Kỳ thị là khái niệm không mới, theo ý tôi, kỳ thị đã xuất hiện trong xã hội loài người kể từ khi con người có tích lũy của cải và biết phân chia giai cấp. Thuở xa xưa, của cải trong gia đình tập trung vào tay người đàn ông chủ gia đình, nếu người đàn ông qua đời, số của cải ấy cha mẹ, anh em bên chồng được quyền thừa kế, còn vợ của người quá cố thì không được chia, không có quyền gì đối với tài sản của chồng mình. Vì vậy, cách đây hơn hai ngàn năm (thời Cựu Ước) bà góa thì luôn đi đôi với nghèo và cô thế, bị miệt thị trong xã hội, tôi cho rằng đó chính là sự kỳ thị.

Phụ nữ online

Riêng Ðức Jesus thể hiện hành động ngược lại, Người trân trọng tấm lòng quảng đại, hy sinh của các bà góa nghèo. Sách Tân Ước chép rằng: Trong lúc giảng dạy, Ðức Jesus nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”. Ðức Jesus ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Ðền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. Ðức Jesus liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”. Câu chuyện dụ ngôn này, “bà góa nghèo” là nhân vật chính, được nhấn mạnh bằng cách lặp đi lặp lại và đề cao.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Thời nay, sự kỳ thị đã không hề mất đi, mà còn “nâng tầm” lên với nhiều hình thức mới hơn, tinh vi hơn, đa dạng hơn bởi sự toàn cầu hóa xã hội loài người. Người giàu kỳ thị kẻ nghèo, giai cấp quý tộc kỳ thị giai cấp lao động, đàn ông kỳ thị đàn bà, người có gia đình sung túc kỳ thị người kém may mắn hơn họ v.v. Kỳ thị giữa các màu da với nhau, kỳ thị giữa các sắc dân với nhau, rồi cùng một màu da, một nòi giống cũng kỳ thị lẫn nhau. Không cần nói đâu xa, giữa người Việt cũng kỳ thị người Việt: giàu kỳ thị nghèo, người cũ kỳ thị người mới, có học kỳ thị ít học v.v.

Cá nhân tôi đã là người trong cuộc của sự kỳ thị ngay trong trường tôi học, nhưng tôi không bận tâm vì tôi đã quá già đời để không “shock” như bọn trẻ vị thành niên. Một cô giáo Mễ da trắng xinh đẹp, một thầy giáo lai đen đến từ Cộng hòa Dominica luôn tỏ ra ân cần, quan tâm tôi khi họ biết tôi đến từ Việt Nam để tỵ nạn chính trị và sống một mình, họ vui mừng khi thấy mỗi ngày tôi đều đến lớp đều đặn, họ lo lắng sợ tôi vì cuộc sống khó khăn mà bỏ dở hay xao lãng việc học. Nhưng cũng có người hành xử ngược lại. Có lần, cảnh sát bao vây nguyên khu vực trường học để vây bắt tội phạm “sổng chuồng,” tất cả học sinh phải ngồi yên dưới đất trong phòng học cho đến khi báo động an toàn. Bà cô giáo đen và phần lớn các “bà” học sinh líu ríu, hoảng hốt, mếu máo, nháo nhác tìm cách nhìn ra cửa, gọi điện thoại báo người nhà… Tôi cũng ngồi xuống nền nhà, thản nhiên như không, chờ đến khi loa kêu ra ngoài thì tôi đi về chớ không tranh chạy ra trước như họ. Qua hôm sau, “các bà” lại tranh nhau bày tỏ nỗi sợ của họ, tôi cũng mỉm cười làm thinh. Bà cô giáo hỏi tôi bộ không hiểu chuyện gì xảy ra hôm qua sao? Tôi trả lời tôi biết, nhưng với tôi không có gì phải sợ, đó là một phần công việc của tôi khi ở Việt Nam, tôi đã từng là cảnh sát. Nghe tôi nói vậy, lập tức bọn họ (tức bà giáo và các bà Mễ thường nịnh cô giáo) tỏ thái độ như tôi là kẻ nói dối ngu xuẩn vậy, trong khi họ cũng là người mới tới Mỹ có vài tháng, còn ở nhờ thân nhân và chưa học hết trung học tại quê hương họ. Lại có một cô giáo khác trong bất cứ thư từ, giấy tờ, bài học nào cũng luôn ghi chữ “Tiến sĩ” đứng trước tên của cổ. Tôi biết giáo viên trường College chính phủ nếu không có bằng Tiến sĩ thì không được đứng lớp giảng dạy, nhưng các giáo viên khác chưa có ai mở miệng ra là “Tiến sĩ” như cô giáo này.

