Các vụ bê bối gian lận vào đại học vừa qua đã cho thấy sự mong muốn có con cái được theo học các đại học danh tiếng nước Mỹ hiện diện trong mọi tầng giới xã hội. Với tỉ lệ thu nhận sinh viên từ 5% đến 9% giữa các học sinh xuất sắc, cuộc chạy đua vào hệ thống đại học Ivy League cùng các đại học lớn khác xem ra đầy cạnh tranh. Trên số báo hôm nay, chúng tôi mời các bạn theo dõi dăm kinh nghiệm nộp đơn từ Thủ Khoa Norman Chung, là một học sinh được đại học Yale và CalTech cấp học bổng toàn phần cho mùa học tới.

Đinh Yên Thảo (DYT): – Lời đầu tiên là xin chúc mừng Norman Chung. Norman có thể giới thiệu đôi nét về thành tích học vấn cùng các hoạt động ngoại khóa của mình ra sao?

Norman Chung (NC) (trích từ hồ sơ cá nhân): Norman theo học chương trình IB (International Baccalaureate) tại Garland High School, Texas,  tốt nghiệp Thủ Khoa trung học 2019 với điểm GPA trung bình là 5.6 cùng điểm thi SAT là 1530.

Norman là thành viên kiêm đội trưởng đội tuyển Toán của trường, thành viên câu lạc bộ Toán Học Mu Alpha Theta, thành viên đội kèn tây (marching band) và là thành viên câu lạc bộ tiếng Pháp. Các giải thưởng từng nhận được bao gồm Học vấn xuất sắc cấp quốc gia 2019 (National Merit Finalist), thuộc đội tuyển Vô Ðịch Quốc Gia 2015 (Academic Pentathlon), giải thưởng các cuộc thi Toán Học cấp Nha Học Chánh đến tiểu bang, danh sách Danh Dự hàng năm… Norman còn tham gia các công việc thiện nguyện như là làm trợ giáo lớp Việt Ngữ tại Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp và dạy toán cho học sinh trung học tại Austin Academy Middle School tại Garland, TX.

Norman Chung trong đội kèn đồng

ĐYT:Với thành tích học vấn và hoạt động như vậy, Norman nộp đơn vào đại học thế nào và kết quả ra sao?

NC: – Em bắt đầu nộp đơn đại học hồi tháng Chín qua ApplyTexas và QuestBridge (KTT: hai trang mạng dành cho các học sinh trung học nộp đơn, điểm và luận văn… vào các đại học Texas và nước Mỹ). Nói thật là em nên nộp đơn sớm hơn. Ðến tháng 10 thì em được QuestBridge chấp thuận để mình nộp đơn vào hệ thống tìm kiếm các đại học phù hợp (QuestBridge’s College Match) cho mỗi đại học riêng biệt mà em chọn là MIT, Princeton, Yale và Stanford. Ðến tháng 12 thì em nhận được lời chúc mừng đã được nhận vào Ðại Học Yale với học bổng toàn phần. Ðồng thời em cũng nhận được thư chấp thuận từ các ÐH Texas như UT, UTD và Texas A&M. Thư trả lời sẽ theo học ÐH Yale không bị ràng buộc nên em đã nộp thêm đơn vào ÐH Rice và Caltech. Kết quả cuối cùng là được Yale và Caltech thu nhận, được vào danh sách dự bị (waiting list) các ÐH MIT, Stanford, Princeton và Rice. Sau khi đi thăm cả hai trường thì em đã quyết định sẽ theo học tại Ðại Học Caltech thích hợp với ngành Cơ Khí mà em muốn theo học hơn.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

ĐYT: – Từ kinh nghiệm này, Norman có chia sẻ kinh nghiệm gì với các bạn sẽ tốt nghiệp trong các năm tới? 

Norman Chung tại một hoạt động thiện nguyện

NC: – Có vài điều em có thể chia sẻ với các bạn như sau:

– Thứ nhất là hãy bắt đầu càng sớm càng tốt, có thể ngay từ Hè. Càng có nhiều thời gian để viết luận văn và chuẩn bị các thứ thì càng tốt và càng ít bị áp lực tâm lý.

