ chị tận dụng những ưu thế ấy để ra đời một sáng tác dành cho nước Mỹ – quê hương thứ hai của mình? 

NSLP:  Người ta thường nói: “Lòng Ơn Nghĩa là Nhân Cách” nên tôi thật sự tri ân đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang gia đình mình, đặc biệt các cựu chiến binh Mỹ – Việt. Tôi luôn nói các con phải gắng làm việc khi còn sức khỏe, đó cũng là cách trả ơn, nhớ ơn.

Ðể biết ơn nước Mỹ, quê hương thứ hai, tôi đã sáng tác bản “Thank you America” bằng lời Anh và Việt, được ABTV 21.12 phát sóng và Nhóm Hồn Việt tại Houston truyền tải, đã thu hút số lượng đông đảo người yêu thích trên mạng xã hội.

PV: Được biết ngoài là một nghệ sĩ và giáo sư dạy piano chị còn những hoạt động xã hội khác, xin chị cho độc giả được biết về lãnh vực này.

NSLP: Trước năm 1975, tôi đã phụ trách phần hoà âm cho các chương trình Văn học Nghệ thuật trên Ðài phát thanh Quốc gia, Ðài phát thanh Quân đội vào 1966 -1975 . Tôi là nhạc sĩ duy nhất trình tấu piano tại Toà Lãnh  Sự Pháp tại Saigon.

Sau khi định cư tại Mỹ, tôi tiếp tục có mặt trong một số chương trình âm nhạc, trong ban Giám khảo Giọng ca vàng, Tiếng hát Houston do Ðài truyền hình ABTV tổ chức. Tôi đã phục vụ cho các Hội đoàn Cộng đồng Việt Nam và cùng nhiều sắc dân Á Châu; tham gia một số chương trình của Ðài phát thanh, truyền hình Việt tại Mỹ từ 2004 cho đến hiện tại. Ngoài ra, tôi cũng dành thời gian ghé thăm giúp người già ở nhà dưỡng lão, tặng sách, an ủi… và được bằng khen của ông Sylvester Turner, Thị trưởng thành phố Houston.

Nhạc sĩ Linh Phương tại một đêm trình diễn ở Florida.

PV: Với bề dày sự nghiệp âm nhạc từ thập niên 70 cho đến nay qua các dòng nhạc khác nhau, chị có kế hoạch gì trong tương lai không? 

Xem thêm:   Nị ăn cơm chưa?

NSLP: Ðể kỷ niệm cuộc đời âm nhạc của Linh Phương, tôi may mắn được các Anh Chị Em nghệ sĩ góp bàn tay thực hiện chương trình “55 Năm Âm Nhạc và Tình Yêu” sẽ tổ chức vào ngày 12 tháng 2 năm 2023 tại Houston, TX. Ðây là món quà tinh thần vô giá trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình.

Ngày ấy, tôi sẽ gây bất ngờ cho khán giả khi biểu diễn đặc biệt nhạc dân tộc, khai thác cái Hồn quê hương từng âm điệu dương cầm, bên cạnh những tình ca ngoại quốc mang theo cảm xúc.

PV: Chúc nhạc sĩ Linh Phương thành công với kế hoạch sắp đến. Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn, chị có lời chia sẻ gì gởi đến bạn đọc khắp nơi? 

NSLP: Là một độc giả Trẻ từ lâu, được biết nhiều người nổi tiếng đang hợp tác với Trẻ nên tôi càng yêu quý hơn. Cảm ơn báo Trẻ đã dành thời gian cho tôi được cơ hội gởi thông điệp ước mong các thế hệ tiếp theo gắng giữ cội nguồn qua âm nhạc nghệ thuật dù sống ở nơi nào.

TT

Nhạc Sĩ Linh Phương

“Từ vài năm qua, nữ nhạc sĩ Linh Phương, trước mùa hè năm 2004, chị cư ngụ tại Orlando Florida, Hoa Kỳ bắt đầu sản xuất những CD độc tấu dương cầm qua những ca khúc nổi tiếng Việt Nam. Tiếng đàn dương cầm của một nữ nhạc sĩ vừa có tài đàn, lại có tài soạn hòa âm cho tất cả những bài bản trình tấu. Hơn thế nữa, chị lại có tài năng sáng tác cả nhạc lẫn lời, và phổ nhạc những bài thơ chọn lọc…”

“…Năm 1997, chị có gởi cho tôi một CD đầu tiên với tiếng đàn độc tấu dương cầm. Năm 2000, chị gởi cho tôi thêm hai CD với tiếng hát Huyền Châu, ca sĩ ở Canada cùng với một tập dạy đàn dương cầm cho những bản tân nhạc nổi tiếng.

Chị Linh Phương rất thích mưa, cho nên những tựa CD của chị đều mang chữ  “Mưa” như “Mưa Lệ” (CD đầu tiên), “Mưa Tình” (CD thứ nhì), “Mưa Tương Tư” (CD thứ ba). Cả ba CD đều được chị độc tấu dương cầm. Năm 2001, có hai CD khác với tựa “Mưa Giao Mùa”“Mưa Dĩ Vãng”….”

“…Năm 1994, Linh Phương phổ nhạc bài thơ “Yêu Trăng” của Hà Bỉnh Trung, một loại thơ ngũ ngôn. Huyền Châu ca thêm những bản “Dạ Khúc” nhạc Schubert, (lời Việt Phạm Duy), “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” (Phạm Duy, thơ Minh Đức Hoài Trinh), “Mắt Buồn” nhạc và lời Linh Phương, và “Tình Khúc Thứ Nhất” nhạc Vũ Thành An, (thơ Nguyễn Đình Toàn)”

“…Linh Phương đã cố gắng mang lại cho giới trẻ Việt Nam những bản nhạc “để đời” như “Hương Xưa” (Cung Tiến), “Nửa Hồn Thương Đau” (Phạm Đình Chương), “Bao Giờ Biết Tương Tư” (Phạm Duy/Ngọc Chánh), “Tiếng Dương Cầm” (Văn Phụng), “Chiều Tím” (Đan Thọ), “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” (Phạm Duy/Ngọc Chánh), “Chừng Như Sóng Vỗ Mơ Hồ” (Vy Hùng), “Thuyền Trăng” (Nhật Bằng).

Tất cả các bản này đều do Linh Phương soạn hòa âm cho piano in thành sách, đồng thời có kèm theo một cuốn băng để cho người học có thể nghe và tập đàn theo. Việc làm này hiếm có trong giới nhạc Việt, và tôi rất hoan nghinh chị Linh Phương đã thực hiện một việc mà ít có ai nghĩ đến….”

(Trích) Nhạc sĩ Trần Quang Hải

Paris