Xem thêm:   Dubai

Tôi cũng có “kỳ thị” khi tôi rất ghét những ai trèo lên ngồi xổm trên bệ toilet công cộng để lại nguyên xi dấu giày; tôi ghét những ai vô quán ăn mà cười nói ha há, hô hố, dzô dzô ầm ĩ; tôi ghét những ai lái xe máy nổ ầm ầm xả khói đen ngòm… Tôi mong cho họ gặp cảnh sát tuần tra chặn lại “tặng” cho vài vé phạt tội làm ô nhiễm môi trường. Tôi ghét những người Việt mới qua đem theo cái “văn hóa” nịnh bợ, đút lót, hối lộ giáo viên, gian lận thi cử từ Việt Nam vô các trường học ở đây; e rằng thời gian sau môi trường giáo dục (có nhiều “người Việt mới”) lại “ô nhiễm” y chang giáo dục xứ Việt cộng.

Hơn một năm nay, khái niệm kỳ thị được “nâng cấp lên tầm cao mới,” thành phong trào, thành mục tiêu, mà cũng có thể ai đó lợi dụng “kỳ thị” để phục vụ mục đích chính trị cho cá nhân, tổ chức nào đó, thành “vũ khí” để triệt hạ đối thủ… Gần đây, kể từ khi xảy ra vụ xả súng ở tiểu bang Georgia làm chết 8 người vô tội, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á, thủ phạm đã bị bắt nhưng cảnh sát chưa kết luận nguyên nhân, mục đích của thủ phạm. Kế tiếp, tiểu bang Colorado xảy ra vụ xả súng ở siêu thị làm chết 10 người da trắng, thủ phạm bị bắt tại chỗ cũng là người da trắng gốc Sirya, cảnh sát đang tiếp tục điều tra nguyên nhân gây án. Và nhiều vụ người gốc Á khác bị tấn công bạo lực vô cớ, làm dấy lên sự lo sợ trong các cộng đồng gốc Á, trong đó có người Việt ở Little Sài Gòn (quận Cam.) Nhiều người khẳng định ngay, đó là “kỳ thị” và vận động, hô hào, rủ nhau “làm luật chống kỳ thị.” Cũng có người mỉa mai rằng: “6 Chinese women killed by a white guy – IT’S RACIST. 10 white people killed by a Muslim – IT’S GUN VIOLENCE.” (6 người phụ nữ Trung Quốc bị giết bởi một người trẻ da trắng – Nó là “kỳ thị.” 10 người da trắng bị giết bởi một người Hồi giáo – Nó là “bạo lực súng đạn.”)

Một số người Việt rủ nhau “thủ” sẵn những bình xịt hơi cay trong người mỗi khi ra đường. Nhưng nhờ người Việt, người Hàn, người Mễ ở đây rất đông, nên tình hình không đáng ngại, ai sợ cứ sợ, ai không sợ cứ thản nhiên như không. Mà sự thật là quận Cam vẫn chưa xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Khu vực tôi đang sống phần lớn gia đình người Mễ, vài gia đình Mỹ trắng, vài gia đình Việt, rất ôn hòa, hàng xóm ra vô gặp đều chào hỏi nhau.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Cá nhân tôi cho rằng, khi cảnh sát chưa điều tra rõ ràng và công bố nguyên nhân xả súng của thủ phạm, thì tôi vẫn kiên nhẫn chờ, không kết luận, không khẳng định vội vàng có sự “tấn công sắc tộc” làm gây thêm sự hoang mang, lo sợ không đáng có cho mọi người xung quanh.

TPT