– Thứ nhì là chọn trường để nộp đơn một cách thận trọng. Norman nộp quá nhiều đơn vào các ÐH Texas mà lẽ ra chỉ cần một trường trong trường hợp các trường kia từ chối. Cách chọn trường sao cho an toàn, phù hợp, trong khả năng mình và nên có ý niệm trường nào thích hợp với mình để khỏi bị khổ sở và tốn tiền lệ phí nhiều.

– Thứ ba là nộp đơn qua QuestBridge nếu có thể. Ðây là chương trình dành cho các học sinh trong các gia đình có thu nhập thấp (chú thích KTT: để đủ điều kiện sử dụng QuestBridge, thu nhập gia đình bốn người là dưới 65 ngàn/năm và các học sinh hoặc được xếp hạng 5-10% toàn khóa, có điểm SAT cao hơn 1320… Xin xem thêm chi tiết trên trang mạng này tại QuestBridge.org).

– Thứ tư là nếu đủ điều kiện xin miễn lệ phí thi SAT/ACT thì nên làm vì nó không chỉ miễn lệ phí thi mà cả lệ phí gởi điểm đến các đại học cũng tốn nhiều tiền.

ĐYT: – Luận văn là một trong những điều để các đại học hiểu về người sinh viên tương lai hơn, với Norman thì chúng bao gồm những đề tài gì?

NC: – Em nghĩ là luận văn của mình giúp cho người đọc hiểu được điều mình thích và lý do tại sao. Em viết về việc thích đọc sách, chơi kèn trong ban nhạc, chơi video game, coi các kênh Youtube về giáo dục trong các đề tài em thích… Toán học là đề tài lớn nhất em đã viết. Các đề tài này có vẻ như ngẫu nhiên nhưng thật ra nó cho thấy sự liên quan đến con người mình, không phải chỉ có học mà thôi.  Em có thêm lời mách đến các bạn trong việc viết luận văn vào đại học là, hãy viết về tính cách mình trong góc tốt nhất. Bạn có thể không nghĩ mình là một người thú vị nhưng ai cũng có điều gì đó làm họ trở nên thú vị để mà viết. Thêm nữa là sau khi viết luận văn thì nên nhờ ai đó đọc lại giùm để đề nghị chỉnh sửa, soát lỗi văn phạm, cũng như viết thật sớm để có thời gian chỉnh sửa.

Norman Chung và cha mẹ

ĐYT: – Norman có thể kể dăm câu hỏi mà Yale hay Caltech đã đặt ra hay không?

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

NC: – Bên cạnh các câu hỏi và hồ sơ trên QuestBridge, Yale có hai câu hỏi riêng là “Tại sao ngành học này (Cơ Khí) thu hút bạn?” và “Ðiều gì về Yale đã khiến bạn nộp đơn?”. Còn Caltech thì có vài câu hỏi như sau, “Kể ba kinh nghiệm hay hoạt động khác nhau đã giúp bạn tăng niềm đam mê về khoa học kỹ thuật và toán (STEM)”, “Sinh viên Caltech thường có óc hài hước và đùa vui sáng tạo. Bạn thích làm gì cho sự vui vẻ?”, “Giống nhiều đời sống của các khoa học gia và kỹ sư, đời sống những sinh viên Caltech (Techer) dựa vào sự hợp tác mạnh mẽ lẫn nhau, bạn hy vọng sẽ khám phá, cải đổi, sáng tạo những gì với các bạn học khác?” và “Quá trình khám phá những kỹ thuật tân tiến nhất đến từ hàng loạt những nền tảng, kinh nghiệm và nhận thức khác nhau. Bạn sẽ thấy mình có thể đóng góp được gì vào sự đa dạng tại Caltech?”.

ĐYT:Đó là những câu hỏi thú vị và cho các đại học cơ hội hiểu thêm về sinh viên tương lai.  Như Norman thì tại sao chọn ngành Cơ Khí?

NC: – Em luôn thích những môn khoa học kỹ thuật và toán (STEM) hơn những môn học khác nên làm việc trong lãnh vực này là điều em thường nghĩ đến. Em muốn theo ngành Cơ Khí nói riêng bởi nghĩ đó là ngành kỹ thuật sẽ mang đến mọi thứ cho đời sống và em nghĩ mình làm kỹ sư Cơ Khí sẽ thú vị với mình hơn là theo học Y Khoa chẳng hạn.

ĐYT: – Đó là một sự chọn lựa xác đáng. Thật ra vì nhiều lý do, không phải học sinh Việt Nam nào cũng lựa chọn hay được khuyến khích lựa chọn ngành học phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Norman định nghĩa thế nào về việc chọn lựa ngành nghề phù hợp?

NC: – Với em, việc chọn lựa ngành nghề phù hợp là làm sao vừa có thu nhập để sống trong khi làm được công việc mình ưa thích.

Sinh hoạt trong Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

ĐYT: – Norman nghĩ rằng những yếu tố chính yếu nào đã giúp Norman và các học sinh khác được thu nhận vào một trong những đại học Ivy League hay nổi tiếng khác?

NC: – Em không nghĩ chỉ riêng một yếu tố  nào đó sẽ giúp mình được thu nhận vì có nhiều điều trong hồ sơ ứng tuyển. Ðiểm học, điểm trung bình, điểm thi… đều quan trọng vì các đại học này muốn chắc chắn mình có thể kham và tốt nghiệp chương trình huấn luyện của họ. Dẫu vậy khi có hai thí sinh có điểm ngang ngửa thì sự khác biệt sẽ là bạn đã làm gì khác hơn chuyện học. Cân bằng giữa việc học và các hoạt động ngoại khóa là khía cạnh quan trọng khác.

Xem thêm:   Dubai

Em nghĩ chứng tỏ mình có khả năng và là một con người thú vị là hai yếu tố chính trong một bộ hồ sơ. Ngay cả khi có đủ hai điều này thì vẫn có thể bị từ chối như thường bởi đơn giản là không đủ chỗ hết cho tất cả. Nói chung là hãy cố hết sức mình nhưng cũng đừng quá thất vọng nếu không được nhận vào. Không phải ai cũng được vào và còn có nhiều trường tốt khắp mọi nơi.

ĐYT: Đúng vậy, các đại học danh tiếng đặt sứ mệnh huấn luyện những cá nhân có khả năng và mang mục tiêu đóng góp to lớn cho xã hội hơn là chỉ nhắm đến thành công và mưu lợi cá nhân. Như Amaris Lewis, một học sinh da màu tại New Orleans đã được hầu hết các đại học Ivy League cùng MIT, Stanford cấp phát học bổng tổng cộng đến 2.6 triệu đô la, trong khi khá nhiều học sinh có điểm số cao hơn rất nhiều vẫn bị từ chối. Norman nghĩ sao?

Phụ tá lớp VIệt Ngữ tại Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

NC: –  Thật ra đây là điều có thể giải thích. Như em đã trả lời là các đại học này muốn thấy bạn là người có khả năng cả trong và ngoài học đường.  Dựa theo những gì em đọc được thì cô này có khả năng cao hơn chuyện được theo học các đại học Ivy. Ðiểm GPA 4.4 của Amaris có thể không phải cao nhất nhưng đó là điểm số rất giỏi, tuy nhiên việc nghiên cứu và làm vô số điều hay ho bên ngoài trường học đã chứng tỏ sự chuyên tâm và thái độ làm việc của cô đến với các đại học đã chấp thuận cô.

ĐYT:Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện này, xin hỏi thêm Norman rằng, nỗ lực và thành tích của Norman đã giúp Norman được các đại học lớn thu nhận. Còn cha mẹ Norman thì sao?

NC: – Em chỉ muốn cảm ơn cha mẹ về tất cả những gì mà cha mẹ đã làm suốt 17 năm qua trong cuộc đời của em. Không có sự vất vả mỗi ngày của cha mẹ thì em sẽ không có được một nửa những gì em đạt được hôm nay. Phần lớn sự thành công của em hôm nay là thời gian, công sức, tiền bạc mà cha mẹ đã hy sinh cho em và đó là điều em sẽ luôn biết ơn.

ĐYT: Cảm ơn Norman Chung đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích đến các bậc phụ huynh và bạn bè trang lứa trên số báo hôm nay. Mến chúc Norman sẽ luôn đạt được thành công tại Caltech và trong tương lai. 

ĐYT thực hiện

Dallas, TX